Thông điệp gửi lại từ truyện Tấm cám - Dân Làm Báo

Thông điệp gửi lại từ truyện Tấm cám

Lê Quốc Châu (Dân trí)Trong giai đoạn cách mạng trước đây, nếu tôi nhớ không nhầm, có một nhà lãnh đạo có tầm cỡ đã từng nói: " Nhiệt tình + dốt nát = phá hoại", thì nay có thể bổ xung: quyền lực + tham lam + ngu dốt = đại phá hoại!...

*

Qua truyện cổ tích Tấm Cám, phải chăng cha ông ta đã dụng ý để lại thông điệp cho con cháu mai sau rằng, chính quyền lực đã làm cho cô Tấm vốn thảo hiền, thánh thiện thành cô Tấm mưu mô tàn ác không kém gì mẹ con Cám.

Đã có nhiều ý kiến bàn luận xoay quanh truyện cổ tích Tấm Cám, nhưng nếu nhìn ở góc độ về sư biến đổi tính cách kỳ lạ của cô Tấm khi đã nắm quyền lực trong tay, thì có thể thấy điều muốn gửi gắm của người xưa rất ứng nghiệm với đời sống thực tế ngày nay. Nhiều người trong chúng ta vốn là những người tốt nhưng khi đã có chức tước, có quyền lực trong tay thì rất dễ bị tha hóa, thậm chí lưu manh hóa. Trong giai đoạn cách mạng trước đây, nếu tôi nhớ không nhầm, có một nhà lãnh đạo có tầm cỡ đã từng nói: " Nhiệt tình + dốt nát = phá hoại", thì nay có thể bổ xung: quyền lực + tham lam + ngu dốt = đại phá hoại! Vì nhiệt tình cộng với dốt nát thì mới chỉ là sự phá hoại vô ý thức. Còn nếu kẻ nào đó có quyền cao chức trọng mà tham lam và dốt nát thì là sự phá hoại có chủ đích (nhằm vun vén lợi ích cho bản thân và phe cánh), cho nên gây tác hại lớn, có thể đẩy tới tình trạng suy thoái của xã hội, nghĩa là dẫn tới những hậu quả khôn lường.

Trong truyện cổ tích Tấm Cám, phải chăng cha ông ta đã ngầm ý để lại thông điệp cho con cháu mai sau rằng, chính quyền lực đã biến cô Tấm thảo hiền, thật thà, thánh thiện thành cô Tấm độc ác, gian manh không kém gì mẹ con Cám. 

Khi còn ở với dì ghẻ, giai đoạn mà Tấm chưa làm vợ vua, chưa có quyền lực trong tay, cô Tấm mặc dù bị mẹ con Cám rắp tâm hãm hại nhiều lần nhưng vẫn luôn có tấm lòng thật thà, ngây thơ, hồn nhiên, trong sáng. Một cô Tấm không may mảy nghĩ đến ác ý của người khác đối với mình, càng không bao giờ nghĩ tới sự trả thù thâm độc, tàn bạo. 

Nhưng kể từ khi cô Tấm được làm vợ vua, trở thành hoàng hậu, khi có quyền lực trong tay mình thì cô Tấm cũng tàn độc không kém mẹ con Cám. Tâm địa đó thể hiện rõ ở hành động Tấm bảo Cám muốn đẹp như chị hãy tắm theo cách chị đã tắm, hãy đào một cái hố sâu và đứng vào dưới ấy. Sau đó, Tấm sai lính đun một nồi nước sôi rồi đổ xuống hố làm Cám chết nhăn răng. Chưa dừng lại ở đó, Tấm còn cho người lấy xác Cám lên, muối thành một vại mắm, sai người mang đến nhà dì ghẻ bảo rằng, đó là quà của chị Cám gửi tặng mẹ. Khi mụ dì gẻ ăn hết vại mắm đó, phát hiện dưới đáy vại có xương sọ con mình thì lăn đùng ra chết. 

Như vậy, cha ông ta đã xây dựng hình tượng cô Tấm với hai con người cụ thể ở hai giai đoạn khác nhau. Một cô Tấm thảo hiền, thật thà, chân chất, ngây thơ, hồn nhiên, trong sáng (ở giai đoạn đầu khi chưa có quyền lực). Một cô Tấm tàn bạo, hung dữ, ác độc khi đã nắm quyền lực trong tay. Qua câu chuyện Tấm Cám, cha ông ta đã thầm nhắc khéo con cháu mai sau rằng, quyền lực có khả năng làm thoái hóa, biến chất con người nhanh lắm! 


Một nhà sử học và đạo đức học Lord Acton (1834-1902) đã đưa ra nhận định có tính khái quát: “Quyền lực có khuynh hướng tha hóa, quyền lực tuyệt đối thì tha hóa tuyệt đối” . Không ít người càng làm to và càng lâu thì tha hóa càng mạnh. Vì thế, không nên quá đam mê quyền lực. Vì thực ra, quyền lực và đồng tiền không theo ta được mãi, "sắc sắc không không", có đó rồi mất. Cái còn lại mãi với thời gian là tình người. Đúng như tinh thần hai câu thơ Tố Hữu đã viết: 

"Có gì quý trên đời hơn thế nữa 
Người yêu người, sống để yêu nhau" 

Nhà nước ta là nhà nước của dân, do dân và vì dân; mọi quyền lực đều thuộc về nhân dân. Nhân dân giao phó cho một số người đại diện cho mình để thực thi quyền lực ấy. Vì vậy nếu quyền lực giao phó cho những người có tâm, có tầm, hết lòng phụng sự đất nước và nhân dân thì quyền lực đó có ích cho xã hội. Ngược lại, nếu quyền lực của nhân dân mà trao nhầm vào tay kẻ tiểu nhân, bất tài, tham lam thì khác nào trao gươm thần vào tay bạo chúa, chỉ có hại cho xã hội. Vì vậy: quyền lực + tham lam + dốt nát = phá hoại là thế. 

Tiêu biểu cho sự tha hóa dạng này mà dư luận được biết, là vụ án "Chủ tịch tỉnh Hà Giang cởi truồng" và "Hiệu trưởng Sầm Đức Xương mua dâm học trò" mà báo chí đã loan tin. Một vị là quan đầu tỉnh, đảng viên, người mà "quan trên trông xuống, người dân trong vào"; một vị là Hiệu trưởng một trường THPT, cũng là đảng viên, người được coi là tấm gương lớn cho học sinh noi theo, người được coi chuẩn mực để Cha mẹ học sinh và xã hội tin tưởng, kỳ vọng thì cả hai người đó đều tha hóa, biến chất. Quyền lực và tiền bạc đã làm hư họ. Họ vừa có quyền lẫn có tiền nhưng lại không có tâm, có tầm cho nên gây tác hại xấu cho xã hội là đương nhiên. Vì một khi trong tay sẵn có đồng tiền, có quyền cao chức trọng thì việc đổi trắng thay đen với họ không khó gì. 

Một người giàu có và quyền lực lớn như Saddam Hussein, Muammar al-Gaddafi nhưng kết cục lại chết quá bi thảm. Nếu như các vị Hussein, Gaddafi không tham quyền cố vị, khi biết lòng dân không theo mà từ chức như các Thủ tướng Nhật thì kết cục đâu có đến nỗi. 

Vì vậy, những người nắm trong tay quyền lực cần nhớ, quyền lực đó phải dùng để thực thi những công việc vì dân, vì nước, quyền lực đó phải thực sự vì dân, phải dùng quyền lực đó để làm cho "dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh" theo đường lối chủ trương của Đảng. Nếu ai đó lợi dụng cái mác đảng viên, lợi dụng chiếc áo quyền lực mà nhân dân giao phó để tư túi, tham lam, ích kỷ một cách ngu dốt thì sớm muộn gì cũng phải trả giá. Phải chăng đó là bài học từ truyện cổ tích Tấm Cám cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị. 


(Trường THPT Cù Huy Cận-Vũ Quang-Hà Tĩnh)



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo