Xuân Hoàng (bạn đọc Danlambao) - Lãnh đạo Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel lên tiếng sau phản ứng khách hàng viễn thông EVN phải tốn thêm chi phí khi chuyển đổi qua mạng Viettel, cán bộ CNV EVNTelecom tố cáo bị Viettel chèn ép phải viết đơn xin nghỉ việc. Khách hàng viễn thông của EVN cũng như cán bộ CNV EVNTelecom tố cáo Tập đoàn Viettel đã làm ngược lại với yêu cầu Chính phủ đảm bảo quyền lợi khách hàng viễn thông EVN, đối tác EVN và công ăn việc làm cho cán bộ CNV EVNTelecom.
Theo như lý giải của lãnh đạo Tập đoàn Viettel thì thiết bị đầu cuối CDMA 450 MHz rất ít nhà sản xuất và chủ yếu là các hãng nhỏ của Trung Quốc, muốn mua thiết bị đầu cuối phải đặt hàng trước và giá thiết bị đầu cuối rất đắt lên đến vài triệu mỗi máy, nhưng mẫu mã cũng không phong phú và chất lượng thiết bị đầu cuối kém. Trong khi đó, Tập đoàn Viettel tự sản xuất thiết bị đầu cuối di động và cố định không dây GSM có giá rẻ chỉ từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng mỗi thiết bị đầu cuối. Đây là lý do Tập đoàn Viettel phải bỏ công nghệ CDMA 450 MHz sau khi tiếp nhận EVNTelecom.
Chính phủ chỉ đạo Tập đoàn Viettel phải tiếp nhận viễn thông của Tập đoàn EVN để Chính phủ tiến hành tái cấu trúc Tập đoàn EVN. Nếu tính riêng tiếp nhận EVNTelecom, Tập đoàn Viettel đã phải tiếp nhận khoản nợ 7.600 tỷ của EVNTelecom và gần 2.500 tỷ nguồn vốn Tập đoàn EVN đã đầu tư vào EVNTelecom cộng với hơn 1.000 tỷ Tập đoàn EVN đã đầu tư vào tuyến cáp quang biển liên Á.
Không những thế, Tập đoàn Viettel cũng đang tiếp nhận tài sản viễn thông của các Tổng công ty Điện lực, Tổng công ty Truyền tải đầu tư và quá trình này còn đang tiến hành nên chưa thể thống kê chính xác giá trị tài sản. Nhưng theo các chuyên gia viễn thông đánh giá tài sản 40.000 km cáp quang của các Tổng công ty Điện lực, Tổng công ty Truyền tải có giá trị 1 tỷ đô.
Tập đoàn Viettel phải tiếp nhận một khối tài sản khổng lồ từ Tập đoàn EVN nhưng phần mạng CDMA 450 MHz thì không thể tiếp tục sử dụng do hiệu quả kinh tế phải tháo bỏ; phần mạng 3G thì phải quy hoạch lại mới có thể cung cấp dịch vụ cho khách hàng; phần cáp quang thì không biết sử dụng thế nào cho hiệu quả.
Chỉ tính riêng phần chuyển đổi khách hàng EVN sử dụng dịch vụ CDMA 450 MHz sang mạng Viettel đã tốn kém của Tập đoàn Viettel gần 2.000 tỷ. Tập đoàn Viettel đã tạo điều kiện tối đa để khách hàng viễn thông của EVN không bị thiệt khi chuyển đổi qua mạng Viettel. Khi chuyển đổi qua mạng Viettel, khách hàng sử dụng dịch vụ di động E-Mobile chỉ cần mua một máy GSM do Viettel sản xuất có giá 350.000 đồng và một sim trắng 29.000 đồng, khách hàng sử dụng dịch vụ cố định không dây E-COM chỉ cần mua một máy Homphone do Viettel sản xuất có giá 250.000 đồng, nhưng Viettel đã tặng cho khách hàng viễn thông EVN số tiền 500.000 đồng trong tài khoản và trừ dần vào cước hàng tháng.
Lãnh đạo Viettel cũng đang đau đầu về việc các hộ gia đình cho các Công ty Điện lực thuê mặt bằng lắp đặt cột anten và nhà trạm. Theo như cách làm của Viettel trước khi đầu tư một trạm mới, Trung tâm TVTK Viettel tiến hành đo tải xác định lưu lượng, khảo sát địa hình rồi mới đưa đến quyết định tọa độ đặt trạm và giao lại cho Chi nhánh Viettel tỉnh tiến hành thuê mặt bằng đặt trạm. Tuy nhiên một số nhân viên Viettel đã đầu cơ đất cho thuê mặt bằng lắp đặt trạm đã di dời tọa độ so với tọa độ đã được quy hoạch thiết kế và nhân viên này đã buộc thôi việc sau quá trình thanh tra của Tập đoàn Viettel.
Theo như phản ánh của Chi nhánh Viettel tỉnh chỉ có các trạm CDMA của EVN là được quy hoạch thiết kế tương đối chuẩn và các cột anten, nhà trạm này được giữ lại để sử dụng. Tuy nhiên hộ gia đình phải có sổ đỏ và hợp đồng được ký lại 3 bên gồm Chi nhánh Viettel tỉnh, Công ty Điện lực, chủ gia đình đồng thời có sự chứng giám của chính quyền địa phương.
Ngược lại với các trạm CDMA, các vị trí trạm 3G chưa được lắp đặt thiết bị bố trí một cách tùy tiện. Vị trí địa hình đặt trạm 3G vừa thấp, vừa thưa dân cư và cột anten chỉ cao 20m, trong khi quy định Sở Thông tin và Truyền thông cột anten lắp đặt tại thành phố có chiều cao tối thiểu 30m và nông thôn cột anten có chiều cao tối thiểu 42m.
Theo như lãnh đạo Viettel thì nhiều vị trí đặt trạm 3G không đạt yêu cầu, diện tích đất cũng nhỏ nên không thể cải tạo nâng chiều cao cột anten. Ngoài ra nhiều vị trí cũng chỉ mới lắp đặt cột anten và chưa xây dựng nhà trạm cũng như chưa lắp đặt các ODF. Vì vậy các vị trí này Công ty Điện lực có thể đàm phán hộ gia đình tháo dỡ, thu hồi vật tư và thanh lý để thu hồi phần nào vốn đã đầu tư.
Tập đoàn Viettel đã xây dựng hoàn thành mạng Metro để cung cấp dịch vụ Internet cáp quang FTTH cũng như cung cấp truyền dẫn FE cho nodeB 3G. Mạng Metro vừa đảm bảo tốc độ dịch vụ Internet cáp quang FTTH cung cấp cho khách hàng vừa đảm bảo khôi phục nhanh đường truyền Internet cho khách hàng khi có sự cố xảy ra. Trong khi đó đa số hệ thống cung cấp dịch vụ Internet cáp quang FTTH do các Công ty Điện lực đầu tư rất đơn giản, từ một luồng FE do EVNTelecom cấp và các Công ty Điện lực đầu tư đấu nối broadcast bằng cách đầu tư một loạt các Switch quang đặt tại các khu vực cung cấp dịch vụ Internet cáp quang FTTH. Do vậy chất lượng dịch vụ Internet cáp quang FTTH cung cấp cho khách hàng không đảm bảo và thời gian khôi phục lại đường truyền Internet cho khách hàng khi sự cố xảy ra kéo dài. Đây là nguyên nhân Tập đoàn Viettel phải chuyển đổi khách hàng sử dụng dịch vụ Internet cáp quang FTTH của EVN sang mạng Viettel.
Nhân viên EVNTelecom chỉ có EVNIT chính là tinh hoa công nghệ thông tin của Tập đoàn EVN và đã được Tập đoàn EVN tốn kém chi phí để đào tạo bài bản nguồn nhân lực này. EVNIT là nơi sản xuất các phần mềm Tập đoàn EVN đang sử dụng như chương trình quản lý khách hàng CMIS, chương trình quản lý nhân sự, chương trình quản lý vật tư, chương trình quản lý tài chính. Tập đoàn Viettel đã điều chuyển nhân viên thuộc EVNIT qua Trung tâm Công nghệ thông tin Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel.
Sở hữu nguồn nhân lực đã sản xuất ra các phần mềm Tập đoàn EVN đang sử dụng, Tập đoàn Viettel đang có kế hoạch nâng cấp các phần mềm này tương tự như phần mềm quản lý khách hàng viễn thông. Tất cả các phần mềm này được kết nối từ Tập đoàn EVN cho đến Điện lực huyện, trong đó các User được phân quyền từ Tập đoàn EVN cho đến được Điện lực huyện và Bộ Công thương được cấp User ngang hàng Tập đoàn EVN. Như vậy lãnh đạo Tập đoàn EVN có thể quản trị nhân lực từ Tập đoàn EVN cho đến Điện lực huyện, Tập đoàn EVN có ý kiến đối với các đơn vị cấp dưới nếu bố trí nhân lực không hợp lý; lãnh đạo Tổng công ty Điện lực quản trị nhân lực đến Điện lực huyện và có ý kiến để các Công ty Điện lực bố trí nhân lực hợp lý; lãnh đạo Công ty Điện lực bố trí nhân lực hợp lý để đạt hiệu quả năng suất tốt nhất. Và quan trọng nhất Bộ Công thương có thể giám sát mọi hoạt động của Tập đoàn Điện lực Việt Nam từ doanh thu, lợi nhuận, giá bán điện bình quân, lương bình quân…
Muốn quá trình quản trị công nghệ thông tin được vận hành một cách liên tục và thông suốt từ Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho đến Điện lực huyện thì đầu tiên phải có đường truyền thông suốt từ Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho đến Điện lực huyện. Tập đoàn Viettel sẽ cho Tập đoàn EVN thuê các kênh luồng trong suốt này với giá hợp lý.
Một vấn đề nữa phải đảm bảo an ninh cơ sở dữ liệu nhưng phải minh bạch và Bộ Công thương cũng như người dân có thể giám sát mọi hoạt động của Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Muốn vậy Tập đoàn EVN phải thuê Server của Viettel.
Dự án quản trị Tập đoàn EVN bằng công nghệ thông tin theo ý kiến đề xuất của Tập đoàn Viettel không những mang lại hiệu quả kinh tế cho Tập đoàn EVN, dự án này còn đem lại công ăn việc làm cho nhân viên EVNIT.
Theo quan điểm của Tập đoàn Viettel “muốn làm sếp phải bị ném vào chỗ chết”. Lãnh đạo EVNTelecom không thể tự nhiên bố trí làm sếp tại các đơn vị của Viettel được và nếu như có bố trí làm sếp thì nhân viên Viettel không phục. Lãnh đạo Tập đoàn Viettel muốn công bằng đối với CBCNV Viettel và CBCNV EVNTelecom. Văn hóa ứng xử của Tập đoàn Viettel trong đó có phần “muốn làm xếp thì viết đơn xin thi tuyển, xếp không hoàn thành nhiệm vụ thì tự động viết đơn xin từ chức chuyển qua làm lính”. Lãnh đạo Tập đoàn Viettel đã tạo điều kiện cho lãnh đạo EVNTelecom thể hiện năng lực bằng cách điều động đến các vùng “nóng”, nếu không lãnh đạo EVNTelecom có thể thi tuyển vào các vị trí của Viettel. Lý do không chịu nổi sức “nóng” tại Tập đoàn Viettel nhiều lãnh đạo EVNTelecom như Giám đốc EVNTelecom, các P. Giám đốc EVNTelecom, các Giám đốc Trung tâm miền đã viết đơn xin nghỉ việc.
Tập đoàn Viettel tiếp nhận EVNTelecom phải tiếp nhận hơn 2.000 nhân viên EVNTelelecom và đảm bảo công ăn việc làm cho CBCNV EVNTelecom Tập đoàn Viettel phải bố trí nhân viên EVNTelecom trong các đơn vị của Viettel, đầu tiên nhân viên EVNTelecom được bố trí làm các công việc đơn giản và sau quá trình thử thách sẽ được cân nhắc. Nếu như nhân viên EVNTelecom nào thấy mình có khả năng có thể thi tuyển các vị trí tại các đơn vị của Viettel. Tuy nhiên nhiều nhân viên EVNTelecom không chấp nhận phương châm tại Viettel “nước muốn trong phải chảy” và đã viết đơn xin nghỉ việc.
Theo như đề xuất của Tập đoàn EVN lên Chính phủ, Tập đoàn Viettel tiếp nhận EVNTelecom đổi lại Tập đoàn Viettel sẽ được sử dụng miễn phí cột điện của Tập đoàn EVN để treo cáp viễn thông trong thời hạn 30 năm.
Tuy nhiên chi phí thuê cột điện treo cáp viễn thông của Tập đoàn Viettel mỗi năm khoảng 200 tỷ và chi phí này đang giảm mạnh là do Tập đoàn Viettel đang tiến hành ngầm hóa cáp tại các thành phố, đồng thời Tập đoàn Viettel đang tiến hành trồng cột tách cáp khỏi cột điện lực. Do vậy vài năm nữa thì chi phí thuê cột điện treo cáp viễn thông của Tập đoàn Viettel chỉ tốn khoảng vài chục tỷ mỗi năm.
Vì danh dự Tập đoàn Viettel đã hành hiệp trượng nghĩa gánh vác các khoản nợ của Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Và nếu như “văn hóa từ chức” tại Tập đoàn Viettel được áp dụng trong Tập đoàn Điện lực Việt Nam thì Tập đoàn Điện lực Việt Nam không bị lỗ nặng như ngày hôm nay, cũng không cần đến sự giúp đỡ của hiệp sĩ Viettel. Vì do xử lý không tốt về thông tin mới xảy ra tin đồn không tốt về hiệp sĩ Viettel.
______________________________________
Những bài liên quan đã đăng:
Vũng tối Tổng công ty Điện lực miền Trung
Vũng tối của các tập đoàn
Cách hành xử của Tập đoàn Viettel đối với khách hàng viễn thông Tập đoàn EVN