SÀI GÒN (TP) - “Sau chầu nhậu, doanh nhân nọ leo lên đi nhờ máy bay của một đại gia. Báo hại cả hành trình hôm đó, ông doanh nhân kia phải chịu trận vì máy bay không có nhà vệ sinh. Muốn dùng chai nước (rỗng ruột) để ‘giải quyết nỗi buồn’ cũng không được vì trên máy bay còn có nữ giới. Chuyến bay đó thành nỗi khiếp đảm với người đi nhờ máy bay cá nhân...”
Một bài viết trên báo Tiền Phong hôm 12 tháng 11 kể chuyện bi hài khi các đại gia ở Việt Nam đua nhau sắm máy bay riêng, việc cho máy bay cất cánh có khi phải được sự cho phép của Bộ Quốc Phòng.
Theo lời tờ báo, “thời buổi quần áo xịn, xe hơi sang, người đẹp chân dài để đánh bóng thương hiệu đã nhường cho việc sở hữu máy bay. Dù giá trị một chiếc máy bay có khi chỉ tương đương một xe hơi hạng sang.”
Tờ báo cho biết, “Trong giới doanh nhân được xem là giàu có của Việt Nam, hiện sở hữu 2 loại máy bay: Trực thăng cánh quạt và cánh bằng (như của bầu Ðức). Thông thường loại cánh bằng dễ dàng hoạt động hơn vì đã có sẵn các đường hàng không (của các chuyến bay thương mại), máy bay trực thăng (của tư nhân) muốn hoạt động trên vùng trời Việt Nam không phải chuyện dễ.”
“Nhiều đại gia cho rằng mua máy bay chủ yếu phục vụ công việc. Trên thực tế, với sự hiếu kỳ của nhiều người dân hiện nay, việc sở hữu một chiếc máy bay nhiều khi gây được sự chú ý tốt cho thương hiệu hơn cách quảng cáo khác.”
Báo Tiền Phong trích lời một quan chức Cục Hàng Không Việt Nam cho biết, “Với loại máy bay cánh bằng, mỗi lần muốn cất cánh phải xin phép. Nhanh nhất phải mất vài tiếng (nếu đặc biệt), còn thông thường phải mất 7 ngày. Trong trường hợp này, có khi mua vé máy bay thương mại đi còn nhanh hơn dùng máy bay cá nhân. Trường hợp, nếu máy bay trực thăng (loại như của ông chủ Hòa Phát mua) muốn xin cấp phép bay còn khó hơn do phải được phía Bộ Quốc Phòng thẩm định và đồng ý.”
“Các đại gia thường nói, dùng máy bay cho những chặng ngắn, tuy nhiên những loại máy bay cánh bằng không dễ hạ cánh ở mọi địa hình. Còn nếu bay đường dài sẽ vô cùng bất tiện, không chỉ phải hạ cánh dọc đường đổ nhiên liệu hay xin phép bay nhiều chặng (trước đó phải nộp phí bay các loại nếu bay quốc tế).”
Báo Tiền Phong kể những chuyện vui như: “Sau chầu nhậu, doanh nhân nọ leo lên đi nhờ máy bay của một đại gia. Báo hại cả hành trình hôm đó, ông doanh nhân kia phải chịu trận vì máy bay không có nhà vệ sinh. Muốn dùng chai nước (rỗng ruột) để ‘giải quyết nỗi buồn’ cũng không được vì trên máy bay còn có nữ giới. Chuyến bay đó thành nỗi khiếp đảm với người đi nhờ máy bay cá nhân.”
Mua máy bay là để quảng cáo
Vẫn theo báo Tiền Phong, “Ở Việt Nam, hễ ai có máy bay, du thuyền đều được ‘bốc’ lên hàng đại gia. Một chuyên gia kinh tế cho biết, ở nhiều nước, cách đây hàng chục năm, chiêu dùng máy bay, du thuyền để đánh bóng thương hiệu được dùng phổ biến. Bởi vì, so với mức sống người dân, máy bay và du thuyền được sở hữu riêng đã gây hiếu kỳ cho đại bộ phận lúc bấy giờ. Chưa kể, các đối tác sẽ đánh giá doanh nghiệp đó có tiềm lực kinh tế, ngân hàng không quá khắt khe khi cho vay...”
Tờ báo kể chuyện giám đốc công ty Hành Tinh Xanh vừa mua 4 máy bay hạng nhẹ cánh bằng về Việt Nam, mỗi chiếc khoảng 100 ngàn Euro, trả lời báo chí không nhận mình là đại gia. Dù dư luận tôn sùng ông là người mua nhiều máy bay, dù chưa biết khi nào cất cánh.
“Thực tế, giám đốc Cty Hành Tinh Xanh nói đúng. Trụ sở của công ty này thuê một căn phòng nhỏ khoảng 20 mét vuông nằm hẻo lánh (dưới lùm hoa giấy) trong ngõ trên phố Trần Hưng Ðạo (Hà Nội). Từ chính ông giám đốc, đến nội thất văn phòng không toát lên vẻ của người giàu có.”