Bát phở bạc triệu và "bữa cơm kèm berberin" - Dân Làm Báo

Bát phở bạc triệu và "bữa cơm kèm berberin"

Đào Tuấn Năm 2009, những điều tra của báo chí về những bữa ăn "mạ vàng" ở Thủ đô làm dư luận sốc nặng. Một bát súp khai vị giá 98 USD. Tại các "phòng vàng", hóa đơn thanh toán không thể dưới 1000 USD. Thậm chí, xa xỉ đến mức một chai rượu mở nắp cũng phải trả 713 ngàn đồng. Cũng trong năm này, một điều tra về tác động của lạm phát với các nhóm người nghèo được công bố với những câu chuyện làm người ta đau lòng. Ở ĐBSCL, nhiều bậc phụ huynh buộc phải cho con cái nghỉ học. Còn ở miền núi phía Bắc, đồng bào buộc phải cắt xén các chi phí y tế của chính bản thân.

Đến năm 2011, bát phở bò Kobe đã tăng thêm 100 ngàn đồng để đạt mức 1,2 triệu đồng. Có nghĩa một bữa sáng của người giàu bằng thu nhập 3 tháng của một gia đình nghèo. Trong khi ở một trường "nội trú dân nuôi" nào đó, nhà báo Trần Đăng Tuấn, TGĐ AVG miêu tả: "Một nồi cơm và một nồi canh rau cải", không một miếng thịt, dù bạc nhạc, thậm chí không một miếng "tóp mỡ"- thứ "thịt" thời bao cấp- là bữa trưa của 80 mầm non đất nước.

Không thể có một sự cào bằng trong thu nhập, cũng như rất khó để xã hội đạt đến trình độ làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu. Nhưng khi mà những công bố về sự chênh lệch mức lương mà Bộ LĐ-TB và XH công bố thì ngoài chuyện lương của người lao động và người quản lý chênh nhau tới 100 lần, còn ẩn chứa sau đó những bất bình đẳng giữa chính những người lao động với nhau. Chẳng hạn kết quả tổng hợp tình hình của 37 công ty mẹ của tập đoàn kinh tế, tổng công ty “hạng đặc biệt” cho thấy, năm 2010 tiền lương của doanh nghiệp có lợi thế đạt 8,14 triệu đồng/tháng, cao gấp 3,35 lần so với nhóm doanh nghiệp không có lợi thế. Tiền lương của nhóm doanh nghiệp ngân hàng, tài chính đạt 10,5 triệu đồng/tháng, cao gấp 4,32 lần nhóm doanh nghiệp không có lợi thế.

Khoảng cách ngày càng nới rộng giữa người giàu và người nghèo mà mức độ chênh lệch thông qua lương mới là cái có thể nhìn thấy. Bởi đối với người lao động, lương có thể là 100% thu nhập, trong khi đối với cán bộ công chức, với những người lãnh đạo thì hoàn toàn không. Một ví dụ là những câu chuyện xã hội hàng ngày chứa đầy những nghịch cảnh: Cơm công nhân ăn kèm Berberin- một loại thuốc đi ngoài. Và dù "Lương bộ trưởng 40 năm mới mua nổi nhà thu nhập thấp" thì chỉ sau một nhiệm kỳ 4 năm, có quan chức đã xây được biệt thự.

Khoảng cách về lương, bởi thế, không đơn thuần chỉ là con số 100 lần, hay 364 lần cho những khoản thưởng, không đơn thuần là khoảng cách giàu nghèo, mà còn ẩn chứa trong nó những bất công xã hội về những mức lương thưởng "trên trời" không hề tương xứng với mức độ lao động và đóng góp. Ngay sau Sea games, không phải là ngẫu nhiên là những người đóng thuế lên tiếng phản đối khoản thưởng 1 tỷ đồng cho đội U23. Lý do rất đơn giản: Một cầu thủ thậm chí được thưởng hàng chục triệu đồng cho chính công việc của anh ta, một công việc được mô tả là "thắng được những đội bóng làng chỉ còn 10 người trên sân, hòa được một đội bóng vừa thua tan tác trước chính Việt Nam với tỷ số 0-5".

Khi, ngay chỉ đồng lương, đã chứa trong nó một khoảng cách mênh mông thì có lẽ con số chênh lệch giàu nghèo 9,2 lần mà Tổng cục Thống kê công bố qua kết quả cuộc khảo sát mức sống hộ dân cư, có lẽ cũng hoàn toàn chưa phản ánh chính xác mức độ phân hóa giàu nghèo.

Kinh Talmud nói: Nghèo thì đáng sợ hơn 50 loại tai nạn. Nhưng cũng đã qua cái thời giàu có là một cái tội. Vấn đề chỉ là những bất công trong việc phân phối của cải xã hội làm cho 1% dân số ngày càng giàu hơn và đời sống của 99% người nghèo ngày càng khó khăn. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân nảy sinh ra phong trào "Chiếm lấy phố Wall". Bởi dù là ở đâu, thời nào, một xã hội có phân hóa giàu nghèo thì chưa thể có bình đẳng thực sự.

Sau sự thật về những bữa cơm Suối Giàng, nhà báo Trần Đăng Tuấn đã đứng ra thành lập dự án (bữa) "cơm có thịt", dự án giờ đã phát triển thành Quỹ "Vì trẻ em vùng cao".

Nhưng còn phải cần bao nhiêu tấm lòng hảo tâm, bao nhiêu cái quỹ như thế cho đủ khi những "trường nội trú dân nuôi Suối Giàng", nơi chứa đựng những tấn thảm kịch phân hóa giàu nghèo, có ở khắp nơi?




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo