Quyền lực cá nhân : Bạn, Tôi và Trung Quốc - Dân Làm Báo

Quyền lực cá nhân : Bạn, Tôi và Trung Quốc

Blog Ánh Trăng - Thùy Linh giới thiệu thêm một bài viết của một bạn gái đang học cao học tại Hoa Kỳ có tên là Panda Tun. Đọc để biết thế hệ trẻ ngày nay suy nghĩ và hiểu biết như thế nào? TL yêu họ, khâm phục họ và có thêm hy vọng, niềm tin vào ngày mai…Ngày mai thuộc về những người trẻ tuổi này.
***
QUYỀN LỰC CÁ NHÂN: BẠN, TÔI VÀ TRUNG QUỐC (PI)
 

Panda Tun - Tôi viết những điều này sau khi nghe kể những người bạn Việt Nam của tôi phản ứng với một sinh viên Trung quốc khi cậu ta hỏi: “Bạn có ghét người Trung quốc hay không?”, và những người bạn của tôi, hiểu cậu ta nói gì nhưng đã tảng lờ bằng cách gợi ý rằng: “Thôi, không nói chuyện chính trị”, và tiếp tục trêu người Trung Quốc đó …

Sự thiếu quan tâm, thờ ơ, và bàng quan của những người xung quanh khiến tôi thực sự đau xót. Tôi đọc đâu đó nói về sự xâm lấn biên giới, lãnh hại, không nguy hại bằng sự xâm lấn và thôn tính về mặt văn hóa.

Những ai quan tâm đến tình hình chính trị trong nước đều ít nhiều hiểu được điều tôi vừa nói ở trên. Tôi đau xót khi nhìn sự vô tư – một thứ vô tư, hồn nhiên đến đau lòng của những người thân quen khi tiếp nhận những gì được dọn sẵn, những gì dễ dãi, mà quên đi, chính sự dễ dãi đó cũng là một sự lựa chọn chính trị, trong đó ta nhường bước, bán linh hồn và tinh thần dân tộc, những gì quý giá về mặt tinh thần của mình…

Các bạn thân mến,

Mỗi ngày, tôi đều dành một chút thời gian lướt qua các trang mạng để xem tình hình trong nước, xem những người dân nước mình tại Hà nội, Sài gòn phản ứng như thế nào với những hành động gây hấn, bạo ngược của Trung quốc trên biển Đông…Và tôi xem báo chí trong nước nói gì về những người đi biểu tình, quan chức nhà nước nói những gì. Vào trang của những người phản đối hành động của Trung Quốc, tôi đã thấy những người cầm quyền ở Việt Nam, thông qua công an thường phục, đồng phục và rất nhiều các dân phòng, cảnh sát cơ động…đối xử tồi tệ, làm tổn thương những người yêu nước, tổn thương lòng yêu nước của mọi người như thế nào để xoa dịu Trung quốc.

Tôi cũng đọc những bài báo phân tích cho thấy Trung quốc đã gây những ảnh hưởng sâu sắc đến Việt Nam như thế nào, từ những vấn đề tưởng như không có gì quan trọng thông qua văn hóa. Thông qua phim ảnh, họ truyền bá văn hóa theo mục đích phục vụ sự bá quyền. Không biết bằng cách tác động nào, những di tích nói lên hành động của cha ông ta chống Tàu (những tấm bia ở nhiều nơi ghi công người đã khuất vì dũng cảm chống Tàu đã bị đục đi mất chữ “chống Tàu”), hoặc bị thay thế. Rồi những vấn đề lớn như kinh tế, chính trị (mà gần đây nhất là Trung quốc đã trúng những gói thầu lớn liên quan đến kinh tế của VN- báo SGTT đã phân tích những cái hại khi toàn bộ ngành năng lượng của VN đặt vào tay TQ nguy hiểm như thế nào. Bạn có thích nghe nước mình phụ thuộc thế không? Và hẳn nhiên bạn cũng không thích cảm giác bất an phải không, khi bạn biết từ trong lịch sử đến giờ, nước này không đáng tin như thế nào.

http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2011-06-17-khi-hau-het-cac-goi-thau-epc-vao-tay-trung-quoc

Trước đây có blogger đã đưa tấm bia ghi công chiến sỹ đã hy sinh khi đánh lại Trung quốc năm 1979 đã bị đục bỏ phần ghi cuộc chiến mà anh tham gia, giờ đây là thông tin mới nhất, cũng liên quan đến văn hóa:

http://xuandienhannom.blogspot.com/2011/07/pham-xuan-nguyen-au-xot-nhuc-nha-biet.html

Tôi biết, khi bạn mở ra một trang web, một blog, thấy nói những điều bạn chưa biết, và khác với những gì báo chí hay nói, bạn có thể cho rằng đó là “phản động”. Khoan hãy kết luận. Hãy đọc và xem nội dung họ viết như thế nào, rồi hãy tìm hiểu về thông tin họ nói, và tác giả.

Bạn hãy làm những điều ấy như một người biết nghi vấn, thay vì để những nỗi sợ hãi, những cái mà bạn đã được học từ cả một hệ thống, khiến bạn cứ nghĩ họ là người tồi tệ. Bạn học critical thinking, bạn biết về stereotypes, tác hại của những assumptions (giả thiết sai lầm nhưng bạn tin là đúng) đã gây hại đến như thế nào trong con đường đi tìm sự thật, vậy sao không áp dụng đi, các bạn của tôi?

Ví dụ như khi bạn đọc bài này chẳng hạn, nói về công an đối xử thế nào với một người biểu tình- ông Nguyễn Quang A.

http://xuandienhannom.blogspot.com/2011/07/tin-nong-co-lien-quan-en-ts-nguyen.html

Nếu như bạn đọc xong rồi mà không biết Nguyễn Quang A là ai, hay nghi ngờ những điều ông nói. Tốt! Dù sao cũng tốt hơn là khi đọc xong bạn không quan tâm, không nghĩ gì,một cái đầu nghi ngờ sẽ tốt hơn cái đầu của bạn đặc quánh với sự tối tăm và vô cảm. Hãy nghi ngờ tôi, nghi ngờ ông Quang A này, nghi ngờ những tờ báo mà bạn đọc. Tốt, nhưng hãy đừng bao giờ dừng lại đó.

Hãy tự bạn đi tìm sự thật cho chính mình. Bạn xem xem, họ nói khác nhau như thế nào? Bạn hãy kiểm chứng những thông tin mà bạn thấy. Bạn hãy nghĩ về con người bạn, những sợ hãi, những quyết định trong quá khứ, những trải nghiệm và quan sát của bạn về thế giới xung quanh mình. Chẳng bao lâu, dù không thỏa mãn 100%, nhưng bạn sẽ có một sự nhạy cảm tốt hơn về những thông tin đến với bạn- nó phải chịu sự xét đoán của bạn, chứ không phải khiến bạn làm nô lệ cho nó.

Trong lúc nhiều người trong nước được dặn dò hãy tin vào nhà nước, thì các di tích như tôi vừa nói bị đục khoét có lợi cho Tàu, nhà nước thay vì phản đối Tàu và hiệp lực với nhân dân thì lại đi đánh người biểu tình để Tàu khỏi giận, xóa bỏ những trang sử Việt Nam đánh nhau với Tàu gần đây trong nhà trường, cho in những tác phẩm ca ngợi lòng dũng cảm, yêu nước của lính Tàu trong cuộc chiến tranh biên giới (mà thực ra là cuộc xâm chiếm Việt Nam), thì nhà nước đầy tham vọng bá quyền Trung quốc đã làm gì? Các bạn hãy xem một ví dụ:

Một cuốn sách Việt tuyên truyền đường lười bò của Trung Quốc

Trung quốc không những dạy cho người dân họ, cho các trẻ em của họ, mà họ còn cố gắng để “dạy” cho dân VN về lãnh thổ của Trung quốc.

Nếu nhà cầm quyền Trung quốc cố tình dạy cho dân chúng nước họ những thông tin sai, rằng toàn bộ biển Đông là của họ bằng cả một bộ máy tuyên truyền khổng lồ, chỉ cung cấp thông tin một chiều, với dân số hơn 1 tỷ người tin rằng chính quyền họ đúng, ta có thể làm gì?

Ta viện cớ mình bận rộn, không có thời gian, trong lúc ta cố gắng tìm cách để quên đi những thực tại khiến ta suy nghĩ, để có được sự vui vẻ, thanh thản. Ta cố gắng lảng tránh cơ hội trò chuyện thẳng thắn và sâu sắc bằng cách đùa bỡn, gạt những vấn đề đang tranh cãi sang một bên để cười, để vui vẻ với những người bạn (phần đông là người Trung quốc).

Tôi không phản đối sự hài hước và niềm vui của bạn, vì những điều đó rất cần cho cuộc sống này. Nhưng sự hài hước ấy được ưu tiên hơn là những tìm hiểu và trò chuyện nghiêm túc để tăng cường sự hiểu biết, khiến ta đang trở thành một người vô cảm, không kiến thức về dân tộc mình, không lòng tự hào, không ý thức mình thuộc về nơi đâu, đất nước nào (chứ không phải chính quyền nào), thì ta dạy con cái chúng ta như thế nào về đất nước, dân tộc ta?

Ta lảng tránh tìm hiểu, vậy ta sẽ nói gì đây về chúng ta với những người bạn sẵn sàng lắng nghe? Ta sẽ nói gì đây để có thể giúp những người Trung quốc đứng về phía chúng ta (trong sự hiểu biết, trung thực và công bằng, chứ không phải sự dễ dãi đồng ý)? Chúng ta nói gì về việc làm sai trái của chính quyền họ với những người ngư dân của mình?

Tôi thường nghe các bạn nói rằng: “chính trị phức tạp lắm, nhiều tranh cãi, vậy hãy gạt sang một bên. Tôi sẽ làm mọi điều để phát triển xã hội tôi, mang lại công bằng cho nhân dân tôi, cải thiện môi trường đất nước tôi, trao cao quyền năng cho những người dân thiệt thòi ở nông thôn, những người thiểu số trong xã hội…”

Bạn quá ngây thơ hay vờ không biết rằng kể cả những cách bạn đang suy luận ấy cũng không phải là sản phẩm của quá trình tư duy logic trong bạn. Hoặc đó là một sự thỏa hiệp để khiến bạn cảm thấy thanh thản hơn. Hoặc đó là sản phẩm của sự vận động mà chính quyền nhắm vào tất cả chúng ta- hãy lo việc của các anh cho tốt, là nhà khoa học, hãy làm giỏi, bác sỹ hãy giỏi tay nghề…còn việc khác, để tôi lo.

Tôi nói bạn ngây thơ, vì những gì bạn tưởng là của bạn, nhưng không phải thế. Nó là một sản phẩm từ trí óc của bạn, nhưng bạn lấy đâu những dữ liệu để phân tích và đưa ra một quyết định? Thông tin bạn nhận được chỉ một chiều, được lập trình có lợi cho một nhóm lợi ích nào đó, kết quả đầu ra trong suy nghĩ của bạn cũng sẽ như thế. Bạn không tìm thêm thông tin khác, nhiều hơn một nhóm, bạn không suy nghĩ, chiêm nghiệm, bạn không nghi ngờ, bạn quyết định dễ dàng theo những gì bạn được dạy, những suy nghĩ mà bạn có, không phải là của bạn.

Tôi nói không đúng sao, vì bạn không dám bước khác đi, bạn không dám nghĩ khác, ngay cả khi bạn ở một đất nước tự do, bạn được phát biểu, được tự do tìm hiểu, không có một cảnh sát nào ở bên.Trong bạn đang có những người “cảnh sát”, điều chỉnh tư tưởng của bạn. Bạn có tự do, nhưng tự do ấy không phải là quà tặng miễn phí. Đầu óc bạn cũng không tự do, nếu như bạn không đấu tranh mạnh mẽ để khiến tâm trí mình trở nên tự do.

Tôi nói bạn ngây thơ khi nghĩ rằng không động chạm, quan tâm đến chính trị, bạn vẫn có thể làm tốt. Rồi một ngày không xa, bạn sẽ nhận thấy làm gì mà không đụng đến thể chế, đến chính trị. Bạn không thể thay đổi gì nhiều trong xã hội nếu bạn không đấu tranh và đụng chạm đến chính trị.
Bạn thay đổi vấn đề môi trường ở Tây nguyên như thế nào, nơi các nhà máy khai thác Boxit của Trung quốc thải những chất độc hại đang phá hủy môi trường ở đó?

Bạn định thay đổi nước Sông Hồng đang ô nhiễm như thế nào, khi nguồn nước từ đầu nguồn (Trung Quốc đổ về), toàn các chất thải công nghiệp? Bạn tưởng đó là chỉ vấn đề môi trường thôi sao? Không đâu!

Bạn thay đổi đời sống những người dân tộc thiểu số như thế nào, khi những người hoạch định chính sách cố tình không tạo sự phát triển dân tộc như vẫn nói, hay không thèm quan tâm? Bạn sẽ làm thế nào để thay đổi cách quản lí của địa phương nơi bạn khi tất cả những người làm trong hệ thống đó không có năng lực và bạn không thể thải hồi họ?

Tôi đồng ý với bạn rằng về vĩ mô, ta, với sức nhỏ bé không thể làm gì được nhiều, và trong phạm vi ta có thể ảnh hưởng, ta sẽ làm hết sức mình, và cố gắng thay đổi được những người trong phạm vi của mình. Tất cả chúng ta làm tốt, xã hội sẽ tiến bộ.

Nhưng bạn không hiểu được những gì đang diễn ra trên đất nước mình, bạn lảng tránh tìm hiểu. Bạn có biết sự im lặng của bạn, sự bỏ qua việc tìm hiểu của bạn, việc bạn xác định không đụng chạm đến vấn đề chính trị của bạn cũng là một hành động, lựa chọn mang tính chính trị hay sao? Và sự im lặng, bàng quan của bạn sẽ có lợi cho ai? Bạn có thể đoán được câu trả lời.

Còn nếu không, hãy nghe câu này:

“The ultimate tragedy is not the oppression and cruelty by the bad people but the silence over that by the good people.” given by Martin Luther King

Bi kịch lớn nhất không phải là sự đè bẹp hay tàn ác của những kẻ xấu xa, mà đó chính là sự im lặng của những người tử tế.

Thực lòng,tôi biết rõ rằng chúng ta có thể sẽ không thể giữ được Trường Sa, và những cuộc biểu tình hàng tuần vào chủ nhật trong thời gian này cũng sẽ chẳng làm rung động được những người lãnh đạo hay sẽ làm thay đổi mối quan hệ của VN-TQ. Nhưng tôi ngưỡng mộ và kính trọng những người dám xuống đường biểu lộ tình yêu, quan điểm và mối quan tâm của mình- họ dám dùng một cái quyền đã có sẵn từ trong luật của mình, nhưng chúng ta đã không dám dùng.

Điều khiến tôi thực sự đau lòng nhất không phải là việc Trung quốc chiếm đất hay chiếm biển và dạy người dân họ những điều sai trái, mà chính là việc con người chúng ta trở nên quá thờ ơ, không quan tâm đến việc ta đã mất đất nước rất nhiều- nhiều hơn cả phần đất mà Trung Quốc lấy được ở Thác Bản Giốc hay ải Nam quan, hay lãnh hải mà Trung quốc đang xâm chiếm trên biển Đông.

Thực vậy, nhìn vào kinh tế của chúng ta, có cái gì không là của Trung quốc đâu. Đến cả những nguồn tài nguyên của chúng ta, năng lượng của chúng ta, Trung quốc cũng nắm hết những phần quan trọng. Nhìn vào văn hóa, đơn giản là vào chương trình chiếu phim truyền hình xem, tràn ngập những bộ phim mà kẻ thủ lãnh không ra gì nhưng các bề tôi trung thành vẫn tận tâm phục vụ- ta bị đầu độc ngay từ bé vì ta xem nó hàng ngày, khiến ta tin rằng làm như thế là phải đạo, hoặc ít nhất ta giải trí và quên đi thực tại, quên đi ý định tìm hiểu.

Tôi đau lòng vì con người nước mình đang đánh mất đi bản thân mình, ý thức dân tộc, lòng tự hào dân tộc. Ta trở nên quá dễ dãi, quá dễ chấp nhận. Ta không biết mình là ai, và mỗi khi ta ngồi cùng nhau xem những bộ phim tàu đang truyền bá những tư tưởng độc hại (Đọc bài của nhà báo Đoan Trang: Bá quyền văn hóa của Trung quốc), tìm kiếm những phút thư giãn rất nghèo nàn, ta đang quên đi đất nước ta phải đối mặt với điều gì, những gì xẩy ra với chúng ta từ trước đến nay, ta có thể làm gì? Chúng ta có sự tự do để tìm hiểu và xem lại những kiến thức của chúng ta. Bạn nói với tôi “bạn không biết”, nhưng với tôi, vấn đề không phải bạn không biết mà là “bạn không quan tâm”.

Tôi ghét Trung quốc - các chính thể đầy tham vọng và độc ác, nhưng tôi không ghét riêng từng cá nhân. Tôi vẫn nói chuyện với họ và đối xử như bình thường. Tôi vẫn chơi với những người Trung quốc mà tôi thấy hợp, tử tế và chia sẻ mối quan tâm với tôi. Và tôi biết rằng vẫn có những người Trung quốc, dù thật thiểu số, ở đâu đó có kiến thức và lương tâm đủ biết chính quyền họ tồi tệ như thế nào. Bởi vì chính quyền của họ không chỉ tệ đối với nước khác, mà còn với chính những người dân nước họ.

Tôi biết mình không nên giữ định kiến rằng “người TQ thì như thế này, hay thế khác”, bởi vì tôi biết rõ nhà nước và dân tộc, người dân có nhiều điểm chung nhau nhưng vẫn khác nhau. Và tôi biết rằng nếu ở một đất nước, người dân chỉ được nhà nước cung cấp thông tin gì, thì biết thông tin đó, thì nếu nhà nước tồi tệ đó tồi tệ, độc tài, cũng khó có hy vọng nhiều vào người dân nước ấy… Nhưng rồi, nhìn vào nước mình, tôi càng biết mình phải phân định rạch ròi và phải xét đoán mọi người, bởi vì ngay cả ở nước mình, dù vậy, cũng có những người dám phản đối hay không đồng tình với cách nhà nước đang làm.

Ta có thể làm gì?

Bạn đừng nghĩ rằng tôi xui bạn đi biểu tình, hay đấu tranh rất cao xa. Tôi chỉ nghĩ rằng điều chúng ta có thể làm được, tốt ở mọi nơi, đó là hãy LÀM CHO MÌNH ĐƯỢC TỰ DO, dùng sự tự do của mình, những gì mình có, để hiểu cho thấu đáo, đừng để ai bịt mắt và dẫn dắt mình, ngoài trái tim thực sự và trí óc thực sự của bạn, chứ không phải là những điều bạn tưởng là của bạn, nhưng bạn đang mang một trái tim và trí óc lên chương trình sẵn rồi-không phải từ ADN của bạn, không phải từ bộ não của bạn đâu. Còn ai lên chương trình cho bạn, hãy tự đi tìm, đó là “bài tập lớn của bạn, nếu bạn thực sự quan tâm”. Hãy quan tâm, đừng dửng dưng, đừng nguội lạnh.

Cũng có thể ta cùng bắt đầu bằng việc nhìn nhận về sức mạnh của chính bản thân mình, và bước lên khỏi sự sợ hãi và định kiến ….

MA, 29/7/2011



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo