TT - Sau khi Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ lên tiếng khẳng định “vẫn đang... lắng nghe” ý kiến đóng góp về dự luật thuế thu nhập cá nhân (Tuổi Trẻ 1-6), nhiều bạn đọc Tuổi Trẻ tiếp tục bày tỏ bức xúc rằng Bộ Tài chính vẫn chưa thật sự cầu thị...
Dưới đây là bức “tâm thư” được một bạn đọc gửi đến bộ trưởng, thông qua báo Tuổi Trẻ:
Với thu nhập chưa đủ sống, nhiều người làm công ăn lương vẫn phải nộp thuế thu nhập cá nhân. Trong ảnh: người nộp thuế thực hiện quyết toán thuế thu nhập cá nhân tại Cục Thuế TP.HCM - Ảnh: T.ĐẠM
Là một người dân bình thường, khi nghe các phát biểu của bộ trưởng, tôi cho rằng câu nói: “Chúng tôi vẫn đang tiếp tục lắng nghe” của bộ trưởng là lời nói không thật. Không thật vì lắng nghe đến bao giờ? Nghe gì thêm nữa? Người dân và các nhà chuyên môn góp ý như vậy chưa đủ hay sao?
Nếu Bộ Tài chính thật sự cầu thị, lắng nghe ý kiến của các nhà chuyên môn và người dân thì tại sao không đổi hay ít ra trình hai phương án để Chính phủ và Quốc hội chọn lựa. Mặt khác, đang lắng nghe thì hà cớ gì phải cho rằng “giới chuyên môn và người dân chưa hiểu thấu đáo” để rồi phải “thuyết phục dư luận”? Ở đây, phải chăng điều mà bộ trưởng muốn nói là: Các anh biết gì mà góp ý, muốn góp thì cứ góp còn việc của chúng tôi thì chúng tôi cứ làm! (?).
Hơn nữa, nếu giới chuyên môn mà không hiểu thì đại biểu Quốc hội, vốn có rất nhiều vị không có chuyên môn sâu về lĩnh vực này, làm sao có thể hiểu được? Và như vậy, việc bấm nút thông qua của Quốc hội chỉ là “thủ tục” thôi sao? Mặt khác, một luật được soạn thảo và ban hành mà cả những nhà chuyên môn cũng không nắm được thì làm sao toàn xã hội lại thấu hiểu và đồng thuận để thực hiện?
Chúng tôi cũng tự hỏi vì sao phải đợi cho đến khi Thường trực Chính phủ thông qua rồi bộ trưởng mới “nói thấu đáo và cặn kẽ” cho dư luận biết để rồi “thuyết phục dư luận”? Vì sao Bộ Tài chính không nói ngay từ bây giờ để người dân hiểu, giúp đại biểu Quốc hội có điều kiện suy nghĩ để việc thông qua được thuận lợi, tạo thêm niềm tin và sự đồng thuận của xã hội đối với một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước? Hay bộ trưởng muốn đặt dư luận trước một việc đã rồi?
Và còn hàng loạt câu hỏi nữa, đó là nếu sau khi được Thường trực Chính phủ thông qua mà bộ trưởng không thuyết phục được dư luận thì sao? Rút dự luật lại và bắt đầu lại từ đầu? Và như thế đến bao giờ mới ban hành được một luật mới?
Theo tôi, đối với nhân dân, sự thành thật mới là điều quý nhất, thưa ngài bộ trưởng.
LÊ BÌNH TRỊ (Đà Nẵng)
Cô giáo Nguyễn Ngọc Hà (Q.3, TP.HCM):
Không đủ sống vẫn phải nộp thuế
Tôi nuôi mẹ già năm nay 90 tuổi. Mỗi tháng tôi được giảm trừ gia cảnh cho bản thân 4 triệu đồng, người phụ thuộc 1,6 triệu đồng. Tôi thử nhẩm tính như sau: mẹ tôi bị bệnh tim nặng, mỗi tháng tiền thuốc hết 1,5 triệu đồng, chưa kể những lần đau bệnh phải nhập viện tốn vài triệu đồng/lần. Ngoài ra, chế độ ăn uống của người già cũng khác biệt hơn, ngoài tiền ăn uống khoảng 1,8 triệu đồng/tháng, còn phải dùng thêm sữa để bồi bổ... Nói mang tội, tính sơ sơ chi phí để nuôi một người phụ thuộc như mẹ tôi mỗi tháng đã là 4,5 triệu đồng.
Bản thân tôi không phải đi thuê nhà nhưng mức “khoán” hằng tháng 4 triệu đồng có tính chi li cách mấy cũng không đủ sống vì phải gánh hàng loạt thứ thiết yếu khác, tiền điện, điện thoại hằng tháng khoảng 1,5 triệu đồng, tiền nước mỗi tháng 300.000 đồng, tiền gạo 300.000 đồng, tiền xăng, tiền ăn, chưa kể đau bệnh đột xuất hoặc giao tế khác.
Để kiếm thêm trang trải cho cuộc sống, tôi đã cố gắng viết bài cộng tác với các báo. Điều bức xúc đối với tôi là hễ có bài đăng báo là bị khấu trừ thuế thu nhập cá nhân. Trong khi đó, tính tổng thu nhập giáo viên và tiền nhuận bút từ các báo cũng chưa đủ để chi phí cuộc sống cho tôi và người mẹ già yếu, mà tôi phải nhờ đến sự giúp đỡ của các cháu.
Bộ Tài chính nói giảm trừ gia cảnh không phải là mức để đảm bảo đời sống tối thiểu, mà phần còn lại sau khi đã đánh thuế mới là mức đảm bảo đời sống. Nhưng thực tế, ngay khi phần thu nhập chưa trừ thuế đã không đủ đảm bảo cho cuộc sống đắt đỏ ở thành phố thì nói gì đến phần còn lại sau khi đã đánh thuế đảm bảo đời sống như Bộ Tài chính nói. Tôi kiến nghị Bộ Tài chính nâng mức giảm trừ cho cá nhân người nộp thuế lên mức 9 triệu đồng và mức giảm trừ cho cá nhân người phụ thuộc lên cao hơn để cuộc sống người nộp thuế dễ thở hơn. Tránh tình trạng lương chưa đủ sống đã phải nộp thuế.
A.H. ghi