Vệ Nhi (Nguyễn Vĩnh) - Vụ việc công an điều tra vào cuộc mà đương sự trốn thoát đương nhiên đặt ra mối nghi ngờ cho công luận - về một sự bao che có thể xảy ra ở trường hợp ông Dương Chí Dũng mà báo chí truyền thông các loại đang gây ồn ào.
Một doanh nhân cỡ VIP. Đã từng là vậy, chứ thời gian gần đây ông ta đã thành một quan chức VIP chính hiệu (cục trưởng một Bộ). Đó là ông Dương Chí Dũng đang bị công an điều tra phát lệnh truy nã toàn quốc vì đã trốn biệt tăm. (có tin đã làm lệnh truy nã qua Interpol quốc tế - nếu biết chắc ông Dũng đào thoát qua biên giới thì sẽ phát lệnh này).
Sao một người từng có nhân thân “tốt tươi” cỡ vậy, thuộc loại vua biết mặt chúa biết tên (ít nhất về mặt tiền bạc); và cái doanh nghiệp mà ông ta từng làm chủ tịch HĐQT lại đang bị thanh tra chính phủ hỏi thăm…; với chừng ấy lý do để đưa ông vào “tầm ngắm” rồi thế mà ông chuồn lẹ. Hỏi ra thì đều bảo không ai biết! Sáng 17/5 ông vẫn đến trụ sở làm việc như thường trong khi lệnh tạm giam, khám xét được công bố và thực thi cũng đúng ngày đó! Quả là chuyện quá lạ đời.
Lạ nên thông thường cỡ thảo dân khắp nơi cùng dư luận thì sẽ đồng thanh ồ lên: “khó hiểu, khó hiểu quá”.
Thực ra chịu khó nghĩ ngợi một chút thôi sẽ thấy chẳng có gì là khó hiểu cả. Ở ta điều này cũng hơi bị thường. Chẳng đã có không ít tiền lệ tương tự như thế, cũng không nhắc lại ở đây làm gì cho thêm rườm rà.
Tôi có anh bạn thường hay nói khi mấy chúng tôi có dịp gặp nhau: là cái cơ chế quy định ở ta nó lạ lắm các ông ạ, đủ vành đủ vẻ, tưởng như chặt chẽ đến ghê gớm… Nói hình ảnh thì con muỗi con ruồi đố mà chui lọt! Thế nhưng không ít trường hợp những con voi to vẫn dễ dàng chui tọt qua cái lỗ tí hon hon đó!
Hóa ra cái chặt chẽ chỉ là hình thức để che đậy cho những cái lỏng lẻo, quá ư lỏng lẻo của toàn cơ chế. Và chính nó đẩy tới cái sự vô trách nhiệm một khi sự vụ vỡ lở, khi công việc hỏng hóc. Thường là phủi tay, chẳng phải trách nhiệm của mình. Tệ hơn còn đổ lỗi người khác, hoặc có khi chày cối bằng được, chối bay chối biến…
Trở lại chuyện ông Dương Chí Dũng, một tổng công ty lớn khủng do ông từng đứng đầu đã thua lỗ tính ra tiền là các con số “thiên văn”. Nhưng khi pháp luật rờ đến thì ông ta đã cao chạy xa bay mất rồi.
Vậy liệu có ai báo cho ông cơ nguy bị bắt? Liệu có người nào che đậy thông đồng với lỗi lầm mà ông mắc? Hoặc như có cấp này ngành kia biết chuyện nhưng cứ coi như không biết để ông Dũng mặc sức né đòn pháp lý, qua mặt pháp luật như chốn không người?...
Cứ suy mà xem, là thường dân chỉ cắp trộm sơ sơ hoặc phạm pháp vớ vẩn thôi thì đã bị soi rất kỹ. Thôi thì công an và chính quyền cơ sở ngắm nghía kỹ càng lắm. Không thoát nổi từng bước đi, có mà trốn chạy đằng trời…
Còn trường hợp những dạng như Dương Chí Dũng thì ngược lại. Chức vụ đã có, lại còn tiền bạc thì họ quá thừa để rải tràn các cửa. Việc che mắt pháp luật nếu họ biết dựa vào các phần tử thoái hóa biến chất của bộ máy thì chắc không phải là điều quá khó đối với bọn họ.
Vì thế chung quy lại, vấn đề lớn nhất lúc này không những là phải truy nã được kẻ chạy trốn. Đã đành là như thế. Nhưng việc tìm ra các thủ phạm khác, người có trọng trách lớn hơn Dũng, luôn đứng đằng sau họ Dương để hỗ trợ, bao che – mà kết cục là y dù bị truy tố cứ vẫn xổng lưới pháp luật ngon lành. Phải vượt lên trên Dương Chí Dũng mà nhìn vấn đề, đó mới là cách “đánh rắn dập đầu” như các cụ ta ngày xưa dạy vậy.
Vậy thì dù bắt được người hay không, một khi tài liệu bằng chứng đã đủ thì vẫn có thể xét xử vụ này, ngay cả vắng mặt Dương Chí Dũng.
Nhưng ở đây một điều quan trọng hơn nữa – nếu muốn làm triệt để - đó còn là phải tìm cho được để đưa những kẻ bảo kê, những quan thầy, bọn lợi ích nhóm lợi ích cục bộ ở mọi cấp mọi cỡ ra trước bàn dân thiên hạ. Và để cho công luận rộng đường luận bàn. Trong trường hợp đầy đủ bằng chứng phạm tội, a dua a tòng với Dương Chí Dũng thì phải xử phạt tù tội thật nặng bọn người đã mất hết phẩm chất này.
Chỉ có vậy mới chống được quốc nạn tham nhũng và làm trong sạch đội ngũ lãnh đạo ở ta hiện nay.
Vệ Nhi
Xin mời đọc thêm bài dưới đây:
Nguyên Chủ tịch HĐQT Vinalines sẽ bị truy nã quốc tế
Nếu không bắt được Nguyên Chủ tịch Vinalines thì việc điều tra sẽ khó khăn, song không ảnh hưởng nhiều tới việc điều tra vụ án. Tuy nhiên cơ quan CSĐT sẽ phối hợp với Interpol để ra lệnh truy nã quốc tế nếu xác định bị can này trốn ra nước ngoài.
Hiện CSĐT đã bắt 6 người và phát lệnh truy nã cựu chủ tịch Dương Chí Dũng
Tại cuộc họp báo sáng 22/5, đại tá Trần Duy Thanh, Cục trưởng Cục cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng (Bộ Công an) thông báo một số kết quả điều tra sai phạm tại Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) trong việc chọn nhà thầu mua ụ nổi 83M; lập, phê duyệt dự án nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam.
Đại tá Trần Duy Thanh – Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra (CSĐT) tội phạm về tham nhũng (C48, Bộ Công an) – cho biết, hiện chưa có thông tin nguyên nhân, động cơ nào thúc đẩy bị can Dương Chí Dũng – Cục trưởng Cục Hàng Hải – Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), nguyên Chủ tịch HĐQT và HĐTV Vinalines – bỏ trốn trước khi cơ quan tống đạt quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam.
“Việc này sẽ làm rõ khi chúng ta bắt được bị can. Nếu không bắt được ông Dũng, việc điều tra sẽ gặp khó khăn song không ảnh hưởng nhiều tới việc điều tra vụ án vì còn căn cứ vào nhiều nguồn tài liệu, bằng chứng khác”, Đại tá Thanh khẳng định.
Theo người đứng đầu C48, chiều 17/5, sau khi ra quyết định khởi tố bị can mà không có mặt bị can Dương Chí Dũng ở nơi cư trú và nơi làm việc, cơ quan CSĐT xác định bị can đã bỏ trốn và ra quyết định truy nã.
Trước câu hỏi của báo chí, liệu có việc lộ thông tin từ phía cơ quan tố tụng khiến ông Dương Chí Dũng bỏ trốn, Đại tá Thanh khẳng định: “Hiện chúng tôi chưa có một thông tin gì phản ánh liên quan tới động cơ bỏ trốn, ai thúc đẩy và có lộ lọt thông tin hay không chúng tôi đang làm rõ và sẽ sáng tỏ khi bắt được bị can”.
Ba tháng trước, việc sửa chữa ụ nổi 83M được cơ quan điều tra cho rằng có dấu hiệu của hành vi tham ô tài sản. Vụ án tham nhũng tại Vinalines lập tức được khởi tố điều tra.
Nhà chức trách xác định, ông Trần Hải Sơn (Tổng giám đốc Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines), ông Trần Văn Quang (Trưởng phòng kế hoạch) cùng một số người đã thông đồng với Trần Bá Hùng (cán bộ Hyundai Vinashin) và Phạm Bá Giáp (Giám đốc Công ty Nguyên Ân – Nha Trang) lập 2 bộ hồ sơ hợp đồng, chứng từ quyết toán khống khối lượng sửa chữa phần đáy ụ nổi, gửi giá… để chiếm đoạt, gây thiệt hại 2,9 tỷ đồng.
Theo cơ quan điều tra, trong phi vụ này, một số cán bộ thuộc Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines được chia hơn 2,5 tỷ đồng, ông Trần Sơn Hải chiếm hưởng 900 triệu đồng. Số còn lại, ông Trần Văn Quang sử dụng.
Hiện, ông Trần Sơn Hải, Trần Văn Quang, Trần Bá Hùng và Phạm Bá Giáp bị khởi tố, bắt tạm giam về Tội tham ô tài sản. 4 bị can này và những người có liên quan đã khai nhận hành vi, tự giác nộp lại hơn 1 tỷ đồng.
Mở rộng điều tra vụ việc, nhà chức trách cho rằng đã phát hiện cựu chủ tịch HĐQT Vinalines Dương Chí Dũng có hành vi cố ý làm trái quy định nhà nước trong việc mua ụ nổi 83M và phê duyệt dự án nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam.
Do vậy, ngày 17/5, Bộ Công an đã khởi tố bổ sung thêm tội Cố ý làm trái vào vụ án đang điều tra.
Trong ngày hôm đó và hôm sau (18/5), ông Dũng cùng ông Mai Văn Phúc Vụ phó Vụ vận tải (nguyên tổng giám đốc Vinalines; Trần Hữu Chiều (Phó tổng giám đốc Vinalines, Trưởng ban quản lý dự án nhà máy sửa chữa tàu biển Vinalines phía Nam) đã bị khởi tố bị can, ra lệnh bắt tạm giam. Tuy nhiên, cơ quan điều tra chỉ thực thi được lệnh bắt với ông Phúc và Chiều. Ông Dũng đã bỏ trốn, đến chiều nay vẫn chưa truy bắt được.
Theo công bố của Cục Chống tham nhũng, khi chưa được Thủ tướng phê duyệt bổ sung dự án xây dựng Nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam vào quy hoạch, cuối tháng 6/2007, ông Dũng đã ký quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng nhà máy sửa chữa tàu biển tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu với tổng mức đầu tư hơn 3.850 tỷ đồng. Tại dự án có hạng mục mua, lắp đặt ụ nổi.
Cơ quan cảnh sát điều tra cho rằng, năm 2007 ông Chiều đã ký văn bản đề nghị, ông Phúc có văn bản trình để ông Dũng ký quyết định phê duyệt mua ụ nổi 83M với tổng mức đầu tư 14,136 triệu USD, trong khi đây là ụ nổi sản xuất năm 1965, đã bị hư hỏng nặng, không còn hoạt động, bị Cơ quan đăng kiểm Nga dừng cấp phép kiểm định, quá thời hạn theo quy định là 22 năm, không đủ điều kiện nhập khẩu về Việt Nam.
5 tháng sau, ông Dũng lại phê duyệt điều chỉnh thay đổi phương án mua dẫn đến chi phí thực tế cho việc mua, vận chuyển ụ nổi về Việt Nam sửa chữa tổng chi phí hết 24,3 triệu USD. Đến nay, tổng số tiền Vinalines phải chi phí cho việc mua, vận chuyển, sửa chữa ụ nổi, vay lãi Ngân hàng và một số khoản chi phí khác lên đến 480 tỷ đồng. Hiện, việc vay vốn và xây dựng nhà máy cũng đã bị tạm dừng, ụ nổi không đưa được vào khai thác gây lãng phí rất lớn.
Đến tháng 4/2010, Vinalines đã phải chi 30 tỷ đồng tiền thuê chỗ neo đậu, bảo vệ, trực sự cố cho ụ nổi tại cảng Gò Dầu và hơn 70 tỷ đồng tiền trả lãi vay ngân hàng cho khoản tiền, mua sửa chữa ụ nổi. Tổng mức thiệt hại là 100 tỷ đồng.
Bộ Công an nhận định, nguyên nhân của việc thất thoát lãng phí trên do lãnh đạo Vinalines đã tự ý quyết định đầu tư khi chưa được Bộ Giao thông Vận tải cập nhật dự án vào quy hoạch; chưa trình Thủ tướng xem xét quyết định theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ. Việc làm của các ông Dũng, Phúc và Chiều là “trái ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng”, Luật đầu tư, Luật đấu thầu.