Huỳnh Ngọc Tuấn (Danlambao) - Văn hóa phương Tây trước đây được cho là “xa lạ” với rất nhiều người VN. Ở trong một giác độ nào đó và một “đối tượng” nào đó còn có thể là “kệch cỡm” và “lố bịch” nữa!?
Thời đại bây giờ là thời “thống trị” của Anh ngữ, mà tôi lại không biết một chữ tiếng Anh nào nên gặp nhiều khó khăn để đuổi kịp với nhịp sống thay đổi như vũ bão đang xảy ra. Ở VN bây giờ tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai được dùng phổ biến sau tiếng Việt. Giới trẻ thích nghi nhanh chóng với tiếng Anh và điện toán – hai lĩnh vực gần như gắn liền với nhau. Người trẻ dùng tiếng Anh trong giao tiếp ngày càng nhiều, rất tự nhiên và thỏa mái. Mấy ông quan chức VC kể cả mấy ông ở ngành An ninh cũng không còn “mặc cảm” với thứ ngôn ngữ của bọn “đế quốc” nữa, họ cũng ok, bye khi nói chuyện với nhau, kể cả ở công sở.
Tiếng Anh trở thành phổ biến như hiện nay không phải vì khối nước xử dụng nó (Anh, Mỹ, Canada, Úc...) là thế lực mạnh nhất về kinh tế, chính trị và quân sự, mà chỉ vì tiếng Anh có sức sống mạnh mẽ bởi đi kèm với nó là một nền văn hóa cởi mở và khai phóng. Sự cởi mở và khai phóng này được hình thành trên một giá trị bền vững đến mức độ vĩnh cữu và thiêng liêng, đó là tính nhân bản của nền văn hóa phương Tây.
Đất nước VN trải qua gần 5000 năm văn hiến, nhưng 5000 năm đó đã để lại cho dân tộc Việt một di sản nặng nề và bảo thủ.
Những thế hệ được sinh ra và trưởng thành trong cái nôi văn hóa đó đa phần họ chỉ chú trọng đến quyền thuật và mưu lược mà coi nhẹ sự khai phóng và tính nhân bản, đây chính là cái bi kịch của những thế hệ người Việt trước đây và những ai vẫn còn mang nặng cái gọi là “ưu việt” của di sản văn hóa phương Đông thời bây giờ.
Có thể nói (mà không sợ bị gọi là cường điệu) nền văn hóa phương Đông tạo ra Dịch lý, Tử vi và Binh pháp, còn nền văn hóa phương Tây hình thành nên nhà nước Pháp trị và giá trị nhân quyền.
Không có một nền văn hóa nào hoàn hảo cả, nhưng nền văn hóa phương Tây có cái căn bản, cái nguyên ủy để đạt đến sự hoàn hảo đó là tư tưởng khai phóng và giá trị nhân quyền.
Tư tưởng khai phóng mở ra lộ trình cho con người hoàn thiện chính mình và giá trị nhân quyền là vũ khí để chống lại cái ác, sự độc quyền chính trị và sự tha hóa của nó. Tư tưởng khai phóng và giá trị nhân quyền sẽ giúp nhân loại tiến về tương lai một cách an toàn mạnh mẽ và không lạc lối để đạt đến Tự do và Hạnh phúc.
Tôi không phải là một nhà văn hóa, tôi chỉ là một công dân VN đang sống trong một chế độ độc tài, chế độ hiện nay là kẻ thù của sự khai phóng và nhân quyền, tôi chỉ là một người cảm nhận về giá trị của nền văn hóa phương Tây đang thâm nhập vào xã hội VN trong tiến trình “mở cửa” về kinh tế. (Tôi không muốn dùng từ hội nhập, vì tôi thấy không có dấu hiệu của sự hội nhập thực sự, vì hội nhập là một thái độ nhất quán, là sự chọn lựa có ý thức, ở VN thiếu vắng điều này từ nhà cầm quyền)
Trong sự cảm nhận về văn hóa phương Tây tôi thích nhất những ngày này : Ngày tình yêu, Ngày của Mẹ, Ngày của Cha và những ngày khác như ngày hội hóa trang.
Về ngày tình yêu thì tôi đã quá cái tuổi để bàn bạc về ngày này, chỉ còn lại những hồi tưởng đầy hối tiếc và ân hận.
Riêng ngày của Cha đem đến cho tôi nhiều cảm xúc và suy nghĩ, nhiều đến nỗi tôi không tìm được cách để diễn đạt hết nỗi lòng của mình.
Tôi là một người cha bất hạnh và đau khổ, vì cái hạnh phúc lớn nhất của người cha là được ở bên các con của mình để thương yêu trìu mến và được thương yêu trìu mến, để nhìn thấy các con mình lớn lên từng ngày. Đó chắc chắn là những ngày vất vả nhưng hạnh phúc, nếu vì một lý do nào đó mà phải xa các con của mình khi chúng còn nhỏ dại thì không còn có nỗi bất hạnh nào lớn hơn và sẽ không có gì bù đắp được. Nỗi đau này sẽ đi theo ta suốt cuộc đời còn lại với sự nuối tiếc đớn đau không dứt.
Năm tháng đi qua, tóc trên đầu đã bạc, nhìn lại quá khứ thấy xót xa rằng mình là người cha chưa tốt, chưa hoàn hảo tí nào.
Tôi nhớ lại lúc đó Thục Vy lên 7 tuổi, Khánh Vy lên 5 và Trọng Hiếu mới lên 3. Hiếu đang học Mẫu giáo, về nhà Hiếu hát lại cho cả nhà nghe bài hát vừa học được ở trường. Thục Vy muốn tỏ ra thành thạo nên cháu muốn được hát cho cả nhà nghe bài hát đó, nhưng tôi đã vô tâm không hiểu được tâm lý trẻ con, không tinh tế trong cách ứng xử với trẻ, tôi đã không quan tâm đến yêu cầu của Thục Vy, khiến cháu buồn quá trốn vào một góc để khóc. Tôi vô cùng ân hận đến ôm cháu vào lòng vỗ về mãi cháu mới nguôi. Khi ở trong tù tôi nhớ mãi chuyện này và cứ mỗi lần nhớ lại là tôi khóc, nước mắt của tôi trong 10 năm tù khó lòng kể hết!... Tôi coi khinh chế độ độc tài tàn bạo này, tôi không hề sợ chết hay sự tra tấn khủng bố, nhưng tôi không chịu đựng nỗi sự nhớ con luôn dằn vặt. Có lần Thục Vy gởi thư cho tôi viết rằng: “Ngày Tết chung quanh mình ai cũng sắm sữa rộn ràng, chỉ có nhà mình là không có Tết, vì không có tiền sắm sửa, mà cũng không có ai vui để mà sắm sửa, chúng con và hai cô ai cũng buồn thiu mỗi lần Tết đến”.
Đọc những dòng chữ còn rất vụng về của Thục Vy tôi khóc mấy ngày liền, nhưng sau đó tôi cố gắng trấn tỉnh để giữ gìn sức khỏe hy vọng có một ngày trở về với các con.
Ngày trở về tôi ở trong tâm trạng vui buồn lẫn lộn, vui vì thấy các con lớn khôn và khỏe mạnh, buồn vì hình như đang có một khoảng cách giữa tôi và các cháu, các cháu đã trở nên độc lập hơn, không còn như ngày bé luôn luôn cần có ba bên cạnh để an ủi vỗ về hay giúp đỡ. Tôi chợt hiểu ra một quy luật muôn đời là bất cứ một tổ chim nào rồi cũng có ngày chim con sẽ đủ lông đủ cánh và bay xa. Lúc này đây các cháu vẫn chưa bay xa được nhưng ngày đó đã gần kề.
Nhớ cái ngày tôi từ nhà tù Nam Hà về, bước vô nhà nhìn thấy một cô gái cao, gầy và xinh đẹp vừa xa lạ vừa quen thuộc, đó là Thục Vy.
Khánh Vy, Trọng Hiếu tuy lớn và đổi khác nhưng những nét của ngày bé vẫn còn. Ba con chúng tôi vừa vui ngày đoàn tụ vừa buồn vì cuộc sống trước mặt vô vàn khó khăn, tình hình đất nước còn tăm tối, và sức mạnh của bạo quyền còn lớn lắm chứ không như bây giờ đã suy yếu và sự sụp đổ là có thể nhìn thấy được.
Tôi không biết mình lấy đâu ra nghị lực để sống qua những ngày tăm tối đó khi CS tìm mọi cách để triệt hạ gia đình tôi, họ gây ra vô vàn những khó khăn trong đời sống, trong việc học hành của các con tôi, họ đe dọa chúng tôi trong từng bước đi. Ở trường thì chúng dùng bọn giáo viên- đảng viên để hành hạ ,gây rắc rối đủ điều, chèn ép trong việc học hành, đanh đá sách nhiễu trong ứng xữ làm các cháu luôn trong tâm trạng nặng nề u ám.
Trong ba người con tôi, Hiếu là bị chèn ép đê tiện nhất và hậu quả nặng nề tai hại nhất. Họ lấy lý do Hiếu không đủ tuổi để thi vào lớp 10, và những năm sau đó họ cũng không chịu cho Hiếu thi, làm cho việc học của cháu dở dang. Là một người cha khi thấy con mình bị đối xử bất công và man rợ như vậy đúng là quá sức chịu đựng, nhưng với kinh nghiệm của 3 thập niên sống trong chế độ CSVN tôi hiểu và nói với các con rằng mình vẫn còn may mắn chưa bị thủ tiêu cả nhà, vẫn còn sống đến ngày hôm nay để có cơ hội nói lên tiếng nói của sự thật và lương tri làm người.
Cho dù trước mắt vẫn còn đầy dãy khó khăn và nguy hiểm đe dọa nhưng thời khắc xấu nhất đã qua, đảng CSVN đang lúc khủng hoảng, đang trong giai đoạn thoái trào và tất yếu sẽ diệt vong.
Mỗi năm người làm cha được tôn vinh và nhắc nhớ một lần, mong rằng những người làm cha hãy nhớ rằng : Ai làm cha cũng đều thương yêu con của mình, đừng vì quyền lực, quyền lợi mà mà dẫm đạp lên tổ ấm của người khác. Con người có thể khác nhau nhiều thứ nhưng tình yêu dành cho con cái và nước mắt thì luôn giống nhau. Hãy yêu thương và dành trọn cuộc đời cho con mình và hãy tôn trọng điều đó ở người khác, hãy nhìn những người chung quanh mình để cảm thông và chia xẻ và nhìn lại chính mình để sống tốt hơn nhân ngày lễ của người Cha.
17/06/2012
Huỳnh Ngọc Tuấn