Trung Quốc: Kinh nghiệm nào cho Việt Nam? - Dân Làm Báo

Trung Quốc: Kinh nghiệm nào cho Việt Nam?

Mặc Lâm (RFA) - Các sự kiện chính trị Trung Quốc có thể không hoàn toàn giống với nét đặc thù của Việt Nam tuy nhiên về chính sách đối với dân chúng thì hoàn toàn có thể theo đó để rút ra bài học cho mình.

Những động thái chính trị hồi gần đây của Trung Quốc đang dấy lên những câu hỏi cho quan sát viên quốc tế về hiện tình thật sự của Bắc Kinh qua các sự kiện chính trị được xem là hiếm hoi trong bối cảnh lịch sử cận đại của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Mặc Lâm có thêm chi tiết về những sự kiện liên tục đang xảy ra này:

Những con rắn nhiều đầu

Trước tiên là một biến cố chính trị có thể nói làm rung động thế giới quyền lực của Bắc Kinh khi tháng trước một cựu viên chức cao cấp nắm vị trí lãnh đạo công an của thành phố Trùng Khánh đã vào tòa Đại sứ Hoa Kỳ tại Thành Đô và ở trong đó nhiều tiếng đồng hồ. Người dân Thành Đô chứng kiến cảnh hàng chục xe cảnh sát dàn hàng ngang trước sứ quán Mỹ để chận bắt nhân vật quan trọng bị tình nghi là có ý đồ xin tỵ nạn chính trị này mặc dù trước đó ông là người được xem là một trong những người có quyền lực nhất thành phố Trùng Khánh.

AFP PHOTO / Ed Jones - Toàn cảnh Đại lễ đường nhân dân trong quá trình bỏ phiếu vào ngày cuối cùng của Quốc hội Trung Quốc ở Bắc Kinh vào ngày 14 tháng 3 năm 2012. 

Nhân vật bị bao vây này là Vương Lập Quân là cánh tay mặt của Bạc Hy Lai, Bí thư Thành ủy thành phố Trùng Khánh một thành phố trực thuộc và cai quản bởi Bộ chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc. Bạc Hy Lai và Vương Lập Quân đã thật sự tham gia cuộc chiến tranh chống mafia tại Trùng Khánh và cuộc chiến rất được lòng dân này lại chạm phải nọc của những con rắn nhiều đầu dàn ra khắp đất nước bao la hơn một tỷ dân Trung Quốc.

Mafia có sự bao che phía sau của các thế lực chính trị để kinh doanh và trấn đoạt rất nhiều lãnh vực trong đó bao gồm bất động sản, một lĩnh vực làm giàu mau chóng vì cưỡng chế đất đai của người dân với danh nghĩa vì nhu cầu công ích nhưng thật ra là chia nhau phần lợi béo bở sau khi bán cho các tập đoàn khai thác. 

Bạc Hy Lai nổi tiếng và dân chúng Trùng Khánh xem ông là một người hùng, sẵn sàng cho việc bước chân vào Thường vụ Bộ chính trị Trung Quốc trong nhiệm kỳ tới. Tuy nhiên, như giới quan sát quốc tế từng tiên đoán vụ Vương Lập Thành và các thế lực bị ông Bạc Hy Lai đánh sập đã khiến Đảng Cộng sản Trung Quốc tỏ thái độ: Sáng ngày 15 tháng 3, Tân Hoa Xã thông báo Bộ chính trị đã quyết định thôi chức Bí thư thành ủy Trùng Khánh của ông Bạc Hy Lai. Người lên thay là phó thủ tướng Trương Đức Giang, một nhân vật có tiếng là bảo thủ. 

* Bí thư Đảng ủy Trùng Khánh, ông Bạc Hy Lai trong lễ bế mạc kỳ họp Quốc hội Trung Quốc tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh vào ngày 14 tháng 3 năm 2012. AFP PHOTO / Mark Ralston.

Đòn đánh vào Bạc Hy Lai xảy ra một ngày sau khi Thủ tướng Ôn Gia Bảo phát biểu trên diễn đàn Quốc hội vào ngày 14 tháng 3. Ông nói nhiều về các vấn nạn mà Trung Quốc đang phải đối phó. Điều ông đặc biệt quan tâm là Trung Quốc sẽ lặp lại cuộc Cách mạng Văn Hóa, cuộc cách mạng đã giết chết hơn hai chục triệu dân Trung Quốc trong thập niên 60-70 nếu Trung Quốc không sớm thay đổi các chính sách về chính trị.

Nhận định về những biến cố chính trị này, ông Trần Bình Nam, một nhà nghiên cứu về Trung Quốc cho biết:

“Thủ tướng Ôn Gia Bảo nếu mình theo dõi ông trong suốt thời gian ông làm Thủ tướng thì mình thấy rằng ông là người có bộ óc cải tổ và ông thấy hướng đi của Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng theo hướng cải tổ đó nhưng quá chậm đối với ông cho nên ông phát biểu như vậy.

Tuy nhiên những phát biểu của ông do không còn tại chức lâu dài nên nó có vẻ rất dè dặt. Ngày hôm qua trong buổi nói chuyện trước khi bế mạc Quốc hội do trong năm nay ông phải rời khỏi chức vụ cho nên có lẽ đây là lần cuối cùng ông cần nói rõ những quan điểm của ông và điều này rất quan trọng vì nó cho thấy tại Trung Quốc có rất nhiều người có nhu cầu đòi hỏi cần cải tổ chính trị mạnh mẽ hơn nữa và đồng thời nhân việc xảy ra tại Trùng Khánh và Thành Đô thì ông Ôn Gia Bảo cảnh giác rằng cần quan tâm đến những quan niệm của Mao trạch Đông để thỏa mãn những thành phần mà họ còn muốn thực hiện những ý định đó. Nếu không, có thể có những sự bùng nổ mà không thể kiểm soát được như từng xảy ra trong cuộc cách mạng văn hóa từ năm 1966 cho đến năm 1976.”

Thảm họa bất động sản?

Với hình ảnh của một người sắp ra đi Thủ tướng Ôn Gia Bảo làm thế giới nhìn thấy hiện tình của Trung Quốc rõ hơn bởi ông là tiếng nói duy nhất trong những vị lãnh đạo của Bắc Kinh dám công khai thừa nhận và lo âu trước các vấn nạn không còn là thử thách mà Đảng Cộng sản Trung Quốc cần phải vượt qua. Ông Ôn Gia Bảo báo động bất động sản của Trung Quốc có thể trở thành thảm họa cho nước này vì sau bao năm phát triển Trung Quốc đã có một thị trường bất động sản ngày càng tỏ ra chông chênh so với giá trị thực của nó. Thủ tướng Ôn Gia Bảo muốn nhắc đến những thế lực đen tối đang lũng đoạn thị trường này tuy không nói thẳng ra ai cũng biết đó chính là hàng chục ngàn đảng viên cao cấp mà ông Bạc Hy Lai đã chiến đấu chống lại tại Trùng Khánh. 

Cũng có nhận định rằng ông Bạc Hy Lai đang theo đuổi tư tưởng Mao Trạch Đông khi muốn trong sạch Đảng Cộng sản bằng những thủ đoạn thanh trừng nội bộ qua chiêu bài tiêu diệt mafia. Ý kiến về việc này ông Trần Bình Nam cho biết:

“Cái vụ của ông Bạc Hy Lai cho thấy đây là một dấu hiệu có sự xuất hiện của phong trào ủng hộ Mao Trạch Đông, xuất hiện trong nội bộ Đảng. Tuy nhiên điều này thật ra không mới mẻ. Từ khi Đặng Tiểu Bình bắt đầu những cuộc cải tổ tại Trung Quốc thì đương nhiên những tư tưởng của Mao Trạch Đông bị dẹp qua một bên nhưng trong nội bộ vẫn có phong trào đó vẫn âm thầm diễn ra từ thời đó đến giờ và có lẽ vụ của ông Bạc Hy Lai đã làm cho sự việc đó nổi bật lên. Đương nhiên Bộ chính trị của Đảng công sản Trung Quốc bây giờ rất lo ngại tư tưởng của Mao Trạch Đông nó xuất hiện trở lại.

Khi dấu hiệu đó quá nặng nề thì họ phải tìm cách dẹp đi. Tôi thấy đó là lý do chính yếu của sự cách chức ông Bạc Hy Lai.”

* Phó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình xuất hiện trên màn hình trong thời gian Quốc hội Trung Quốc nhóm họp tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh vào ngày 05 tháng 3 năm 2012. AFP PHOTO.

Không dừng lại ở đó, sáng ngày 16 tháng 3, một nhân vật nổi tiếng khác của Đảng Cộng sản Trung Quốc lại lên tiếng. Đó là Phó chủ tịch Tập Cận Bình, ông đã mạnh mẽ cho rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc hiện nay là nơi tập trung của thành phần thối nát, giá áo túi cơm cần phải trong sạch hóa.

Hãng tin Reuters trích dẫn lời lên án mạnh mẽ này và cho rằng nó đang làm cho cả Đảng cộng sản Trung Quốc rúng động. Tuy chưa chính thức nhậm chức nhưng ông Tập Cận Bình đương nhiên được xem là sẽ thay thế vai trò của Chủ Tịch Hồ Cẩm Đào qua các chuẩn bị kỹ lưỡng của Bắc Kinh hồi gần đây. Những lời kết án nặng nề của ông Tập Cận Bình đối với Đảng của ông hứa hẹn một cuộc tẩy rửa trong Đảng một khi ông chính chức nắm quyền lực cao nhất nước. 

Bài học cho Việt Nam

Những sự kiện xảy ra tại Trung Quốc khiến người ta liên tưởng tới Việt Nam. Tuy hoàn toàn không giống nhau về con người, đất nước và vị thế địa lý nhưng Việt Nam đã áp dụng hầu như tất cả chính sách của Trung Quốc vào chế độ chính trị của mình. Mỗi một biến động của Trung Quốc đều khiến Hà Nội theo dõi như đang xảy ra trên đất nước Việt Nam. Trước các lời lên án gắt gao đối với hệ thống chính trị Trung Quốc liệu Việt Nam có kinh nghiệm gì cần phải rút ra hầu cải tổ cho chính trên phần đất của mình, đặc biệt là vụ án Đoàn Văn Vươn hiện đang trên bàn phán xét của dư luận toàn quốc?

Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, nguyên đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc cho biết quan điểm của ông trước câu hỏi này, ông nói:

“Từ trước đến nay tôi không muốn Việt Nam theo Trung Quốc. Trung Quốc làm gì thì Việt Nam theo cái đấy từ trước tới nay. Tôi chỉ muốn Việt Nam làm gì thì chủ động trên tinh thần chủ động của mình thôi. Nhưng đối với tình hình Việt Nam hiện nay tôi đã từng nói rồi nó không có dân chủ và có nhiều quan chức người ta áp bức dân lắm. Cái vụ Tiên Lãng vừa rồi là một trong hàng nghìn vụ như thế nhưng người ta vẫn im lặng, chỉ tới khi vụ ông Đoàn Văn Vươn thì nó là một cái biểu hiện tức nước vỡ bờ. Tôi cũng muốn Việt Nam chúng ta nên cải tiến, nên có sự đổi mới hơn tức là quan tâm đến nhân dân hơn để giảm bớt những cái áp bức dân vì nếu bức xúc quá mức thì có thể gây mất ổn định chính trị.”

Nguyên đại sứ Nguyễn Trọng Vĩnh đưa ra vụ Thái Bình làm điển hình cho mối lo của ông, theo ông thì Thái Bình sẽ lập lại nếu nhà nước khôngthay đổi chính sách đối với đất đai và nhất là thái độ cường hào ác bá của cán bộ:

“Trước đây có vụ Thái Bình. Nếu không cải cách không mở rộng dân chủ không có thay đổi thái độ đối với dân và trân trọng cái quyền của dân, không lo đời sống của dân thì đến một lúc tôi cho rằng sẽ có nhiều Thái Bình như trước đây và đấy là điều đáng lo. Tôi cũng muốn nhà nước ta phải có những cải cách nếu không thì dễ sinh bùng nổ rất nguy hiểm.”

Các sự kiện chính trị Trung Quốc có thể không hoàn toàn giống với nét đặc thù của Việt Nam tuy nhiên về chính sách đối với dân chúng thì hoàn toàn có thể theo đó để rút ra bài học cho mình. Vụ Ô Khảm của Trung Quốc và Tiên Lãng của Việt Nam tuy hai nơi hai hoàn cảnh nhưng nội dung hoàn toàn giống nhau. Trung Quốc may mắn hơn Việt Nam vì chính quyền dám cho phép người dân bầu cử ở cấp xã đề chọn người lãnh đạo cho mình, trong khi Việt Nam vẫn phân vân trước câu hỏi phải chọn ai, giữa đảng viên hay người dân.

Đối với lời lên án đảng Cộng sản Trung Quốc chỉ là phường giá áo túi cơm, thối nát của Phó chủ tịch Tập Cận Bình so với câu nói của Chủ tịch Trương Tấn Sang cho rằng có quá nhiều những con sâu trong hệ thống Đảng thì câu nói của ông Sang vẫn nhẹ nhàng hơn của lãnh tụ Trung Quốc. Tuy nhiên hình ảnh những con sâu nhung nhúc vẫn không phải là cái gì đẹp đẽ đang hiện diện và phát triển hàng ngày trong Đảng Cộng sản Việt Nam.


Mặc Lâm


http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/cn-experience-vn-ml-03162012151525.html 


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo