Phạm Trần - Ở Việt Nam cuối năm con Mèo có nhiều chuyện buồn hơn vui nên mùa Xuân không đến với nhiều người để đón Tết năm con Rồng.
Thứ nhất là chuyện đói-nghèo. Đảng khoe đến hết tháng 11/2011 số gạo xuất cảng năm 2011 có thể trên 7 triệu tấn, thu về 3.7 tỷ Mỹ Kim. Năm 2012, có thể sẽ gỉam vì phải cạnh tranh giảm giá của các nước xuất cảng gạo, đặc biệt là Ấn Độ và Thái Lan, nhưng vẫn dự kiến bán được từ 5.5 đến 6 triệu tấn gạo.
Như vậy, tại sao dân ở nhiều vùng trong nước, đặc biệt ở vùng cao, hải đảo và biên giới lại bị đói ăn từ giữa mùa?
Tác gỉa Phương Nam của Báo Tuần Việt Nam viết ngày 08/06/2011: "Tháng 4-5/2011, một thông tin tưởng như đùa của đất nước có sản lượng gạo xuất khẩu đứng thứ nhì thế giới làm cho nhiều người giật mình, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa xin Chính phủ cứu đói khẩn cấp dân qua mùa giáp hạt. Theo một thống kê mới nhất, tình hình thiếu đói đã tăng cao trong tháng 1, tháng 2/2011. Số lượt nhân khẩu nông nghiệp thiếu đói đã tăng gần gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2010 với 838,6 nghìn lượt. Đây cũng là số lượng nhân khẩu thiếu đói nhiều nhất kể từ năm 2007 đến nay."
Bài báo viết rằng: “Nhóm hộ nghèo ở VN đa số là những người dân tộc thiểu số ở các vùng sâu, vùng xa thuộc biên giới hải đảo, vùng miền núi. Nông dân ở vùng nông thôn, nhất là những vùng đất canh tác ít, hay gặp thiên tai. Người làm công ăn lương, người hưu trí, hoặc kinh doanh nhỏ lẻ....Ngoài ra ở thành thị, là lớp thị dân nghèo, sống trong các ngôi nhà "ổ chuột", hay ngoại ô thành phố. Nguồn thu nhập chính của người nghèo chủ yếu là từ canh tác nuôi trồng nông, lâm, thủy sản, chiếm 55,5% tổng thu nhập, tiền lương tiền công chiếm 23,8% tổng thu nhập.”
Bà Pratibha Mehta, tân Điều phối viên Liên hợp quốc tại Việt Nam cho báo VietNamNet biết vào ngày 22/12 rằng có 20% có nguy cơ đói nghèo đa chiều ở Việt Nam.
Bà nói: “Tỷ lệ đói nghèo đa chiều ở các tỉnh nghèo nhất Việt Nam rất cao như 82,3% ở Lai Châu, 75% ở Điện Biên và 73% ở Hà Giang. Và 12 tỉnh có hơn 50% dân số đói nghèo phi tiền tệ. Trong khi ở các tỉnh nghèo, tỷ lệ đói nghèo đa chiều cao hơn nhiều so với tỷ lệ đói nghèo tiền tệ, thì ở các tỉnh giàu, tỷ lệ đói nghèo phi tiền tệ tương đương, thậm chí thấp hơn tỷ lệ đói nghèo tiền tệ, nghĩa là tỷ lệ thiếu thốn về y tế, mức sống và giáo dục thấp.”
Bà Fiona Lappin, Trưởng Bộ Phát triển quốc tế Anh (DFID) đã cảnh giácvới Báo chí trong nước rằng: “Việt Nam không được quên nghèo đói vẫn là vấn đề nghiêm trọng, đặc biệt đối với người dân miền núi, vùng sâu vùng xa, dân tộc ít người. Vẫn còn nhiều việc phải làm để đối phó với nghèo đói ở những khu vực này.”
Bà nói: “Một chiều khác của đói nghèo đang gia tăng ở Việt Nam, liên quan trực tiếp đến những người lao động từ nông thôn lên thành thị tìm việc làm. Họ chủ yếu làm những việc dịch vụ giản đơn, có thể kiếm được nhiều tiền hơn so với ở nông thôn, nhưng thường chỉ trong thời gian ngắn. Khi mất việc hoặc phải trở về quê, họ phải đối mặt với nguy cơ tái nghèo.”
KINH TẾ TẦU LAI
Thứ hai là tình hình kinh tế. Tình trạng gia tăng lạm phát tiếp tục lên cao vào cuối năm ở mức 20%, thay vì hơn 18% như nhà nước nhìn nhận.
Sư xuống giá mỗi ngày của đồng bạc Việt Nam, cộng với mức gia tăng giá hàng tiêu dùng đã làm cho công chức, công nhân gặp nhiều khó khăn trong đời sống.
Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng, đưa ra kế họach kéo lạm phát xuống 9% trong năm 2012 là một giấc mơ hão huyền, theo các nhà kinh tế rành chuyện Việt Nam.
Chính Dũng cũng đã nhìn nhận trong bài viết phổ biến trên khắp các báo trong nước nhân dịp đầu năm 2012 rằng: “Thể chế kinh tế thị trường vẫn chưa đồng bộ, các yếu tố của kinh tế thị trường chưa hình thành đầy đủ. Thị trường đất đai còn nhiều vướng mắc. Thị trường tài chính phát triển không cân đối, thị trường trái phiếu còn sơ khai, thị trường chứng khoán thiếu chiều sâu, chưa trở thành một kênh huy động vốn quan trọng của nền kinh tế, đang dồn gánh nặng lên thị trường tín dụng, làm cho thị trường này rất dễ bị tổn thương. Thị trường khoa học công nghệ chậm phát triển. Thị trường lao động tuy đã khá hoàn chỉnh nhưng chất lượng nguồn nhân lực thấp cùng với sự bất hợp lý về tiền lương giữa các khu vực đang là rào cản lớn cho việc chuyển dịch lao động đến những lĩnh vực thiết yếu trong quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ công. Giá cả một số hàng hóa và dịch vụ chưa bù đắp được chi phí, chưa theo cơ chế thị trường, làm cản trở việc thu hút nguồn lực và công nghệ cao cho phát triển.”
Như vậy là hỏng toàn diện.
Nhà nước Việt Nam cũng không sao giải quyết được nạn công nhân nước ngòai, phần lớn từ Trung Cộng, đang cướp công ăn, việc làm của người dân Việt Nam ngay trên quê hương mình.
Chính phủ chỉ biết có khỏang 31 ngàn người nước ngòai đang làm lậu ở Việt Nam, nhưng đã có lần báo trong nước đề cập đến con số 75 ngàn công nhân Tầu không có nghề chuyên môn đã được các Công ty Tầu đem lậu vào làm tại các công trường, nhà máy do Trung Cộng “trúng thầu có lệ” của Chính phủ Việt Nam.
Song song với tình trạng này là con số hàng hóa nhập siêu từ Trung Cộng vào Việt Nam năm sau tăng hơn năm trước.
Bằng chứng như Tác gỉa Anh Quân viết trên Kinh tế Thời Báo ngày 24/05/2010: “Kể từ khi quan hệ hợp tác thương mại nội khối ASEAN+3 bắt đầu được triển khai từ năm 2000, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc vào Việt Nam đã tăng gấp 24,4 lần trong 10 năm, từ 673 triệu USD năm 1999 lên 16,44 tỷ USD năm 2009. Trong khi đó, nhập khẩu hàng Việt Nam của Trung Quốc chỉ tăng tương ứng khoảng 6,6 lần, từ 746 triệu USD lên 4,91 tỷ USD.
Từ xuất siêu 73 triệu USD năm 1999, đến năm vừa qua (2010), Việt Nam đã nhập siêu khoảng 11,53 tỷ USD, chiếm gần 90% tổng nhập siêu của Việt Nam.”
Theo tin các báo trong nước, trị giá hàng nhập siêu từ Trung Cộng vào Việt Nam năm 2011 được tính từ 4.5 cho đến 4.9 tỷ Mỹ kim mỗi 3 tháng.
Ngòai cán cân mậu dịch chênh lệch nghiệm trọng này, Tầu còn đổ hàng lậu vào Việt Nam bằng mọi ngõ ngách đường bộ, đường sông và đường biển khiến cho hàng ngàn xí nghiệp Việt Nam phải đóng cửa vì hàng làm ra không cạnh tranh nổi với hàng giá rẻ của Trung Cộng.
Như vậy là “sinh mạng kinh tế” của Việt Nam đã nằm gọn trong tay người Tầu Bắc Kinh.
Lệ thuộc và bị bóc lột như thế chưa hết. Hồi tháng 10 năm 2011, Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư đảng đã ký thỏa hiệp ở Bắc Kinh với Hồ Cẩm Đào, Chụ tịch Nhà nước Tầu để cho Trung Cộng “hợp tác cùng phát triển” trên vùng biển của Việt Nam ở Biển Đông.
Việc làm này chỉ có lợi cho Trung Cộng và sẽ di hại cho nhiều thế hệ người Việt Nam sau này.
CHUYỆN NỘI BỘ
Chuyện thứ ba là tình hình chính trị nội bộ. Đảng Cộng sản Việt Nam đang “tự diễn biến” và “tự chuyển hoá”.
Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư đảng đã cảnh giác tình trạng sa sút tư tưởng, đạo đức và lối sống của “con số không nhỏ” cán bộ đảng viên đang đe dọa “sự sống còn của chế độ.”
Vì lyú do này, Nghị quyết "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" của Hội nghị Trung ương đảng kỳ 4 mới họp xong ở Hà Nội đã ra đời ngày 31/12/2011.
Thông báo cuối kỳ họp viết: “Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác xây dựng Đảng còn bộc lộ không ít hạn chế, yếu kém, có mặt còn phức tạp thêm. Những hạn chế, yếu kém đó làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước.”
Trọng phản ảnh tình trạng xuống cấp này trong Diễn văn bế mạc Hội nghị 4: “Bên cạnh mặt tích cực, thành tựu, công tác xây dựng Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên cũng còn những tiêu cực, yếu kém đáng lo ngại, nhất là tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận đội ngũ cán bộ, đảng viên; tình trạng quan liêu, xa dân, tổ chức không chặt chẽ, nhiều nguyên tắc của Đảng bị vi phạm.”
11 ngày sau tại Hà Nội, Trọng lập lại mối nguy đang đến với đảng tại lễ bế mạc Hội nghị tòan quốc Xây dựng đảng ngày 11/01/2012.
Báo Điện tử của Trung ương đảng viết: “Tổng Bí thư chỉ rõ, nhiệm vụ đặt ra đối với công tác tổ chức xây dựng Ðảng rất nặng nề. Ðể nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Ðảng, Hội nghị T.Ư 4 đã quyết định ban hành Nghị quyết về một số vấn đề cấp bách về xây dựng Ðảng hiện nay. Theo Tổng Bí thư, đây là vấn đề đang được quan tâm sâu sắc, bởi bối cảnh quốc tế và tình hình trong nước vừa có thuận lợi, thời cơ, vừa có khó khăn thách thức. Ðảng ta đang đứng trước nhiều vấn đề mới, phức tạp phải lãnh đạo, giải quyết.”
Trọng nói với các cấp lãnh đạo ngành Tổ chức và Xây dựng đảng rằng: “Bên cạnh những mặt tích cực, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống làm xói mòn lòng tin của nhân dân đang là vấn đề đáng lo ngại. Mặt khác, các thế lực thù địch đang tìm mọi cách phá hoại sự nghiệp cách mạng của Ðảng, của nhân dân ta.
Trong tình hình ấy, nếu Ðảng ta không thật sự vững vàng về chính trị, tư tưởng, không thống nhất cao về ý chí, hành động, không trong sạch về đạo đức lối sống, không được nhân dân ủng hộ, thì không thể đứng vững và đủ sức lãnh đạo đất nước đi lên. Một lần nữa, Tổng Bí thư khẳng định xây dựng Ðảng là nhiệm vụ then chốt, là vấn đề sống còn của Ðảng, là sự tồn vong của chế độ ta.”
Đây là chuyện không nhỏ. Bởi vì lần thứ nhất đảng đưa ra Nghị quyết “xây dựng đảng” vào tháng 2/1999, đến nay đã 12 năm mà tình rạng suy thoái tư tưởng, đạo đức cách mạng và tham nhũng ngập đầu của cán bộ, đảng viên, nhất là trong hang ngũ lãnh đạo đã xuống cấp nghiêm trọng thì liệu đảng có còn nước để tát không?
Nhưng khi nói đến xây dựng và tổ chức là nói đến con người, mỗi cá nhân đảng viên. Lê Khả Phiêu,nguyên Tổng Bí thư khóa đảng VIII là người đã đứng đầu cuộc vận động này với Nghị quyết 6 (lần 2) năm 1999 nhìn nhận sau 12 năm thi hành chuyện đâu không những vẫn còn đó mà tình hình nhân sự còn rệu rã, rách nát nghiêm trọng hơn.
Nhân dịp Hội nghị 4 đưa ra Nghị quyết giống như thời đảng khóa VIII, cả Phiêu và Trọng đều nói đến tính nguy hiểm của “chủ nghĩa cá nhân” vẫn còn tồn tại trong đảng là mối nguy nhất đang làm cho đảng lung lay tận gốc rễ.
Do đó, Trọng đã nói thêm với Hội nghị Xây dựng đảng rằng: “Xây dựng Ðảng là nhiệm vụ then chốt, thì công tác tổ chức cán bộ là then chốt của then chốt, cho nên nếu "chốt" mọt là rất đáng lo ngại.”
Trọng nói thế là để tự an ủi nhau thế thôi chứ “chốt” đã ruỗng từ khuya rồi. Không tin thì ông ta cứ đi “thăm dân cho biết sự tình” xem có bao nhiêu trong số 87 triệu người còn muốn giang tay ra ôm đảng vào lòng?
Ngay cả cái khẩu hiệu “cán bộ đi trước làng nước theo sau” ngày nào cũng đã hóa ra tro bụi hết rồi.
Như vậy thì đi tìm mùa Xuân ở đâu? -/-
(Cuối năm con Mèo)
gửi Dân Làm Báo