Đào Tuấn - Ngày mai, 15-12, giá vé hàng không sẽ chính thức tăng 20%. Và, dù bản chất máy bay chỉ là một loại xe bus biết bay, thì với cái giá cao nhất tới 5 triệu đồng, hoặc 8 triệu cho vé khứ hồi tuyến Hà Nội- TP HCM, phương tiện hàng không, vì thế, có lẽ đã chính thức chỉ dành cho vài % dân số nhà giàu.
Nhà nghèo thì đi bằng gì? Khi mà giá vé máy bay bằng số tiền cả năm thu nhập của những hộ nghèo?
Chỉ có hai sự lựa chọn: Hoặc xe nhồi, hoặc may mắn hơn, chen nhau bẹp ruột để có được một chỗ trên chuyến tàu cuối năm. Năm ngoái, người ta phát hiện ra một chiếc xe 24 chỗ nhồi tới 74 khách. Ngay dịp 2-9 vừa rồi, một chiếc xe 45 chỗ cũng bị phát hiện nhồi tới 96 hành khách. Còn tại ga Sài Gòn bây giờ, người nghèo đang chen chúc xếp hàng từ 12h đêm hôm trước tới 12h trưa hôm sau chỉ để mua được một chiếc vé tàu. Cần phải nói thêm là giá vé tàu tết năm nay cũng đã tăng cao nhất tới 39%. Nguyên nhân được ngành đường sắt giải thích gọn gàng “giá xăng trong năm đã tăng tới 40%”. Và “Tăng là để bù đắp chi phí cho chiều chạy rỗng”.|
Người ta có thể không đi “Airbus” để đi xe khách nhồi. Nhưng trẻ con thì không thể không uống sữa. Và cuộc sống không thể không có điện.
Giá sữa vừa tăng cao nhất tới 19%. Giá gas vừa tăng. Than đang đòi tăng giá bán cho điện. Còn điện, có nguy cơ tăng ngay trong tháng 1, sẽ tăng “không vượt quá 15,28%” nhưng cũng không thể dưới mức “hai con số”. Còn giá xăng, dù “lên xuống theo giá thị trường” thì tổng kết lại, giá xăng cả năm cũng như lạm phát, tăng ở mức hai con số và hoàn toàn chưa có dấu hiệu dừng lại.
Chưa năm nào mà bão giá hình thành sớm như năm nay.
Chưa năm nào bão từ giá hàng hoá vượt trước bão từ giá tâm lý như năm nay.
Trong đúng hai tuần “cái gì cũng tăng” này, giá lúa gạo tại vựa lúa ĐBSCL bất ngờ giảm mạnh. Một tờ báo đã dùng từ “Giảm chưa từng thấy” khi thống kê mức giá từ 7.400 đồng/kg bất ngờ quay đầu tụt dốc và lao không phanh xuống chỉ còn 5.800 đồng/kg.
Nông dân sẽ lấy đâu ra tiền để đối phó với “giá tết” và bão giá đây?
Trong cuộc họp báo giải thích về việc tăng giá vé máy bay, Cục Hàng không và VietNam Airline cho rằng đây là mức giá "còn dưới mức tối đa của khung giá cước" và là mức giá “bình ổn thị trường”, chỉ để “đảm bảo có lãi”. Tuy nhiên, trong giải thích này có một điểm rất đáng lưu ý là thuật ngữ “đường bay còn vị thế độc quyền”. Ở Việt Nam, làm gì đã có đường bay nào “không còn vị thế độc quyền” với đúng nghĩa của từ này?
Cũng lạ. Chỉ vài ngày sau khi Hãng hàng không quốc gia VietNam Airline tăng giá vé thì Hãng hàng không tư nhân đầu tiên của Việt Nam- Vietjet Air tung gói khuyến mại. Theo đó giá vé tuyến Hà Nội- TP HCM chỉ 10 ngàn đồng. Cái giá mà các nhà báo đã so sánh rất chính xác là bằng “hai cốc trà đá”. Sự khác nhau, ngoài chuyện giá vé chênh tới 40-50 lần, còn ở hai chữ “quốc gia” và “tư nhân” nữa.
Những dự báo lạc quan thì nhận thấy rằng Chỉ số giá tháng 12 sẽ tiếp tục “chậm lại”, và CPI cả năm sẽ “đạt chỉ tiêu 18%”. Nhưng chậm lại không có nghĩa là không tăng. Và “đạt chỉ tiêu” sau khi chỉ tiêu đã hai lần được điều chỉnh, khi mà chỉ tiêu được giao ban đầu chỉ được phép “không quá 7%”.
Tại kỳ họp Quốc hội vừa rồi, chỉ tiêu lạm phát 2012 được xác định “không vượt quá một con số”. Nhưng nếu chưa hết năm 2011 mà giá cả đã tăng ào ạt, đã tăng trước cả đợt “giá tết”, đã tăng “lấy đà” và năm 2012 sẽ bắt đầu một cách tồi tệ bằng việc tăng giá điện ở mức “hai con số” thì sẽ lại có chuyện “xin nới” chỉ tiêu lạm phát?
Chính phủ, có thể "xin nới" và vẫn hoàn thành nhiệm vụ, nếu lạm phát quá cao. Nhưng nhân dân sẽ lấy cùi tay ra để đỡ bão giá?