Bùi Tín - Đảng Cộng sản VN vừa họp hội nghị Trung ương lần thứ tư, khóa XI và ra nghị quyết củng cố đảng, ngăn chặn đà suy thoái đạo đức. Phát biểu đầu năm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng kêu gọi chống tham nhũng, trong sạch hóa bộ máy nhà nước. Do đó vụ án đầu năm trên đây càng cần giải quyết rõ ràng, phân minh. Đây là một thử thách nghiêm chỉnh công khai. Không thể nói một đàng, làm một nẻo. Không thể bênh kẻ gian, trị người ngay, nhất là khi nhà báo Hoàng Khương đã tỏ rõ qua 40 bài báo của mình là một nhà báo có công tâm, và anh đã tự khẳng định mình là nhà báo đi đầu trong chống tham nhũng, một nhân vật đáng quý trọng, đáng bảo vệ đến cùng trong làng báo Việt Nam...
*
Vụ nhà báo Hoàng Khương trong ban biên tập báo Tuổi Trẻ đang làm xôn xao dư luận.
Nhà báo Hoàng Khương bị khởi tố và bị bắt giam ngày 2-1-2012, một ngày đầu năm mới. Anh bị giữ về tội danh “gài bẫy công an” và “ép công an đến cùng để phạm luật”. Thẻ nhà báo của anh bị tịch thu. Mẹ anh đang ốm ở Nha Trang, vợ anh đang yếu vì có mang.
Nguyên nhân vụ án xảy ra là 2 bài báo do nhà báo Hoàng Khương viết và đăng trên báo Tuổi Trẻ đầu tháng 11/2011, dưới nhan đề “Đồng tiền xóa sạch hồ sơ” và “Cảnh sát giao thông giải cứu xe đua trái phép” kèm theo ảnh chụp,
Nhà báo Hoàng Khương được công luận biết đến từ 4 năm nay như một mũi nhọn báo chí chống tham nhũng. Anh từng viết 40 bài phóng sự, điều tra khá sắc bén trên lĩnh vực này và từng được khuyến khích khen thưởng về tác dụng xã hội của những bài báo ấy.
Nhân vật, tang chứng, vật chứng của sự kiện tham nhũng liên hệ là Thượng úy cảnh sát Hùynh Minh Đức, với một số ảnh in hình chiếc xe máy bị giữ, ảnh Thượng úy Đức cầm xấp tiền giấy15 triệu đồng, ảnh Thượng úy Đức hý hửng ngồi đếm tiền…Số tiền này là tiền của người có xe máy bị giữ xin “chuộc” lại xe qua môi giới của nhà báo Hoàng Khương. Nhà báo quả thật đã dùng một thủ thuật nhử mồi để có bằng chứng hiển nhiên, bắt tận tay, day tận cánh kẻ tham nhũng. Khi mới in ra, 2 bài báo được dư luận hoan nghênh, vì trong hàng ngũ cảnh sát giao thông thường xảy ra chuyện ăn tiền, phạt những người lái xe tải hay xe máy phạm luật, không đội mũ bảo hiểm, chở quá tải, chạy quá nhanh trong những cuộc đua tự do…Không ít cảnh sát giao thông bỏ túi một phần hay toàn bộ tiền thu được. Có người gọi mỉa mai đó là những “anh hùng Núp”.
Sau khi 2 bài báo vừa kể xuất hiện, dư luận mong chờ kẻ phạm luật sẽ bị xử lý, các hiện tượng anh hùng Núp sẽ giảm, xã hội sẽ lành mạnh hơn.
Nhưng oái oăm thay cho nhà báo Hoàng Khương, anh đã bị bắt giữ, bị truy tố và chờ ngày ra tòa với 2 tội danh “gài bẫy công an” và “ép công an đến cùng để phạm luật”.
Đây là một vụ án rất lý thú, có thể thành một bài học bổ ích cho toàn xã hội, cho toàn dân cũng như cho giới cầm quyền, nhất là cho ngành tòa án, công an, đăc biệt cho cảnh sát giao thông.
Trong những bài báo của nhà nước và trên các mạng blogger tự do, hiện có 2 luồng ý kiến trái ngược nhau.
Một ý kiến cho rằng nhà báo Hoàng Khương đã phạm luật, phạm pháp, phạm đạo đức nghề nghiệp. Vì nếu anh Khương không giăng bẫy thì Thượng úy Đức không thể phạm luật trong vụ này. Nhà báo đã gây ra vụ án, là nguồn gốc của vụ án, phải chịu trách nhiệm. Một lập luận nữa là trong chống tham nhũng phải lấy phòng ngừa, giáo dục làm chính. Nếu cứ giăng bẫy khắp nơi thì tham nhũng sẽ không giảm mà sẽ tăng, có hại. Đây là một kiểu lý sự hình thức, một kiểu ngụy biện, lý sự cùn nhằm bênh kẻ gian thoát tội. Đây còn có thể là kiểu trả thù.
Một ý kiến trái ngược cho rằng rõ ràng Thượng úy Huỳnh Minh Đức đã phạm luật, phải bị xử lý công minh, làm gương cho toàn lực lượng công an giao thông; nhà báo Hoàng Khương không có tội, còn có thành tích vì tỏ rõ trách nhiệm, nhiệt tình, ý chí chống tham nhũng, làm theo lời kêu gọi của những người lãnh đạo, làm theo mong muốn của toàn dân là coi tham nhũng như kẻ thù nội xâm. Trong điều kiện kẻ thù nội xâm này rất ranh ma xảo quyệt, ăn cũng giỏi mà chùi sạch mép cũng tài, nên phải có mưu cao để trị chúng. Động cơ của nhà báo là vì xã hội, vì nhân dân, là rất trong sáng, ngay thẳng, do đó toàn xã hội cần lên tiếng bảo vệ người ngay, trị kẻ gian. Theo các luật sư am hiểu tình hình và luật pháp, trong vụ án này cùng lắm tòa án chỉ có thể khuyến cáo nhà báo không nên giăng bẫy như thế, nên lấy phòng ngừa phạm luật làm trọng, nhưng tuyệt đối không thể xúy xóa sai lầm tội lỗi đã rõ ràng của Thượng úy Đức.
Khi công an đến nhà anh ở Quận Phú Nhuận, Sài Gòn, đọc lệnh bắt, nhà báo Hoàng Khương tỏ ra ung dung, tự tin, bình tĩnh, không hề nao núng trước cường quyến. Cụ thân sinh ra anh tỏ ra rất bức xúc, cụ nói với gia đình nếu anh bị tuyên án một cách phi lý cụ sẽ tự thiêu.
Điều đáng tiếc là Ban biên tập báo Tuổi Trẻ đã không bày tỏ lập trường trong trách nhiệm bảo vệ nhà báo mũi nhọn của mình. Đáng trách hơn nữa là Hội nhà báo Việt Nam cũng không tỏ thái độ bảo vệ nhà báo trẻ rất có tài năng và tâm huyết, hội viên của mình. Chỉ có tổ chức Phóng viên không biên giới có trụ sở ở Paris, Pháp, kịp thời lên tiếng bênh vực nhà báo Hoàng Khương.
Đảng Cộng sản VN vừa họp hội nghị Trung ương lần thứ tư, khóa XI và ra nghị quyết củng cố đảng, ngăn chặn đà suy thoái đạo đức. Phát biểu đầu năm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng kêu gọi chống tham nhũng, trong sạch hóa bộ máy nhà nước. Do đó vụ án đầu năm trên đây càng cần giải quyết rõ ràng, phân minh. Đây là một thử thách nghiêm chỉnh công khai. Không thể nói một đàng, làm một nẻo. Không thể bênh kẻ gian, trị người ngay, nhất là khi nhà báo Hoàng Khương đã tỏ rõ qua 40 bài báo của mình là một nhà báo có công tâm, và anh đã tự khẳng định mình là nhà báo đi đầu trong chống tham nhũng, một nhân vật đáng quý trọng, đáng bảo vệ đến cùng trong làng báo Việt Nam.