À ơi... ví dầu... - Dân Làm Báo

À ơi... ví dầu...

Làm thất bại Chiến lược "Diễn biến hòa bình": Sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam với việc bảo đảm quyền con người

TS Cao Đức Thái (QĐND) Không phủ nhận rằng, chúng ta đang đối mặt với một thực tế là tình trạng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, “suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên”; tình trạng phân hóa giàu-nghèo; những bất cập trong lĩnh vực y tế, giáo dục; tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường, cơ chế “xin-cho”, “lợi ích nhóm”…, song không vì thế mà có thể phủ nhận đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước ta nhất quán tôn trọng và bảo vệ QCN.

*

Quyền con người (QCN) là thành quả của nền văn minh nhân loại, là giá trị lớn lao mà các quốc gia dân tộc có thể chia sẻ. Cách mạng Việt Nam do Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo đã có những đóng góp lớn lao, mang tính đột phá, tính thời đại về nhân quyền. Điều này thể hiện tập trung ở Tư tưởng Hồ Chí Minh và thực tiễn Cách mạng Việt Nam. 

1- Sự ra đời của khái niệm QCN gắn liền với các cuộc cách mạng dân chủ tư sản lật đổ chế độ phong kiến, xã hội thần dân thế kỷ XVII, XVIII. Ở Anh, khái niệm đó nằm trong Luật về các quyền (1689); ở Mỹ, nằm trong Tuyên ngôn Độc lập (1776) và Hiến pháp (bổ sung, 1789); ở Pháp, nằm trong Tuyên ngôn Nhân quyền và dân quyền (1789). Khái niệm QCN hiện đại ra đời trong thế kỷ XX, gắn với sự ra đời của Liên hợp quốc, năm 1945, trong Hiến chương Liên hợp quốc và trong Tuyên ngôn Thế giới về QCN, năm 1948. 

Quyền con người được hiểu trên hai bình diện: Bình diện nhân văn và bình diện pháp lý. Trên bình diện nhân văn, QCN được xem là một phạm trù đạo đức. Hạt nhân của quan niệm này là sự tôn trọng nhân phẩm, là giá trị vốn có và bình đẳng đối với tất cả mọi người; là tinh thần nhân đạo, khoan dung đối với con người. Trên bình diện pháp lý, QCN là quyền của tất cả mọi người. Đó là nhân phẩm, nhu cầu, lợi ích (vật chất, tinh thần) của con người được thể chế hóa trong quy định pháp luật, được Nhà nước tôn trọng, bảo vệ và thực hiện. Quyền con người trong pháp luật quốc gia vừa mang tính phổ quát vừa mang tính đặc thù về lịch sử, văn hóa và chế độ xã hội. 

Khác với quyền công dân, QCN là quyền của mọi thành viên trong cộng đồng nhân loại. Đây chính là cơ sở lý luận và pháp lý mà các thế lực đế quốc và tay sai của chúng lợi dụng để can thiệp vào công việc của các quốc gia. 

Trên phạm vi quốc tế, Chiến lược “Diễn biến hòa bình” (DBHB), lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền của chủ nghĩa đế quốc diễn ra song song với cuộc đấu tranh vũ trang ngay từ khi nhà nước công nông đầu tiên ra đời (năm 1917). Từ giữa thập kỷ 80 (thế kỷ XX), lợi dụng cải tổ, cải cách, đổi mới, chủ nghĩa đế quốc đã đẩy mạnh chiến lược này, kết hợp với bạo loạn, lật đổ hòng làm thay đổi chế độ xã hội ở các nước XHCN. Có thể nói, các cuộc “cách mạng màu” ở Đông Âu, “cách mạng hoa nhài” ở Trung Đông, Bắc Phi là những biến thể của Chiến lược “Diễn biến hòa bình”. Chẳng thế mà ngày nay, các thế lực thù địch đang mơ sẽ có “cách mạng hoa sen” ở Việt Nam. 

2- Ở Việt Nam, hơn 80 năm áp đặt chế độ thống trị, thực dân Pháp vẫn duy trì chế độ phong kiến thối nát; dân tộc ta không có Hiến pháp, không có quyền công dân, quyền con người. "Thành tựu" nhân quyền mà chủ nghĩa đế quốc, thực dân và phát-xít đã đem lại cho dân tộc Việt Nam là sự kiện hơn 2 triệu người ở Bắc Bộ chết đói vào năm 1945 (chiếm gần 1/10 dân số lúc đó), là cuộc chiến tranh mang tính hủy diệt của đế quốc Mỹ kéo dài 30 năm, cho đến nay nhiều người Mỹ vẫn còn ân hận. Đây là một bằng chứng lịch sử không ai có thể phủ nhận được. 

Thế là, hơn 150 năm, kể từ khi có Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ, Tuyên ngôn Nhân quyền và dân quyền của Pháp, ở các nước thuộc địa, người dân vẫn phải sống kiếp nô lệ. Không phải ngẫu nhiên người ta nghĩ rằng, khái niệm nhân quyền không phải bao giờ cũng được sử dụng với nguyên nghĩa tốt đẹp của nó, mà đằng sau đó còn chứa đựng những ý đồ chính trị đen tối của các thế lực đế quốc, thực dân và của những kẻ tay sai của chúng. 

3- Không phủ nhận rằng, QCN mang tính phổ quát, nhưng do những đặc thù về lịch sử, văn hóa và chế độ xã hội, nội dung, phương thức, cơ chế bảo đảm QCN ở mỗi quốc gia luôn có sự khác nhau. Trong Cách mạng Việt Nam, QCN do nhân dân ta đứng lên đấu tranh tự giành lấy. Tuyên ngôn Độc lập 1945 và Hiến pháp 1946 đã ghi nhận các quyền công dân và QCN của nhân dân ta, trước khi có Bản Tuyên ngôn Nhân quyền Thế giới 1948. 

Việc bảo đảm QCN của nhân dân ta ngày nay không chỉ là việc chăm lo cho đời sống của nhân dân mà còn phải đấu tranh với các thế lực thù địch và tay sai của chúng, bảo vệ chế độ và thành quả của cách mạng đã giành được. 

Trong lịch sử Cách mạng Việt Nam, đổi mới là một thời kỳ đặc biệt. Đó là thời kỳ Đảng ta sửa chữa sai lầm, khuyết điểm, nhận thức lại CNXH và con đường đi lên CNXH. Bản lĩnh của Đảng ta đã thể hiện rõ trong bước ngoặt lịch sử này. Đảng ta chủ trương chọn lọc, kế thừa các giá trị của nền văn minh nhân loại, trong đó có kinh tế thị trường, nhà nước pháp quyền, dân chủ và quyền con người. Tuy nhiên, Đảng ta quán triệt nguyên tắc: Đổi mới phải dựa trên chủ nghĩa Mác - Lê nin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, giữ vững định hướng XHCN, giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng và quyền làm chủ của nhân dân. 

Thời kỳ đầu những năm đổi mới, Đảng ta đã chỉ ra những sai lầm khuyết điểm trên lĩnh vực dân chủ và QCN như: "Hệ thống pháp luật chưa hoàn chỉnh”, "tình trạng một số cơ quan nhà nước và người thi hành công vụ làm trái pháp luật..., có trường hợp vi phạm nghiêm trọng quyền công dân”... Đồng thời, Đảng ta cũng đã sớm chỉ ra rằng, “Đối với chúng ta, vấn đề QCN được đặt ra xuất phát từ mục tiêu của CNXH... bao quát rộng rãi nhiều lĩnh vực từ chính trị, tư tưởng, văn hóa đến kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, pháp chế” (1). 

Trên một số lĩnh vực nhạy cảm về dân chủ và QCN, khi chưa có sự thống nhất về mặt nhận thức trong Đảng và xã hội, Đảng ta đã có sự chỉ đạo trực tiếp trong nội bộ Đảng và trong cả hệ thống chính trị. Có thể lấy một số văn kiện của Ban Chấp hành Trung ương, của Ban Bí thư và Bộ Chính trị làm ví dụ: Chỉ thị của BCH Trung ương về “Xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở” (1998), trong đó Đảng ta thể hiện rõ quan điểm “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra, dân quyết định”; Nghị quyết Trung ương 3, khóa X về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí” (2006); Nghị quyết Trung ương 7 khóa IX (2003) “Về phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc”, trong đó Đảng ta xác định: "Xóa bỏ mặc cảm định kiến, phân biệt đối xử về quá khứ, thành phần, giai cấp, xây dựng tinh thần cởi mở, tin cậy lẫn nhau...”; Nghị quyết về “Công tác dân tộc”, Đảng ta tái khẳng định quan điểm: "Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau”, “ưu tiên đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc và miền núi”. Nghị quyết về “Công tác tôn giáo”, Đảng ta xác định "Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân. Đạo đức tôn giáo có nhiều điểm phù hợp với công cuộc xây dựng xã hội mới”... 

Nhằm khắc phục nhận thức của xã hội không đúng về HIV/AIDS, đặc biệt là sự kỳ thị với người nhiễm HIV, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã có Chỉ thị 54, năm 2005 về “Tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS trong tình hình mới”, trong đó yêu cầu Nhà nước sớm “xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật đồng bộ tạo môi trường pháp lý... cho công tác phòng, chống HIV/AIDS”... Trong hơn 20 năm đổi mới, sở dĩ cách mạng Việt Nam đã giành được những thành tựu to lớn, trong đó chính trị ổn định; kinh tế vượt qua khủng hoảng, giữ được tăng trưởng khá cao trong nhiều năm; vị thế của đất nước được nâng cao... là nhờ Đảng ta không chấp nhận mô hình dân chủ, nhân quyền của phương Tây, không sao chép mô hình “dân chủ công khai”, “đa nguyên, đa đảng” của cải tổ. 

Để bảo vệ QCN của nhân dân ta hiện nay, không thể không đấu tranh chống lại âm mưu thủ đoạn của các thế lực thù địch thực hiện Chiến lược “Diễn biến hòa bình”, gây bạo loạn lật đổ, sử dụng chiêu bài “dân chủ”, “nhân quyền” hòng thay đổi chế độ chính trị ở nước ta”(2). 

Hiện nay, các thế lực thù địch sử dụng chiêu bài đòi “đổi mới triệt để”, đòi cải cách thể chế chính trị, xóa bỏ Điều 4 Hiến pháp quy định về vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, hạn chế sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội, đòi “đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập”, đòi thực hiện “tam quyền phân lập ”… nhằm từng bước làm thay đổi tính chất chế độ xã hội ta. 

Không phủ nhận rằng, chúng ta đang đối mặt với một thực tế là tình trạng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, “suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên”(3); tình trạng phân hóa giàu-nghèo; những bất cập trong lĩnh vực y tế, giáo dục; tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường, cơ chế “xin-cho”, “lợi ích nhóm”…, song không vì thế mà có thể phủ nhận đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước ta nhất quán tôn trọng và bảo vệ QCN. 

Nguyên Viện trưởng, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Nghiên cứu quyền con người, Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh. 


(1) - Tài liệu của Viện Nghiên cứu quyền con người , Học viện CT-HC Quốc gia Hồ Chí Minh.
(2)- Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội XI, Nxb CTQG.HN, 2011, tr 29. 
(3) - Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội XI, Nxb CTQG.HN, 2011, tr 29.


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo