Điện ảnh - để sạch nước cản! - Dân Làm Báo

Điện ảnh - để sạch nước cản!

Hồ Trung Tú - Không phải vô cớ mà lễ trao giải Oscar luôn hấp dẫn, và cũng không phải vô cớ mà lễ khai mạc thế vận hội Olympic Bắc Kinh 2008 được giao cho một đạo diễn điện ảnh là Trương Nghệ Mưu. Điện ảnh là nền nghệ thuật đòi hỏi sức tưởng tượng mạnh. Hay nói cách khác, không có tâm hồn bay bổng, không có sức tưởng tượng mạnh thì thôi, đừng làm điện ảnh!

Xem lễ bế mạc Liên hoan Phim Việt Nam XVII được tổ chức tối 17-12 tại TP Tuy Hòa, Phú Yên nhiều người , nhiều bài báo đã phải thốt lên lời chán ngán về sự buồn tẻ, đơn điệu, không chỉ của buổi lễ mà cả những phim gọi là hay nhất trong hai năm qua. Điện ảnh Việt Nam đang ở đâu ? Điện ảnh Việt Nam về đâu ? Làm sao để chấn hưng điện ảnh ? Chấn hưng điện ảnh bắt đầu từ đâu... đã được nói đến nhiều nhưng xem ra câu trả lời vẫn chưa ai rõ ở phương nào ! Người thì nói cần phải thay đổi cơ chế quản lý; người thì nói thiếu cơ sở vật chất kỹ thuật; người nói cần thay đổi cái đầu ... 

Từ một nền điện ảnh thật thà

Không rõ xuất phát từ đâu, từ sự non kém về kỹ thuật hay đơn giản chỉ vì không có điều kiện học hỏi mà nền điện ảnh ta ngay từ đầu đã định hình và kiên trì cho đến tận nay quan điểm chân thực, hay nói cách khác, là thật thà đến tội nghiệp. Không phim trường, không kỹ xảo, không lồng ghép hình; các pha hành động cũng vậy, cứ toàn mà quay diễn viên cố mà diễn. Điện ảnh đơn giản chỉ là những câu chuyện kể. Hết ! Không quái vật, không rượt đuổi, không Kinh Kông, không khủng long, không đấm đá, không đi mây về gió, không phù phép biến hình, không diệp viên 007, không Lý Tiểu Long ... Và quan điểm này vẫn kiên trì trung thành đến hôm nay với 3 phim huy chương bạc liên hoan, và cả 3 phim được giải của ban giám khảo đều là những câu chuyện kể. Điển hình nhất là “Cánh đồng bất tận” đó thực sự là cuộc minh họa bằng hình ảnh (chứ không phải điện ảnh) câu chuyện của Nguyễn Ngọc Tư, không hơn không kém.

Đến cái tát tai nẩy đom đóm mắt của Lê Khanh

Hẳn nhiều người còn nhớ câu nói của Lê Khanh khi kể chuyện đóng phim “Câu chuyện một dòng sông”, để thực hiện một cú tát tai, Trần Lực đã làm đi làm lại không biết bao nhiêu lần nhưng đều không được đạo diễn đồng ý và cuối cùng anh phải tát thật đến độ “nẩy đom đóm mắt” (lời Lê Khanh) mới được đạo diễn gật đầu. Ui, nếu cứ kiểu làm phim này các cô đào như Marilyn Monroehay Angelina Jolie có còn theo sự nghiệp đóng phim, nhất là các phim hành động như “ Tomb Raider” hay “The Tourist” mà Angelina Jolie với những pha vùi hoa dập liễu có đến voi cũng tan nát lọ người ?

Đến cái khóc cũng vậy nghe diễn viên ta kể phải khóc thật mới được đạo diễn đồng ý mà thương cho họ. Các cô đào phim Hàn khóc miên man không biết nước mắt đâu mà khóc. Dựng giả mà như thật, thậm chí còn hơn thật, là chuyện của đạo diễn chứ ?

Phim về đoàn tàu không số. Kịch bản đã có, thậm chí không chỉ một, nhưng không bất cứ đạo diễn nào dám nhận, đơn giản là vì không bất cứ ai trên cả nước này làm được cảnh những con tàu tơi tả trong tâm bão. Ai hiểu lịch sử điện ảnh đều biết những cảnh như vậy thế giới đã làm từ trước thập kỷ 30 trong phim trường. Ta đã có trường quay Cổ Loa cớ sao không làm được ? Đơn giản là vì không có người ! Hay nói cách khác, chưa ai từng đi học cái chuyện lồng ghép các lớp hình và kinh nghiệm tạo hiện trường giả, cho dù đó chỉ là những cận cảnh. Cũng trong nhóm kỹ xảo này là những cảnh quay trên xe, ta thì bao giờ máy cũng đánh đu theo xe để quay trong khi thế giới tất cả diễn ra ở phim trường, vấn đề là làm sao để hậu cảnh qua các ô cửa ô tô chuyển động, cả nước cũng không ai làm được, giống như cảnh bão tố phía sau chiếc tàu không số.

Đó là nói những chuyện tương đối to tát, thật ra những chuyện “bé xíu” điện ảnh Việt Nam cũng bộc lộ rõ khoảng cách so với thế giới vài thế hệ. Ví như chuyện cái khung hình. Chỉ với khung hình thôi chỉ cần 10 người là đã có thể biến thành thiên binh vạn mã, ở ta cả 100 người vẫn cứ thấy lèo tèo, trống huơ trống hoác. Cần biết, đó là những bài học sơ đẳng về quay phim, về góc máy.

Cũng cần phải nói cho rõ, chúng ta rất giỏi khai thác những vẻ đẹp nhân văn, chất thơ trong điện ảnh. Từ những thế hệ đạo diễn đầu tiên đi học ở Liên Xô với những tác phẩm kinh điển như “Khi đàn sếu bay qua” chúng ta đã có một lớp tác phẩm đạt được đỉnh cao thể loại này như “Chim vành khuyên” “Bao giờ cho đến tháng mười” “Cánh đồng hoang” (kể không đầy đủ)... nó đầy ắp chất thơ và cũng rất giàu tính nhân văn. Thế nhưng điện ảnh không phải chỉ có vậy. Tiếc là cả nền điện ảnh ta “chỉ” đi theo hướng này. Cứ lớp trước dạy lớp sau, truyền nhau sự tinh tế mà như bỏ hẳn những bước tiến về kỹ thuật điện ảnh thế giới đã tốn rất nhiều công sức mới có được. Thử hỏi, bao nhiêu đạo diễn ở ta được đi học ở Hollywood ? Quay phim, dựng phim càng hiếm nữa ! Liệu một nền điện ảnh có thể phát triển khi mà bao nhiêu thế hệ cứ đóng cửa dạy nhau như thế ?

Một trong những thuộc tính và là sở trường của điện ảnh là kỹ thuật và kỹ xảo, nhờ kỹ xảo mà điện ảnh luôn hấp dẫn người xem. Nền điện ảnh phát triển nhờ đi trên hai chân, một chân là chất thơ và chất nhân văn còn một chân kia là kỹ thuật, kỹ xảo. Điện ảnh Việt Nam mất hẳn đi chân kỹ thuật, kỹ xảo, chỉ còn tâm lực dồn hết cho chất thơ, tính nhân văn nên đến cả cái khuôn hình, xem cũng hụt hẫng. Chút ví dụ: Phim Titanic là phim không nhiều kỹ xảo máy tính, nó không như “Công viêng khủng long” hay “Thế giới đồ chơi” hay “Ngày tận thế” ... dựa nhiều vào đồ họa máy tính; ở Titanic tất cả chỉ là những kỹ thuật kinh điển chồng ghép hình, không đồ họa vi tính. Thế nhưng chỉ có vậy thôi chúng ta đã có một phim hành động vô cùng hay và đậm đà chất thơ lẫn tính nhân văn. Tôi cứ hay mơ mộng, giá như lúc làm phim Titanic, đạo diễn James Cameron cho phép một đạo diễn ta học lóm, học lóm thôi, chắc về đã hẳn làm được một phim về những con tàu không số rất hay rồi.

Hụt một chân nhưng chúng ta kiêu ngạo xem tất cả những gì thuộc về kỹ thuật đều là rẻ tiền, thị trường. Nhóm làm phim Việt kiều đem “Dòng máu anh hùng” dự liên hoan đã chả được giải gì trong khi bảo đảm rằng cả hội đồng giám khảo không một ai biết dựng một cú đá mà diễn viên Ngô Thanh Vân vào mặt tên giặc khiến nó bay vào góc nhà là được thực hiện bởi mấy cú bấm máy và kết nối, montage lại như thế nào. Chưa nói chuyện kỹ xảo máy quay đi quanh hình Ngô Thanh Vân bay lên đá là kỹ xảo gì hẳn cũng nhiều người bí . Chúng ta còn nhớ trong những phim hành động như “Cảnh sát hình sự” rất nhiều những phá đánh đấm, vì sợ đau người bị đánh nên đánh trượt qua một bên như trên sân khấu, trông khá buồn cười. Hay nói cách khác các đạo diễn ta hoàn toàn chưa trang bị cho mình cách quay, tốc độ quay, cách dựng của những pha hành động căn bản. Gần đây dã thấy vài phim hành động khá hơn nhưng cũng cần nói rõ đó là tự thân mày mò mà làm chứ chưa ai được học bài bản về các pha hành động này

Vấn đề con người , giải quyết từ đâu ?

Tóm lại, cái mà chúng ta thiếu là con người, phim trường, hậu kỳ, kỹ thuật âm thanh , ánh sáng mua sắm đồ đắt tiền nhất về nhưng lại quên đào tạo người sử dụng. Nhà nước đầu tư tiền nhưng ngành điện ảnh không dám thừa nhận mình không phải bất tài mà chỉ đơn giản là hoàn toàn chưa đi học ! Hơn bất cứ lúc nào khác, nếu nhà nước muốn chấn hưng nền điện ảnh nước nhà, xin hãy cử người đi học. Hàn Quốc chỉ cần một lớp thế hệ đi học, từ đạo diễn, biên tập đến quay phim, hậu kỳ, kỹ thuật... về đã thay đổi hẳn một nền điện ảnh. Và hình như còn hơn thế nữa, thay đổi hẳn tính cách một dân tộc !

Không thể trách được Lê Vân khi cô quyết định bỏ nghề và nói là do ông... Trương Nghệ Mưu ! Việt Nam không có ông Trương Nghệ Mưu để làm đạo diễn. Lê Vân biết, như biết rõ trong lòng bàn tay mình có gì, cô có cố gì đi nữa cũng sẽ vô nghĩa nếu Việt Nam không có một “Trương Nghệ Mưu” cho cô thể hiện. Trương Nghệ Mưu Việt Nam sẽ xuất hiện ở đâu ? Nói gì thì nói tôi vẫn không tin một ông Trương Nghệ Mưu (theo nghĩa của Lê Vân) Việt Nam có thể xuất hiện từ các trường điện ảnh ở trong nước, cũng không phải ở Nga hay các nước châu Âu. Đã đành Trương Nghệ Mưu không học ở Hollywood nhưng ông qua các lớp quay phim ở Hồng Kông và Đài Loan, nơi có rất nhiều kinh nghiệm về phim trường và kỹ xảo, hành động, một phiên bản châu Á của Hollywood.

Vì vậy, nói nhiều cũng chỉ nêu đề xuất này, nếu nhà nước quyết định chấn hưng điện ảnh lần hai thì xin hãy dùng phần đáng kể vào việc gởi người đi học. Kịch bản, đạo diễn, quay phim, hậu kỳ, âm thanh... thảy thảy đều cử người đi học trước khi đầu tư bất cứ cơ sở vật chất hoặc kỹ thuật gì. Hàn Quốc có kinh nghiệm này, nếu cần hãy tham vấn họ. Nếu sang Hollywood tốn kém thì sang Hàn hoặc Hồng Kông cũng được.

Với riêng tôi, với yêu cầu thấp nhất, bao giờ điện ảnh Việt Nam làm được phim về những con tàu không số là có thể xem như sạch nước cản để hòa nhập với nhân loại. Và chỉ có thế, khi thoát ly được với hiện thực kể lể, bay bổng với sự tưởng tượng thì chúng ta may ra mới kỳ vọng được những lễ trao giải điện ảnh lôi cuốn và hay như những phim mà những người được giải thực hiện.




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo