Nguyễn Hưng Quốc - Nhân bàn đến chuyện trí thông minh và lương hướng của các nhà lãnh đạo quốc gia, chúng ta cũng nên bàn đến một vấn đề khác vốn dường như còn khá mơ hồ ở Việt Nam: sự khác biệt giữa một nhà lãnh đạo và một nhà quản lý.
Sự mơ hồ ấy không phải không có lý do. Ranh giới giữa hai tư cách ấy không phải lúc nào cũng thật rõ ràng. Cả hai đều là những người nắm giữ những chức vụ thật cao và đều có những trách nhiệm thật nặng. Cả hai đều phải chứng tỏ có tài năng và sự am hiểu công việc thuộc chức năng của mình. Tuy nhiên, dù vậy, nhà lãnh đạo vẫn khác nhà quản lý. Không phải người nào có tài quản lý cũng đều có tài lãnh đạo. Hoặc ngược lại. Mỗi chức phận có những yêu cầu và những phẩm chất khác hẳn nhau.
Sự phân biệt như vậy rất cần thiết cho Việt Nam hiện nay. Trên mọi lãnh vực, chúng ta vừa thiếu những người quản lý giỏi vừa thiếu những người lãnh đạo giỏi. Quan trọng hơn, chúng ta thường hay đánh giá nhầm người và nhầm việc: thay vì đòi hỏi ở người lãnh đạo phẩm chất của một người lãnh đạo, chúng ta lại yêu cầu họ đóng vai một nhà quản lý. Hoặc ngược lại. Cũng vậy, không hiếm người lãnh đạo, thay vì đi làm việc của người lãnh đạo, lại lăng xăng chạy tới chạy lui làm những việc của người quản lý. Ví dụ, trước đây, có bộ trưởng Bộ giáo dục, thay vì bàn chuyện chính sách, cứ chui vào mấy nhà vệ sinh ở trường học để xem nó sạch hay bẩn. Hết trường này đến trường khác. Hay một bộ trưởng khác cứ khoe nhặng lên việc mình công khai hóa số điện thoại di động để ai cũng có thể liên lạc được và mỗi ngày bỏ ra không biết bao nhiêu thì giờ để nghe những cú điện thoại như vậy. Cuối cùng, thời gian cho biết kết quả việc làm của họ: hoàn toàn vô ích. Không có gì thay đổi cả. Họ vừa thất bại với tư cách một nhà quản lý vừa thất bại với tư cách một nhà lãnh đạo.
Nhưng một nhà lãnh đạo và một nhà quản lý khác nhau ra sao?
Khác nhiều. Ở đây, tôi chỉ nêu lên một ít điểm chính.
Nhà quản lý phải giải quyết những vấn đề của hiện tại. Nhà lãnh đạo phải giải quyết cả hai: vấn đề của hiện tại và vấn đề của tương lai. Nhà quản lý cần có óc phân tích chính xác. Nhà lãnh đạo cần sự phân tích chính xác và cả tài tiên đoán để hoạch định sẵn cho những điều chưa tới. Nhà quản lý quan tâm đến chuyện làm như thế nào. Nhà lãnh đạo đặt câu hỏi chính: làm gì và tại sao lại làm như vậy? Nhà quản lý cần sáng kiến. Nhà lãnh đạo cần viễn kiến. Nhà quản lý nhìn vào kết quả của từng quý hay từng năm. Nhà lãnh đạo nhìn kết quả ở cuối chân trời.
Nhà quản lý làm việc với những con số và với bộ máy hành chính. Nhà lãnh đạo làm việc với những con người. Chung quanh nhà quản lý là các thuộc hạ; mỗi thuộc hạ có một bổn phận riêng, trong đó, bổn phận quan trọng nhất là phục tùng. Chung quanh nhà lãnh đạo là ủng hộ viên và cảm tình viên, những người làm việc trên căn bản tự nguyện và hy sinh. Nhà quản lý ra lệnh. Nhà lãnh đạo thuyết phục và động viên. Nhà quản lý xô đẩy người khác đi tới. Nhà lãnh đạo cuốn hút người khác về phía mình để tất cả cùng đi tới trước.
Mục tiêu chính của nhà quản lý là tính hiệu quả. Mục tiêu chính của nhà lãnh đạo là ý nghĩa (significance).
Có thể rút gọn những sự khác biệt ở trên thành hai điểm chính trong phẩm chất của nhà lãnh đạo: viễn kiến và lực hút.
Viễn kiến là nhìn xa trông rộng. Viễn kiến khác với sự huênh hoang, chẳng hạn, những lời huênh hoang về một thứ thiên đường cộng sản không tưởng nào đó, ở chỗ: nó bám rễ vào hiện thực, xuất phát từ sự phân tích chính xác hiện thực và luôn luôn được điều chỉnh bởi hiện thực. Viễn kiến được hiện thực hóa bằng chính sách. Một chính sách có viễn kiến là chính sách đáp ứng những thử thách của cả hiện tại lẫn tương lai nhưng được làm từ những điều kiện trong hiện tại. Một chính sách biến Việt Nam thành một nền kinh tế trí thức qua biện pháp nâng cao giáo dục với chỉ tiêu đào tạo thật nhiều tiến sĩ trong thập niên tới là một chính sách tốt. Tốt, nhưng nó lại trở thành què quặt khi những điều kiện để hiện thực chính sách ấy hoàn toàn không có hoặc không đủ. Đó không phải là viễn kiến. Đó chỉ là tưởng tượng.
Nhà lãnh đạo cần có lực hút mạnh mẽ. Giới bình luận chính trị ở Tây phương thường ví những nhà lãnh đạo lớn như một thỏi nam châm. Họ bước vào phòng, nhất là khi họ mở miệng, mọi người chung quanh có cảm giác như bị họ hút chặt. Không phải họ nói hay. Nhiều người nói hay vẫn không có sức lôi cuốn như vậy. Họ lôi cuốn vì những cái khác. Vì nhiệt tình. Vì sự tin tưởng. Vì sức mạnh từ nội tâm.
Dĩ nhiên không phải ai cũng bị lôi cuốn như vậy. Không có nhà lãnh đạo nào không có đối thủ, kẻ thù và nhiều hơn, những kẻ dửng dưng hoặc hoài nghi. Nhà lãnh đạo không trốn chạy những người ấy. Họ đương đầu. Họ sẵn sàng trả lời mọi câu hỏi.
Nhưng sức cuốn hút từ những hoàn cảnh đơn lẻ và có tính chất cá nhân như vậy không quan trọng bằng sức cuốn hút đối với cả xã hội. Phê phán sự thất bại của một nhà lãnh đạo nào đó, báo chí Tây phương thường nói đến hai điều này: người đó không xây dựng được một tự sự (narrative) cho đất nước và không khơi gợi trí tưởng tượng của quần chúng chung quanh cái tự sự ấy.
Nhưng tự sự trong trường hợp này là gì? Đó là câu chuyện về đất nước và đặc biệt, về tương lai của đất nước, về cuộc du hành mà đất nước sẽ đi tới, trong năm mười năm nữa. Chuyện hiện tại, với những thuận lợi cũng như khó khăn, mọi người biết rồi. Điều người ta chưa biết và chờ đợi được biết là: đất nước sẽ đi về đâu?
Chính sách chỉ là những bộ xương, khô khốc và trừu tượng. Nhà lãnh đạo làm cho các chính sách ấy thành một câu chuyện cụ thể và hấp dẫn để người ta có thể tin tưởng, hơn nữa, say mê, muốn ôm chụp lấy nó. Muốn biến nó thành giấc mơ của mình.
Nhà lãnh đạo làm được điều đó nhờ tài năng kích thích trí tưởng tượng của quần chúng bên cạnh việc thuyết phục họ qua con đường lý trí.
Áp dụng hai tiêu chuẩn viễn kiến và sức hút ấy vào hiện tình chính trị Việt Nam, chúng ta thấy gì?
Có người nào thực sự có viễn kiến? Có người nào xây dựng được một tự sự Việt Nam trong năm mười năm tới? Có người nào khơi gợi được trí tưởng tượng của quần chúng?
Không những không có ai mà dường như đó đều là những điều giới cầm quyền Việt Nam, từ cao xuống thấp, đều tìm cách né tránh. Người ta không muốn nói chuyện Việt Nam trong năm hay mười năm nữa, trừ những con số vô hồn trong các nghị quyết.
Tại sao?
Lý do có lẽ, ngoài sự bất tài, còn điều này nữa: họ muốn né tránh những bài toán của hiện tại. Không có tương lai nào của Việt Nam, dù là năm năm hay mười năm, không bị hình bóng khổng lồ của Trung Quốc án ngữ.
Chẳng lẽ lại thú nhận năm năm nữa ngư dân Việt Nam không được đi đánh cá ngoài khơi và mười năm nữa, mọi tàu viễn dương xuất phát từ Việt Nam hay từ đâu đó tới Việt Nam cũng đều xin phép quá cảnh của một ai đó?