Huỳnh Tâm Sáng (TuanVietnam) - Nghịch lý từ sự phát triển nhanh chóng của Trung Quốc là nạn tham nhũng, sự chênh lệch giàu nghèo và những bất đồng từ giới lãnh đạo nước này. Sự tăng trưởng vượt bậc của Bắc Kinh không đồng nghĩa với một xã hội công bằng, thịnh vượng và hạnh phúc hơn. Những nhức nhối này của Trung Quốc như những cơn đau triền miên, dai dẳng và thách thức tham vọng của Trung Quốc. Vì lẽ đó, Trung Quốc rất cần một "liều thuốc an thần" cực mạnh giúp nước này có thể tỉnh táo hơn và "che mắt" dư luận về những yếu kém của nước này: "chủ quyền" BIỂN ĐÔNG.
*
Các tuyên bố cứng rắn và các hành động gây hấn của Trung Quốc trong việc đẩy mạnh các biện pháp củng cố quân sự - phải chăng là lá bài tẩy cuối cùng của nước này nhằm giải trừ mối quan tâm của cộng đồng quốc tế về những bất ổn trong nội bộ.
Lục đục
Là một cường quốc khu vực, Trung Quốc cũng đang bộc lộ những hạn chế đáng kể, hệ lụy của tăng trưởng nóng: tham nhũng, chênh lệch giàu nghèo nới rộng...
Trong cuộc họp nội các bàn về chống tham nhũng vào tháng 3/2011, Thủ tướng Trung Quốc Ôn gia Bảo đã nhấn mạnh: "Chúng ta phải thừa nhận rằng tham nhũng chính là mối hiểm họa lớn nhất của Đảng hiện nay". Chủ tịch Hồ Cẩm Đào nhấn mạnh đây chính là chìa khóa để "chiến thắng hay đánh mất sự ủng hộ của nhân dân, là dấu hiệu của sự sống hay khai tử của Đảng".
Trong mắt bạn bè thế giới, hình ảnh của Trung Quốc càng tổn hại khi tổ chức đánh giá tham nhũng quốc tế Transparency International cho hay Trung Quốc đã tụt xuống vị trí thứ 75 trong số 183 quốc gia (2011).[1]
Đồng thời, Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc tiết lộ rằng kể từ năm 1990, đã có gần 18.000 quan chức tham nhũng Trung Quốc "cao chạy xa bay" ra nước ngoài, mang theo gần 800 tỷ nhân dân tệ (120 tỷ USD). Con số 18.000 đã cho thấy sự yếu kém của Chính phủ Trung Quốc trong nỗ lực đấu tranh chống nạn tham nhũng.
Ngoài nạn tham nhũng, Trung Quốc còn phải đối mặt với khoảng cách chênh lệch giàu nghèo đang gia tăng chóng mặt. Hố sâu giàu nghèo khiến Trung Quốc như một người khổng lồ đang chật vật giữ thăng bằng trên một sợi dây quá chùng. Việc tư nhân hóa tạo điều kiện cho một số tầng lớp ở Trung Quốc giàu có lên nhanh chóng, tuy nhiên con số này vẫn chẳng là bao so với số người nghèo của nước này. Báo cáo "Nghiên cứu nhân tố thay đổi và ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu dùng của cư dân Trung Quốc" (2011) của Nhà Xuất bản Khoa học Trung Quốc cho hay mức chênh lệch thu nhập giữa thành thị và nông thôn Trung Quốc năm 2009 lên đến con số 3,3 lần.
Chênh lệch giàu nghèo của Trung Quốc đã lên đến mức báo động khi hiện nay khoảng 50,3% dân số Trung Quốc vẫn đang sống ở các vùng nông thôn. Nguy hiểm hơn khi hệ số Gini (thước đo mức phân phối thu nhập trong một xã hội) của Trung Quốc hiện nay là 0,458; vượt ngưỡng 0,4 - vốn là giới hạn được quốc tế chấp nhận.
Tuy nhiên, hiện nay vấn đề đấu tranh nội bộ của Trung Quốc đang trở nên căng thẳng, quen được ví cùng điển tích "củi đậu đun hột đậu" từ thời Tam quốc. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang phải đau đầu tìm cách khắc phục hậu quả.
Minh chứng rõ ràng nhất là vụ "Thái tử đỏ" Bạc Hy Lai ở Trùng Khánh bị cách chức. Nhà phân tích Claude Lely của tạp chí "Tin Trung Hoa" cho rằng vụ Bạc Hy Lai đã cho thấy cuộc tranh giành các vị trí lãnh đạo chủ chốt quyết liệt và gây xáo động trong Đảng đến mức nào.[2]
Sự kiện mà mỗi thập kỷ chỉ xảy ra một lần chắc chắn sẽ khiến Trung Quốc hao tâm tổn sức rất nhiều, đặc biệt là câu đố cho tình thế lưỡng nan - vừa có thể dung hòa quyền lợi giai cấp vừa có thể ngăn chặn một cuộc thanh trừng nội bộ như vụ việc của "Thái tử đỏ".
"Liều thuốc an thần" cực mạnh
Nghịch lý từ sự phát triển nhanh chóng của Trung Quốc là nạn tham nhũng, sự chênh lệch giàu nghèo và những bất đồng từ giới lãnh đạo nước này. Sự tăng trưởng vượt bậc của Bắc Kinh không đồng nghĩa với một xã hội công bằng, thịnh vượng và hạnh phúc hơn. Những nhức nhối này của Trung Quốc như những cơn đau triền miên, dai dẳng và thách thức tham vọng của Trung Quốc. Vì lẽ đó, Trung Quốc rất cần một "liều thuốc an thần" cực mạnh giúp nước này có thể tỉnh táo hơn và "che mắt" dư luận về những yếu kém của nước này.
Tàu Ngư chính của Trung Quốc.
Vỏ bọc "phát triển hòa bình" của Trung Quốc đã hết tác dụng. Lúc này đây Bắc Kinh đang tìm cứu cánh từ con bài quân sự tại biển Đông. Với việc nâng cấp đơn vị hành chính "thành phố Tam Sa" và thành lập Khu cảnh bị, Trung Quốc đã gởi đi một thông điệp về việc sẵn sàng sử dụng vũ khí tại Biển Đông. Thiếu tướng La Viện, thường nổi tiếng với quan điểm "diều hâu" nhấn mạnh quan điểm "làm nổi bật chủ quyền thuộc về ta, mưu tính tấn công quân sự" để thu hồi các đảo đang tranh chấp.
Ngoài ra, La Viện còn trình bày những quan điểm cứng rắn hơn qua việc đề xuất thiết kế bố trí ba vùng biển và ba vùng trời cho "Khu cảnh bị Tam Sa", phối hợp lục quân, hải quân và không quân. Rõ ràng, căng thẳng tại biển Đông ngày càng dâng cao chính là do Trung Quốc chủ đích "góp gió thành bão" từ thái độ quyết đoán, hung hăng đối với Philippines tại bãi đá ngầm Scarborough đến việc Trung Quốc cảnh cáo Ấn Độ khi Việt Nam và công ty ONGC của Ấn Độ có kế hoạch thăm dò một lô dầu khí tại biển Đông.
Đi xa hơn nhằm làm phức tạp tình hình, các phương tiện truyền thông của Trung Quốc đã lên án Philippines và Việt Nam. Thiếu tướng về hưu La Nguyên, Phó chủ tịch Hiệp Hội Thúc đẩy Văn hóa Chiến lược Trung Quốc mạnh mẽ: "Sự kiên nhẫn của Trung Quốc là có giới hạn và không có chỗ cho sự khoan dung thêm nữa". Việc Trung Quốc liên tục phát đi các thông tin sai lệch về tình hình biển Đông song song với việc thành lập "thành phố Tam Sa" cùng các đơn vị quân sự đồn trú đã cho thấy nỗ lực của Trung Quốc nhằm giải trừ mối quan tâm của cộng đồng quốc tế về những bất ổn trong nội bộ Bắc Kinh.
Song dù cố gắng gia tăng các thái độ quyết liệt và các hành động hung hăng hơn như một "liều thuốc an thần" cực mạnh thì nguy cơ "tác dụng phụ" mà liều thuốc này mang lại là khá rõ ràng. Bằng chứng là một hình ảnh Trung Quốc đang ngày càng "xấu xí" đi. Các tuyên bố yêu chuộng hòa bình của Trung Quốc bỗng trở nên phản tác dụng khi dư luận hiện nay chỉ liên tưởng đến một Trung Quốc quá tham lam, ngang nhiên đi vào sân nhà người khác mà bảo đó là đất của mình.
"Liều thuốc an thần" của Trung Quốc cũng có khả năng mang lại một thái độ cẩn trọng đáng kể từ các nước khu vực và có nguy cơ thổi bùng lên một ngọn lửa xung đột vốn chẳng đặng đừng ở khu vực biển Đông, vốn đã tiềm ẩn quá nhiều bất ổn. Một khi lời nói và hành động không nhất quán thì Trung Quốc có nguy cơ trở thành cậu bé chăn cừu mà những lần nói dối về một chú sói giả tạo đã đánh mất lòng tin của dân làng và mang đến kết cục là cả đàn cừu bị sói ăn thịt!
_________________________________________
Chú thích: