Từ Burma nghĩ về niềm tin và lãnh tụ - Dân Làm Báo

Từ Burma nghĩ về niềm tin và lãnh tụ

Mẹ Nấm - Tôi nghĩ và nhìn về Burma để rút ra nhiều bài học cũng như niềm hy vọng. Bài học về nhân cách lãnh đạo, về ý chí như sắt như đá, về thái độ ứng xử bao dung và đặt tình người lên trên hết. Hy vọng vào một tương lai tươi sáng sẽ phải đến cho đất nước thân yêu của mình, vì rõ ràng chỉ cách đây vài tháng, Miến Điện tưởng như đã ở cuối đáy của sự tuyệt vọng. Chúng ta biết chúng ta đang thiếu những điều gì để đạt được những ước mơ chung.

Aung San Suu Kyi và bài học Miến Điện giúp cho chúng ta thấy rõ hơn những thiếu sót đó...

*

Người ta nói nhiều đến sự cải cách của Burma như một sự thay đổi lớn lao không chỉ ảnh hưởng đến quốc gia này mà còn đến cả thực trạng dân chủ và nhân quyền của khu vực Đông Nam Á.

Burma – còn được người Việt biết đến với tên gọi khác là Myanmar (Miến Điện), với hình ảnh bà Aung San Suu Kyi - không những chỉ là biểu tượng đấu tranh riêng của Miến Điện mà còn là biểu tượng của cả thế giới cho tinh thần đấu tranh cho dân chủ và những giá trị của con người.

Rất nhiều người ở nhiều quốc gia khác nhau nói về sự thay đổi của Burma với nhiều thái độ và cách nhìn nhận, đánh giá khác nhau, nhưng với hình ảnh của người phụ nữ được mệnh danh là đóa hoa lan thép Suu Kyi dường như chỉ có một mẫu số chung là ngưỡng mộ và thán phục.

Người ta biết đến Aung San Suu Kyi qua những bài viết, những câu trả lời ngắn gọn, đầy sức thuyết phục và đầy tính vị tha hướng tới một xã hội cải cách dân chủ. Nhưng hơn hết, chính quãng đời 18 năm bị quản chế tại tư gia, sự chịu đựng, thái độ bình thản vượt qua mọi áp lực và tinh thần bất khuất lẫn tấm lòng bác ái của bà trong suốt thời gian dài đã là tấm gương phản chiếu hình ảnh của cả dân tộc Miến Điện, làm cho cả thế giới biết đến bà lẫn nước Miến Điện với nhiều sự cảm phục.

Những bài phát biểu sau khi giành được ghế tại Hạ viện Myanmar trong những lần xuất hiện trước báo giới và công du nước ngoài của bà đã khiến cả thế giới có một cái nhìn tốt đẹp về hình ảnh yêu tự do, đầy lòng bao dung của người dân Miến Điện.

Và quả thật, sự thay đổi thần kỳ của Burma không chỉ nằm ở vai trò của bà Suu Kyi, mà còn thể hiện rất rõ ràng và sắc nét ở một cái phông văn hóa vững chắc của nhân dân Miến Điện làm nền tảng cho sự thay đổi đầy lạc quan này.

Các nhà sư ủng hộ mẹ Suu (tên gọi thân mật mà người dân dành cho bà Aung San Suu Kyi) là những người có kiến thức xã hội và niềm tin vào tôn giáo thật vững vàng.

Giới trí thức, giới trẻ và những người khao khát tự do dân chủ tại Miến Điện cũng luôn tìm mọi cách để có tiếng nói chung và có thể xích lại gần nhau hơn trên con đường vươn tới ước mơ của dân tộc mình. Và không thể không nhắc đến sự phối hợp, hỗ trợ nhịp nhàng của các tổ chức người Miến Điện sống xa quê hương với đất nước họ.

Bên cạnh đó, không thể phủ nhận vai trò cấp tiến của tướng Thein Sein – người góp phần quan trọng trong quá trình thúc đẩy cải cách và tiến trình dân chủ đang diễn ra tại Miến Điện. Nhưng có lẽ sẽ không có Thein Sein với những hành động cải cách nếu không có bà Aung San Suu Kyi với những đòi hỏi, tranh đấu trường kỳ và thái độ dứt khoát về mục tiêu đấu tranh nhưng ôn hoà đối với những kẻ quản thúc bà.

Còn chúng ta thì sao?

Nhìn vào Burma và hình ảnh của Aung San Suu Kyi, ngoài ước mơ và khát vọng, ta có gì cho riêng mình?

Chính sự kiên trì, khéo léo, nhẫn nại cùng lòng vị tha của người Miến và bà Suu Kyi là một bài học lớn về nhân cách của lãnh tụ.

Người ta nhắc nhiều đến hình ảnh người đàn bà thép trước nòng súng của quân đội như một biểu trưng về lòng dũng cảm và cách chế ngự - vượt qua nỗi sợ hãi của bà Suu Kyi đã tiếp thêm sức mạnh cho mối quan hệ giữa quần chúng và lãnh tụ, mà trong đó bà là người dám đi đầu.

“The only real prison is fear, and the only real freedom is freedom from fear” - Nhà tù duy nhất là sự sợ hãi, và tự do thật sự là tự do từ nỗi sợ hãi.” Aung San Suu Kyi đã nói và đã sống như thế.

Bà đã trở thành biểu biểu tượng của lòng can đảm trong một đất nước bị thống trị bởi sự sợ hãi. Người dân Miến Điện đã theo dấu chân của bà để bước ra khỏi bóng đêm sợ hãi. 

Đó là đối với quần chúng.

Đối với tập đoàn quân đội cầm quyền, thái độ của Aung San Suu Kyi rất cương quyết đối với mục tiêu tranh đấu nhưng bà mềm mỏng, khéo léo trong cách đối phó với chế độ độc tài quân chủ.

Bà đã kiên nhẫn, từ tốn mở đường cho tướng Thein Sein bắt đầu cải cách mà không làm cho nhà lãnh đạo độc tài bị mất mặt.

Cùng một lúc bà vẫn giữ được niềm tin của phong trào và của quần chúng về vị trí không bao giờ thoả hiệp và đi ngược lại với những giá trị cũng như mục tiêu mà nhân dân Miến Điện nhắm đến.

Bà đã gửi đến cho nhân loại một kinh nghiệm quý giá về phương thức đấu tranh trong một môi trường chính trị có thể nói là khắc nghiệt nhất.

Đối với thế giới, ngoài sự vững vàng kiên định, bà Suu Kyi còn xuất hiện trong vị thế một người phụ nữ thông minh, uyên bác, một người lãnh đạo thực sự có tâm, có tầm. 

Bà đã trở thành "thần tượng" của những thanh niên, sinh viên khắp nơi trên thế giới và là tấm gương sáng chói để những người tranh đấu cho lẽ phải noi theo.

Nghĩ về Burma, những người nắm quyền lãnh đạo đất nước ta hiện nay, có rút ra được bài học gì qua hình ảnh của tướng Thein Sein – người đóng vai trò không nhỏ trong tiến trình cải cách của đất nước không? 

Quyền lợi tối thượng của quân đội, của nhóm nắm quyền lực ở Miến Điện sau bao nhiêu năm điều hành đất nước theo con đường độc tài quân phiệt, buộc phải được cân nhắc và xem xét, trước nỗ lực bền bĩ của những người yêu tự do, dân chủ và khao khát đổi mới tại quốc gia này.

Ông Thein Sein, người đã biết suy xét và dừng chân đúng lúc, để đặt sự đổi mới và thịnh vượng của quốc gia lên trên lợi ích của một nhóm người cầm quyền. Lợi ích lâu dài khi cải cách của Miến Điện, đã buộc vị tướng quân đội này, có một quyết định đối thoại đúng lúc để đất nước không còn tụt hậu.

Chính sự thay đổi của những người nắm quyền như Thein Sein, với thực tâm muốn thấy sự ấm no hạnh phúc của dân tộc đã thúc đẩy tiến trình dân chủ ở Miến Điện theo hướng ít tổn thất và thương vong nhất.

Liệu đó có là bài học cho những người điều hành hiện nay hay không?

Về phần tôi, tôi nghĩ và nhìn về Burma để rút ra nhiều bài học cũng như niềm hy vọng.

Bài học về nhân cách lãnh đạo, về ý chí như sắt như đá, về thái độ ứng xử bao dung và đặt tình người lên trên hết. Hy vọng vào một tương lai tươi sáng sẽ phải đến cho đất nước thân yêu của mình vì rõ ràng chỉ cách đây vài tháng, Miến Điện tưởng như đã ở cuối đáy của sự tuyệt vọng.

Chúng ta biết chúng ta đang thiếu những điều gì để đạt được những ước mơ chung.

Aung San Suu Kyi và bài học Miến Điện giúp cho chúng ta thấy rõ hơn những thiếu sót đó.

Cùng nhau, với lòng thương yêu đất nước và sự quyết tâm, chúng ta sẽ lấp đầy những thiếu sót đó để một ngày không xa, đất nước chúng ta sẽ vui niềm vui lớn như dân tộc Miến Điện ngày hôm nay.





Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo