Nhiều trường mầm non ở Hà Nội đã hoàn thành việc tuyển sinh vào trường mầm non bằng cách... bốc thăm. Những lá thăm “trượt” làm buồn lòng người dân chắc chắn không phải chỉ vì chuyện may - rủi.Chưa được học đã đánh... trượt
Dù có đầy đủ mọi điều kiện về mặt pháp lý như: hộ khẩu đúng tuyến tuyển sinh, đúng độ tuổi tuyển sinh… nhưng các cháu ở những địa bàn đông dân cư có được vào trường mầm non công lập hay không lại hoàn toàn phụ thuộc vào sự may rủi.
Một nửa số phụ huynh của Trường mầm non Quỳnh Lôi, Q.Hai Bà Trưng đã bốc phải tờ thăm “hẹn gặp lại phụ huynh trong mùa tuyển sinh năm sau…”, đơn giản chỉ vì nhà trường chỉ có thể tuyển được 50% trẻ trong số phụ huynh đăng ký xin học cho con vào trường. “Chưa đi học mà con tôi đã trượt rồi!”, một phụ huynh chua xót thốt lên.
Năm học này, chỉ có khoảng 40% số trẻ trên địa bàn Q.Ba Đình có cơ hội được học tại trường công lập nên “vận may” cũng chỉ mỉm cười với nhiều nhất là một nửa số phụ huynh tham gia bốc thăm vào các trường mầm non.
Một phụ huynh ở nhà E7 - khu tập thể Thành Công (Ba Đình) sau khi bốc phải lá thăm “trượt” vào Trường mầm non Thành Công A hôm 6.7 đã lo lắng đến mất ăn, mất ngủ vì không biết gửi con ở đâu. Chị cho hay: tính cách nào cũng là không khả thi với gia đình tôi. Nếu gửi con vào trường tư thục có thể yên tâm một chút về chất lượng thì mức học phí cũng là gần 3 triệu đồng/tháng, lương của hai vợ chồng gộp lại cũng chỉ được gần 7 triệu đồng/tháng. Nếu dành ra số tiền đó chỉ để đóng học phí cho con thì cả nhà sẽ phải đối mặt với việc không đủ tiền để chi cho những nhu cầu sống tối thiểu nhất, chưa nói đến việc ốm đau, hiếu hỉ… “Tại sao lại bắt phụ huynh chúng tôi phải chơi bài “đỏ - đen” ở môi trường giáo dục như vậy?”, vị phụ huynh này bức xúc.
Không có tiền phải chấp nhận rủi ro?
Ông Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý - Giáo dục TP.Hà Nội, tỏ ra rất bức xúc trước thực tế này và cho rằng: Ở bậc học mầm non thì chỉ có lựa chọn duy nhất là phải được chăm sóc, được yêu thương trong điều kiện tốt nhất có thể. Vậy tại sao lại bắt phụ huynh phải lựa chọn: hoặc gửi con vào trường tư thục với mức đóng góp rất cao; hoặc phải chấp nhận gửi vào bất cứ đâu nhận trông trẻ mà không cần biết nó có thực sự an toàn và tốt cho đứa trẻ hay không?
Nói về vấn đề này, bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, chỉ ra thực tế: Cha mẹ buộc lòng phải gửi con ở những nơi có thể không thực sự cảm thấy an tâm, nhưng chi phí phù hợp với đồng lương của họ. “Lẽ ra, các cháu bé phải được phát triển cùng với sự phát triển của xã hội. Các bậc cha mẹ gửi con ở đâu để đi làm thì nơi đó phải tạo được sự yên tâm, dù người gửi là người nghèo", bà Mai nói.
Để phụ huynh phải bốc thăm may rủi như vậy thì rõ ràng chính quyền địa phương chưa hoàn thành trách nhiệm của mình trong việc thực thi luật bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Luật bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em đã quy định trẻ em có quyền được học tập và ai vi phạm, cản trở việc đến trường của trẻ em là vi phạm quyền của trẻ em. Trách nhiệm của người lớn, của gia đình, của chính quyền địa phương, của nhà nước là phải đảm bảo quyền được đến trường của trẻ em. Trong trường hợp này, không lý gì mà trẻ đúng độ tuổi, có hộ khẩu đúng tuyến lại bị từ chối quyền được học tập, chăm sóc ở nhà trường thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.
Nguyễn Trọng An
Phó cục trưởng Cục Bảo vệ - Chăm sóc trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội
Tuệ Nguyễn/thanh niên