BBC - Bất chấp khuyến cáo của chính phủ Việt Nam, không ít các trang web du lịch trong nước vẫn dùng từ “China Beach” để chỉ biển Đà Nẵng. Vi phạm mới nhất, theo báo Thanh Tra hôm 2/8, là trang web của Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch Hà Nội thuộc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) Hà Nội.
Tờ này cho biết còn có hai trang web tiếng Anh thuộc Tổng cục Du lịch dùng từ “China Beach”.
Trước đó, Thứ trưởng Thông tin Truyền thông Đỗ Quý Doãn tuyên bố những website có nguồn gốc, đăng ký cụ thể tại Việt Nam nếu không thay thế, chỉnh sửa sẽ bị xem xét đóng cửa.
Hôm 3/8, Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Lê Khánh Hải, xác nhận với BBC rằng “không được phép” dùng từ China Beach.
Tháng Ba năm ngoái, thành phố Đà Nẵng yêu cầu giới chức địa phương kiểm tra việc quảng cáo của các doanh nghiệp du lịch và đề xuất hình thức xử lý đối với các trường hợp dùng cụm từ “China Beach”.
Nói với BBC hôm 3/8, ông Phạm Kim Sơn, Giám đốc Sở Thông tin – Truyền thông Đà Nẵng, nói việc tái diễn có thể là thói quen lịch sử để lại.
“Có thể do các từ cũ từ thời Việt Nam bị đô hộ, sau này người ta dùng theo thói quen.”
“Các văn bản của thành phố và chính phủ đều dùng từ chính thức tiếng Việt,” ông nói.
Ông cho biết đã có một số lần “nhắc nhở, làm việc với các đơn vị liên quan”.
“Với các doanh nghiệp sai phạm lần đầu, chúng tôi chỉ khuyến cáo. Khi họ vi phạm lần hai, lần ba, thì mới phạt,” ông cho biết.
Ông nói hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố “không biện hộ” khi gặp giới chức.
“Một số nói họ vô tình không ý thức, có người nói trang của họ nằm ở nước ngoài.”
“Khi mình yêu cầu họ sửa thì họ sửa chứ không có biện hộ,” ông nói.
Như trường hợp ở Hà Nội cho thấy, không ít doanh nghiệp vẫn dùng từ tiếng Anh cho đến khi “bị phát hiện”.
*
Web thuộc Tổng cục Du lịch cũng dùng “China beach”
(Thanh tra) - Mặc dù lãnh đạo Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch (VH-TT&DL)) nhiều lần tuyên bố không thể chấp nhận, thậm chí lên án một số doanh nghiệp lữ hành Việt Nam giới thiệu bãi biển Đà Nẵng là “China beach”, vậy nhưng 2 trang web tiếng Anh thuộc Tổng cục này lại vi phạm đúng lỗi có thể gây nhầm lẫn nghiêm trọng cho khách quốc tế về bãi biển đẹp hàng đầu Việt Nam!
Trang web vietnamtourism-info.com giới thiệu khu nghỉ dưỡng Furama Danang nằm tại “China Beach” nổi tiếng thế giới. Còn trên promotours.gov.vn quảng bá tour xuyên Việt của một doanh nghiệp lữ hành có trụ sở tại Hà Nội, trong hành trình từ Hội An ra Huế có ghé thăm “China beach”.
Trang vietnamtourism-info.com giới thiệu khu nghỉ dưỡng Furama Danang nằm trên “China beach”. (The luxurious Furama Resort Danang is a true icon of Vietnam tourism. This 5-star haven on world-famous China Beach…)
Tuần trước, Tổng cục Du lịch cho biết sẽ yêu cầu các sở VH-TT&DL, doanh nghiệp lữ hành quốc tế, khách sạn 3 - 5 sao tại Việt Nam gỡ bỏ từ ngữ sai lệch, gọi đúng tên biển Đà Nẵng. Nhưng đến sáng nay (1/8), 2 trang web trên vẫn giữ nguyên vi phạm!
Đáng chú ý, giám đốc điều hành một công ty lữ hành quốc tế tại Hà Nội cho biết, một số đối tác nước ngoài của mình phân tích: Trong tiếng Anh “china” còn có nghĩa “đồ sứ”. Người nước ngoài gọi biển Đà Nẵng là “china beach” còn có cách giải nghĩa là bãi biển sứ hoặc bãi biển đẹp như đồ sứ. Vì biển ở Đà Nẵng rất đặc trưng: Cát trắng, biển xanh, núi xanh thẫm phía trước... tạo nên phong cảnh sơn thủy hữu tình đẹp như hình ảnh trên đồ sứ mỹ nghệ. Tất nhiên, trường hợp này phải viết “china beach” chứ không thể chấp nhận “China beach”.
Nhiều ý kiến cho rằng, ngay cả “china beach” (biển đồ sứ) cũng không nên dùng vì dễ khiến người ta liên tưởng đến "biển của nước khác"!
Nghiêm khắc xử lý thông tin sai lệch
Hôm qua (31/7), Sở VH-TT&DL Hà Nội phát công văn thông báo sẽ xử lý nghiêm khắc những doanh nghiệp du lịch sử dụng thuật ngữ sai lệch về các địa danh trên lãnh thổ, lãnh hải Việt Nam. Trong công văn gửi tới các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn, Sở VH-TT&DL Hà Nội thông báo đã phát hiện trên trang web, ấn phẩm, giao dịch với đối tác nước ngoài… của một số doanh nghiệp hoặc trong thuyết minh của hướng dẫn viên đã thông tin sai lệch hàng loạt địa danh. Cụ thể: Biển Đông (East Sea) của Việt Nam được biến thành South China Sea (biển Nam Trung Hoa), bãi biển Mỹ Khê - Đà Nẵng (My Khe beach) thành China beach (bãi biển Trung Quốc); thông tin về bản đồ Việt Nam thiếu quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa… Văn bản do Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Nội Mai Tiến Dũng yêu cầu các doanh nghiệp chấn chỉnh lại những thông tin về địa danh thuộc chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải Việt Nam. Nghiêm túc thực hiện nghĩa vụ bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, đặc biệt đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đồng thời kiểm tra, xử lý kịp thời các sai phạm tương tự nhằm tránh gây hậu quả đáng tiếc. |
Thu Trang