Đào Tuấn - Báo chí đã dùng từ "sững sờ" khi miêu tả thái độ của một anh Nguyễn Văn A, ở một công ty B nào đó được trả lương bằng...bánh. Còn dư luận thì há mồm kinh ngạc khi nghe câu trả lời của bà Vụ trưởng Tiền lương tiền công thuộc bộ Lao động – thương binh và xã hội, rằng: “Việc doanh nghiệp trả lương cho lao động bằng sản phẩm như vậy không có gì sai và được pháp luật cho phép”.
Sẽ không chỉ là "sững sờ", không chỉ dừng ở mức kinh ngạc, và luật pháp có lẽ cũng không thể "cho phép" nếu anh A nọ là một...nhà báo, một người lao động của một doanh nghiệp sản xuất nước mắm, hoặc tệ hơn, của một công ty mai táng.
Câu chuyện trả lương bằng hiện vật thực ra không mới. Hai năm trước, Cty cổ phần Hợp Nhất lần đầu tiên trả lương cho công nhân bằng cổ phiếu theo công thức Lương= mệnh giá cổ phiếu + 25% cổ tức. Cũng năm 2009, ngay trước tết âm lịch, một quan chức của Công đoàn giáo dục Việt Nam nêu câu chuyện thực tế: Giáo viên miền núi thay vì nhận lương tiền mặt đã được trả bằng "chuối xanh, củi khô". Thậm chí khi tết cận kề, phải đành lòng ôm về cả "ổ chó con" để trừ nợ lương. Ở Thái Nguyên, cán bộ ngành điện thì được trả bằng...bóng điện.
Những câu chuyện vừa bị thảm, vừa hài hước, nghe như bịa. Nhưng thực tế còn tàn nhẫn hơn nhiều khi những người đang nhận lương thấp nhất, bán mồ hôi rẻ nhất, và phải chịu nhiều bất công nhất với hình thức lương nên gọi là "ổ chó". Ngày 18-9- 1985, tại nghị định số 235, Hội đồng Bộ trưởng đã chính thức "bãi bỏ chế độ cung cấp hiện vật theo giá bù lỗ, chuyển sang chế độ trả lương bằng tiền do quỹ hàng hoá bảo đảm", chấm dứt những câu chuyện trả lương bằng phân đạm cho công nhân, bằng bia hơi cho phụ nữ, đầy ngớ ngẩn của "Thời bao cấp".
Vậy mà gần 30 năm sau đó, những câu chuyện bi hài tiếp tục tái diễn, khi mà kinh tế Việt Nam đang tự xưng là "rồng" hay "hổ" Châu Á. Và, cho dù DN có giải thích cách gì: Không có tiền mặt; Hàng hóa ế ấm, tồn kho, thì với việc nhận lương "hiện vật", những người lao động khốn khổ đang phải gánh chịu trong đồng lương của mình tất tật các chi phí, từ tiếp thị, bán hàng, quảng cáo...đang gánh luôn cả những rủi ro, thất bại của DN và trách nhiệm của những ông chủ.
Tết nguyên đán đang đến với một dự báo không mấy khả quan. Không chỉ là chuyện mức thưởng thấp hơn nhiều so với mọi năm. Mà ở chỗ, ngay cả lương còn bị trả bằng bánh thì rất dễ xảy ra câu chuyện: Thưởng sẽ được trả bằng...cổ phiếu.
Hợp Nhất đi tiên phong với việc trả lương bằng cổ phiếu, trong một thời điểm cổ phiếu vẫn còn là một thứ giấy tờ có giá, có thể quy tiền.
Nhưng nếu năm nay, trường hợp "Hợp Nhất", một khả năng rất có thể xảy ra, chắc chắn sẽ không còn được "nồng nhiệt đón nhận" nữa khi giá trị giao dịch của các cổ phiếu giờ đã xuống dưới rất thấp so với giá trị mệnh giá mà câu chuyện 700 đồng/cổ phiếu chắc chắn chưa phải là kỷ lục cuối cùng của sự bi thảm. Còn câu chuyện cổ tức 25% thì giờ cũng đã quá hoang đường.
Tháng 7-2009, khi một xí nghiệp ở Belarus trả lương cho công nhân bằng... hành củ và củi đun, một tờ báo đã nhận xét: Đây là một trong những biểu hiện của sự quay lại "nền kinh tế tự nhiên" khi nền kinh tế thị trường phải đối diện với hai hiện tượng... ngắc ngoải của thị trường: "Tiền mặt trở nên khan hiếm" và sản phẩm "không có thị trường tiêu thụ". Bởi vậy, sẽ rất thiếu công bằng khi cho rằng việc trả lương "hiện vật" chỉ thuần túy là chuyện lương tâm DN. Tại diễn đàn QH vừa qua, Chính phủ đã chính thức hóa con số 49.000 doanh nghiệp đã phải giải thể, phá sản do những khó khăn kinh tế. Con số 49.000 là chưa đủ, bởi còn hàm chứa sau nó một sự thật khác: Có lẽ, cũng phải ngần đó DN đang tồn tại một cách ngắc ngoải. Bởi vậy, những vụ "trả lương bằng bánh" năm nay có lẽ sẽ không là chuyện cá biệt, Và "ổ chó" hay "hành củ" cũng chưa phải là sự kỳ cục cuối cùng.
Tháng 9-2010, khi dự án nhà thu nhập thấp đầu tiên của Hà Nội nhận hồ sơ, cư dân Thủ đô chứng kiến một sự lạ: Hàng đoàn ô tô xếp hàng rồng rắn đi đăng ký mua nhà. Thế rồi, chỉ có 316 căn hộ mà có đến hàng ngàn người nghèo đăng ký với tâm lý y hệt cảnh chiều chiều chờ kết quả sổ xố. Và tất nhiên, "cò" xuất hiện dày đặc". Nghĩ khổ cho người nghèo. Đến căn nhà "mẻ kho" cũng còn bị tranh cướp.
Thế mà chỉ một năm sau, nhà thu nhập thấp đang đứng trước nguy cơ hạ giá, bán tháo khi hầu như không có người mua.
Ở Sài Đồng, 100 căn hộ được mở bán nhưng chỉ có 30 người...đăng ký. Ở Đặng Xá, chỉ lèo tèo vài người... đến chơi. Trong khi những người đã đăng ký ở dự án Xuân Mai đang bỏ của chạy lấy người.
Người nghèo, có lẽ không đủ tiền, không "giàu sĩ diện" để chê những "căn hộ bố thí", dù vị trí các dự án nhà hoàn toàn không chút gì gọi là địa lợi, dù cơ chế xin- cho khiến cho việc mua được một căn nhà có thời điểm chẳng khác mấy với việc ăn xin. Đơn giản vì họ không có tiền.
Sự ế ẩm của những căn nhà, giá chỉ 12-14 triệu đồng/m2 hôm nay đang cho thấy cơn sốt nhà thu nhập thấp năm ngoái, thực chất cũng chỉ là câu chuyện của giới đầu cơ. Bởi không thể không nhắc lại lời Thứ trưởng xây dựng Nguyễn Trần Nam khi nói về giá nhà thu nhập thấp: "Nếu chỉ trông chờ vào đồng lương, đừng nghĩ đến chuyện mua nhà. Cỡ như Bộ trưởng, chúng tôi tính còn 40 năm mới mua được". Bất động sản càng sốt lạnh, càng thấy giá nhà thu nhập thấp, bán diện chính sách, cho những đối tượng nghèo, là quá cao so với lương, với thu nhập, và cả với dũng khí đi vay tiền của họ.
Hàng triệu người nghèo đô thị đang không có nhà để ở trong khi vô số trong số 1.800 căn hộ thu nhập thấp (đã hoàn thành) đang để hoang là một thực tế nhẫn tâm và xúc phạm người nghèo.
Trong chỉ thị mới nhất về tăng cường quản lý thị trường bất động sản, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng nhà nước phối hợp với Bộ Xây dựng có chính sách tín dụng phù hợp cho vay đầu tư các dự án phát triển nhà ở để bán, cho thuê phục vụ đối tượng thu nhập thấp, công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế; Và tín dụng cho các đối tượng có nhu cầu thực sự vay mua nhà để ở.
Tuy nhiên, phản ứng của thị trường tiêu cực và uể oải đến mức gần như bất động, ngay ở phân khúc nhà chính sách này.
Chẳng có gì là khó hiểu bởi ngay trong Chỉ thị cũng yêu cầu giám sát chặt chẽ để hạn chế việc cho các cá nhân vay kinh doanh bất động sản. Ở Việt Nam, việc phân biệt cá nhân vay mua nhà để ở và vay kinh doanh bất động sản là không thể.
Dẫu sao, sự đóng băng của thị trường trên tất cả các phân khúc đang làm cho giá nhà đất trở về với giá trị thật và mở ra cơ hội có nhà thực sự đối với người nghèo. Nếu, chắc chắn phải kèm theo vài chữ nếu, nếu nhà nước thực sự mở van tài chính để người nghèo có thể vay tiền. Nếu các doanh nghiệp bớt "ăn dày". Gần đây, Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính vừa kiến nghị Thủ tướng có chính sách hỗ trợ cho chủ đầu tư, người dân để giảm giá bán tại các dự án nhà thu nhập thấp tới mức 30-40%. Có thể giảm đến 30-40%, cũng có nghĩa 30-40% vẫn chưa phải là giá đáy của những căn hộ chính sách.
Những người theo thuyết âm mưu cho rằng đây chỉ là kiến nghị nhằm cứu chính các nhà đầu tư tài chính- phần nhiều cũng rót vốn lớn vào các dự án BDS. Nhưng thà như vậy, để ít nhất còn được một cái lợi lớn hơn là người nghèo có chỗ chui ra chui vào.