Viết cho con nhân ngày Quốc tế thiếu nhi - Dân Làm Báo

Viết cho con nhân ngày Quốc tế thiếu nhi

Nấm thương yêu,

Vậy là lần đầu tiên, trong suốt hơn năm năm thương yêu nhau, mẹ không ở bên cạnh con trong ngày dành riêng cho thiếu nhi của con.

Năm nay, là năm quan trọng với Nấm, con sẽ vào lớp Một với nhiều câu hỏi có chút trăn trở: “Học lớp Một có khó không mẹ? Vô lớp Một thì hết được đi chơi thoải mái như trước giờ hả mẹ…?” – Nhiều câu hỏi của con mẹ không thể trả lời hết được, chỉ biết cố gắng làm cho mọi chuyện đặc biệt là chuyện học hành của con trở nên nhẹ nhàng như một cuộc dạo chơi.

Mẹ nhớ có lần khi con gần 4 tuổi, lúc đó mình bắt đầu vững vàng hơn để vượt qua những thử thách sau biến cố của cuộc đời mẹ. Mẹ dắt con đến một buổi họp lớp với bạn học phổ thông của mẹ, và nhiều người bạn học cùng khóa với mẹ rất ngạc nhiên khi thấy sự bình thản của cả hai mẹ con. Các bạn mẹ nghĩ, hẳn mẹ phải suy sụp, và con thì bị bỏ bê vì mẹ “ảo tưởng, muốn thay đổi những điều không thể”. 

Mẹ nhớ mẹ có nói với mọi người rằng: Có thể mẹ không có quyền thay đổi mọi thứ, nhưng ít nhất mẹ có quyền thay đổi bản thân mình bằng cách vận động, để tránh lặp lại những gì cũ rích và sáo mòn mà tuổi thơ mẹ và nhiều người khác phải trải qua. - Tại sao tất cả chúng ta phải học những điều mà sau này ai cũng biết nó là giả dối, và ép buộc con cái chúng ta phải chịu đựng điều đó? - Không một người bạn nào của mẹ trả lời được câu hỏi này. 

Con thương yêu,

Có thể mẹ không thể để dành cho con được tất cả mọi thứ con muốn, nhưng ít nhất với cố gắng và nỗ lực của bản thân, mẹ sẽ dành tặng con những kiến thức và những trải nghiệm trong cuộc sống của mình, để con có thêm hành trang và tự tin hơn khi bước vào đời.

Hôm nay, lúc chia tay, một thầy giáo của mẹ đã nói rằng: “Việc học hỏi là quan trọng, chọn môn học, ngành học cũng là điều quan trọng. Nhưng quan trọng hơn hết là chuyện bạn sẽ vận dụng kiến thức đã được học cho bản thân, và cho cộng đồng xung quanh bạn như thế nào”

Mẹ thực sự rất biết ơn ông bà ngoại Nấm ạ, ông bà đã tập cho mẹ thói quen đọc sách từ lúc rất nhỏ, và để mẹ tự trải nghiệm trong cuộc sống để tìm lấy sự thật và sự công bằng bằng chính nhận thức của mình. Và đó là điều mẹ cũng muốn dành tặng lại cho Nấm. 

Nhưng đọc không thì cũng chưa đủ Nấm à. 

Mình phải sống với những điều đã đọc và đã học. Và mẹ đã cố gắng sống phần nào cho đủ với tri thức đã đến với mẹ như những giòng sông luôn cuộn chảy. Cuộc đời và cách sống - đó cũng là gia tài nhỏ nhoi mà mẹ đang cố gắng dành dụm để lại cho con.

Năm nay Nấm đã lớn nhiều, biết quan tâm và chú ý đến những sự kiện xung quanh, đến cả những gì người khác nói. 

Mẹ còn nhớ tuần thứ 3 xa con để đi học lần này, con hỏi mẹ: “Mẹ đi học đến tháng Sáu sẽ về, sao có mấy chú công an đến tìm mẹ hoài vậy?” – Khó trả lời quá con ạ! Trong lớp học của mẹ, có mấy người bạn cũng hỏi tương tự như con, và mọi người rất ngạc nhiên vì sự quan tâm thái quá của các chú giành cho gia đình mình, đặc biệt là với mẹ. Và mọi người càng không hiểu thế nào “chuẩn tự do” theo quy định của đất nước mình. 

“Đã là tự do thì không có chuẩn, nhất là quyền tự do bày tỏ ý kiến và cảm xúc của mình với quê hương” – chú Florenz đã nói với mẹ như thế khi chia tay. Mẹ đã từng nói, có những thứ mà sau này lớn lên con mới hiểu trong rất nhiều trang nhật ký viết cho con, nhưng điều đó không có nghĩa là mẹ im lặng với những gì đã xảy ra. Mẹ cố giải thích cho con hiểu được sự việc, ở khía cạnh đơn giản nhất, để dù có là con trẻ thì con cũng sẽ có cái nhìn của mình và không bị bối rối trước ý kiến của những người xung quanh. 

Mẹ còn nhớ con đã rất điềm tĩnh khi trả lời một cô công an lúc cả nhà mình cùng “đi làm việc” ở công an tỉnh Khánh Hoà rằng: “Con không muốn ngồi đây nói chuyện với cô, con không thích, cô để mẹ con về đi”. 

Trong nhiều buổi làm việc, những người thẩm vấn mẹ cũng thường hỏi rằng: “Có khi nào chị nói về công an với con bé không?”. Câu trả lời là: không, con ạ. 

Đúng – sai, tốt – xấu con sẽ tự nhận thức khi con lớn, và mẹ nghĩ với những người còn có thể băn khoăn khi hỏi mẹ câu hỏi đó, tức là nhận thức tốt xấu, đúng sai vẫn tồn tại trong họ. Ít nhất điều đó sẽ giữ cho người ta vẫn còn là con người. 

Con thương yêu,

Trong những ngày sắp về với con, ngày càng có nhiều người quan tâm đến những gì có thể "xảy ra" với mẹ. Nhà mình cũng có thêm “khách”. Ông bà ngoại thì lo lắng. Bạn bè mẹ bên này cũng quan tâm. 

Có một người bạn đã nhắc mẹ rằng: “Nếu mẹ viết về con nhiều quá, bày tỏ tình yêu với con công khai quá, người khác sẽ tấn công điểm yếu đó của mẹ, và mẹ sẽ lựa chọn ra sao?” – Mẹ đã không ngần ngại trả lời rằng: “Trong mọi tình huống, mẹ sẽ chọn con, vì bản năng của mẹ sinh ra là để làm mẹ”. 

Làm sao mà phải chọn lựa khi yêu con và yêu quê hương mình đúng không con?

Không thể ở bên cạnh con mọi lúc, mẹ biết Nấm rất nhớ mẹ, nhưng cố gắng không nói ra để mẹ “an tâm học hành” (như lời con nói với bà). Mẹ cũng biết Nấm ở nhà rất giỏi, chỉ "tranh luận" với bà chứ không cãi lại. 

Mẹ yêu Nấm lắm, Nấm ạ!

Nấm cố gắng nhé, mẹ sắp về rồi và mình sẽ cùng nhau đi bơi nhé!

Mừng ngày quốc tế thiếu nhi năm nay, xin cho tuổi thần tiên của con và các bạn luôn được luôn tròn vẹn và trong trẻo. 

Thương yêu và nhớ con rất nhiều.

Cám ơn chú Hành Nhân vì tấm hình rất đáng yêu này.



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo