Báo Nhân Dân: Chấn chỉnh quản lý thông tin trên in-tơ-nét
Phan Hồng (Nhandan) - Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Ðảng hiện nay" đã nêu rõ: "Tập trung chấn chỉnh, quản lý thông tin trên mạng in-tơ-nét, các mạng xã hội và blog cá nhân".
*
Thế kỷ 21 với sự ra đời và phát triển như vũ bão của những trang tin điện tử, những webblog và mạng xã hội đã tạo nên bước tiến dài về chất của truyền thông đại chúng. Tuy nhiên, khi mọi rào chắn thông tin trong kỷ nguyên số bị xóa nhòa cũng là lúc vấn đề quản lý thông tin trên mạng phải đối mặt với nhiều thách thức.
Theo thống kê của Net Index 2011, in-tơ-nét đã vượt qua cả phát thanh và báo giấy để trở thành phương tiện truyền thông được sử dụng phổ biến hằng ngày với ưu thế vượt trội chiếm tỷ lệ 42% tại Việt Nam, chưa kể số lượng khổng lồ gần 13 triệu thuê bao di động đăng ký dịch vụ 3G thường xuyên truy cập mạng. In-tơ-nét đang ngày càng lấn sâu và chiếm lĩnh trận địa thông tin Việt Nam nói riêng cũng như toàn thế giới nói chung. Phải thừa nhận, các webblog, các mạng xã hội đã mang lại những tiện ích khó tưởng tượng trong việc gắn kết cộng đồng. Mỗi khi kỷ niệm những ngày lễ lớn của dân tộc, của Ðảng, các hình ảnh đại diện trên blog, mạng xã hội lại rợp mầu cờ đỏ sao vàng. Hay gần đây, khi thảm họa sóng thần Nhật Bản diễn ra, nhất loạt các blogger, các thành viên mạng xã hội lại chia sẻ những hình ảnh, số liệu cùng những lời kêu gọi cộng đồng chung tay giúp đỡ, chia sẻ khó khăn hoạn nạn. Từ mạng xã hội, có nhiều tổ chức, câu lạc bộ tình nguyện, từ thiện đã được thành lập, với nhiều hoạt động mang ý nghĩa thiết thực. Cũng từ đây, có nhiều người lâu ngày thất lạc gia đình đã tìm được về với người thân, bè bạn...
Tuy nhiên, cũng chính thế mạnh liên kết và lan tỏa thông tin rộng lớn của những phương tiện truyền thông nói trên đã làm phát sinh nhiều vấn đề phức tạp và nhạy cảm. Thông tin trên mạng nhiều khi gây bất an, bất ổn cho tổ chức và cá nhân, gia đình và xã hội. Phát ngôn của những blogger hay những cá nhân tham gia mạng xã hội được thả nổi một cách vô tội vạ khi bản thân họ vừa tạo dựng, vừa lan truyền thông tin. Tự do của người này lại xâm phạm tự do của người khác. Bên cạnh đó, yếu tố được ẩn danh dưới dạng các nickname khi gia nhập mạng xã hội hay mở các webblog cũng là cái bẫy chết người để các blogger thoải mái tung tin, đưa ra các bình luận thất thiệt mà không sợ bị "phạt đền". Vì thế, thời gian qua, có không ít những vụ bê bối gây xôn xao cộng đồng mạng mà nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ việc đưa tin thiếu xác thực kiểu "gắp lửa bỏ tay người" trên các blog, mạng xã hội, xâm phạm trắng trợn đến danh dự, nhân phẩm hay cuộc sống của nhiều tổ chức, cá nhân. Vào các trang mạng, người ta vẫn dễ dàng tìm thấy những đường link liên kết dẫn đến những trang web sex, những trò chơi bạo lực... gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhận thức và hành vi của một bộ phận công chúng.
Nhưng nguy hiểm nhất là tình trạng các thế lực phản động, các phần tử cơ hội chính trị đã và đang lợi dụng các tính năng vượt trội của in-tơ-nét để đăng tải những thông tin xuyên tạc về tình hình đất nước ta, Ðảng ta và nhân dân ta, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kích động chống phá, kêu gọi biểu tình chống chế độ. Chúng xảo quyệt lập ra những trang mạng núp dưới những tên gọi trá hình về dân chủ, nhân quyền, sự thật... tại Việt Nam, nhưng kỳ thực lại tập hợp những nội dung, những đường link siêu liên kết dẫn tới hàng loạt website, diễn đàn chống phá chúng ta, chống chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, nền tảng tư tưởng của Ðảng ta, bôi đen hiện thực, hòng làm xói mòn niềm tin của nhân dân đối với Ðảng. Chúng huy động khả năng liên kết nhanh chóng của các trang mạng xã hội để lôi kéo những người nhẹ dạ, cả tin, mơ hồ về tư tưởng chính trị để truyền bá những thông tin độc hại, sai trái, thúc đẩy quá trình "tự diễn biến", mưu đồ phá ta từ bên trong phá ra.
Trước sự phát triển khó kiểm soát của những blog đen, những "rác văn hóa" trên các mạng xã hội, nhất là những nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, vấn đề quản lý thông tin trên mạng trở thành một trong những giải pháp góp phần giải quyết những vấn đề cấp bách như Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Ðảng hiện nay" đã nêu rõ: "Tập trung chấn chỉnh, quản lý thông tin trên mạng in-tơ-nét, các mạng xã hội và blog cá nhân". Ðây là bài toán làm đau đầu cho những nhà quản lý thông tin không chỉ ở riêng Việt Nam mà ở mọi quốc gia trên thế giới có nền công nghệ số phát triển. Thời gian qua, các cơ quan ban, ngành có liên quan đã tổ chức nhiều buổi hội thảo, đưa ra nhiều hướng dẫn về việc quản lý thông tin trên mạng, nhiều đơn vị chuyên điều tra các vấn đề an ninh mạng cũng được thành lập, tuy nhiên vẫn chưa có biện pháp triệt để nào để giải quyết đồng bộ tất cả những phức tạp nảy sinh. Khi quyền dân sự trên in-tơ-nét bị vi phạm, người ta có quyền khởi kiện người đưa ra thông tin sai lệch, song trên thực tế, không phải ai cũng có đủ thời gian và tiền bạc đâm đơn ra tòa. Hơn nữa, yếu tố được ẩn danh trên các blog, mạng xã hội khiến cho việc truy tìm thủ phạm "ném đá giấu tay" rất khó khăn, phức tạp. Vấn đề đặt ra là chúng ta cần có biện pháp xử lý mạnh tay đối với các mạng xã hội, các blog vi phạm các quy phạm pháp luật, chuẩn mực văn hóa, thuần phong mỹ tục của đất nước. Phải phối hợp chặt chẽ với những đơn vị cung cấp dịch vụ đề ra những tiêu chí quản lý thông tin hữu hiệu. Ðối với các đơn vị cung cấp dịch vụ là các cơ quan nước ngoài, các cơ quan chức năng cần nhanh chóng xây dựng những quy chế chặt chẽ liên quan đến việc hợp tác quản lý thông tin tại chính dịch vụ họ cung cấp trên cơ sở tôn trọng pháp luật, văn hóa Việt Nam. Ngoài các chế tài được quy định rõ ràng khi vi phạm quy tắc thông tin, các blogger, các cá nhân tham gia mạng xã hội cần phải được các cơ quan chức năng quy định cụ thể về các vấn đề mà họ có thể thông tin và đưa tin để không làm ảnh hưởng đến cá nhân, tổ chức khác.
Các cơ quan báo chí, truyền thông đại chúng cần tận dụng tối đa thế mạnh của công nghệ thông tin hiện đại để tuyên truyền cổ vũ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tuyên truyền thật tốt mọi chủ trương, chính sách của Ðảng, pháp luật của Nhà Nước, quảng bá hình ảnh của Tổ quốc và nhân dân Việt Nam để thế giới hiểu đúng về chúng ta. Thông qua các mạng xã hội, các tổ chức chính trị-xã hội cần tập hợp quần chúng tham gia các hoạt động ý nghĩa, bổ ích, vừa định hướng sự phát triển lành mạnh của những webblog, mạng xã hội, vừa tạo sức mạnh liên kết toàn dân tộc vì một môi trường thông tin lành mạnh, bổ ích; đấu tranh ngăn chặn mọi âm mưu diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch.