Lâm Tiến Dũng và Lê Văn Luyện - Dân Làm Báo

Lâm Tiến Dũng và Lê Văn Luyện


“Người đàn ông bịt mặt, trùm kín áo mưa tay cầm hai ca axit bất ngờ xông vào căn nhà trong hẻm 274 Nguyễn Văn Nghi, phường 7 (quận Gò Vấp, TP HCM) tạt vào gia đình bốn người, trong đó có hai trẻ nhỏ. 

Sự việc xảy ra ngày 18/1 khiến cả bốn nạn nhân là anh Nguyễn Quốc Tuấn (38 tuổi), chị Nguyễn Thị Thanh Xuân (36 tuổi, vợ anh Tuấn) và hai con Nguyễn Quốc Huy Bảo (5 tuổi) và Nguyễn Thị Thanh Ngọc (3 tuổi) bị bỏng.

Khoảng 7h ngày 18/1, anh Tuấn đang ngồi chơi cùng con trai trước nhà. Lúc này một người trùm kín áo mưa (dù trời không mưa), mặt bịt khẩu trang cầm hai ca bước vào, hất thẳng một ca vào mặt anh Tuấn và cháu Huy. 

Nghe tiếng kêu cứu của chồng con, chị Xuân từ trên lầu chạy xuống. Ngay lập tức hung thủ liền tạt ca axit còn lại vào người chị. Con gái 3 tuổi của chị Xuân chạy xuống ngã vào vũng axit dưới nền nhà. 

Chưa dừng lại ở đó, trong lúc các nạn nhân kêu la hoảng hốt thì hung thủ rút dao xông vào tiếp tục truy sát. Chị Xuân vội bế hai con chạy ra cửa sau kêu cứu còn anh Tuấn chạy vào nhà tắm khóa trái cửa. Thấy vậy, hung thủ liền rút khỏi hiện trường”. 

“Sát thủ” này là Lâm Tiến Dũng (SN 1964, ngụ tại 274/10 Nguyễn Văn Nghi, phường 7, quận Gò Vấp – TP.HCM). Sau 2 ngày lẩn trốn ở nhà người quen tại quận 4, biết không thể trốn thoát nên tên Dũng gọi người nhà đến đưa Dũng ra đầu thú. 

Lý do chính đáng và động cơ của “sát thủ” này khai nhận ban đầu với cơ quan CSĐT là do “anh Nguyễn Quốc Tuấn (SN 1974, ngụ nhà số 274/8 Nguyễn Văn Nghi, phường 7, quận Gò Vấp – TPHCM, bán tạp hóa) thường xuyên chửi cha của Dũng khiến cha của Dũng đã từng treo cổ tự tử, nhưng may mắn không chết, nên từ đó Dũng nuôi mối thù”. 

“Phản hồi về lời khai của Lâm Tiến Dũng tại công an cho rằng gia đình chị Xuân - anh Tuấn xúc phạm khiến cha y treo cổ tự tử, chị Phạm Thị Xuân bức xúc trên giường bệnh: “Đó là một lời vu khống trắng trợn, sống ở đó mười mấy năm chứ gia đình tôi chưa bao giờ có một lời nặng nhẹ bà con lối xóm. Điều đó được chứng minh khi gia đình tôi gặp nạn, cả tổ dân phố đã thăm hỏi, góp tiền cho tôi chữa bệnh. Chưa nói đến chuyện cha của Dũng bị lẫn nên nhiều lần lấy gậy đánh chồng tôi, sau đó mẹ Dũng lại sang năn nỉ bỏ qua sự việc. Vậy mà nỡ lòng nào nói chúng tôi như vậy”. 

Dũng được sinh ra trong một gia đình có nề nếp, cha, anh và em đều công tác ngành công an. Chính vì vậy nội dung đơn tố cáo của gia đình anh Tuấn nêu rõ quan điểm phải trừng trị kẻ vô cớ gây ra tai ương cho gia đình mình, đồng thời “xem xét về nhân thân của Lâm Tiến Dũng vì Dũng được sinh ra trong một gia đình có nề nếp, cha, anh và em đều công tác ngành công an nhưng hành vi lại rất tàn độc, thủ đoạn rất quyết liệt, có dự mưu có tính toán tình huống”. 

“Hiện anh Tuấn trong tình trạng bỏ ăn, rơi vào tình trạng thập tử nhất sinh không thể uống nước, chị Xuân bị mù một mắt, cháu Bảo mù hẳn hai mắt, riêng cháu Ngọc bị nhẹ hơn nên được ông bà ngoại chăm sóc tại nhà.” 

(Nguồn: www.Phapluatvn.vn) 

Nạn nhân - anh Nguyễn Quốc Tuấn bị mù hai mắt, mặt cháy đen đầy vết thương

Nạn nhân - chị Nguyễn Thị Thanh Xuân bị mù một mắt và đầy vết bỏng

Nạn nhân - cháu trai 5 tuổi Nguyễn Quốc Huy Bảo 

Kẻ thủ ác - Lâm Tiến Dũng, gia đình "nề nếp, công an"
Nhìn Lâm Tiến Dũng nhớ Lê Văn Luyện ở Bắc Giang. 

Chỉ trong một đêm sát thủ Luyện thảm sát ba mạng người trong một gia đình, chặt đi cánh tay của cháu Bích, chỉ mới lên tám tuổi để cướp tài sản. Nếu Luyện không nghĩ rằng cháu Bích đã chết thì sợ rằng giờ này cháu Bích cũng không còn nữa. Nhưng bản án dành cho Lê Văn Luyện trong phiên Tòa sơ thẩm chỉ là 18 năm tù, chỉ vì Luyện chưa đủ 18 tuổi. 

Cái phao để vớt Luyện thoát khỏi cái án tử phải trả cho ba mạng người là độ tuổi của Luyện. Còn cái phao để vớt Dũng có lẽ là cái nhân thân“ nề nếp” của hắn. Ông TS Đỗ Đức Hồng Hà, nguyên giảng viên Trường Đại học Luật, hiện đang là cán bộ của Bộ Tư pháp trong cuộc phỏng vấn với phóng viên VOV cho rằng “theo điều 46, Bộ Luật Hình sự, căn cứ vào thân nhân gia đình có nề nếp, cha, anh và em đều công tác trong ngành công an thì đây cũng là một tình tiết để xét giảm nhẹ tội cho tên Dũng”. 

(Nguồn: vov.vn) 

Đáng lẽ ra sống trong gia đình nề nếp như vậy, thì Dũng phải là người hiểu rõ luật pháp hơn ai hết. 

Được giáo dục, được dạy dỗ tử tế đàng hoàng, có phải dân quê ít học như Luyện đâu mà có thể nói là không ý thức được hành động của mình? 

Tôi nghĩ rằng người thân của Dũng chắc cũng không muốn con, em của mình lợi dụng ngành nghề Công an của họ để đi thực hiện những hành vi thú tính ấy. Vì họ cũng sẽ xấu hổ lắm với đồng nghiệp và với nhân dân vì sự dã man của con em mình chứ. 

Tôi mong rằng họ sẽ không nhận thân nhân mà chỉ nhìn nhận lý lẽ, luật pháp, sẽ đồng tình và thấu hiểu rõ cái lý do tại sao gia đình nạn nhân cho rằng hành vi đó lại rất tàn độc, thủ đoạn rất quyết liệt, có dự mưu có tính toán tình huống. 

Cơ quan công an bắt giam Dũng với tội danh “cố ý gây thương tích” tôi cho rằng là chưa thỏa đáng. 

Tôi cho rằng hành vi của Dũng rõ ràng là hành vi cố ý giết người mà còn là cố ý giết nhiều người nữa: “Chưa dừng lại ở đó, trong lúc các nạn nhân kêu la hoảng hốt thì hung thủ rút dao xông vào tiếp tục truy sát. Chị Xuân vội bế hai con chạy ra cửa sau kêu cứu còn anh Tuấn chạy vào nhà tắm khóa trái cửa. Thấy vậy, hung thủ liền rút khỏi hiện trường”. Nếu gia đình anh Tuấn không phản ứng kịp thời, thì liệu rằng giờ đây họ còn mạng mà kêu oan nữa không? 

Một người bạn tôi quen trên facebook đã đến thăm gia đình anh Tuấn, bé Bảo có nói: “Hôm mồng 3 Tết, anh có vào Nhi Đồng 2 thăm đứa bé. Tội nghiệp, mất một con mắt, con còn lại không biết chữa được không? Nhưng bé cười rất tươi và rất thông minh, lanh lẹ. Nó nói “trời mau sáng để con đi chúc Tết các cô y tá”, mà lúc đó 11 giờ trưa. Anh không cầm nổi nước mắt”. 

Hành động của Luyện và Dũng không khác về mặt tính chất, nó chỉ khác ở một điểm là động cơ gây án. Một kẻ tham lam, giết người cướp của. Còn một bên là tên hung đồ, khát máu vì những chuyện nhỏ nhặt, vu vơ và muốn chứng tỏ sự hung hãn của mình. 

Lại quay lại vụ án thảm sát của Lê Văn Luyện ở Bắc Giang, trước nhiều ý kiến dư luận trái chiều nhau về bản án đối với Luyện, riêng tôi không đồng ý với ý kiến những ý kiến cho rằng chết chóc không giải quyết được vấn đề, nên để Luyện sống để chịu tội cả cuộc đời cho những gì hắn đã đã gây ra. 

Những ai đã từng chứng kiến cảnh người thân của mình bị giết hại dã man, thì sẽ thấu hiểu được nỗi đau đó. Ở đây không phải chỉ một, mà đến tận ba mạng người. Thậm chí đứa nhỏ chỉ có mười mấy tháng tuổi mà hắn cũng cố hạ thủ bằng cách cắt cổ, còn không để cho đứa bé được toàn vẹn hình hài. Tôi không biết người khác sẽ nghĩ như thế nào, nhưng khi gọi mức án 18 năm đó là sự “đền tội” cho những gì Luyện đã gây ra, tôi thấy ái ngại. Sẽ rất nhanh thôi, qua các thời kì giảm án vì tích cực cải tạo, Luyện sẽ trở về với gia đình. Nhưng bố, mẹ, em và cánh tay của cháu Bích ai sẽ đem trở lại cho cháu? Nỗi đau thương này sẽ ám ảnh cháu cả cuộc đời khi nghĩ về ký ức tuổi thơ đẫm máu và nước mắt. Cũng như cháu Bảo, ai sẽ đem trả cho cháu ánh sáng và tương lai? Khi đôi mắt hồn nhiên vô tội ấy đã bị cướp mất bởi hành vi tàn độc của tên Dũng, cháu sẽ phải sống trong bóng tối cả cuộc đời này. 

Trong phiên tòa xét xử, Luyện trông béo trắng phây phây, nở nụ cười nhếch mép với gương mặt máu lạnh. Một lúc ba mạng người không hề ghê tay, không mảy may hối hận, ăn năn, không chảy nước mắt cho dù một giọt. Thật là đáng sợ, hắn chỉ mới có gần 18 tuổi thôi. Ra tù, hắn sẽ trở lại thành một người tốt ư? Mọi người cho rằng được sao? 

Còn nếu Luyện là một con người, biết hối hận, biết dày vò bởi những tội lỗi đã gây ra thì chưa chắc bản án tử hình đã là xấu với Luyện. Cứ thử nghĩ thôi, một con người có máu đang chảy, nhận thức ra được cái sai, cái tàn ác của mình, thì điều mà người ta muốn nhất sẽ là được giải thoát trong tâm hồn. Đó mới là sự nhân đạo dành cho Luyện khi ngày ngày trong tâm tưởng Luyện phải đối diện với ba oan hồn, và một cánh tay đang lần tìm nó. 

Chỉ vì dưới 18 tuổi, giết bao nhiêu mạng người cũng không bị đền tội thích đáng, thì rồi sẽ xuất hiện thêm bao nhiêu tên Luyện nữa đây? Bao nhiêu đứa trẻ khác sẽ học theo Luyện, khi mà những tiếng reo hò sôi nổi của đám thanh niên “tôn sùng” hành vi của Luyện vang lên tại Tòa, của những chàng trai phong tụng Luyện làm ĐẠI CA, những cô gái “em hứa chờ anh về, anh Luyện”. 

Trong lúc sợ hãi và hoang mang tột độ như vậy mà cháu Bích vẫn còn nhớ, nhìn thấy ngoài Luyện còn có kẻ khác trong đêm hôm đó, như vậy thì rõ rang hình ảnh đó đã ăn sâu vào trí óc của cháu, làm sao cháu có thể nhìn nhầm được? Một mình Luyện có thể thực hiện trot lọt một vụ án mạng kinh hoàng như thế sao? Nhưng có lẽ đó sẽ câu hỏi mà cả đời cháu không có lời giải đáp. 

Cháu Bích và Bảo còn quá bé để phải chịu những tổn thương sâu sắc như vậy. Chúng là nạn nhân của những kẻ cầm thú đội lốt con người. 

Nhưng những con “cầm thú” ấy có khi còn không phải chịu trách nhiệm hình sự trước pháp luật :“Còn trong quá trình điều tra,nếu tên này có biểu hiện tâm thần không bình thường thì sẽ giám định pháp y tâm thần. Theo Điều 13, Bộ Luật Hình sự, nếu tên Dũng mất khả năng nhận thức khi gây án thì bắt buộc chữa bệnh và không phải chịu trách nhiệm hình sự”. Theo như phân tích của ông Hồng Hà với phóng viên VOV. 

"Kẻ tạt axit làm 4 người bị thương có triệu chứng hoang tưởng" đầu đề của một bài trên báo CAND (Nguồn:www.cand.com.vn.) 

Nhưng điều đó tôi cho rằng không thể dành cho Dũng được, vì một kẻ hoang tưởng, không được bình thường sẽ không thể chuẩn bị chu đáo đến thế trước khi ra tay: "Sau khi vụ án xảy ra, cơ quan CSĐT Công an quận Gò Vấp khẩn trương tới hiện trường thu giữ tang vật, gồm: 1 ca nhựa màu xanh cao 18 cm, 1 lọ thủy tinh cao 15 cm, một bộ quần áo mưa, một đôi găng tay dính nhiều axit…". Khi thấy chị Xuân tri hô, hắn đã nhanh chóng rút khỏi hiện trường và ẩn trốn tại nhà người quen ở quận 4. Một thằng tâm thần sẽ chẳng biết trốn chạy và khôn ngoan như thế sau khi gây án, rồi còn gọi người nhà đến để đưa ra đầu thú được. 

Tất cả mọi việc làm, hành vi, ứng xử của chúng ta trên đời đều có luật nhân quả tuần hoàn, đều có trời nhìn, đất biết, thoát được lưới đời nhưng rồi sẽ không thoát được lưới trời. 

Dù vậy, tôi thật sự hy vọng dù biết rằng nó quá mong manh: rồi sẽ có công lý cho gia đình anh Tuấn, chị Xuân, cháu Bích. Bởi nếu không có bản án thích đáng đúng người, đúng tội thì rồi xã hội sẽ còn biết bao nhiêu tên Luyện, tên Dũng nữa? 




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo