Bài học nghìn năm bắc thuộc còn đó - ơn nghĩa gì đâu? - Dân Làm Báo

Bài học nghìn năm bắc thuộc còn đó - ơn nghĩa gì đâu?

Phương Bích - Dạo này lại nghe một số người có vẻ hay nhắc đến chuyện ơn nghĩa với người anh em Trung Quốc, đã giúp đỡ Việt Nam mình trong thời kỳ chiến tranh như thế nào. Nói đến chuyện đó lại nhớ ngày xưa, có giai thoại thế này hẳn nhiều người từng nghe.

Sau khi chiến tranh ở Việt Nam kết thúc, hai ông anh Xô - Trung có vẻ muốn tính nợ với ông em. Ông em bí nhưng cũng không vừa, bèn cãi, rằng mình thay mặt cả phe xã hội chủ nghĩa, đóng vai trò tiền đồn ở Đông Nam Á để chống lại phe tư bản chủ nghĩa. Các anh chỉ mất tiền của vũ khí, chứ chúng tôi còn mất cả sinh mạng cơ, cái đó tính thế nào được? Nói chung là cù nhầy rồi cũng hòa cả làng.

Nhưng cái chính là hai ông anh lại có vẻ chẳng muốn ông em “độc lập”, mà cứ mãi lệ thuộc vào sự viện trợ của họ để còn dễ bề thao túng. Vì ông em biết thế nên lẳng lặng làm một lèo “thống nhất hai miền” làm anh hai Trung nổi cáu, lấy cớ chuyện Campuchia để đánh ông em năm 79 cho hả giận. Là tôi hóng hớt nghe người lớn nói vậy.

Nhưng có chuyện này thì tôi chắc chắn đọc được. Đó là dạng hồi ký của một bác từng làm tham tán ở sứ quán Việt Nam tại bắc Triều Tiên. Chuyện bác ấy kể đúng sai thế nào là việc của bác ấy, tôi chỉ thuật lại thôi.

Đó là một lần đoàn ngoại giao của ta sang thăm bắc Triều tiên vào những năm chín bẩy chín tám gì đó, trong buổi tiệc chiêu đãi, tay bí thư trung ương đoàn nước chủ nhà ra cụng ly với bí thư đoàn nhà ta, chúc các đồng chí đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược. Bí thư nhà ta ngạc nhiên quá, bảo chúng tôi đánh thắng gần 30 năm nay rồi, hết chiến tranh rồi còn đâu?

Cho là khách nói đùa, chủ nhà tỏ vẻ giận khiến bí thư đoàn nhà ta phải thề sống thề chết. Điều đó khiến chủ nhà nghi hoặc, đi xác minh. Khi biết đúng là thế thật thì thay vì vui mừng, chủ nhà lại nổi cáu, gặp bí thư nhà ta trách Việt Nam không có tinh thần quốc tế vô sản, tự ý giải phóng trước mà không chờ bắc Triều Tiên, để bây giờ gánh nặng chống trọi lại với phe tư bản dồn hết lên vai họ – chính người kể chuyện này cũng kinh ngạc về mức độ bưng bít thông tin ở bắc Triều Tiên ngay ở cấp cao như vậy.

Rồi chuyện trong chiến tranh Mỹ - Triều năm 1950, nếu Trung Quốc không cố sống cố chết dựng lên một bức tường lửa để ngăn bước tiến của người Mỹ thì Triều Tiên đâu có hai miền như bây giờ. Vốn Trung Quốc chả khoái gì có một nước là đồng minh của Mỹ sát nách mình, nên cứ phải tạo ra một vùng đệm như bắc Hàn và bắc Việt Nam là thế.

Vậy nên việc Trung Quốc đổ tiền của vào Việt Nam đâu phải vì người anh em mà vì chính lợi ích của họ đấy chứ.

Còn một chi tiết là sau khi đình chiến giữa 2 miền, Bình Nhưỡng khi đó gần như đã bị san phẳng vì bom đạn. Việc quy hoạch lại Bình Nhưỡng là nhờ anh cả Liên Xô, thế nên Bình Nhưỡng mới có cái diện mạo rất hoành tráng như thế. Người ngoài mới nhìn qua, không thể nào nghĩ rằng đằng sau sự hào nhoáng đó, chủ nhân của nó sống khổ cực đến thế nào. Mỗi tuần một lần, các cán bộ ở sứ quán lên danh sách nhu yếu phẩm cần mua sắm, rồi cử người theo tàu hỏa sang Bắc Kinh mua về, phân chia lại cho mọi người.

Cái bản hồi ký của bác ấy dài chừng dăm sáu trang đánh máy, kể ti tỉ thứ vừa khó tin, vừa hài hước tôi chả nhớ hết được. Hồi đó chưa có sẵn máy photocopy như bây giờ nên chỉ được cho mượn thôi. Vừa hỏi bố còn nhớ chuyện đó không? Trí nhớ của ông già 90 tuổi như bố vẫn nhớ tốt, còn kể lại chi tiết hơn cả tôi.

Chuyện ngoài lề:

Sáng ra thấy mấy bà đi chợ, cô hàng rau đon đả mời các bà mua cà chua. Các bà hỏi:

- Cà Việt Nam hay cà Trung Quốc xâm lược đấy?

Cô hàng rau thật thà cười tươi:

- Dạ, cà Trung Quốc xâm lược đấy ạ.

- Mẹ nó chứ, một nghìn năm bắc thuộc chưa đủ ngán hay sao mà bây giờ còn muốn xâm lược lần nữa. Mẹ...có cái quả cà chua mà không trồng được, cũng lại phải nhập từ nó về. Chả biết còn lệ thuộc vào nó đến bao giờ nữa

Các bà rôm rả “đàm luận” trong khi mua bán. Tôi ngạc nhiên lắng nghe, vừa buồn cười, vừa thấy đau. Bao nhiêu nhà quản lý kinh tế tài ba, nói như rồng leo ấy chả ai nghĩ ra cách gì điều tiết chuyện cung cầu, chỉ giỏi nghĩ ra cách cấm đằng này, hở đằng kia. Cứ luôn mồm bảo hàng rởm hàng độc hại lan tràn, nhưng đầu vào lại để ngỏ, khác gì thả gà ra đuổi? Càng nghĩ càng thấy sao mà buồn ơi là buồn.

Phương Bích



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo