Bùi Tín - Ông là nhà khoa học - Việt kiều yêu nước từ Hoa Kỳ về năm 2002. Ông tự giới thiệu là từng làm việc ở Silicone Valley, California (Hoa Kỳ), cũng từng làm việc ở những phòng thí nghiệm lớn ở Tokyo, Nhật Bản. Ông tự giới thiệu có “nhiều sáng chế - phát minh nổi tiếng thế giới”. Tết nào ông cũng dự liên hoan của các Việt kiều yêu nước trở về với tổ quốc để hát những bài hát ca ngợi “hang Pác Bó”, để ngâm thơ tán tụng “công ơn trời biển của Bác Hồ”. Nghĩa là ông là một trí thức Việt kiều hiếu động, lăng xăng, ưa bề nổi hơn là thực chất. Các nhà báo cho biết trong phòng tiếp khách của ông, bằng sáng chế không thấy, nhưng bằng khen của Mặt trận Tổ quốc, ảnh chụp với các nhà lãnh đạo thì hơi bị nhiều. Ông được cử làm phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Triển khai của Khu công nghiệp cao của thành phố lớn nhất ở miền Nam nước ta từ năm 2004.
Tháng 6 năm 2006, Tiến sỹ Nguyễn Chánh Khê công bố cho báo chí một tin giật gân: Ông là nhà phát minh sáng chế ra một “vật liệu trung tâm của thế kỷ” lần đầu tiên sản xuất tại Việt Nam. Đó là “than nano lỏng”, từ đó sản xuất ra mực đen và mực màu cho máy in laser giá cực rẻ, được đặt tên tiếng Anh là “Carbon Nano Tube”, made in Vietnam, by Dr Nguyen Chanh Khe». Đây là một chất lỏng, nhẹ, đựng trong ống. (Nano là đơn vị đo lường rất nhỏ của những vật liệu cực kỳ quý hiếm, 1 nanometer bằng 1 phần nghìn của micron, bằng một phần tỷ của một mét)
Lúc ấy đã có nhiều báo chí trong nước coi đây là “một phát minh cực lớn», “một đột phá vĩ đại”, loan tin rằng Carbon Nano Tube là “vật liệu trung tâm của thế kỷ”, lần đầu tiên được sản xuất ở Việt Nam, giá rẻ -1 gam chỉ độ 1 đôla – tức là 1.000 đôla 1 kg. Có người dự đoán rằng nước ta sẽ giàu lên nhờ “vật liệu trung tâm mang tính chất cách mạng này” và rằng Ts Khê sẽ chẳng mấy chốc giàu sụ như Bill Gates, vì tất cả máy tính, máy in đều sẽ phải dùng vật liệu quý này.
Nhưng chỉ 2 tuần sau quả bóng Carbon Nano Tube đã vỡ tung tóe, vì ngay từ trong nước Viện khoa học Vật liệu thuộc Viện Khoa học và Công nghệ VN ( VAST), Trung tâm nghiên cứu Vật liệu của trường Đại học Bách khoa VN (ITIMS) cũng như Viện Vật lý Kỹ thuật VN đều trước sau lên tiếng cho biết rằng họ đã thử nghiệm và chế tạo ra thứ vật liệu này từ hơn 1 năm rồi! Họ chưa “khoe được” vì giá thành còn quá cao, gấp hàng nghìn lần giá được nói trên đây, mà họ cho là ảo tưởng.
Còn ở ngoài nước? Ngay từ giữa năm 2006 các bạn người Việt ở Hoa Kỳ và Nhật Bản cũng cho biết Carbon Nano Tube đã được sản xuất từ đầu thế kỷ trong nhiều cơ sở thí nghiệm, đặc biệt là ở các xí nghiệp Dai Nippon Ink ở Tokyo. Trung Quốc và Ấn Độ cũng đã sản xuất vật liệu này. Hiện giá thành còn rất cao, rẻ nhất cũng phải từ 100.000 đôla và có thể lên đến 800.000 đôla /1 kg tùy theo chất lượng, theo đúng bài báo tôi ghi được, nghĩa là mắc lắm, không thể sản xuất đại trà được. Do đó ống Carbon Nano của nhà phát minh Chánh Khê bị “vỡ”, không ai nhắc đến phát minh của thế kỷ này nữa.
Đến gần đây, nhân Tết Nhâm Thìn 2012, Tts Nguyễn Chánh Khê lại nổi bật về một sáng chế phát minh còn ghê gớm gấp ngàn lần vụ Carbon Nano Tube. Đó là sáng chế ra “máy điện chạy bằng nước”. Máy điện chạy bằng than, bằng gió, bằng nhiệt mặt trời, bằng thủy triều đã đành. Máy điện chạy bằng nước là chuyện chưa từng có, chưa có ai nghĩ đến, mà nước thì ở mọi nơi, hồ, suối, sông biển, đại dương đâu đâu cũng có, sẽ là nguồn vô tận, cũng vô cùng rẻ. Nạn thiếu điện ở mọi nơi sẽ được giải quyết. Các nhà máy điện nguyên tử sẽ được thay bằng máy điện chạy bằng nước.
Đây sẽ là một phát minh không phải của thế kỷ nữa, mà là một cuộc cách mạng kỹ thuật vào loại lớn nhất của lịch sử loài người, sẽ thừa sức nhận giải Nobel cao nhất. Người Việt Nam ta sẽ thành cứu tinh của toàn thế giới. Việt Nam sẽ được cả loài người ca ngợi, ngưỡng mộ và mãi mãi biết ơn.
Ngày 9/3 vừa qua, một cuộc họp tại Khu Công nghệ Cao do Ts Nguyễn Chánh Khê làm phó giám đốc đã được triệu tập do Viện sỹ Nguyễn Văn Hiệu, chủ tịch Hội đồng khoa học ngành khoa học vật liệu của Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam chủ tọa, với sự tham gia của gần một chục chuyên gia. Tại cuộc họp, Ts Nguyễn Chánh Khê đã trình làng chiếc máy do ông tạo nên, gọi là “máy điện chạy bằng nước”, thế nhưng nhiều vấn đề vướng mắc đã được đặt ra, tuy Ts Nguyễn Chánh Khê tỏ ra rất tự tin về phát minh độc đáo của mình, ông vẫn không giải tỏa được nhiều ý kiến phản biện.
Giáo sư vật lý Nguyễn Đăng Hưng từ Đại học Liège, Bỉ, cho rằng cơ sở lý luận của phát minh này vi phạm định luật cơ bản của vật lý là Quy luật bảo toàn năng lượng cũng như định luật về nhiệt động học. Khi được hỏi ngoài nước ra, có cần đến một chất gì khác nữa không, Ts Khê cho biết ngoài nước ra, còn cần một hóa chất chỉ làm vai trò chất xúc tác, ông còn gọi là chất khử, là một chất hiện cần giữ bí mật (!). Sau đó ông hé ra cho biết chất đó là «bột gạo, bột năng, bã cà-phê, trấu”, nghĩa là những thứ rẻ tiền, có sẵn. Mọi người rất chú ý khi ông cho chạy “chiếc máy điện chạy bằng nước” của ông, thắp sáng một bóng đèn nhỏ, nhưng một số người có mặt vẫn nghi ngờ, có người cho rằng có điều gì như trò ảo thuật; thêm nữa, khái niệm “năng lượng nội sinh» ông dùng có nhiều bí hiểm, chưa chứng minh được. Họ lập luận rằng khoa học phải luôn công khai, minh bạch, không có điều gì có thể úp úp mở mở được.
Từ Singapore, Giáo sư Giáp Văn Dương cũng nêu lên băn khoăn vướng mắc cho rằng phát minh này vừa thiếu cơ sở lý luận, vừa bí hiểm như trò ảo thuật, cần thận trọng không nên để cho thế giới khoa học họ sẽ cười vào mũi ta.
Dư luận trong nước rất ngỡ ngàng khi ngay tại cuộc họp nói trên, Viện sỹ Nguyễn Văn Hiệu tán thành việc Ts Nguyễn Chánh Khê yêu cầu phát minh của ông được cấp thêm kinh phí để hoàn thiện và công bố ra thế giới. Không biết nhà nước sắp cấp thêm bao nhiêu tỷ đồng cho việc hoàn thiện «phát minh» này. Nhân đây, một số nhà khoa học cho biết Khu Công nghệ cao này đã được cấp đến 17 tỷ đồng trong 2 năm qua.
Ngày 16-3 mới đây, ông Lê Phan Hoàng Chiêu, trưởng ban quản lý Khu Công nghệ cao, cấp trên trực tiếp của ông Khê, thông báo cho biết “cái gọi là phát minh của Ts Nguyễn Chánh Khê chưa phải là một phát minh khoa học». Cái gọi là phát minh “máy điện chạy bằng nước» vẫn chưa được đăng ký theo đúng trình tự thủ tục với cơ quan chức năng theo luật định, chưa được xét duyệt cho nên chưa nên bàn luận công khai, trên báo chí…Lại một sự kiện mang kịch tính gay gắt.
Sao lại có chuyện trống đánh xuôi, kèn thổi ngược thế này?
Công luận càng thêm thắc mắc. Vậy mà sao Ts Khê lại cho biết đã gửi nội dung công trình cùng bản vẽ về phát minh vĩ đại của ông cho cơ quan khoa học ở Hoa Kỳ và Nhật Bản, và một “máy điện chạy bằng nước” của ông đã được gửi sang Nhật Bản?
Mong rằng trên đây là tin vịt, là kiểu phỏng đoán, cầm đèn chạy trước ô tô, để Việt Nam khỏi bị chê cười là suýt nữa là đại cứu tinh của toàn thế giới trong cơn khủng hoảng về điện năng, về dầu hỏa và khí đốt hiện nay.
Thế mới biết nhà khoa học chân chính với nhà ảo thuật hám danh lợi cách xa nhau nhiều, nhiều lắm.
*
Kết luận về báo cáo của Tiến sĩ Nguyễn Chánh Khê tại cuộc Hội thảo “Máy phát điện chạy bằng nước” do Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức vào buổi sáng ngày 9 tháng 3 năm 2012
GSVS Nguyễn Văn Hiệu
Kết luận gồm hai phần:
1/ Bản chất khoa học của công trình nghiên cứu của Tiến sĩ Nguyễn Chánh Khê;
2/ Ý nghĩa thực tiễn của công trình này.
Sau khi trình bày xong kết luận, tôi xin được phát biểu Kiến nghị riêng của mình. Dưới đây là kết luận:
1. Về bản chất khoa học của công trình nghiên cứu
Kết quả khoa học chính của công trình này là tìm ra một phương pháp mới để tạo ra hydro từ nước (H2O), sau đó sử dụng hydro làm nhiên liệu để phát điện. Đây không phải là việc làm ra một máy phát điện chạy bằng nước.
Tác giả đã tạo ra được một chất rắn mà theo báo cáo là có cấu trúc nanô. Ta hãy gọi đó là một chất rắn cấu trúc nanô. Khi chất rắn cấu trúc nanô này phản ứng với nước thì sẽ xảy ra một phản ứng hóa học tạo ra hydro. Năng lượng cần thiết để tách hydro từ nước là năng lượng có sẵn trong chất rắn cấu trúc nanô. Không có sự vi phạm định luật bảo toàn năng lượng. Sau khi xảy ra phản ứng hóa học chất rắn cấu trúc nanô không còn nữa, mà sẽ xuất hiện các chất khác. Do đó tác giả mới phải “tái chế” lại chất rắn cấu trúc nanô gây ra phản ứng.
Bí quyết công nghệ nằm ở khâu chế tạo chất rắn cấu trúc nanô. Trước khi đăng ký xong quyền bảo hộ sở hữu trí tuệ với cơ quan có thẩm quyền, phải giữ bí mật về chất rắn cấu trúc nanô.
Về phương diện khoa học, tuy chưa được biết chất rắn cấu trúc nanô là chất gì, song vẫn có thể nói rằng tìm ra được một chất mới phản ứng với nước tạo ra hydro trên một quy mô đáng kể là một kết quả khoa học lý thú đáng trân trọng.
2. Về ý nghĩa thực tiễn của công trình nghiên cứu
Tiến sĩ Nguyễn Chánh Khê cho biết phương pháp sản xuất điện năng của anh không gây ô nhiễm môi trường. Do đó ý nghĩa thực tiễn của công trình nghiên cứu phụ thuộc giá thành của điện năng sản xuất ra bằng phương pháp mới. Có hai khả năng.
Một là: giá thành điện năng được sản xuất theo phương pháp mới tương đương hoặc rẻ hơn giá thành điện năng đang sản xuất hiện nay. Trong trường hợp này công trình nghiên cứu của Tiến sĩ Nguyễn Chánh Khê là một phát minh lớn về công nghệ, dẫn đến một sự phát triển mới của công nghệ năng lượng trên thế giới.
Hai là: giá thành điện năng được sản xuất theo phương pháp mới tuy còn cao song có thể chấp nhận được. Trong trường hợp này phương pháp mới của Tiến sĩ Nguyễn Chánh Khê có thể được áp dụng để sản xuất ra điện năng ở những vùng không có lưới điện quốc gia và do đó vẫn có ý nghĩa.
Sau khi trình bày kết luận, tôi xin đề xuất Kiến nghị sau đây:
Trong khi chờ đợi cơ quan bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở Mỹ và Cục Sở hữu trí tuệ Bộ Khoa học và Công nghệ còn đang xem xét bản đăng ký của Tiến sĩ Nguyễn Chánh Khê, Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh hoặc Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh cần cấp kinh phí cho Tiến sĩ Nguyễn Chánh Khê tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện công nghệ và chế tạo ra một máy phát điện hoạt động theo phương pháp mới, Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh vận hành chạy thử máy phát điện một cách liên tục để kiểm tra sự ổn định của quá trình phát điện trong một thời gian dài và ước tính hiệu quả kinh tế, với điều kiện vẫn giữ được bí mật công nghệ.
Thành phố Hồ Chí Minh ngày 9 tháng 3 năm 2012
Người kết luận
Ký tên
Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu
Chủ tịch Hội đồng Khoa học
ngành Khoa học vật liệu
Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam