Nếu hôm nay mình không trở về... - Dân Làm Báo

Nếu hôm nay mình không trở về...

Phương Bích - Làm gì có cái lý nào chứ. Người dân chỉ được đi, không được đứng lại. Mỏi cũng phải đi. Trước thì đả đảo không được, nay ủng hộ cũng không được nốt. Cứ có mặt tại Hồ Gươm đều bị quy ra là gây rối là sao? Người dân đi trong yên lặng, đứng cũng trong yên lặng, sao bị coi là gây rối được? Lẽ ra những người đến gây sự, cấm đoán vô phép, chạy ngược chạy xuôi lôi kéo, cưỡng bức người dân tống lên xe buýt mới là những kẻ gây rối chứ...

*

Đều là người muốn ủng hộ cái đề xuất của ông thủ tướng, về việc xây dựng luật biểu tình, kết hợp đi dạo Hồ Gươm luôn thể, sáng chủ nhật, thằng cháu Phương bảo: 

- Để cháu đến đèo cô đi. Biết đâu công an lại không cho mình ủng hộ thủ tướng, lại bắt hốt lên xe buýt thì sao? Hai cô cháu mình đi một xe thôi, nếu người này bị bắt thì còn người kia lấy xe về được. 

Khổ thế! Không lo bị bắt lần này có như lần trước, bị tống vào 1 căn buồng bị khóa, hay lại đưa đi “Hỏa Lò” mà lại chỉ lo mất xe!

Cả hai cô cháu đều không muốn nghĩ đến trường hợp cả hai cùng bị bắt. Trong khi thằng cháu lo xa, cứ loanh quanh tìm chỗ gửi xe qua đêm thì đầu óc tôi lại cứ lởn vởn một ý nghĩ: nếu hôm nay mình không về…

Gửi xe xong, hai cô cháu đi bộ ra Bờ Hồ. Điều đầu tiên chúng tôi nhận thấy là công an mặc thường phục dày đặc ở khu vực đối diện tượng đài Lý Thái Tổ. Ở họ có một cái gì đó khiến chúng tôi nhận ra ngay, giữa bao nhiêu con người đi dạo ở Bờ Hồ. Có lẽ vì họ là những người đàn ông, ở cái tuổi không phải là kẻ có sở thích đi dạo chơi một mình hoặc đứng thành từng tốp với nhau thế kia. 

Tôi không rõ các khu vực khác ở Bờ Hồ có đông không, nhưng đoạn đối diện tượng đài Lý Thái Tổ khá đông người. Chắc an ninh chẳng lạ gì ý định của những người đứng quanh đây, bởi vậy hễ có ai đứng lại vài phút là y như rằng họ ra đuổi. Không phải là công an mặc sắc phục, mà là những người cũng ăn mặc y như chúng tôi, lại có quyền đuổi bất cứ ai lẳng vảng quanh khu vực này. Dường như có cái mác an ninh có dán trên khuôn mặt họ hay sao ấy, nên chẳng có người dân nào dám cự nự khi bị họ đuổi cả. 

Đứng lại không được thì chúng tôi đi. Chả biết từ lúc nào, thằng cháu Phương có lá cờ Tổ quốc trên tay. Nó giang hai cánh tay giương cao lá cờ, bước đi với vẻ quả cảm, mặc cho một tay an ninh gọi giật giọng, bắt Phương hạ cờ xuống, nói giăng cờ phải “đúng lúc”?. Mọi người xung quanh lên tiếng phản đối, gặng hỏi khi nào thì đúng lúc, có quy định nào không? Họ không thể trả lời, và chúng tôi vẫn tiếp tục bước đi. 

Thực sự tôi vẫn không nghĩ hôm nay công an sẽ bắt bớ. Tôi chắc có nhiều người, dù khá ngạc nhiên với những tuyên bố mới đây của thủ tướng, nhưng ít nhiều vẫn tin vào những tuyên bố đó là có giá trị đối với lực lượng công an.

Nhưng chỉ không đầy dăm phút sau, một đám đông công an mặc sắc phục từ dưới đường ào lên vỉa hè, lao vào trong đoàn người. Xung quanh vang lên những tiếng hò hét yêu cầu mọi người giải tán, lẫn với những tiếng chỉ đạo đưa người này người nọ lên xe. Tiếng phản đối, la ó của những người bị cưỡng bức lên xe vang lên tức giận…

Không như mọi lần, chẳng hiểu sao tôi không hề quay đầu lại, chẳng hiểu tại sao tôi cứ tiếp tục bước đi … Những cái bóng áo xanh vẫn chạy nháo nhào quanh tôi, tiếp tục túm lấy những người đằng trước, đằng sau, bên cạnh tôi lôi họ đi. Dường như họ không nhìn thấy tôi. Tôi tự hỏi nếu tôi dừng lại, nếu tôi quay lại, nếu tôi lên tiếng phản đối việc bắt người thì họ có bắt tôi không, họ sẽ quy cho tôi tội gì tiếp đây? Không biết điều gì đó cứ đẩy tôi đi, không cho tôi quay đầu lại.

Tôi bước đi, lòng thầm kêu lên :

- Cô có lỗi với các con Phương ơi, Đức ơi. Cô đi ngay bên cạnh các con, nhưng khi chúng ào vào bắt mọi người, cô đã không quay lại mà cứ bước đi. Cô đã bỏ lại các con ở lại phía sau Phương ơi, Đức ơi…

Lúc ấy nào ai đã biết, lần này bị bắt rồi đến tối cũng sẽ được ra, hay là lại vào Hỏa Lò?

Đi được một đoạn, tôi nhìn thấy Lã Việt Dũng đang đứng khoanh tay bên cạnh đường quan sát thì bị mấy người đến xốc nách lôi đi. Tiếp đến là Lê Dũng đứng trước mặt tôi cũng không thoát, mặc dù vị trí đứng của Lê Dũng và Lã Dũng là khá xa chỗ xe buýt đậu. Như vậy là việc bắt bớ lần này có chọn lọc thì phải. Trong ngần ấy người cùng đi trên Bờ Hồ, họ chỉ chọn bắt đúng những người đã từng tham gia biểu tình chống Trung Quốc trước đây.

Sau khi chiếc xe buýt đầu tiên đã chạy, tôi cùng Thúy Hạnh và một số người nữa đi về phía phố Hàng Khay. Chúng tôi dừng lại ở đó, ai nấy đều bàng hoàng, không thể tin được sự việc vừa diễn ra. Dù có không tin tưởng ông Nguyễn Tấn Dũng đến đâu đi chăng nữa, nhưng ông ta là thủ tướng, lời nói đưa ra trước quốc dân đồng bào đâu dễ đổi thay thế? Có người giận dữ nói: không lẽ họ bẫy dân? Lật lọng trắng trợn thế sao? Sao lại vô lý đến thế?

Giống như những người đến chặn cửa nhà bác Khánh Trâm nói: đời còn nhiều cái vô lý hơn thế đấy!

Thà rằng trong cái ngõ nhỏ ấy, chỉ có dăm ba người dân hèn mọn chứng kiến đã đành một nhẽ. Đằng này giữa Hồ Gươm linh thiêng, trước mắt biết bao nhiêu con người, cái vô lý ấy nó vẫn diễn ra hiển nhiên đấy thôi. Làm gì có cái lý nào chứ. Người dân chỉ được đi, không được đứng lại. Mỏi cũng phải đi. Trước thì đả đảo không được, nay ủng hộ cũng không được nốt. Cứ có mặt tại Hồ Gươm đều bị quy ra là gây rối là sao? Người dân đi trong yên lặng, đứng cũng trong yên lặng, sao bị coi là gây rối được? Lẽ ra những người đến gây sự, cấm đoán vô phép, chạy ngược chạy xuôi lôi kéo, cưỡng bức người dân tống lên xe buýt mới là những kẻ gây rối chứ.

Mặc dầu không khí sau đợt bắt bớ có ắng lặng đi, nhưng không ai muốn ra về ngay. Mọi người cứ đi quanh quẩn, tâm trạng rối bời, uất nghẹn. Thực ra trước đó, tôi chỉ muốn đi một vòng quanh hồ, rồi còn vào công an quận Hà Đông với Xuân Diện (biệt danh tự đặt là Tễu). Sáng nay công an vẫn buộc Xuân Diện phải có mặt tại công an quận Hà Đông để làm việc. Tối hôm qua, khi anh em bạn bè đi đón, Xuân Diện dặn đùa: 12 giờ trưa mai không thấy Tễu ra thì mọi người vào “cứu” Tễu nhá. 

Tôi đi ngược trở lại phía quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục. Dọc đường, thấy một bác trai không quen biết, tiến đến bắt tay tôi chào hỏi, giới thiệu tôi với bốn người phụ nữ trạc tuổi nhau, chừng gần sáu mươi, nói họ là những cô giáo. Nhà giáo có khác, nom họ rất đôn hậu và mực thước. 

Tôi hỏi: 

- Các chị đi dạo Bờ Hồ ạ?

Các chị ấy cười buồn:

- Không, thực ra bọn mình ra đây để ủng hộ quốc hội ra luật biểu tình, nhưng vừa rồi chứng kiến cảnh bắt bớ …thật không thể chấp nhận được. Họ có làm gì đâu, đang đứng mà cũng bị bắt…

- Vâng, các chị có ra đây mới tận mắt chứng kiến sự việc…

Một chị rất quen nhưng tôi không nhớ tên – thực xin lỗi chị nhé – đi ngang qua cũng dừng lại chia sẻ. Rồi mấy người phụ nữ chúng tôi đứng chụp ảnh chung với nhau mấy kiểu làm kỷ niệm, trước khi chia tay nhau. 

Cùng lúc ấy, tôi nhận được tin nhắn của Thúy Hạnh như một tiếng kêu van: Chị ơi, chị về đi. Em xin chị đấy. Đằng này họ lại vừa bắt thêm người nữa rồi. 

Nhìn thấy Aqua Phạm đang đi tới, tôi thông báo về việc mấy anh em vừa bị bắt thêm. Cả hai chị em cùng ngạc nhiên, vì vừa nhìn thấy họ cách đây mới chỉ mươi mười lăm phút là cùng. Sau một hồi gọi điện tứ tung, hỏi thăm xem những ai bị bắt, tôi liên lạc được với Phương, Đức và Lê Dũng. Phương bảo cháu bị bọn chúng nó chùm áo qua đầu rồi thi nhau sút vào mặt, vào đầu cháu. Có lẽ về phải đi chụp chiếu xem thế nào, chứ bây giờ cháu đau đầu quá,

Tôi và Aqua xót xa, thẫn thờ hồi lâu, phân vân không biết nên sang Lộc Hà hay vào Hà Đông? Lát sau nghe nói đã có khoảng 15 người đang phi xe máy sang Lộc Hà, Aqua bèn đèo tôi về nhà để lấy xe máy rồi cùng vào Hà Đông. Lên nhà, tôi quáng quàng thay đồ, hâm nóng bữa trưa cho bố rồi cùng Aqua lên đường.

Ngồi trong quán nước vỉa hè, cạnh công an quận Hà Đông, tôi gọi điện cho Xuân Diện nhưng không thấy Diện trả lời, dăm phút sau thì nhắn tin ra: Em ăn trưa tại số 6 Quang Trung.

Thực ra chúng tôi biết Xuân Diện có ra được cũng phải đến chiều tối, nhưng không đành lòng ngồi chờ ở nhà. Cứ như có mình ngồi đây thì anh em trong đó sẽ cảm thấy ấm lòng hơn vậy. Suốt buổi chiều gọi điện thoại đến hết cả pin, ngóng tin nhau từng giờ từng phút một. Chính Phạm và Người buôn gió cũng bị đưa về Hà Đông từ sáng. Biết chúng tôi đang ngồi ở đây, Chính Phạm nhắn tin: Em đang ở cách các anh chị chỉ có 50 mét. Không biết Aqua có nhắn lại không: Em đứng trong song sắt, chị đứng ngoài cửa sắt, gần nhau trong tấc gang, mà biển trời cách mặt…

Rốt cuộc biết họ chẳng có cớ gì khép tội được anh chị em, chỉ hỏi loanh quanh những vấn đề chẳng liên quan gì đến việc bắt bớ sáng nay, nên kiểu gì cũng phải thả người thôi. Nhóm Hà Đông và nhóm Lộc Hà hẹn bên nào ra trước cũng phải tụ họp lại với nhau. Mệt mỏi rã rời, nhưng cứ mỗi một tin thông báo có người đang ra là lại reo ầm lên. Nghe mọi người nói cô Phương, con gái cụ Nguyên Ngọc được ra trước nhưng không chịu về, đòi chờ tất cả những người bị bắt cùng. 

Hơn 7 giờ tối, lần lượt Xuân Diện ra trước, rồi đến Chính Phạm, Người buôn gió. Hàn huyên hồi lâu thì nhất loạt mọi người lại hét toáng lên: kia rồi!

Từng chiếc xe máy lần lượt đỗ lại, anh chị em túa ra đón, tay bắt mặt mừng, kể lể đoạn trường. 

Nghe nói lúc thả, anh chị em còn không chịu ra, đòi đưa trả về Bờ Hồ. Thế là họ đẩy anh chị em ra khỏi cửa rồi đóng chặt cổng lại. Suốt cả chiều, nghe tin thằng em Phương bị đánh hội đồng trên xe buýt, Chí Tuyến xót như mẹ xót con, chửi ra rả ngoài cổng khiến anh em bị giữ ở bên trong cũng nghe thấy. Đến lúc thả người theo kiểu bị đuổi ra khỏi cổng, Chí Tuyến lại càng chửi tợn, chửi đến nỗi tắc cả đoạn đường trước cổng trại vì bà con quanh đó xúm đông xúm đỏ lại. Nghe thủng câu chuyện, bà con đi đường đều ủng hộ: Đúng rồi! Chửi bỏ mẹ chúng nó đi, cái bọn ấy nó khốn nạn lắm.

Tôi không biết dọc đường Chí Tuyến có chửi nữa hay không mà về đến Hà Đông rồi hắn vẫn còn chửi tiếp. Vào đến quán phở rồi hắn vẫn chưa thôi chửi. Trông vẻ mặt hắn phẫn nộ như thể muốn bóp chết tươi kẻ khốn nạn nào dám đá vào mặt thằng em hắn như thế.

Mọi người bắt Phương lật áo, xăm soi khắp nơi xem có bầm dập chỗ nào không. Một bên tay áo Phương rách toạch tới tận nách. Ai cũng lo bọn họ có nghề, đánh kín lắm, không để lại thương tích bên ngoài đâu. Phương kể lúc đầu bị đấm vào mạng sườn, rồi bị đè dí xuống sàn xe, trùm áo qua đầu để thi nhau đá vào mặt, vào đầu. Thấy Phương kêu thì tay chỉ huy mới la lên: Thôi! không đánh nữa. 

Thấy mọi người lo lắng, thằng cháu Phương cứ gạt đi, nói với nó không nhằm nhò gì. Nhưng đàn ông có mấy khi kêu ca đâu. Có khi đau vẫn cứ cố chịu không chừng.

Nàng Kim Tiến xót theo kiểu rất nữ nhi: hay thấy Phương nhà mình đẹp giai nên mới ghen tỵ, đánh cho bõ tức?

Tôi thì chỉ nghĩ một điều, bình thường con người ta không quen biết nhau, không thù oán nhau thì động cơ gì khiến họ hằn học đến mức đá vào mặt người khác như thế. Ngay khi thi đấu trong thể thao, người ta cũng phải chọn những đối thủ cùng hạng cân để so tài. Đằng này cả bọn xúm lại, đánh một người không được phép tự vệ như thế thì hèn hạ quá. 

Mọi người chưa kịp tận hưởng hết niềm vui đoàn tụ đã lại nhận được tin dữ: Bùi Hằng bị bắt, khi đi đòi người bị bắt vì hiệp thông phản đối bắt người ở Hà Nội! Đến giờ đã hơn 2 ngày, nghe tin Bùi Hằng tuyệt thực, phản đối quyết liệt đến mức ngất xỉu, phải đưa vào bệnh viện cấp cứu.

Không biết bao giờ những chuyện như thế này mới dừng lại đây? Họ phải hiểu càng làm vậy, tinh thần đùm bọc yêu thương lẫn nhau, giữa anh chị em chúng tôi ngày càng lớn hơn chứ. Làm sao chúng tôi có thể khoanh tay ngồi yên, nhìn những người đã vì ủng hộ chúng tôi mà bị lâm nạn cho được? 

Không biết sau vụ này, ông Nguyễn Tấn Dũng sẽ nói gì?




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo