Loạn chuẩn - Dân Làm Báo

Loạn chuẩn

Thùy Linh - Nhiều lắm, kể sao cho xiết? Mà càng kể càng chán vì toàn từ loạn đến hết sức loạn, thậm loạn, đảo lộn mọi giá trị. Loạn cũ mới, xấu tốt, loạn đẹp xấu, loạn tử tế, đểu giả, loạn nhân văn... Thời của loạn... Đành ngậm ngùi quay về làm phận con dân nước Việt mới ngày nay cho đến khi nhắm mắt lìa đời…? Đành cam chịu sự ấm ớ, bức bối, đè nén của sự loạn chuẩn? Chỉ nhắc mình đừng để mắc căn bệnh loạn chuẩn của thiên hạ mà thôi...


Tất cả các nước văn minh, phát triển trên thế giới đều có chung những quan niệm cơ bản về giá trị nhân văn, văn hóa, nhân quyền, dân chủ, đạo đức…Vì thế họ dễ đối thoại, đàm phán để giải quyết mâu thuẫn và đi đến thống nhất. Cái này chả cần nói nhiều vì ai ai cũng biết và hiểu. Họ sống như chung mái nhà mà vẫn giữ độc lập chủ quyền đất nước. Biên giới liền mạch chả thấy cột mốc nhưng vẫn xác lập ranh giới. Cụ thể về thủ tục hành chính, nhưng kín đáo để người người qua lại không bị phiền phức, phân biệt vì danh nghĩa quốc gia. 

Mình thích cảm giác đi Eurolines (giá cả rẻ, xem được nhiều) xuyên quốc gia các nước châu Âu. Chả biết mình qua biên giới nước này sang nước khác lúc nào. Chỉ chợt nhận ra nếu chăm chú vào kiến trúc các ngôi nhà ven lộ và lá cờ vô tình nhìn thấy ở đâu đó trên đường. Nhớ hôm từ Hà Lan sang Paris, đến trạm dừng chân bên đường ở Bỉ, khách xuống nghỉ ngơi, ăn uống, vệ sinh… Đến lúc lên ô tô ngồi mình mới chợt nhận ra có một trạm cảnh sát nhỏ xíu dựng cạnh trạm dừng chân khi thấy 2 cảnh sát lên ô tô để kiểm tra hộ chiếu. Họ lịch sự đợi khách nghỉ ngơi, ăn uống xong mới thực thi nhiệm vụ (Việt Nam gọi là trời đánh tránh miếng ăn). 

Trạm cảnh sát dựng cạnh trạm dừng chân ở biên giới giữa hai nước để tiện đủ đường cho khách. Kiểm tra rất nhanh, cám ơn tử tế và cho xe đi ngay sau ít phút. Có một chú mặt Ả rập bị mời xuống xe vì sử dụng giấy thông hành quá đát. Gương mặt Ả có vẻ “nhạy cảm” (theo cách nói của người Vịêt hôm nay) mà mặt hai police vẫn như không…Và hai police xử lí mọi chuỵên rất an bình. Mặt chú Ả kia cũng chả cau có gì. Lần đầu tiên mình được police kiểm tra giấy tờ xong cám ơn tử tế. Ngay cả khi ở Nga về hẳn sau khóa học, ở sân bay mình cười rất tươi với cô an ninh xuất cảnh, nói lời từ biệt chân thành cũng không được nghe lời cám ơn rất nhã này. Khi nghe mình kể lại là lần đầu tiên nhìn thấy cảnh sát ngoài đường và kiểm tra giấy tờ sau gần 1 tháng chu du trời tây, cô bạn Việt sống lâu năm ở Pháp bảo chưa bao giờ bị kiểm tra giấy tờ khi qua biên giới giữa các nước châu Âu. Rồi cô à lên rằng, sắp đến ngày 11/9 nên họ mới làm ráo riết như vậy thôi. Thế đã là ráo riết rồi đấy nhé. Thế giới đại đồng chắc là thế này…



Có 3 điểm cắm mốc biên giới - bên VN có 2, bên kia là TQ. Sông núi liền kề... 

Vừa rồi mình có việc đến bản M. Nhân tiện đến xem cột mốc biên giới cách đó không xa. Vừa kịp xuống ô tô thì lập tức có một trai “nước lạ” phi xe máy tới, lượn một vòng quanh chỗ tụi mình đứng, mặt hằm hè, canh chừng rồi quay về ngôi nhà lụp xụp sát đường biên. Anh ta đứng đó, phóng tầm mắt nhìn về đoàn người đang lao xao chụp ảnh, đùa cười. Và chỉ bỏ đi khi tụi mình bỏ đi. Mà đọan biên giới này chỉ thấy núi cao vời vợi cùng một dãy. Chung một làn mây trắng, mây xanh bay lững lờ. Cây cối xanh tươi như trong cùng một vườn…Nhưng giữa lòng người là chập chùng hố sâu ngăn cách. Vì đâu nên nỗi giữa anh em “núi liền núi, sông liền sông”; “môi hở răng lạnh”; cùng “phe ta”; cùng xây đắp 16 chữ vàng thắm thiết, hữu nghị…mà cư xử như thể kẻ thù, như thể những người cần cảnh giác, nghi kỵ? Đã đành lịch sử để lại những sang chấn tâm lí, nhưng khi con người có văn minh hòa hiếu mà vẫn giữ “chứng tích” tâm lí đó thì có thể vì họ cùng một “ý thức hệ loạn chuẩn” chả giống ai.

Chú Tàu lượn đến rất nhanh... 

Thích thì đứng...dè chừng... 

Chú Tàu...lượn... 

Nhưng đứng từ xa dè chừng...(Đố ai thấy chú tàu nấp ở đâu?) 

-Ý thức hệ CNXH nhưng thực chất chứa đựng tư tưởng và mô hình phong kiến hủ bại của Nho giáo. Hai cái này gặp nhau, hỗ trợ cho sự loạn chuẩn càng sâu sắc và phức tạp hơn. Đấy là cái loạn chuẩn lớn nhất và gây ra các hệ quả loạn chuẩn toàn xã hội và ở các lĩnh vực. Loạn ý thức hệ. 

-Luôn cho rằng tính nhân văn cao gấp nhiều lần tụi TBCN nhưng phạm nhiều tội ác nhất. Gần đây chính nước Nga còn phải lên án tội ác của Stalin trong thời kì nắm quyền Liên bang Xô viết. Đến Trung Quốc còn phải đang kêu gọi tinh thần cảnh giác với nguy cơ Cách mạng văn hóa quay trở lại… Loạn giá trị nhân văn. 

-Sau nhiều năm xây dựng thiên đường hạ giới, cuối cùng hệ thống CNXH sụp đổ ở gần hết các nước nó đã xâm nhập vào. Cuộc sống luôn vận hành theo qui lụât đào thải: cái gì đúng, hợp với lẽ tự nhiên thì tồn tại, còn không thì bị tiêu vong. Thế nên mới có “định hướng thị trường XHCN”. Học một ít ở tụi tư bản để làm giàu, giữ lại chút ít lập trường để giữ quyền lợi, ghép lại thành một bức tranh nhiều mảnh không khớp răng cưa. Loạn con đường phát triển kinh tế. 

-Lấy nhãn quan chính trị để thay thế hoặc làm tiêu chuẩn “căn ke” cho mọi giá trị khác. Thế nên lịch sử, khoa học nhân văn, đạo đức công dân, tiêu chuẩn cán bộ, thậm chí điều hành quốc gia đề lấy tiêu chí chính trị làm cơ bản, bất chấp cái lý của tự nhiên. Loạn nhân tâm. 

-Các “quả đấm thép” là các Tập đoàn kinh tế Nhà nước để giúp đất nước phát triển thì thành quả chả thấy đâu. Giờ thanh tra thì thấy các quả đấm này đã thoi thủng túi tiền ngân khố quốc gia. Các tập đoàn này nằm dưới sự điều hành của chính phủ thì theo chuẩn mực, chính phủ phải chiụ trách nhiệm. Nhưng chỉ thấy vài ông Tổng vào tù thế chân, vài ông đang xem xét…Theo đúng quan nịêm ngày xưa của vua chúa phong kiến: vua tốt, chỉ có quan lại địa chủ tồi. Loạn vua quan, tôi tớ. 

-GDP mấy năm vừa rồi tăng cao, chỉ 3 năm lại đây giảm do khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Nhưng nghịch lý ở đây là GDP tăng nhưng chất lượng cuộc sống của dân nghèo tụt giảm, môi trường bị phá hủy nặng nề, tài nguyên bị xâm hại…Chạy theo tăng trưởng nóng chắc giờ đến lúc phải trả giá: doanh nghiệp phá sản, lạm phát cao, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn…Vẫn kiên trì định hướng XHCN. Thị trường có mắt, có tai đâu mà biết nghe nghị quyết, đường lối về định hướng CNXH nên nó vận hành theo ý nó. Thế là loạn xã hội. 

-Lúc muốn tăng giá, thu phí, thu thuế mặt hàng nào đó, loại hình nào đó như tăng giá địên, xăng, thu phí cầu đường, thuế thu nhập cá nhân…là các quan lớn viện dẫn ít ra là các nước trong khu vực, không thì là thế giới để học hỏi, so bì, làm cái khiên chống đỡ với dư lụân nhân dân. Nhưng khi đụng đến lập trường, ý thức hệ là quay về cái ao tù đọng nhà mình để bác bỏ lập lụân của quốc tế về nhân quyền, dân chủ…Vậy thì dân biết nghe ai, theo ai? Ví dụ nhỏ: ông Đinh La Thăng hò hét rằng đóng phí giao thông là yêu nước, nhưng ông lại bảo xe biển xanh, biển đỏ không phải đóng phí. Dân gian bèn bảo, xe biển xanh, biển đỏ không yêu nước rồi…Mà xe này chỉ các ông quan mới được dùng. Vậy là quan chức không yêu nước. Đúng tam đoạn luận nhá. Loạn ngụy biện. Loạn ngôn. 
…v.v…vv…

Nhiều lắm, kể sao cho xiết? Mà càng kể càng chán vì toàn từ loạn đến hết sức loạn, thậm loạn, đảo lộn mọi giá trị. Loạn cũ mới, xấu tốt, loạn đẹp xấu, loạn tử tế, đểu giả, loạn nhân văn…Thời của loạn… 

Đành ngậm ngùi quay về làm phận con dân nước Việt mới ngày nay cho đến khi nhắm mắt lìa đời…? Đành cam chịu sự ấm ớ, bức bối, đè nén của sự loạn chuẩn? Chỉ nhắc mình đừng để mắc căn bệnh loạn chuẩn của thiên hạ mà thôi… 




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo