Thanh Thanh Lan (VnExpress) - Trước phiên thảo luận Quốc hội về Luật Giá, nhiều ý kiến cho rằng thị trường điện vẫn còn độc quyền nên chưa thể thả nổi giá bán lẻ như đề xuất của Bộ Công Thương.
Chuyện ai quyết giá điện bán lẻ bình quân có thể là vấn đề nóng tại phiên thảo luận tại hội trường Quốc hội sáng 28/5 về Dự thảo Luật giá. Theo Dự thảo, điện được đưa vào mục "do Nhà nước định giá" và thuộc diện "bình ổn". Tuy nhiên, theo kiến nghị của Bộ Công thương, chỉ nên kiểm soát đối với khung giá phát, bán buôn, truyền tải, phân phối thay vì định giá bán lẻ điện bình quân.
Tại phiên họp Ủy ban Thường vụ quốc hội chiều 20/4, ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách cũng đề xuất chỉ nên quy định Nhà nước định giá đối với giá “điện bán lẻ bình quân”. Còn mức giá cụ thể do doanh nghiệp tự điều chỉnh.
Về vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung Ương (CIEM), Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho rằng chưa nên thả nổi giá điện vào thời điểm này bởi sẽ gây thiệt hại cho người dân. "Với một thị trường chưa có cạnh tranh thì chưa thể làm vậy. Một cách tự nhiên, nếu thả, người ta sẽ lạm dụng vị thế độc quyền. Đầu tiên, họ tăng giá rồi sau đó có thể vừa tăng giá vừa giảm sản lượng để bớt chi phí và đạt lợi nhuận tối ưu", ông giải thích.
Tranh cãi cơ quan nào quyết định giá điện vẫn chưa ngã ngũ. Ảnh: Hoàng Hà.
Đối với việc kiểm soát giá điện, theo Phó viện trưởng Viện quản lý kinh tế Trung ương, vấn đề ở chỗ hiện Bộ Công thương vừa là chủ sở hữu đại diện cho EVN, vừa là cơ quan kiểm soát giá, vừa là đơn vị ra chính sách nên phải kiêm nhiệm "3 trong 1" dẫn đến xung đột về mặt lợi ích. Ông Nguyễn Đình Cung cho rằng: "Bộ Công thương khi tuyên bố trước công chúng thường đứng ở vai trò chủ sở hữu nhiều hơn là của một cơ quan giám sát vì liên tục kêu lỗ hộ EVN. Theo tôi, để thị trường một số ngành cạnh tranh hơn, mấy Cục quản lý của Bộ Công Thương nên dồn lại thành một cơ quan kiểm soát độc lập".
Ngoài những tranh cãi về giá điện, trước thềm phiên thảo luận của Quốc hội, nhiều ý kiến cũng bày tỏ một vài bất hợp lý trong Dự thảo Luật Giá. Danh mục các mặt hàng thuộc diện bình ổn đã bỏ một số mặt hàng có thị trường cạnh tranh như xi măng, sắt thép, thức ăn chăn nuôi. Ngược lại, danh mục lại mở rộng về diện trong mỗi một mặt hàng.
Như trước đây, chỉ có sữa bột thuộc diện bình ổn thì nay là "sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi". Về điểm này, Hiệp hội Sữa Việt Nam cũng vừa kiến nghị lên Quốc hội đề xuất đưa sữa ra khỏi danh mục bình ổn giá. Lý do theo hiệp hội này là tại Việt Nam, sữa không phải thị trường độc quyền mà ngược lại rất cạnh tranh. Nếu xếp vào diện bình ổn sẽ phá vỡ tính thị trường và càng đẩy giá lên cao.
Cũng không ít ý kiến bày tỏ hoài nghi về sự tồn tại và tính hiệu quả của Luật Giá. Ông Scott Jacobs, chuyên gia về Cải cách Thể chế của Dự án Sáng kiến cạnh tranh Việt Nam USAID/VNCI, cho rằng: “Việc kiểm soát giá chỉ giải quyết được triệu chứng chứ không giải quyết tận gốc vấn đề. Khi đó, nhà đầu tư sẽ đòi hỏi mức lợi nhuận cao hơn và hậu quả là giá lại tăng”.
Một chuyên gia khác thì cảnh báo, Luật Giá không thể kìm được giá hàng hóa xuống một cách cơ học bởi về mặt nguyên lý, nếu kéo được giá mặt hàng này xuống thì sẽ đẩy được giá của một hàng hóa khác lên một cách đàn hồi giống như với quả bóng.
Đồng quan điểm này, Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung cũng thấy rằng: "Không nên lấy Luật Giá làm công cụ để ổn định kinh tế vĩ mô. Luật Giá có phần nào chồng lấn với khung pháp lý có sẵn, như là Luật Cạnh tranh. Nếu sử dụng sai công cụ có thể làm méo mó phân bố nguồn lực và sự vận hành của kinh tế thị trường". Thực tế là, khi bị neo, kiểm soát giá, để bảo toàn lợi nhuận, người sản xuất hoàn toàn có thể lách luật bằng cách giảm cung (thiếu lượng) hoặc giảm chất lượng sản phẩm (thiếu chất). Nếu vậy thì Nhà nước vừa mất tiền, vừa mất công kiểm soát mà người tiêu dùng có khi còn chịu thiệt thòi hơn.
Theo dự thảo, một trong những biện pháp bình ổn giá là đăng ký giá. Ông Trần Hữu Huỳnh, Phó tổng thư ký, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, đây lại là một biện pháp hành chính mang nặng dấu ấn "xin - cho". Theo ông, biện pháp hành chính này chỉ mang lợi ích cho người tiêu dùng trước mắt nhưng gây tác động tiêu cực lớn hơn trong dài hạn. Các nhà sản xuất sẽ mất cơ hội kinh doanh vì bị hạn chế sự linh hoạt trong việc định giá sản phẩm hoặc bị lộ bí mật kinh doanh trong khi chờ được cho phép đăng ký giá.