Tinh thần Diên Hồng trong thời đại tin học - Dân Làm Báo

Tinh thần Diên Hồng trong thời đại tin học

Ngô Nhân Dụng (Người Việt) - Chúng ta không biết có bao nhiêu người tham dự trong Hội Nghị Diên Hồng vào năm 1284 khi vua nhà Trần hỏi ý kiến dân về quyết định chống hay hàng quân Mông Cổ.  Nhưng trên mạng lưới Internet, Tinh Thần Diên Hồng đã sống lại với 140,000 người Việt ở Mỹ cùng lên tiếng, cùng nêu lên một yêu cầu: Chính phủ Mỹ phải hành động cụ thể và mạnh mẽ hơn để hỗ trợ công cuộc tranh đấu cho quyền làm người của mọi người dân Việt Nam. Với gần 2 triệu người Mỹ gốc Việt Nam, con số 140,000 người ký tên trong vòng một tháng là một tỷ lệ rất lớn, biểu lộ một mối đồng tâm khắng khít xưa nay chưa từng thấy trong cộng đồng người Việt ở Mỹ.

Thành quả này rất đáng vui mừng và hãnh diện. Lâu nay nhiều người bi quan vẫn than phiền tình trạng người Việt mình, ở bất cứ nơi nào trên thế giới, rất khó đoàn kết được với nhau. Nhiều người lo ngại về tâm lý hoài nghi quá đáng và thói quen hay phê bình, chỉ trích những khuyết điểm trong các sinh hoạt chung của các cá nhân hay đoàn thể. Tình trạng cứ một người làm lại có một người phá, hay nhiều hơn, làm đa số phải nản lòng. Nhiều hoạt động cộng đồng không còn thu hút được đám đông như trước nữa. Con số 140,000 chữ ký đã xóa tan hình ảnh bi quan đó. Chúng ta có thể xác định rằng người Việt Nam có khả năng đoàn kết với nhau khi gặp đúng cơ duyên. Hòa Thượng Thích Viên Lý nhận xét con số hơn trăm ngàn chữ ký “cho thấy khát vọng nhân quyền của đồng bào rất cao, trong đó có nhiều người thầm lặng.” Những người “thầm lặng” không xuất hiện trong đám đông; nhưng họ “sẵn sàng trong khả năng” của mình, vẫn muốn đóng góp “để tạo sự thay đổi cho dân tộc” Việt Nam. 

Người Việt có cơ hội bày tỏ tình liên đới một cách nồng nhiệt như vậy, một phần nhờ tính chất công khai, minh bạch, khiến cho ai cũng thấy mục đích trong sáng của cuộc vận động vừa qua. Bắt đầu từ hiện tượng Việt Khang, một nhạc sĩ trẻ sống ở Sài Gòn đã bị bắt chỉ vì những bài ca yêu nước do anh sáng tác được mọi người yêu và phổ biến rộng rãi. Vụ bắt giam vô lý này khiến bao nhiêu người trong nước và ngoài nước thấy phẫn nộ. Hai ca khúc “Việt Nam Tôi Ðâu?” và “Anh Là Ai?” của nhạc sĩ Việt Khang đã được người Việt truyền nhau ở khắp bốn phương, có cả bài ca bằng tiếng nước ngoài, cho thấy mối xúc động lớn lao mà hai nhạc phẩm này đã tạo nên. Nhạc sĩ Trúc Hồ xúc động trước hành động đàn áp vô lý, nhẫn tâm đối với người bạn trẻ, đã tự đi bước tiên phong với sáng kiến tổ chức việc kiến nghị thẳng tới Tòa Bạch Ốc. Các khán giả của đài truyền hình SBTN đã đi bước đầu thổi cho ngọn lửa đấu tranh ngày càng lan rộng trong khắp cộng đồng người Việt trên thế giới. 

Lòng phẫn nộ vì biến cố Việt Khang đã đưa tới một cuộc vận động rộng lớn hơn, thu hút được đông đảo đồng bào hưởng ứng. Bản kiến nghị nêu lên mục đích đòi tự do cho các nhà tranh đấu dân chủ ở Việt Nam đang bị tù đày hay bị quản chế, kiểm soát; và đòi quyền sống xứng đáng làm người cho tất cả đồng bào trong nước. Trong một tháng trời khi cuộc vận động tiến hành, người Việt ở khắp nơi trong nước Mỹ tự động kêu gọi nhau ký tên, giúp đỡ nhau về kỹ thuật khi vào mạng. Mọi người được sống trong một không khí phấn khởi, trong sáng, lành mạnh, như đang tham dự một “cuộc biểu tình trên mạng!” Nhiều người Việt ở nước khác cũng muốn ký tên vào bản kiến nghị nhưng website "We the People" của Tòa Bạch Ốc chỉ dành cho những người sống ở nước Mỹ. 

Tổ chức một cuộc biểu tình, dù là biểu tình trên mạng trong suốt một tháng trời, đòi hỏi phải phối hợp nhiều hành động phức tạp. Phong trào này lớn mạnh nhanh chóng là nhờ tiến bộ kỹ thuật của thời đại thông tin trên Internet. Những người nắm vững các kỹ thuật đó, sử dụng nhanh nhẹn, khéo léo như người ta đi xe đạp, là các bạn trẻ. Một đạo quân trẻ trung đã được tổ chức Boat People SOS huy động, tạo điều kiện dễ dàng cho mọi người được tham dự, “đi biểu tình” một cách dễ dàng hơn. Tiến Sĩ Nguyễn Ðình Thắng và Boat People SOS đã gây dựng được niềm tin cậy trong lòng mọi người, nhờ những việc làm chứ không phải bằng lời nói. Các hoạt động công ích trong mấy chục năm qua, từ việc giúp đỡ các thuyền nhân, tới việc tranh đấu cho quyền lợi những người lao động Việt Nam ở nước ngoài, chống nạn buôn người ở Việt Nam, chính các hoạt động đã là một bảo đảm cho lòng tin tưởng của mọi người vào tính chất trong sáng, vô vị lợi của cuộc vận động vừa qua. Sự tham gia đông đảo của thế hệ trẻ cũng là do kết quả của nhiều khóa “Huấn luyện Lãnh đạo” được tiến hành trong mấy chục năm qua, cho thấy có sự nối tiếp liên tục trong hai triệu người Việt Nam sống ở Mỹ. Nhưng đối với nhiều người Việt ở Mỹ, không phải chỉ có các bạn thanh niên ở lớp tuổi 20, 30 mới là trẻ. Những người tổ chức và tham dự cuộc vận động này như nhạc sĩ Trúc Hồ, Luật Sư Ðỗ Phủ, cũng thuộc thế hệ trẻ đang tích cực đóng góp nuôi sức mạnh đoàn kết trong cộng đồng. 

Ðây cũng là một cơ hội để người Việt Nam ở Mỹ chứng tỏ sức mạnh của mình, đối với chính quyền cũng như công luận nước Mỹ. Ðó vừa là sức mạnh trong việc tổ chức cũng như trong mối đồng tâm khi có những mục tiêu tốt đẹp. Bản tin toàn quốc của CBS NEWS phải loan tin, “Ðây là lần đầu tiên Tòa Bạch Ốc đáp ứng một phong trào quần chúng rất rộng lớn trong cộng đồng người Việt trên đất nước Hoa Kỳ.” 

Mạng “We the People” mới được Tòa Bạch Ốc mở ra ngày 22 Tháng Chín năm 2011 để cho các công dân Mỹ đưa “thỉnh nguyện” (petition) cho chính quyền biết nguyện vọng của họ; mười ngày sau, con số chữ ký tối thiểu phải nâng từ 5,000 trong vòng 30 ngày lên 25,000. Nhưng người Việt tại Mỹ đã đạt được mức 25,000 trong vòng 4 ngày, và sau một tháng đã đạt tới gần 140,000. 

Những nhóm người Mỹ đưa kiến nghị thường nêu những vấn đề xã hội như bảo vệ môi trường, quyền của người đồng tính, yêu cầu bán cần sa tự do, vân vân. Một số rất nhỏ đã đủ điều kiện để được mời đến Tòa Bạch Ốc gặp gỡ, và thường chỉ được gặp các viên chức cấp thấp. Chưa thấy một nhóm nào đặt ra một vấn đề về chính sách đối ngoại của chính phủ Mỹ như kiến nghị của những người Mỹ gốc Việt Nam. Vì vậy, Tòa Bạch Ốc đã phải tiếp đón phái đoàn người Việt sớm hơn bình thường, và đưa ra những viên chức cấp cao hơn, cùng với những giám đốc từ Bộ Ngoại Giao cùng tới. 

Ông Jon Carson, giám đốc Văn Phòng Tiếp Cận Cộng Ðồng (Office of Public Engagement) là nơi tiếp nhận các kiến nghị, phải công nhận tinh thần dấn thân của người Việt Nam rất cao: “Với con số 130,000 chữ ký, quý vị đã tạo ra một hiện tượng.” Trong cuộc gặp gỡ 200 người Việt trong Tòa Bạch Ốc, các viên chức cấp cao nhất của Bộ Ngoại Giao Mỹ phụ trách về Ðông Nam Á và Việt Nam đã phải chứng minh họ rất quan tâm đến sự an toàn, quyền tự do và mục tiêu tranh đấu của những người như các Luật Sư Lê Công Ðịnh, Nguyễn Văn Ðài, Lê Quốc Quân, các blogger Anh Hai Sài Gòn, Ðiếu Cày, bà Bùi Thị Minh Hằng, Bác Sĩ Phạm Hồng Sơn, và những nhà tranh đấu khác mà chính nhiều người Việt ở Mỹ vì quá bận rộn đời sống hàng ngày còn chưa biết đến tên. 

Nhờ cuộc vận động của người Việt ở Mỹ, các nhà tranh đấu dân chủ trong nước thấy họ được hỗ trợ tinh thần. Qua mạng Internet, chúng ta được nghe các lời vui mừng của Huỳnh Trọng Hiếu ở Quảng Nam, được nghe Nguyễn Khắc Toàn ở Hà Nội nói đến người Việt trong và ngoài nước sát cánh trong cuộc vận động dân chủ tự do. Với các phương tiện truyền thông mới, Tinh Thần Diên Hồng sẽ sống lại, sẽ biểu hiện trong nhiều cơ hội khác, ở trong và ngoài nước. Người Việt sống ở Mỹ đã chứng minh Tinh Thần Diên Hồng vẫn mãnh liệt; người Việt khắp nơi có thể đồng tâm đoàn kết với nhau, để chống ngoại xâm cũng như để tranh đấu cho tự do dân chủ.




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo