Giám đốc sở cười nhạo Bộ trưởng - Dân Làm Báo

Giám đốc sở cười nhạo Bộ trưởng

Đào Tuấn - Cái lắc đầu của Quảng Nam trước những gì “không chính quy”, giống như cái tát vào sự hiếu học của không ít sinh viên và giống với nụ cười nhạo báng những tuyên bố của Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình.

Ngày 26-3, trong phiên trả lời chất vấn tại Ủy ban TVQH, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình trả lời rất dõng dạc: Chúng tôi không phân biệt trong loại hình đào tạo khi tuyển dụng.

5 tháng sau ngày Bộ trưởng trả lời trong phiên tường thuật trực tiếp, ngày hôm qua, Sở Nội vụ Quảng Nam ra thông báo dấu đỏ khẳng định như đinh đóng cột: Các đối tượng dự tuyển phải có bằng tốt nghiệp chính quy từ trung cấp trở lên. À, thế là ở Quảng Nam, đại học tại chức không bằng trung cấp chính quy. Và dòng thông báo của Giám đốc Sở Nội vụ, giống như cái tát vào sự hiếu học của không ít sinh viên và giống với nụ cười nhạo báng những tuyên bố của Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình.

Điều đáng nói, Quảng Nam không phải là địa phương đầu tiên “thực hiện chỉ đạo của tỉnh ủy” đưa ra phân biệt mang tính chất ruồng bỏ các bằng cấp “phi chính quy”. Trước đó, Đà Nẵng “đóng sầm cánh cửa” trước mũi hàng ngàn sinh viên tại chức. Hải Dương “nói không” với tại chức, dân lập. Nam Định xếp không chính quy vào “hàng xã”.

Sự thể vẫn chưa dừng lại ở đây, một vị tiến sĩ từng đảm nhiệm cương vị Vụ trưởng một vụ Đào tạo và bồi dưỡng cán bộ, lại từng tham gia nhóm nghiên cứu xây dựng Chiến lược quốc gia về nhân tài, có lần đăng đàn khẳng định việc chỉ tuyển những sinh viên tốt nghiệp hệ chính quy “không có nghĩa là họ bác bỏ bằng cấp các trường khác mà chỉ bao hàm ý nghĩa là công việc đó, lĩnh vực đó cần một ứng viên đáp ứng một số điều kiện nhất định”. Thậm chí ông còn cho đó là: Quyền của nhà tuyển dụng”, là “Không có gì trái luật” và địa phương chỉ tuyển những sinh viên tốt nghiệp hệ chính quy là “thức tỉnh rất sớm”.

Đây có lẽ là lời khuyên cho 80.000 sinh viên vừa trượt các trường chính quy trong kỳ thi vừa rồi. Họ nên về quê cày ruộng, thay vì theo đuổi sự học ở những hệ “không chính quy” để rồi nhận được những ánh nhìn ghẻ lạnh của Đà Nẵng, của Quảng Nam, của Hải Dương, của Nam Định.

Đành rằng giáo dục dân lập, giáo dục tại chức, giáo dục từ xa đã, đang, và vẫn cần phải đặt những dấu hỏi lớn về chất lượng giáo dục. Nhưng đó là câu hỏi dành cho Bộ Giáo dục, cho Bộ Nội vụ- cho những người giáo dục và người tuyển dụng, chứ không phải dành cho những nạn nhân của sự bất nhất trong việc ban hành và thực hiện chính sách. Ủy viên Bộ chính trị Phạm Quang Nghị, trong buổi giao lưu với học sinh, sinh viên thủ đô ngày 23-10-2011 đã phát biểu việc “nói không với tại chức, dân lập” là “Oan’ cho những người học có chất lượng ở chính những ngôi trường đó”. Bởi thực ra, chất lượng giáo dục không phụ thuộc vào loại hình, vào ngôi trường, mà phụ thuộc vào năng lực và ý thức của người đi học.

Có thể nói không ngoa rằng việc nói không với những loại hình đào tạo “phi chính thức” đang chỉ chứng tỏ căn bệnh bằng cấp trong tư duy của những người có thẩm quyền trong hệ thống cơ quan nhà nước. Bởi ngay một tấm bằng chính quy nhiều khi được tạo dựng bằng tiền. Và không phải tấm bằng chính quy nào cũng đồng nghĩa với chất lượng.

Nếu nói về một “sự thức tỉnh” như lời vị tiến sĩ nọ, thì việc tuyển dụng thức tỉnh mang trước hết phải căn cứ vào con người cụ thể và khả năng hoàn thành công việc của mình, chứ không phải chỉ chăm chắm đến việc họ “Chính quy” hay “Không chính quy”. Bởi hơn hết, sự phân biệt này chính là sự tẩy chay những gì không thuộc về “chính quy”, trong trường hợp này, có thể hiểu là những gì không thuộc về “quốc doanh”.

Đào Tuấn


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo