* Cựu chủ tịch Vinalines Dương Chí Dũng được hoan nghênh, trao chức vụ cao nếu gia nhập hội.
Theo một nguồn tin chưa đáng tin cậy, ngày 1.6, Hội doanh nhân Việt Nam trốn chạy truy nã ở nước ngoài (còn có tên gọi khác là Hội doanh nhân Cao chạy xa bay) đã được chính thức thành lập tại Hồng Kông. Hội doanh nhân này hiện mới có khoảng 10 thành viên do ông Hồ Ngọc Tùng, nguyên Giám đốc Công ty Tài chính Vinashin (VFC) làm Chủ tịch. Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký của hội là ông Giang Kim Đạt, nguyên Trưởng phòng kế hoạch Công ty Vận tải Viễn Dương Vinashin cũng thuộc tập đoàn Vinashin. 2 ông này hiện đã bị truy nã theo lệnh truy nã quốc tế của cơ quan cảnh sát điều tra của Bộ Công an Việt Nam.
Phát biểu tại lễ thành lập Hội, ông Hồ Ngọc Tùng, Chủ tịch Hội doanh nhân Việt Nam trốn chạy truy nã ở nước ngoài cho biết: "Hiện nay, mặc dù số hội viên của hội chưa nhiều nhưng chúng tôi tin rằng, số lượng các thành viên của hội sẽ ngày một lớn trong thời gian tới".
Lý giải về điều này, theo ông Hồ Ngọc Tùng, do nền kinh tế còn nhiều khó khăn, tình trạng kinh doanh thua lỗ, luật pháp lại chưa hoàn thiện, có nhiều điểm trồng chéo, mâu thuẫn khiến lãnh đạo doanh nghiệp dễ mắc sai phạm... dẫn đến số doanh nhân vi phạm pháp luật do những nguyên nhân khách quan và chủ quan ngày càng nhiều. Nhưng do đã quen sống trong điều kiện vật chất đầy đủ nên nhiều doanh nhân lo ngại không chịu đựng nổi hoàn cảnh sống khó khăn trong các trại giam nên họ sẽ tìm cách trốn tránh sự trừng phạt của pháp luật.
"Đây là những cơ sở thực tế để chúng tôi đặt niềm tin rằng, Hội của chúng tôi sẽ phát triển nhanh trong tương lai", ông Hồ Ngọc Tùng khẳng định.
Tại cuộc họp báo được tổ chức cùng ngày, ông Tùng cho biết, sở dĩ trụ sở hội đặt tại Hồng Kông vì đây là địa điểm ăn chơi, nghỉ dưỡng khá tốt cho các thành viên của hiệp hội sau nhiều năm tháng làm việc vất vả trong nước. "Hơn nữa, Hồng Kông là vùng lãnh thổ mà Việt Nam chưa ký hiệp định tương trợ tư pháp nên nếu phát hiện việc doanh nhân Việt Nam bỏ trốn, họ cũng không thực hiện việc bắt giữ, dẫn giải doanh nhân đó về Việt Nam. Thậm chí họ còn hoan nghênh các doanh nhân Việt Nam chẳng may bị truy nã đến đây để đóng góp, phát triển kinh tế, dịch vụ của Hồng Kông", ông Tùng vui vẻ tiết lộ.
Phó chủ tịch kiêm tổng thư ký của Hội DNVNCTTN ở nước ngoài, ông Giang Kim Đạt cũng cho biết: "Để thu hút hội viên, chúng tôi mở rộng thành phần là tất cả các doanh nhân thuộc mọi thành phần kinh tế ở trong nước. Các hội viên được ưu tiên nhập hội là chủ tịch, tổng giám đốc, các phó tổng giám đốc, trưởng phó ban các tập đoàn, tổng công ty lớn của nhà nước. "Điều kiện duy nhất cho việc gia nhập hội là doanh nhân phải in sao được văn bản lệnh truy nã từ Việt Nam và có đóng góp kinh phí hàng năm từ 5000 USD trở lên. Với cấp lãnh đạo tập đoàn nhà nước là phải có từ 50.000 USD trở lên. Tôi nghĩ rằng, đó chỉ là một phần không đáng kể trong số tiền mà nhiều doanh nhân đã lừa đảo, chiếm đoạt, tham nhũng…đuợc ở Việt Nam", ông Giang Kim Đạt nói thêm.
Trả lời câu hỏi của các phóng viên là tại sao hội doanh nhân trên thu mức phí quá cao như vậy, ông Giang Kim Đạt cho biết, hội sẽ phải sử dụng số tiền này để chi trả các khoản phí thường xuyên rất cao cho sinh hoạt của các hội viên tại các tụ điểm ăn chơi và phát triển chi nhánh tại các nước sau này.
"Chúng tôi cũng còn phải chi trả các khoản tiền lớn để giúp các hội viên thay hình đổi dạng để trốn tránh mạng lưới truy bắt gắt gao từ cơ quan bảo vệ pháp luật ở trong nước và Interpol quốc tế. Hàng năm, chúng tôi còn phải chi tiền để nuôi các cán bộ, nhân viên an ninh sân bay, nhân viên hải quan tham nhũng, biến chất tại các cửa khẩu... để tạo điều kiện cho các doanh nhân đến gia nhập hội hoặc các thành viên tro về Việt Nam thăm gia đình hoặc đón gia đình sang tụ họp ở Hồng Kông hoặc các chi nhánh", ông Đạt nói thêm.
Đáng chú ý, cuối buổi họp báo, trả lời câu hỏi của phóng viên tạp chí "Chó Săn": "Chúng tôi không biết hiện nay ông Dương Chí Dũng, nguyên Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, nguyên Chủ tịch tổng công ty Vinalines - người đã bị truy nã ở trong nước đã gia nhập hội của các ông chưa ?", ông Hồ Ngọc Tùng không trả lời thẳng vào câu hỏi mà úp mở nói rằng: "Chúng tôi đánh giá cao những thành tích anh Dũng đã tạo ra ở Vinalines. Do đó, anh Dũng được hoan nghênh và sẽ được giữ chức vụ cao nếu đồng ý gia nhập Hội Doanh nhân Việt Nam trốn chạy truy nã ở nước ngoài".
Ông Tùng còn nói thêm: "hiện nay chúng tôi chưa thành lập chi nhánh của hội ở trong nước do tình hình truy bắt doanh nhân vi phạm pháp luật trong nước khá gắt gao. Tôi được biết mới đây có thêm một số doanh nhân bị truy nã trong nước như ông Ngô Đình Năm -Giám đốc Công ty Cổ phần tập đoàn đầu tư tài chính xây dựng quốc tế Hội Nhập bị khởi tố về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Ông Đoàn Văn Hùng, Giám đốc Cty TNHH Hoàng Anh 99 ở Quảng Ninh... "Chúng tôi chưa liên lạc được với các ông này nhưng rất mong qua các phương tiện thông tin đại chúng, xin gửi lời mời gia nhập hội tới các doanh nhân này. Gia nhập hội chúng tôi, các anh sẽ có được sự bình yên, an toàn tuyệt đối", ông Hồ Ngọc Tùng chia sẻ.
Hết bản tin
* Ghi chú: Hôm qua, có một buổi dạy em sinh viên thực tập tại báo cách viết tin dạng tin thành lập hội, hiệp hội, ra mắt clb... nọ kia, mới đặt ra tình huống giả định để làm ví dụ. Đây là một tin chỉ có giá trị để sinh viên thực tập học cách làm tin và... giải trí. Hê hê.