AFP - Chính quyền Việt Nam vừa cấm nhà văn Nguyễn Huy Thiệp không cho đi Pháp vào đầu tháng Sáu nhân dịp ra mắt tác phẩm "Tình yêu, tội ác và trừng phạt" của ông do nhà xuất bản Pháp L’Aube giới thiệu. Hôm thứ Hai 21/05/2012 nhà xuất bản L’Aube đã cho AFP biết như trên.
Tác phẩm "Tuổi hai mươi yêu dấu" do NXB L'Aube phát hành tại Pháp. |
Theo nhà xuất bản này, vốn sẽ xuất bản bộ truyện ngắn toàn tập của nhà văn vào tháng Sáu, thì "Nguyễn Huy Thiệp – mà tội duy nhất là viết lách – một lần nữa lại bị cô lập: thư từ bị lấy trộm, điện thoại bị cắt và bị cấm xuất cảnh".
Trong một thông báo, nhà xuất bản L’Aube nhắc lại, để có thể tự do gặp gỡ các độc giả, "nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã phải thành lập một nhà hàng dưới chân cầu Long Biên ở Hà Nội". Thông cáo nói tiếp: "L’Aube nhấn mạnh sự ủng hộ vô điều kiện đối với nhà văn hiện đang bị mất quyền tự do di chuyển và tự do ngôn luận – mà chúng tôi hy vọng là chỉ tạm thời – và đề nghị mỗi người trong chúng ta cũng ủng hộ cho ông".
Từ khi thành lập, nhà xuất bản L’Aube luôn cam kết dành tiếng nói cho các nhà văn bị ngăn trở trong việc tự do diễn đạt ở trong nước. Chẳng hạn như đã xuất bản cuốn "Thẩm vấn từ xa" của Vaclav Havel năm 1989 khi ông đang còn trong nhà tù. L’Aube cũng là nhà xuất bản đã in các tác phẩm của Cao Hành Kiện, nhà văn đã rời Trung Quốc từ năm 1988 và sau đó đoạt giải Nobel văn chương. Hoặc Abed Charef, bị buộc phải đi khỏi Algérie sáu tháng sau khi cho ra đời tác phẩm "Algérie, bước trượt ngã dài".