Sài Gòn cũng có những đứa con hoang... - Dân Làm Báo

Sài Gòn cũng có những đứa con hoang...

Sa Mạc Hoa - Hơn mười năm trước, ta đặt bước chân đầu tiên lạ lẫm lên đường phố này, Sài Gòn miệng cười tươi rói, phất tay “Mạnh dạn lên, coi đây như nhà đi!”. Và thời gian chứng minh, Sài Gòn mến khách thật. Sài Gòn sẵn sàng dang tay đón bất kỳ ai với cái nhiệt tình nồng hậu của người phương Nam mà ta thường thấy.

Chính đây là nơi đã hội tụ những con người từ mọi miền đất nước, từ những vùng đất ta chưa hề có dịp đặt chân đến. Lâu lâu có buổi họp mặt bạn bè bốn phương trời, Sài Gòn ngồi nghe tưởng chừng lơ đễnh, đôi lúc lại quay qua nháy mắt “Quê mày hay đó! Cái món mày kể nghe cũng ngon, nấu thử cho tụi ở đây thử đi.” Nhờ những lời khuyến khích tương tự thế, mà Sài Gòn có đủ món từ Bắc chí Nam. Người đi xa vẫn cảm thấy đâu đây hình dáng, hương vị quê mình.

Sài Gòn cũng tâm lí nữa. Những lúc vấp ngã, Sài Gòn không cúi xuống nâng ta dậy, nhưng cho ta được cái nhìn cảm thông, khích lệ “Đứng lên đi! Tụi bây còn trẻ mà, thua keo này, bày keo khác.”

Vậy đó, Sài Gòn thân thiện, phóng khoáng và đáng yêu biết chừng nào.

Sài Gòn chưa hề hắt hủi ai.

Nhưng dường như có một Sài Gòn khác mà ta vừa phát hiện ra. Ta đem theo câu hỏi với niềm ấm ức của kẻ bị lừa dối, phản bội bởi người bạn thân thiết nhất. Cũng dáng vẻ xưa, hắn ngồi tựa vào một góc, trông rất buồn, nhìn ta như chờ đợi.

- Tại sao ngày xưa, khi tao cùng tụi bạn chỉ biết nghĩ đến bản thân, chớ hề biết quan tâm đến vận mệnh đất nước, chớ hề biết những khó khăn mà đất nước đang đối mặt, mày bảo bọn tao, “là con dân nước Việt, nên có trách nhiệm với quê hương”. Tụi tao thờ ơ mày cũng trách. Nhưng quan tâm thì bị mày đối xử không ra gì?

- Tao đâu có.

Với chút ngỡ ngàng, ta liếm môi một cái nuốt cơn giận.

- Sài Gòn mà tao biết dám làm dám nhận. Những người bạn từ miền Bắc xa xôi mới tới, sao mày không dùng cái lòng hiếu khách ngày xưa mà tiếp đãi họ? Sao mày bắt người rồi lại bảo không?

- Tao đâu có.

- Biểu tình là gì? Tao dân dã ít học, hiểu theo cái nghĩa của tao, nó đơn giản là biểu thị tình cảm của mình về một vấn đề gì đó. Trung Quốc muốn xâm chiếm lãnh hải của nước ta, thì tụi tao đi phản đối. Sai sao? Thủ tướng muốn ra luật biểu tình, một bước ngoặc thật sự để Việt Nam có dân chủ trong tương lai, tụi tao đi ủng hộ. Sai sao? Bạn bè ở phương Bắc bị bắt vì hành động đó, bạn ta ra đứng giăng vài dòng chữ ủng hộ thủ tướng, phản đối bắt người vô lý. Sai Sao?

- Không sai.

- Người ta đã ôn hòa biểu thị cái tình của mình, nếu không đồng ý, mày cũng nên cư xử hào sảng như một Sài Gòn xưa tao từng biết. Mày dựa vào cái gì mà bắt người? Dựa vào cái gì mà cưỡng ép người bạn của tao lên tàu trở về Hà Nội?

Sài Gòn gục mặt vào tay, khổ sở.

- Tao đâu có.

Lòng ta chùng xuống, mơ màng nhớ lại Sài Gòn của những năm xưa. Điều gì khiến dáng điệu ngang tàng ngày xưa biến mất? Điều gì khiến Sài Gòn trở nên xa lạ và đáng thương đến vậy?

- Mày nhốt bạn tao ở đâu rồi?

Ta nghe giọng mình chực vỡ òa. Sài Gòn ngước đôi mắt đỏ hoe nhìn ta áy náy.

- Tao không biết.

- Mày nói vô trách nhiệm vậy mà nghe được sao? Cái gì cũng không biết, vậy cuối cùng mày biết cái gì?

- …

Một chuỗi im lặng kéo dài, ta nhìn Sài Gòn lắc đầu thất vọng. Chỉ bởi vì yêu nhiều, nên mới cảm thấy đau thế này. Ta quay bước, nhưng còn kịp nghe Sài Gòn nói qua hơi thở như một lời than.

- Sài Gòn cũng có những đứa con hoang…

Chị Hằng nghe thấy chăng?

Những người đã bắt chị không cần lí do, không cần bằng chứng, cũng bất chấp pháp luật có cho phép hay không... là nỗi đau của Sài Gòn.

Chị bị bắt đến nay gần một tuần, không ai hay biết chị hiện sống chết ra sao. Nhưng nếu chị khỏe mạnh bình an trở về, hãy tha thứ cho Sài Gòn, bởi Sài Gòn cũng có những đứa con hoang…

Sa Mạc Hoa


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo