Phỏng vấn một cụm từ - Dân Làm Báo

Phỏng vấn một cụm từ

Liêu Thái (Tiền Vệ) Cụm từ này đang rất hot, nhưng không dễ nhận ra nó, từ từ nha, nó nói là chuyện nó nói, thật đấy, nó thành thật, nhưng tin nó như thế nào thì là chuyện hên xui và thuộc về sức mạnh cá nhân cũng như thế lực phe nhóm... À há! Nó tên là Phản Động, có người nhầm nó là bóng ma, cũng có người nghĩ rằng nó đang ngộ Phật, có người còn cho rằng nó là một Bồ-tát, hay là một Niết-bàn khác sau khi Phật nhập diệt. Cứ thế, mỗi người đều gán cho nó một cái định nghĩa trên... một cái định nghĩa trên... một cái định nghĩa.


Phóng viên: Thưa ngài, ngài từ đâu đến? Cụ thể là ngài sinh ra từ cuốn tự điển nào? 

Cụm từ: Ông hỏi khó hiểu hết sức! Tôi không trả lời ông cái nơi tôi đến, đó là một bí mật, ông chỉ cần biết tôi vốn đẻ ra tự điển chứ không phải tự điển đẻ ra tôi! 

Phóng viên: Vậy ai đẻ ra ngài? 

Cụm từ: Tôi được sinh ra từ chủ nghĩa chứ không phải từ tự điển, chủ nghĩa mới đẻ ra nổi tôi. Ông biết rồi đó, chủ nghĩa thì rất mơ hồ, không giống như tự điển. Nhưng cái độc đáo của chủ nghĩa là nó làm cho tự điển trở nên chính xác hơn, chuẩn hơn và cụ thể hơn. 

Phóng viên: Ngài nói gì tôi không hiểu? 

Cụm từ: Ví dụ nhá, thần chết là một cái tên được sinh ra từ luận lý triết học, sau này là chủ nghĩa hư vô, vô thường hoặc triết lý cát bụi gì gì đó... Mấy cái thứ này là mơ hồ, hết sức rối mù và vô nghĩa. Tự điển cũng sẽ vô nghĩa gấp bội lần nếu như khi đọc cụm từ này trong đó mà chưa thấu cái chủ nghĩa trên. Nhưng đến bây giờ, chỉ cần một ai đó bị thần chết đến viếng, thì người ta rõ mồn một về ý nghĩa của nó, nó sáng nghĩa trong tự điển. 

Phóng viên: Và ngài...? 

Cụm từ: Thì cũng vậy thôi, hễ ai dính vào ta, thì xem như ta đã vận vào hắn, mà một khi ta — Phản Động — vận vào thì cũng đồng nghĩa với tù đày, bắt bớ, hay nói văn chương một chút là chim lồng cá cậu cảm cúm chiều thu, ẹk ẹk! 

Phóng viên: Điều này can hệ gì tới tự điển và chủ nghĩa? 

Cụm từ: Quả là đầu óc ngươi bụi bặm khét khú quá! Khó mà nói cho sáng với ngươi được. Ngươi cứ thấy luật sư họ Cù, rồi hàng loạt các nhà biểu trưng của ngươi đó, ta vận vào một cái là xong đời, như vậy thì còn hỏi gì thêm cho mệt! 

Phóng viên: Nhà biểu trưng là sao? Không hiểu? Và ông nói thêm về chủ nghĩa? 

Cụm từ: Này nhá, cũng là một cái từ như ta — Phản Động — nhưng với người này, nó được hiểu khác, với người kia nó được hiểu khác, cho dù trong tự điển, ta chỉ là một cụm từ, vì đâu? Vì con người mang tư tưởng, ta bị tư tưởng áp đặt, mà giữa tổ tông của ta và tư tưởng vốn có mối thâm giao phát sinh cựu thù, ân oán ngút ngàn, khó mà tả xiết. Vì đâu? Vì cái hệ nghe nhìn của các ngươi bỏ tù chúng ta! 

Phóng viên: ??? 

Cụm từ: Phản động, ta là một cái tên rất ư vô hồn, vì sao, vì thằng này không thích thằng kia, con này không thích con kia, mụ này không thích mụ kia... căng thẳng hơn một chút, không thích mà lại bị chơi ngược, nghĩa là làm những gì mình cho là trái khoáy, không đúng ý mình thì bắt ta phải vận vào, gọi là Phản Động. Với người này, là Phản Động, nhưng với người kia lại là yêu thương, chung thủy, nói nôm na theo diễn ý các ông bây giờ là Yêu Nước. Ta rất buồn cười vì điều này, chưa bao giờ từ ngữ lại “phản động” như bây giờ, có nghĩa là các ngươi bắt chúng ta phải tuân thủ theo ý nghĩ “phản động” của các ngươi bằng cách đeo vào mình cái tên chính thống là Yêu Nước. Haiz! 

Phóng viên: Ủa, các ngài cũng có chính thống và phi chính thống cơ? 

Cụm từ: Ồ, hoàn toàn không có chuyện này, vì các người tự phân nhóm đồng loại với nhau, hễ nhóm kia đụng đến quyền lợi của nhóm này thì nhóm này ghép ta vào, bê thằng cha Yêu Nước về phía họ, cứ như vậy và ngược lại, bọn ta chạy lòng vòng chóng mặt bỏ xừ! Nhưng kể cũng lạ, vì chưa bao giờ ta thấy hãnh diện như lúc này. Người ta tôn vinh ta quá thể! Đến độ ta thấy nhột nhột làm sao í! 

Phóng viên: Ý này tôi thật sự không hiểu? 

Cụm từ: Vì chưa bao giờ ta được vận trang phục sang trọng như bây giờ, những người ta vận vào họ, đều rất quí phái, và trong một nghĩa nào đó, lão Yêu Nước rất bực mình và ghen tị với ta, lão cứ nghĩ là ta phỗng tay trên của lão, lấy hết quân lực, nội lực về phía mình... lão Yêu Nước cứ bảo ta đã đánh tráo nhân vật, lẽ ra họ Cù, họ Lê, họ Nguyễn, họ Huỳnh... thuộc về lão. Đằng này lão phải vận vào những họ khác mà lão chẳng hề hợp. Ta nói nhỏ nghe, theo như lão Yêu Nước nói thì dạo này lão bị chứng thúi tai, lão rất ngại bước ra đường. Ha ha, ta cứ là Phản Động, ta đang rất sang trọng, lạy trời đời ta mãi như thế này! 

(Nói đến đây cụm từ bật khóc) 

Phóng viên: Vì sao ngài khóc? 

Cụm từ: Vì ta đang rất buồn! Ngươi thử tưởng tượng, một bà góa chồng mới chết, trong lòng rạo rực sức sống, thèm được ịt ịt liên tu cho thỏa chí thuyền quyên, đùng một cái, ông vua treo bảng Tiết Hạnh Khả Phong trước cửa, bà ta muôn đời ở vậy mà giữ cái tiết hạnh vua ban, có nỗi đau nào hơn! 

Phóng viên: Chuyện của ngài và chuyện này có liên hệ gì? 

Cụm từ: Ồ, tưởng là khác mà chả khác tí nào đâu cưng! Ta vốn tên là Phản Động, tự điển mặc nhiên rêu rao ta là kẻ xấu. Bây giờ lão Yêu Nước phỗng tay trên của ta, lượm mất cái hay của ta, bắt ta vận vào toàn mấy người tử tế của lão. Khiến ta đi đứng cũng dè chừng. Ta bây giờ cứ vận vào ai là người đó được thán phục, được ngấm ngầm tung hô. Đâm ra... Ta trở nên cù cum. Chuyến này ta quyết kiện lão Yêu Nước. Lão này ba xạo! 

Phóng viên: ??? 

Cụm từ: Đơn giản, ta muốn sống đúng với bản chất của ta, và lão Yêu Nước cũng thế, vì ta là Phản Động, tại sao cứ bắt mấy tay họ Cù, họ Lê, họ Nguyễn... áp đặt vào ta! Vô Lý, đây không phải là phận sự của ta! 

Phóng viên: Nhưng ngài sinh ra từ chủ nghĩa, nên ngài phải chấp nhận sự điều phối của chủ nghĩa chứ? 

Cụm từ: Ngươi nói nghe buồn cười! Ta suy nghĩ lại rồi, ta chỉ là một khái niệm, à mà không, ta là một định nghĩa. Mà chủ nghĩa là kẻ thù của định nghĩa. Từ hôm nay, ta sẽ đoạn tuyệt với chủ nghĩa. Thứ đó ngửi không vô, ta muốn sống bằng chính ta, nhưng ai cho ta sống? 


Nói đến đây, cụm từ mang tên Phản Động kêu gào thảm thiết, chả khác nào Chí Phèo rạch mặt kêu gào “Ai cho tao làm người?”. Thấy vậy, phóng viên nhẹ nhàng cầm dép lên tay và... rút êm!




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo