Việt Nam:Tại sao không? - Dân Làm Báo

Việt Nam:Tại sao không?

Hoàng Thanh Trúc (danlambao) Một đất nước Cộng sản đã vinh danh một con người “không cộng sản”, thì Việt Nam, sao lại không?

Trong suốt chiều dài lịch sử đấu tranh cho Tổ Quốc trường tồn, dân tộc Việt đã sản sinh nhiều Anh Hùng qua từng thế hệ, nhưng để công bằng thì không ai có thể thay lịch sử đặt lên bàn cân rồi tự mình định đoạt trọng lượng của những Anh Hùng ấy, lại càng không thể chủ quan duy ý chí vì ý thức hệ tư tưởng hay khác biệt chính kiến mà nâng cao hay hạ thấp giá trị cao quí của của cái nghĩa Anh Hùng. 

Ngày 9/10 vừa qua, dù được công nhận từ lâu nhưng “triều đại CS Trung Quốc” đã thức thời bằng một hành động cụ thể chính thức tôn vinh một người Trung Hoa khác biệt chính kiến với chế độ CS như trong ảnh dưới đây: 


Chắc chắn là ông Tôn Trung Sơn (Tôn Văn hay Tôn Dật Tiên) không thể là “ngôi sao bắc đẩu” CSXHCN vì: 

Năm 1894, Tôn Trung Sơn từ nước ngoài đã tập hợp Hoa kiều cùng chí hướng thành lập Hưng Trung hội với tôn chỉ đánh đổ phong kiến Mãn Thanh, khôi phục Trung Hoa. Tôn Trung Sơn từng sang Việt Nam hoạt động tại Hà Nội, trong một hội quán của người Hoa ở số nhà 22 phố Hàng Buồm, nay thuộc phường Hàng Buồm quận Hoàn Kiếm. Năm 1905, Tôn Trung Sơn hợp nhất Hưng Trung hội với một số tổ chức trong nước lập thành Trung Quốc Đồng minh hội do ông làm Tổng lý. Trên tờ Dân báo, cơ quan ngôn luận của hội, ông đã công bố chủ nghĩa Tam dân: "Dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc". Từ 1905 đến năm 1911 Trung Quốc Đồng minh hội do ông lãnh đạo tổ chức nhiều cuộc binh biến ở các tỉnh miển Nam Trung Hoa. Ngày 10 tháng 10 năm 1911, Đồng minh hội vận động được binh sĩ ở Vũ Xương (Hồ Bắc) nổi dậy khởi nghĩa và giành được thắng lợi mở đầu cho Cách mạng Tân Hợi (không phải cách mạng CS). Phong trào này nhanh chóng bùng nổ ở nhiều tỉnh khác. Ngày 24 tháng 12 năm 1911, Tôn Trung sơn về nước, được đại hội đại biểu các tỉnh họp ở Nam Kinh đề cử làm Tổng Thống lâm thời đầu tiên của Trung Hoa đại lục. Ông là cha đẻ của chủ thuyết "Tam dân" (dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc). Không chỉ Ma Cao, Hồng Kông hay Đài Loan mà toàn dân chúng Trung Quốc đều tôn ông là "Quốc phụ" vì vậy như “buồm phải theo gió” đảng CS/TQ phải vinh danh là tất yếu. 

Chủ thuyết "Tam dân" của ông (dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc) có ảnh hưởng sâu sắc đến phong trào đấu tranh giành độc lập ở Việt Nam, đặc biệt là Quốc Dân Đảng Việt Nam do ông Nguyễn Thái Học lãnh đạo và tầng lớp trí thức yêu nước Việt Nam trong những năm 1920-1930. Ngay cả sau đó, Việt Minh (Việt Nam độc lập đồng minh hội) cũng được tổ chức theo khuôn mẫu của Trung Quốc Đồng minh hội. Thuyết tam dân cũng được ông Hồ Chí Minh đưa vào bản tuyên ngôn độc lập đọc vào ngày 2 tháng 9 năm 1945. 

Và vì vậy, Việt Nam ngày 1 tháng 12 sắp tới, sinh nhật thứ 109 của nhà lãnh tụ Anh Hùng bất khuất Nguyễn Thái Học - Nhà nước CHXHCN/VN nên chăng? Hãy noi gương người bạn lớn láng giềng “4 tốt 16 vàng” mà thể hiện một nghĩa cử cao thượng tốt đẹp để vinh danh một Anh Hùng “sáng chói” cùng các liệt sĩ “Việt Nam Quốc Dân Đảng” đã can trường vị quốc, oanh liệt hy sinh, bởi tất cả, dù “Không Thành Công Nhưng Đã thành Nhân” trong lòng dân tộc (điều này khẳng định 100%) nhưng lâu rồi vì nhiều lý do bị “mai một” chưa vinh danh cho xứng tầm, ngày “bác” ra đi tìm đường, thì hát xướng vang trời đất, mà ngày 13 anh hùng VN Quốc dân Đảng bị thực dân Pháp đưa lên đoạn đầu đài thì không ai hay? 

Nguyễn Thái Học: 01.12.1902 -17.06.1930) là sinh viên và nhà cách mạng Việt Nam chủ trương dùng vũ lực lật đổ chính quyền thuộc địa Pháp để thành lập một nước độc lập Việt Nam Cộng hòa. Ông sáng lập Việt Nam Quốc Dân Đảng (VNQDĐ) năm 1927 và lãnh đạo cuộc Khởi nghĩa Yên Bái năm 1930. Cuộc khởi nghĩa thất bại, ông bị Pháp áp giải từ ngục thất Hỏa LòHà Nội lên Yên Bái chặt đầu. Đền nợ nước sáng sớm ngày 17 tháng 6 năm 1930, cùng với 12 cộng sự đảng viên VNQDĐ: 

Phó Đức Chính 
Bùi Tư Toàn 
Bùi Văn Chuẩn 
Nguyễn An 
Hà Văn Lạo 
Đào Văn Nhít 
Ngô Văn Du 
Nguyễn Đức Thịnh 
Nguyễn Văn Tiềm 
Đỗ Văn Sứ 
Bùi Văn Cửu 
Nguyễn Như Liên 


Tất cả, trước khi rơi đầu đều hô vang “Việt Nam Vạn Tuế”. 

Sau đó thực dân Pháp thành lập một Hội đồng Đề hình để xử các nghĩa quân VNQDĐ còn lại. Rất nhiều đảng viên VNQDĐ bị chung thân khổ sai, một số tự sát và bị hành hình như: 

Ngày 11 tháng 2 năm 1930, Nguyễn Khắc Nhu đập đầu tự sát trong ngục thất ở Hưng Hóa

Ngày 8 tháng 3 năm 1930, Đặng Văn Lương, Đặng Văn Tiệp, Nguyễn Thanh Thuyết, Ngô Hải Hoằng bị xử chém tại Yên Bái

Ngày 17 tháng 6 năm 1930, Nguyễn Thái Học và 12 đồng chí bị xử chém tại Yên Bái. 

Ngày 18 tháng 6 năm 1930, Nguyễn Thị Giang ( cô Giang ) vợ Nguyễn Thái Học dùng súng tự sát ở gốc cây đề làng Thổ Tang, tỉnh Vĩnh Yên nay là tỉnh Vĩnh Phúc

Ngày 7 tháng 9 năm 1930, Đỗ Thị Tâm nuốt giải yếm tự sát trong ngục thất ở Hà Nội. Khi ấy cô được 18 tuổi. 

Ngày 22 tháng 11 năm 1930, Nguyễn Văn Toại và 4 đồng chí bị xử chém tại Phú Thọ

Tháng 12 năm 1930, Đoàn Trần Nghiệp, hay Đặng Trần Nghiệp, tức Ký Con, và 6 đồng chí bị xử chém tại trước cổng nhà tù Hỏa Lò tại Hà Nội. 

Ngày 23 tháng 6 năm 1931, Trần Quang Diệu, Vũ Văn Giáo, Trần Nhật Đồng và một số đồng chí bị xử chém tại Hải Dương

Ngày 23 tháng 6 năm 1931, Lê Hữu Cảnh bị hành hình trước cổng ngục thất Hỏa Lò Hà Nội. 

Năm 1936, Sư Trạch tự sát tại ngục thất ở Guyane thuộc Pháp. 

Không rõ tháng năm, Lương Ngọc Tốn, Nguyễn Văn Nho, Nguyễn Quang Triều, Nguyễn Minh Luân, Nguyễn Trọng Bằng, Phạm Văn Khuê bị hành hình trước ngục thất Hỏa Lò, Hà Nội. 

Đây là mà một trang sử đau thương nhưng bất khuất và oanh liệt mà chúng ta, những trái tim Việt hôm nay, không phân biệt chính kiến có nghĩa vụ phải ghi nhớ. “Người ta” có thể tưởng tượng rồi dựng nên một anh hùng “Bịa” Lê Văn Tám đứng sừng sững trong công viên giữa lòng TP/Sài Gòn để vinh danh - nhưng tất cả chúng ta - bịp bợm và vong bản - thì không ! 




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo