RSF kêu gọi Việt Nam trả tự do cho nhà báo Hoàng Khương - Dân Làm Báo

RSF kêu gọi Việt Nam trả tự do cho nhà báo Hoàng Khương

VOA - Một tổ chức tranh đấu cho quyền tự do báo chí hối thúc nhà cầm quyền Việt Nam trả tự do cho một ký giả bị bắt vì nghi đưa hối lộ cho công an sau khi thực hiện một loạt bài phóng sự phơi bày tệ nạn tham nhũng.

Theo tường thuật hôm thứ Tư của hãng thông tấn Pháp, vụ bắt giữ ký giả Hoàng Khương của báo Tuổi Trẻ nêu lên những nghi vấn về đạo đức nghề nghiệp của giới truyền thông ở quốc gia theo chủ nghĩa Cộng Sản này.

Trong thông cáo phổ biến ngày 4 tháng 1, Hội Nhà Báo Không Biên Giới nói rằng nhà chức trách không nên truy tố ông Khương về tội hối lộ vì những gì ông ấy đã làm trong lúc thực hiện phóng sự điều tra.

Tổ chức có trụ sở ở Paris yêu cầu Việt Nam trả tự do ngay cho nhà báo Hoàng Khương và nói thêm rằng những bài tường thuật của ông phục vụ cho lợi ích của công chúng.

Báo chí Việt Nam cho hay ông Khương bị bắt ở Sài Gòn hôm thứ hai và sẽ bị giam 4 tháng để chờ điều tra về cáo giác cho rằng ông đã thông qua một người môi giới để hối lộ 15 triệu đồng cho công an để giúp một người đua xe trái phép lấy lại xe bị cảnh sát tạm giữ.

Viên công an và người môi giới đã bị bắt hồi tháng 11 sau khi câu chuyện được đăng trên tờ Tuổi Trẻ, nhưng đến ngày 3 tháng 12 ông Khương bị báo báo này tạm đình chỉ công tác.

Hội Nhà Báo Không Biên Giới cho rằng tờ báo do nhà nước điều hành này đã quyết định như vậy vì áp lực của cảnh sát.

Báo chí Việt Nam cho biết vào ngày 28 tháng 11, cơ quan cảnh sát điều tra ở Sài Gòn đã gởi thư cho Cục Báo chí và Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ để yêu cầu kiểm điểm và thu hồi thẻ nhà báo của ông Hoàng Khương.

Vụ bắt giữ nhà báo Hoàng Khương đã làm dấy lên một cuộc tranh luận về cách thức tác nghiệp của nhà báo, với việc blogger Osin Huy Đức phát biểu trên trang mạng Facebook rằng vụ này có thể làm cho các ký giả cảm thấy ngần ngại không muốn phanh phui những vụ tai tiếng tham nhũng.

Blogger được nhiều người ưa chuộng này nói thêm rằng việc sử dụng “gài bẫy như một công cụ của nhà báo” là điều không nên làm, nhưng ông hối thúc tờ Tuổi Trẻ nên bênh vực và bảo vệ cho nhà báo của mình.

Trong khi đó, ông Trần Vũ Hải, một luật sư ở Hà Nội, cho rằng những hành động của nhà báo Hoàng Khương là “không tốt về mặt đạo đức” và đáng lẽ nhà báo này nên thông báo cho cảnh sát trước khi đăng bài phóng sự đó.


Nguồn: AFP, AP, RSF
http://www.voanews.com/vietnamese/news/vietnam/vietnam-hoang-khuong-rsf-01-04-2012-136657033.html


*


RFI: Phóng viên Không Biên giới kêu gọi Việt Nam trả tự do cho nhà báo Hoàng Khương


Thanh Phương (RFI) - Hôm qua, 03/01/2012, tổ chức Phóng viên Không Biên giới đã ra thông cáo lên án vụ bắt tạm giam nhà báo Nguyễn Văn Khương, tức Hoàng Khương, của báo Tuổi Trẻ và yêu cầu chính quyền Việt Nam trả tự do cho phóng viên này. Cơ quan cảnh sát điều tra công an Thành phố Hồ Chí Minh đã bắt tạm giam nhà báo Hoàng Khương ngày thứ Hai với tội danh "đưa hối lộ" và hôm qua, đã bắt giữ thêm Nguyễn Đức Đông Anh, em vợ của nhà báo Hoàng Khương, cũng về hành vi "đưa hối lộ". 

Hoàng Khương là tác giả nhiều bài điều tra về tệ nạn ăn hối lộ trong đội ngũ cảnh sát giao thông, trong đó có bài «Cảnh sát giao thông giải cứu xe đua trái phép», đăng trên báo Tuổi Trẻ ngày 10/7/2011. Bài báo tố cáo thượng úy Huỳnh Minh Đức, một cán bộ cảnh sát giao thông quận Bình Thạnh, đã nhận hối lộ 15 triệu đồng để trả lại xe máy một thanh niên tham gia đua xe, vi phạm luật giao thông. 

Tờ Tuổi Trẻ cho biết, "theo tường trình của Hoàng Khương, khi thực hiện bài viết trên, phóng viên đã có sơ suất về nghiệp vụ khi can dự vào quá trình chung chi cho ông Huỳnh Minh Đức nhằm tìm kiếm bằng chứng về hành vi tiêu cực. Ban biên tập báo Tuổi Trẻ đã kỷ luật khiển trách và tạm đình chỉ công tác đối với Hoàng Khương". 

Trong bản thông cáo đưa ra hôm qua, Phóng viên Không Biên giới tuyên bố: “Những hành động của Hoàng Khương, trong khuôn khổ công việc điều tra của anh, không thể bị cáo buộc là hành vi đưa hối lộ. Việc điều tra của nhà báo này là nhằm tìm kiếm thông tin, không có tính chất vụ lợi cá nhân. Chính quyền phải trả lại tự do cho anh và bỏ mọi ý định điều tra anh về những việc mà bản thân anh đã công bố. Trái lại, chính quyền phải đánh giá đúng lợi ích chung của công việc điều tra như vậy”

Vào năm 2008, làng báo Việt Nam cũng đã từng bị rúng động với vụ hai phóng viên Nguyễn Việt Chiến của tờ Thanh Niên và Nguyễn Văn Hải của tờ Tuổi Trẻ bị bắt vì đã điều tra về vụ tham nhũng PMU 18. Ông Nguyễn Văn Hải nhận án 24 tháng cải tạo không giam giữ, còn ông Nguyễn Việt Chiến lãnh án 2 năm tù, nhưng đã được đặc xá vào đầu năm 2009.



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo