Viết Lê Quân (Doanh Nhân Sài Gòn) - Một khi giá điện được tự do chuyển về quyền tự quyết của một doanh nghiệp còn nguyên thế độc quyền và đặc lợi, sẽ khó có nhà nước nào tiên đoán được, càng không thể giải quyết được những hậu họa kinh tế và thảm họa xã hội gây ra bởi cảnh tượng kinh doanh vô liêm sỉ.
Kết thúc quý II/2012, chỉ số CPI âm lần đầu tiên sau 38 tháng, Thông tư số 17 của Bộ Công Thương cũng lập tức được tung ra. Mọi lo ngại và linh cảm trước đó của dư luận đã trở thành hiện thực: từ ngày 1/7/2012, giá bán điện bình quân tăng 5% so với giá bán điện bình quân gần nhất.
Tình hình đó càng cho thấy dư luận lan truyền cách đây hai tháng về việc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đầy can đảm đối mặt với xã hội, khi chủ động dự thảo đến 3 phương án tăng giá điện: tăng dưới 5%; tăng 10%; tăng trong khoảng 5-10%... là hoàn toàn có cơ sở, chứ không như sự phủ nhận của một lãnh đạo EVN đối với dự thảo này.
Vô sỉ đang hoành hành
Nhóm lợi ích điện lực vẫn kiên định chiêu thức đổ lỗ lên đầu người dân đóng thuế
Nhóm lợi ích điện lực vẫn kiên định chiêu thức đổ lỗ lên đầu người dân đóng thuế. Giá bán điện cũng vì thế sẽ có rất nhiều cơ may để “vươn lên một tầm cao mới”.
Cần nhắc lại, vào đầu tháng 5/2012, sau những cuộc vận động hành lang không mệt mỏi, được hứa hẹn bởi một tín hiệu không kém hứa hẹn là “Chỉ số CPI chắc chắn sẽ dưới 5% trong 6 tháng đầu năm”, EVN đã một lần nữa manh nha ý tưởng tăng giá điện ít nhất 5%.
Rất đáng chú ý, ý tưởng này không kèm theo thái độ vừa lấm lét vừa sợ sệt như lúc bị dư luận giáng cho cú đòn đau vào quý IV/ 2011, mà dường như EVN đã tiếp nhận tín hiệu đèn xanh (!?).
Vẫn là những lý do cũ: giá thành đội cao từ nhiều yếu tố, nên nếu Chính phủ không cứu thì doanh nghiệp không còn chịu đựng nổi!
Nhưng nguồn cơn đầu tư trái ngành gây hậu quả thiệt hại quá nặng nề về kinh tế lại hầu như không được EVN nhắc tới.
Những cuộc vận động hành lang của cơ quan chịu trách nhiệm quản lý về giá điện hình như cũng đã mang lại kết quả khả quan: lần đầu tiên kể từ tháng 8/2011 khi Chính phủ mới được thành lập, Bộ Công Thương đã “thuyết phục” được Bộ Tài chính về phương án sửa dự thảo Luật Giá liên quan đến nội dung quy định về giá bán lẻ điện.
Trước đó, với bản dự thảo Luật Giá được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan chủ trì dự thảo là Bộ Tài chính đã soạn thảo quy định Thủ tướng là người sẽ phê duyệt giá bán lẻ điện. Nhưng với lý do mặt hàng điện phải theo cơ chế thị trường, Bộ Công Thương lại kiến nghị chỉnh lại dự thảo Luật Giá theo hướng Thủ tướng sẽ chỉ duyệt khung giá bán điện, còn giá bán lẻ điện sẽ do doanh nghiệp quyết định.
Từ trước đó nữa, một chiến dịch PR về “cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” đã được vội vã tiến hành. “Thị trường” tất nhiên được vận dụng vào những hoàn cảnh có lợi cho cơ chế kinh doanh không cần tới mùi vị công bằng của chủ nghĩa xã hội. Tính chất của PR chính sách phục vụ cho nhóm lợi ích này đang tiến rất gần tới hoạt động lobby chính trị như nhiều nước tư bản đã làm…
Chút liêm sỉ còn lại
Một chi tiết đáng chú ý là trong những cuộc thương lượng về giá điện và quyền được điều chỉnh giá bán điện, kể từ tháng 11/2011 khi Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ điều trần trước Quốc hội về dự kiến tăng giá điện trên 15% trong năm 2012, người ta đã không còn nhận ra bóng dáng của ông liên quan đến chủ đề này. Thay vào đó là một cấp dưới của ông - ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý giá.
Trong lần trả lời trực tuyến cho độc giả báo chí vào cuối năm ngoái, thái độ của ông Thỏa không mấy rõ ràng. Nói cách khác, nhận thức và chính kiến của các quan chức Bộ Tài chính dường như đã chuyển sang khuynh hướng “nước đôi”, đối nghịch với hy vọng lớn lao về vai trò cá nhân của Bộ trưởng Vương Đình Huệ trong những tiền lệ ông thách thức nhóm lợi ích xăng dầu trong năm 2011.
Nhiều tháng trước đây, tất cả những gì cần phải nói đã được nói, mọi việc cần phải chứng minh đã được người dân và giới chuyên gia phản biện dẫn giải hết sức cụ thể. Nhưng, bản chất không thể thay đổi được! Quy luật này cũng đang ứng nghiệm với trường hợp EVN, khi tại đây chưa có bất cứ một kết quả xử lý thỏa đáng nào về những hậu quả kinh tế quá to lớn do đầu tư trái ngành, quan niệm lợi dụng độc quyền nhà nước để phục vụ một nhóm thiểu số, cung cách điều hành kinh doanh yếu kém và cả về những kế hoạch đổ lỗ lên đầu người dân đóng thuế.
Cuối cùng, khi cơ chế độc quyền bất chấp tính liêm sỉ vẫn đang dẫn dắt xã hội vào cái ma trận chết người của nó, kẻ đóng thuế chỉ còn lại duy nhất một đặc ân được các nhóm lợi ích ban cho - quyền được chọn lựa một trong ba phương án tăng giá điện.
Không còn thời điểm nào thuận lợi hơn là vào 6 tháng đầu năm 2012 - được giới quan chức điều hành quan niệm như đáy của nền kinh tế với lạm phát nhỏ giọt và CPI âm. Đúng như lời thuyết minh vội vã của EVN, việc tăng giá điện lần này sẽ không tác động lớn đến lạm phát.
Hiểu cách khác, chiến dịch tăng giá điện - bằng cách kích thích giá các mặt hàng tiêu dùng và cả lạm phát, có khi còn giúp cho nền kinh tế tránh khỏi nguy cơ thiểu phát!
Một khi giá điện được tự do chuyển về quyền tự quyết của một doanh nghiệp còn nguyên thế độc quyền và đặc lợi, sẽ khó có nhà nước nào tiên đoán được, càng không thể giải quyết được những hậu họa kinh tế và thảm họa xã hội gây ra bởi cảnh tượng kinh doanh vô liêm sỉ.
VIẾT LÊ QUÂN
http://doanhnhansaigon.vn/online/dien-dan-doanh-nhan/thoi-su/2012/07/1065646/tang-gia-dien-cu-mat-gia-cua-liem-si/
http://doanhnhansaigon.vn/online/dien-dan-doanh-nhan/thoi-su/2012/07/1065646/tang-gia-dien-cu-mat-gia-cua-liem-si/