Tuấn Linh (Kienthuc.net.vn) - Dù chỉ mới được hoàn thành cách đây chưa lâu, nhưng một số hạng mục phụ nhằm tu bổ, tôn tạo di tích Thành nhà Hồ đã bị xuống cấp.
Chỉ một tháng sau khi Thành nhà Hồ đón nhận bằng Di sản văn hóa thế giới do tổ chức UNESCO trao, nhiều du khách đến tham quan đã tỏ ra thất vọng trước tình trạng xuống cấp của một số hạng mục công trình vừa được xây dựng.
Chị Nguyễn Diệu Thúy, khách du lịch đến từ Hà Nội, cho biết: “Đây là lần đầu tiên tôi cùng gia đình vào thăm di tích này. Kiến trúc xây dựng bằng đá của Thành nhà Hồ rất độc đáo. Tuy nhiên, nhìn vào việc tu bổ, tôn tạo thì quả thực tôi hơi thất vọng. Theo tôi thì cứ để nó tự nhiên như vốn có, chúng ta chỉ làm công tác bảo vệ, không nên xây thêm cái gì”.
Một khách du lịch khác là ông Đỗ Văn Hùng (trú tại P.Ngọc Trạo, TP Thanh Hóa) thì không giấu sự thất vọng: “Vừa mới đón nhận bằng di sản xong mà đã xuống cấp thế này thì tôi không hiểu người ta tôn tạo, tu bổ cái kiểu gì nữa. Những cột bê tông vừa làm xong thì đã gãy đến ba bốn đoạn, giằng cọc tre vào trông rất mất thẩm mĩ”.
“Tôi đã từng làm bên ngành xây dựng nên tôi biết rất rõ, bên trong cột bê tông không có lõi thép thì nó chịu lực sao được” - ông Hùng bức xúc.
Theo quan sát, tại khu vực cổng thành phía Nam (là cổng chính), một phần đã được đổ bê tông và trồng xen với cỏ để làm khuôn viên. Nền bê tông để làm khuôn viên cũng bị nham nhở bởi những vết chân trâu bò dẫm vào khi nền bê tông còn chưa kịp khô.
Mặt nền bê tông nham nhở vị những vết chân trâu bò dẫm vào.
Xung quanh khuôn viên được bao bọc bởi một hàng lan can. Tuy nhiên, những cột bê tông để làm lan can bên trong không hề có lõi thép, tất cả đều bị rạn nứt, thậm chí có cột gãy đôi, gãy ba và được giằng bằng những thanh cọc tre.
Nứt, xiêu vẹo...
... đỡ bằng cọc tre
Gãy
Lo ngại phá vỡ không gian kiến trúc di tích
Những hạng mục đáng chú ý nhất trong quá trình tu bổ, tôn tạo Thành nhà Hồ gần đây chính là đường bê tông chạy bao quanh phía bên ngoài thành và nhà trưng bày bổ sung hiện vật di sản.
Một con đường bê tông mới tinh được xây dựng vòng quanh bên ngoài thành...
được cho là "tân cổ giao duyên" với ngôi thành cổ kính.
Đường bê tông cách chân thành khoảng 1m, mặt đường rộng khoảng 1,5m, chạy bao quanh bốn phía thành. Ngoài ra, tại khu vực cổng phía Nam, nhà trưng bày hiện vật cũng được xây dựng và đã hoàn thành, phía trên mái được lợp bằng tôn.
Theo giải thích của đại diện Ban quản lý di tích Thành nhà Hồ thì đường bê tông nói trên là để tạo thuận tiện cho du khách khi đi tham quan thành. Ngoài ra, cũng theo Ban quản lý thì nhà trưng bày bổ sung được sử dụng vào mục đích bảo quản và trưng bày các hiện vật được tìm thấy từ các di tích liên quan đến Thành nhà Hồ.
Nhà khoa học cho rằng kiểu kiến trúc của nhà trưng bày giống... kiến trúc "nhà kho" sẽ phá vỡ không gian kiến trúc của di tích Thành nhà Hồ.
Kiến trúc sư Đoàn Đức Thành (Hội Kiến trúc sư Việt Nam) cho rằng: “Việc xây dựng con đường bê tông quanh Thành nhà Hồ là bất hợp lý bởi nó sẽ phá kiến trúc di tích Thành nhà Hồ. Một ngôi thành cổ kính với kiến trúc độc đáo là thế, nay lại có đường bê tông mới tinh xen vào có khác gì kiểu “tân cổ giao duyên”. Tại sao không giữ nguyên hiện trạng ban đầu? Và nếu có tu bổ thêm thì nên lát bằng đá sẽ phù hợp hơn”.
KTS Thành giải thích: “Tu bổ, tôn tạo di tích như thế nào là cả vấn đề lớn. Trước kia, di tích Kinh thành Huế, rồi Thành Hà Nội còn có tư liệu ghi chép và ảnh của người Pháp chụp lại, căn cứ vào đó có thể làm theo. Nhưng cũng mất rất nhiều thời gian và phải tính toán hết sức kỹ lưỡng rồi mới tiến hành được”.
“Việc tu bổ, tôn tạo Thành nhà Hồ hiện nay thì chúng ta căn cứ vào cái gì? Không tư liệu, không ảnh, tất cả chỉ là võ đoán. Mà võ đoán thì sẽ rất dễ dẫn đến sai. Nhà trưng bày hiện vật mới xây theo kiểu kiến trúc “nhà kho” hoàn toàn không phù hợp với kiểu kiến trúc của thành đá, nó sẽ phá hỏng không gian di tích”, KTS Đoàn Đức Thành nhấn mạnh.
Được biết, không chỉ di tích Thành nhà Hồ, mà trước đó việc tu bổ, phục dựng lại di tích Đàn tế Nam Giao nhà Hồ (một trong những di tích quan trọng nằm trong quần thể di tích Thành nhà Hồ) cũng đã từng vấp phải những ý kiến phản đối của các nhà khoa học.
Tiến sĩ Nguyễn Hồng Kiên (Viện Khảo cổ học), người đầu tiên từng tham gia khai quật đàn tế Nam Giao nhà Hồ khẳng định: “Không có một cơ sở nào để phục dựng đàn tế Nam Giao ở Thành nhà Hồ cả. Tôi từng tham gia và đứng tên chủ trì khai quật di tích này nhưng nhìn ảnh mới chụp cũng không thể tin vào mắt mình nữa. Ai đã cho phép phục dựng thế này?”.
Tuấn Linh