Tiền nào cũng là tiền ! - Dân Làm Báo

Tiền nào cũng là tiền !

Trần Duy Huỳnh (Danlambao) - Người Việt Nam có tục đốt vàng mã cho người chết với niềm tin rằng người quá cố sẽ sử dụng ở thế giới bên kia. Vàng mã có nhiều dạng như tiền, vàng bạc, nhà cửa, vật dụng trong nhà, xe cộ, ngay cả hình nhân, v.v..., tất cả đều được làm bằng giấy, tre... và rất khéo.

Nhiều người đã than phiền rằng tiền vàng mã, hay tiền âm phủ, trông rất giống tiền thật khiến cho có thể bị lầm lẫn nếu không cẩn thận. Nhà nước Việt Nam cũng đã có lệnh hạn chế sự giống nhau đó.

* Theo báo Dân Trí số ra ngày thứ Hai, 15 tháng 8 năm 2011, trong dịp rằm tháng 7 âm lịch vừa qua, người dân thành phố HCM đã tiêu hàng tỉ đồng tiền thật để mua tiền âm phủ. (Source some where on the net)

Thật không may, sự giống nhau giữa tiền thật và tiền âm phủ này có nguy cơ trở thành sự thật khi trong năm qua, giá trị đồng bạc Việt Nam, nói theo kiểu người Việt là “liên tục đi xuống”, còn nói theo kiểu Ăng-lê là “liên tục đi lên trong khói” (steadily going up in smoke).

 * Chỉ số lạm phát tăng cao trong năm đã vượt xa chỉ số ở Ethiopia và Venezuela. Tiền đồng VN mất giá sáu lần so với đồng đô la tính từ tháng 6 năm 2008 (Source: CEIC).

Người dân hối hả cứu tài sản của họ bằng cách chuyển tiền đồng qua vàng và đô la. Sản xuất đình trệ, nguy cơ dẫn tới tình trạng thất nghiệp hàng loạt.

Thị trường chứng khoán xuống dốc không cách gì chặn được, bơm thêm tiền chỉ là hành động tự sát chậm. Tình trạng càng tồi tệ khi các công ty chứng khoán có khả năng mất thanh khoản.

Riêng thị trường bất động sản (BĐS) còn nghiêm trọng hơn, sự giảm giá mà cách đây chỉ một năm không ai có thể nghĩ tới nỗi và không biết sẽ còn giảm bao nhiêu nữa.

Yếu điểm lớn nhất của BĐS, trong giai đoạn bất ổn kinh tế cũng như lúc kinh tế ổn định, là khả năng giao dịch chậm vì nó có giá trị lớn và không thể xé nhỏ ra như vàng hay đô la được, kinh tế càng bất ổn, điểm yếu càng tăng. Ngoài ra, khác với chứng khoán, nhà đầu tư có thể biết điểm đáy, với BĐS tại VN, không người dân nào biết rõ điểm đáy của nó ở đâu là hợp lý vì tình trạng tham nhũng và dung dưỡng đầu cơ (tỉ như buôn bán trao tay) trong suốt một thời gian dài vừa qua đã đẩy giá nhà lên quá mức tưởng tượng.

Vì thế, đem một số tiền lớn dành dụm được, mượn tiền ngân hàng hay chuyển vàng để mua BĐS trong lúc này là một việc làm đầy rủi ro và mạo hiểm. Các đại gia BĐS hiện nay rất đang “khát” tiền, họ càng khát, người dân càng lợi, hãy để họ khát thêm một thời gian nữa.

Nhìn qua Zimbabwe, cũng do tình trạng tham nhũng hết thuốc chữa cộng với sự độc tài, phe phái trong quản lý kinh tế và chính sách đất đai đã dẫn tới siêu lạm phát, khủng hoảng kinh tế toàn diện.

Theo báo New York Times, số ra ngày 1 tháng 10 năm 2008, mọi dịch vụ của chính phủ càng ngày càng trở nên bi đát, công chức bỏ sở đi tìm việc khác vì chính phủ không còn khả năng trả lương. Thất nghiệp khắp nơi, những người may mắn có việc làm thì hầu như không làm gì hết vì lương của họ vô giá trị. Ngoại tệ khan hiếm trầm trọng, tiền đô la Zimbabwe bị mất giá thê thảm, nhưng tệ hơn, nó còn khan hiếm vì chính phủ tìm mọi cách quản lý nguồn tiền trong dân để duy trì sinh hoạt (của chính phủ).


Bà giáo Tendai Chikowore, Chủ tịch Hiệp hội Giáo viên lớn nhất Zimbabwe nói rằng “nó thật đáng sợ và thảm hại”, tiền lương trả hàng tháng của một giáo viên thậm chí không đủ để mua hai chai dầu ăn. Bà nói "Đây là một sự sụp đổ của hệ thống, và nó không chỉ ảnh hưởng tới giáo viên mà hầu như các ngành khác, tại các bệnh viện còn không có y tá và không có thuốc."

Giáo sư Samantha Power của trường đại học Harvard đã dùng Zimbabwe để mô tả trong quyển sách của bà “How to Kill a Country”(1). Bà nêu ra 10 cách mà tổng thống Mugabe đã dùng để tàn phá nền kinh tế của Zimbabwe:
  1. Phá hủy phương tiện tạo ra năng suất (Destroy the engine of productivity)
  2. Che dấu, tiêu hủy sự thật (Bury the truth)
  3. Đàn áp đối lập (Crush dissent)
  4. Luật hóa những điều không chấp nhận được (Legislate the impossible)
  5. Dạy những điều thù hận (Teach hate)
  6. Làm ngoại quốc hoảng sợ, e ngại (Scare off foreigners)
  7. Xâm chiếm, hung hăng với láng giềng (Invade a neighbor)
  8. Coi thường, không chú tâm tới kẻ thù (Ignore a deadly enemy)
  9. Diệt chủng (Commit genocide)
  10. Đổ thừa tư bản, đế quốc (Blame the imperialists)
Không biết Việt Nam có giống điều nào không?

Mới đây báo Thanh Niên Online đưa tin trong bài “Giải mã kịch bản kinh tế VN năm 2012”, nguyên văn “Nhấn mạnh đến việc tái cấu trúc nền kinh tế đang nhận được sự đồng thuận cao, thành viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, TS Trần Du Lịch cho rằng đó là thế mạnh lớn nhất mà nền kinh tế VN có được trong năm 2012...”.

Lạ thật, những điều này đã được các nhà kinh tế độc lập đưa ra ít nhất từ năm 2008 mà đâu có ai nghe. Cái này báo lề phải gọi là “thế mạnh” vững chắc đi lên XHCN (đọc là Xã Hội Chủ Nghĩa), còn bọn lề trái thì cho là chầm chậm, chầm chậm từng bước XHCN (đọc là Xuống Hố Cả Nước).

Viết tới đây chợt nhớ đến Hà Nội, Hà Nội trước năm 54 có 36 phố phường, bây giờ thì 35 phố phường đã đi vào văn học sử, chỉ còn có thể tìm thấy trong sách vở hoặc qua hình ảnh. Riêng còn một phố vẫn sống mạnh, sống vững chắc đó là phố Hàng Mã.

Có nên dời phố Hàng Mã từ ngã tư Hàng Đường, phố Phùng Hưng qua đường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm chăng?

16/12/2011

Trần Duy Huỳnh

_____________________________________________________

S. Power, How to Kill a Country - Turning a breadbasket into a basket case in ten easy steps-the Robert Mugabe way. (http://www.theatlantic.com/magazine/archive/2003/12/how-to-kill-a-country/2845/)


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo