Mặc Lâm (RFA) - Trong khi dư âm của phiên chất vấn Thủ tướng vẫn còn lan tỏa trên mạng thông tin cả lề trái lẫn lề phải, với sự phấn khởi của người dân khi biết rằng chủ trương của chính phủ đã được công khai và Luật Biểu tình cần được xem xét và soạn thảo.
Thế nhưng chỉ hai ngày sau phiên chất vấn, ít nhất 16 người đã bị bắt, bị đối xử thô bạo vì tụ tập tại Bờ Hồ vào sáng Chúa nhật 27 tháng 11. Dư luận phản ứng trước thái độ của chính quyền Hà Nội từ hành động này ra sao? Mặc Lâm theo dõi và ghi nhận.
Sáng Chúa Nhật 27 tháng 11 người dân Thủ đô có việc chạy ngang tượng đài Lý Thái Tổ chắc sẽ ngạc nhiên vì ngay từ sớm một số các loại xe công an, cơ giới có cả xe buýt và xe công nông đã hiện diện từ sớm tinh mơ. Người hiểu chuyện lại càng ngạc nhiên hơn vì thông tin trên mạng cho biết sáng hôm nay sẽ có một cuộc biểu tình ủng hộ Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng qua việc yêu cầu Quốc hội xem xét và soạn thảo Luật biểu tình. Ngạc nhiên bởi người biểu tình chưa xuất hiện mà công an và an ninh đã có mặt trước hẳn nhiên kịch bản bắt bớ, lôi kéo và thậm chí dùng các biện pháp mạnh bạo đối với người biểu tình chắc chắn sẽ xảy ra.
Tượng đài Lý Thái Tổ, chứng kiến đến bao giờ?
Kể từ khi các cuộc biểu tình chống Trung Quốc liên tiếp diễn ra thì Khu vực bờ hồ đã biến thành nơi nhạy cảm và nguy hiểm nhất Hà Nội đối với những người từng tới đây biểu tình. Tượng đài Lý Thái Tổ đã trở thành điểm tập kết và chứng kiến những cuộc biểu tình của nhiều tầng lớp cư dân thủ đô. Các cuộc đàn áp cũng bắt đầu từ đây và cả nước không còn lạ gì những hình ảnh của trí thức tay trong tay đối diện với lực lượng an ninh bất kể các biện pháp mạnh đang chờ đợi họ.
Có thể từ hình ảnh này mà chính phủ đã chấp nhận xem việc biểu tình của người dân là một đòi hỏi bức thiết của thời đại. Không thể dằng dai trước các bức xúc này và sự lên tiếng của chính Thủ tướng Dũng đã biểu lộ thực thi dân chủ có tác dụng trấn an, và quan trọng hơn hết là nhằm hạ bớt áp lực ngày một lớn của các vấn
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại phiên chất vấn của Quốc hội sáng 25/11. Source chinhphu.vn
đề liên hoàn với nhau từ trưng thu đất đai, bất công xã hội, tham nhũng cấp tập đoàn, kinh tế trì trệ và nhất là sự uy hiếp của Trung Quốc trước hồ sơ Biển Đông có khả năng gây bất ổn trên phạm vi cả nước.
Phấn khích hay phép thử?
Những thành viên trong các cuộc biểu tình trước đây đã ướm tin tức trên mạng sẽ biểu tình như một phép thử thiện chí của nhà nước. Phép thử này có kết quả không mấy lạc quan cho những ai tin rằng đã có cái nhìn khác về người biểu tình ít ra sau khi tuyên bố của Thủ tướng.
Nhạc sĩ Tạ Chí Hải người được cộng đồng mạng ưu ái do sự hiện diện liên tục của ông trong bất cứ cuộc biểu tình nào, sáng hôm nay cũng không ngoại lệ, ông kể việc ra tượng đài Lý Thái Tổ như sau:
-Tôi ra đến đấy thì đúng 9 giờ kém 5 cùng với một số anh em đã quen biết trong những lần biểu tình trước. An ninh họ không cho vào tượng đài Lý Tổ mà chỉ đứng bên Bờ hồ thôi. Lực lượng an ninh thì dày đặc, đủ các loại cho nên chúng tôi ngồi ở ghế đá và số người đang tụ tập ấy bị bắt hết tất cả. Vừa giương cờ lên thôi thì bị chộp luôn. Mười mấy người họ đã theo dõi sẵn rồi. Tôi thì họ tuyên bố luôn: ông không về thì tôi cho ông lên xe!
Họ bị bắt như thế nào?
Riêng anh Lê Dũng một blogger từng bị bắt và bạo hành nhiều lần trong các cuộc biểu tình trước đây kể lại chuyện anh bị bắt vào sáng Chúa Nhật 27 tháng 11 khi anh hoàn toàn không có ý định biểu tình:
-Tôi Lê Dũng, tôi đi một mình, tôi cầm cái túi sách to đùng mua sách cho con. Có những người phía ghế đá tít ngoài Bờ hồ cũng bị bắt như Người Buôn Gió. Nhà báo Đoan Trang tận bên kia đường cũng bị mấy thằng băng đỏ chạy sang bắt.
Một nhân chứng và cũng là nạn nhân khác là luật sư Lê Quốc Quân kể lại, tương tự như anh Lê Dũng, bị bắt lên xe khi vừa đặt chân xuống đường:
-Từ đầu lúc khoảng 9 giờ thì anh Phương vừa đưa cờ ra vừa đi một tí thì bị giải tán ngay. Dân họ tản ra và ngồi xuống ở những ghế, rồi đi lại quanh điểm khởi phát nhưng chưa hình thành được. Khi tôi ra thì không biết ai, không biết là có dân nhiều như thế đâu. Cũng giống như những người đi dạo chung quanh Bờ hồ, những người ngắm cảnh, du lịch thế thôi. Khi tôi đứng lại thì mọi người đến bắt tay vì họ là những người giáo dân mà tôi quen. Khi nghe họ nói đi đi thì mình cũng đi. Sau đó chung quanh họ đứng dậy, tụ họp lại và dần dần khá đông. Sau đó họ dừng xe lại hai người thường phục đến ngoắc tay vào tay mình và kẹp đưa lên xe buýt liền!
Blogger Lê Dũng kể lại việc xảy ra tại trại Phục hồi Nhân phẩm Lộc Hà nơi giam giữ 16 người bị bắt trong đó có anh như sau:
-Đầu tiên từng công an làm việc với mọi người. Họ bảo là vi phạm thế này thế kia thì bị người dân người ta đốt cho. Người ta nói thẳng vào mặt chính các anh là người vi phạm. Người ta đi dạo bờ hồ đẹp như thế mà bảo là tụ tập. Mấy người bị bắt toàn là nhà báo, trí thức cả. Thạc sĩ, kỹ sư anh em hầu hết là kỹ sư. Mười người thì có đến sáu bảy kỹ sư cả. Nhà báo Đoan Trang cũng bị túm vào đấy, mấy thạc sĩ học nước ngoài cũng bị bắt. Lãnh đạo công an cơ động chỉ tay bắt người này, bắt người kia cho bọn băng đỏ, tức là có chủ đích. Chắc người ta đã có danh sách.
Họ vẫn thế, không thể lung lay
Giáo sư Ngô Đức Thọ nhận xét việc an ninh Hà Nội hành xử đối với người dân sau khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được đánh giá cao như sau:
-Tôi thấy phản ứng này là phản ứng không có gì mới mẻ. Nó thể hiện một cách nhìn vẫn là cũ xưa. Đó là một trong những dự đoán mà họ không kịp thời thay đổi. Chúng ta hình dung quốc hội phải như vậy, có đà lên, nhưng họ vẫn đối xử như câu chuyện của nhiều năm trước. Tôi nghĩ trong một xã hội đang chuyển biến để mà xây dựng một nền chính trị xã hội dân sự thì đấy là điều bình thường.
Nhận xét về việc bắt và giam giữ người của công an Hà Nội, với cái nhìn của một luật sư, ông Lê Quốc Quân cho biết:
-Cái chuyện bắt người như thế là hoàn toàn sai pháp luật, vi phạm quyền tự do thân thể của công dân. Cá nhân tôi đang đi dạo ở Bờ hồ một cách bình thường. Khi công an chặn đằng trước mình nhìn lại mới thấy một số người đi. Từ khi tôi bước xuống xe, bước xuống Bờ hồ rất là lác đác người cho đến khi bị bắt khoảng thời gian chỉ 10 phút thôi và chung quanh không có nhiều người.
Do sự bắt giữ của công an đã tạo ra sự gây rối, làm cho nhiều người tập trung hơn. Người ta bắt người như thế là vi phạm pháp luật. Ngang nhiên bắt ngươi không lệnh, không có lý do thì vi phạm nghiêm trọng luật pháp Việt Nam.
Quá mức cần thiết
Dư luận ngạc nhiên không hiểu tại sao chính quyền Hà Nội không có cách hành xử nào khác để phù hợp với những hình ảnh mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tạo ra trước quốc dân chỉ trước đó hai ngày. Bộ máy an ninh đã chạy hết tốc độ vào đêm Thứ Bảy trước đó cho thấy sự lo âu không căn cứ của chính quyền trước một nhóm người nhỏ bé hoàn toàn vô hại. Giáo sư Ngô Đức Thọ kể lại những gì ông biết:
-Họ chuẩn bị rất mạnh chứ không phải bình thương nhưng mình chưa biết rõ. Bởi vì có một chiến dịch rất quy mô mà tôi tình cờ biết được đó là họ cho công an khu phố đi thông báo hết từ tối hôm qua. Họ đi dặn từng nhà thông báo rằng hôm nay không nên ra khu phố cổ, chung quanh tượng đài Lý Thái Tổ, Bờ hồ. Dặn người dân ít đi ra đường, ít tập trung vào chỗ đó. Mục đích nếu ai đến đấy được hiểu là đến để biểu tình.
Với nhạc sĩ Tạ Chí Hải thì công an theo dõi và làm phiền ông lộ liễu hơn, ông kể:
-Vẫn có lực lượng theo dõi chăm sóc. Cứ một người thì có ba bốn nhân viên chính quyền theo dõi. An ninh đi kế bên áp sát luôn! Đêm hôm qua tôi chơi đàn ở Hồ Hoàn kiếm vừa được thông tin đó thì đếm được khoảng tám nhân viên an ninh đủ chủng loại bao chung quanh tôi rồi! Bám tôi tới 2 giờ đêm. Tôi biết rồi vì cái này tôi quen quá!
Tại sao khủng bố niềm tin chúng tôi?
Rất nhiều ý kiến của người dân có quan tâm đến vấn đề cho rằng nếu để yên cho cuộc biểu tình ngày 27 tháng 11 diễn ra thì không những nhà nước được lợi vì đã thực tâm trong cách đối phó với người biểu tình hơn là có những ngăn ngừa thái quá.
Sự phấn khích của người dân trước tuyên bố của Thủ tướng là có thật bởi sau nhiều năm sống trong bức màn thưa, che lấp và làm thông tin biến dạng thì lời lẽ của thủ tướng có tác dụng xóa bớt những vết đen trong thời gian qua.
Việc còn lại của các cơ quan an ninh là thực tập bảo vệ cho người dân trong khu vực có biểu tình bằng các biện pháp nghiệp vụ chứ không thể tiếp tục hành xử như cách mà người dân quen gọi “trên bảo dưới không nghe”.
Chính quyền địa phương nghi ngờ sự phấn khích của người dân sẽ là một lực cản cho bất cứ nỗ lực nào từ các chính sách do chính phủ đưa ra mà sự đồng thuận của người dân được xem là kết quả của nhà nước đó.
Trong khi hai chữ “biểu tình” vẫn được trân trọng bàn luận trên mặt báo cả nước thì đâu đó người dân có quan tâm tới vấn đề này đã nảy sinh câu hỏi mới: “Tại sao lại khủng bố niềm tin của người dân như thế?”
Mặc Lâm