Nguyễn Thế Hùng, Nguyển Xuân Diện, Nguyễn Hùng - Trong buổi hội thảo do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức vào ngày 02 tháng Bảy năm 2012, PGS TS Trần Thanh Minh – Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, đã đưa ra một số dữ kiện về nhà máy điện hạt nhân. Trong đó có hai vấn đề nổi bật được phóng viên Tô Hội của báo Bee/kiến thức.net ghi nhận trong bài viết ngày 03/08/2012:
(1)Lò phản ứng hạt nhân dự trù do Tập đoàn Rosatom của Nga xây dựng là loại lò hạt nhân nước nhẹ cải tiến, thế hệ mới nhất, đã được kiểm chứng, bảo đảm tuyệt đối an toàn.
1. Lò phản ứng hạt nhân có thật sự “bảo đảm tuyệt đối an toàn”?
Cho đến hôm nay cấu trúc của lò phản ứng hạt nhân đã phải tiếp tục cải tiến qua 4 thế hệ. Cần phải cải tiến để cố gắng làm cho các lò phản ứng được an toàn hơn. Lò phản ứng thế hệ #4 là loại lò phản ứng mới nhất đang trong vòng nghiên cứu, chưa thể xuất hiện trên thế giới cho đến những năm 2035-2040. Tuy vậy những nhà nghiên cứu của dự án này cũng chỉ có thể cho biết rằng sẽ “an toàn hơn, trên lý thuyết”. Nhưng căn cứ theo tuyên bố của PGS TS Trần Thanh Minh, lò phản ứng hạt nhân dự trù xây tại Ninh Thuận là loại lò hạt nhân thế hệ thứ 3+. Loại lò thế hệ #3+ này chỉ là loại cải tiến của lò hạt nhân thế hệ thứ 3, do đó chỉ có thể nói là hơi an toàn hơn lò hạt nhân thế hệ thứ #3 mà thôi, chứ không thể nào đạt mức độ an toàn tuyệt đối! Ngay cả lò hạt nhân thế hệ thứ #4 đang được các chuyên viên hạt nhân của 10 nước tiên tiến cùng nhau nghiên cứu cũng chỉ mới “an toàn hơn” vả cũng mới chỉ dựa trên lý thuyết.
Ông Peter G Shchedrovitsky, cố vấn Tổng giám đốc Tập đoàn nhà nước Điện nguyên tử Rosatom Nga, cũng chỉ dám tuyên bố lò hạt nhân của họ là an toàn nhất, chứ không “an toàn tuyệt đối” như PGS TS Trần Thanh Minh và lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam thường xuyên tuyên bố. Trên thương trường, những lời nói tốt của phía muốn bán hàng bao giờ cũng chỉ là trò quảng cáo nhằm thu hút người mua. Trường hợp của Tổ hợp Rosatom cũng chỉ là trò có thể nói là thổi phồng sản phẩm của họ, nếu không nói là lừa bịp. Lò phản ứng hạt nhân của Rosatom sản xuất theo ông Shchedrovitsy tuyên bố an toàn nhất dựa theo tiêu chuẩn thẩm định của ai, của tổ chức độc lập nào chứng nhận? Ngay cả với nhà máy điện hạt nhân mới nhất sắp được xây tại Georgia Mỹ, một quốc gia đặt rất cao về tiêu chuẩn an toàn hạt nhân, các chuyên gia và nhà sản xuất cũng không tuyên bố là lò phản ứng của họ “bảo đảm tuyệt đối an toàn”.
Riêng Tổ hợp Rosatom, một tổ hợp điện hạt nhân đã và đang bị nhiều tai tiếng về tình trạng tham nhũng rút ruột công trình trầm trọng. Tệ hại nhất là trong nhiều năm qua họ đã sản xuất nhiều lò phản ứng hạt nhân dùng vật liệu kém chất lượng, và ngay cả Phó Tổng giám đốc của Tập đoàn này – Avgeny Avstratov – hiện đang bị giam vì tội tham nhũng. Tệ hại hơn nữa là Rosatom vừa tham nhũng rút ruột hơn 7 tỷ Rubles trong khi đang xây nhà máy điện hạt nhân nổi đầu tiên của Nga.
Có thể kết luận rằng lời tuyên bố của PGS TS Trần Thanh Minh quả quyết rằng “nhà máy điện hạt nhân mà Việt Nam có kế hoạch xây cất tại Ninh Thuận sẽ tuyệt đối an toàn” là không có căn cứ, không trung thực với cương vị và chuyên môn của ông. Việc làm này đã đưa đến quyết định sai lầm của lãnh đạo đảng và nhà nước, và sẽ gây tai hại khôn lường cho hàng trăm ngàn nguời dân trong nhiều thế hệ và thiệt hại đến nền kinh tế của đất nước.
Chính Chủ tịch Nhà nước Trương Tấn Sang trong lần tham quan Ninh Thuận đã tuyên bố “nếu điện hạt nhân không tuyệt đối an toàn, không làm”. Không lẽ vì quyết tâm làm cho bằng được, không màng đến an nguy của hàng trăm ngàn thường dân và hệ quả tai hại khôn lường của thảm họa hạt nhân, mà cứ liều lĩnh đưa ra tuyên bố rất phản khoa học rằng điện hạt nhân tuyệt đối an toàn?
2. Hiệu quả kinh tế tại thời điểm lập dự án
Một dự án trước khi được trình duyệt, cần phải được nghiên cứu tổng thể, cả về hiệu quả kinh tế cho suốt cuộc đời của dự án và quan trọng hơn là ảnh hưởng của dự án đến môi trường và xã hội. Qua kinh nghiệm của những tai nạn hạt nhân đã xảy ra tại Three Mile Island (Mỹ), Chernobyl (Nga), Fukushima (Nhật), lò phản ứng hạt nhân thế hệ mới tại Bắc Kinh (Trung Quốc), các nhà chuyên môn càng cần phải quan tâm nhiều hơn đối với hoàn cảnh và trình độ kỹ thuật của Việt Nam trước những đòi hỏi khắt khe của kỹ nghệ hạt nhân. PGS TS Trần Thanh Minh và Tập đoàn EVN chỉ mới xét về hiệu quả kinh tế của dự án mà không đề cập đến hậu quả của nó đối với môi trường và xã hội, con người, trong khi dự án có liên hệ đến an toàn phóng xạ cho rất nhiều người dân đang sống trong khu vực nhà máy điện. Điều thiếu sót rất tệ hại là, với một dự án điện hạt nhân tốn kém cả chục tỷ USD mà PGS TS Trần Thanh Minh chỉ đề cập hiệu quả kinh tế vào thời điểm lập dự án, trong khi dự án phải cần từ 6 đến 10 năm mới hoàn tất. Kinh nghiệm xây cất nhà máy điện hạt nhân tại một số nước ở Âu Châu và cả Mỹ, chi phí xây cất nhà máy điện hạt nhân luôn bị các công ty xây cất nâng giá lên cao rất nhiều so với giá ước tính và thỏa thuận lúc đầu theo một hợp đồng mà phần thiệt thòi luôn về phía chủ đầu tư (Việt Nam trong trường hợp này).
Một yếu tố cốt lõi còn quan trọng hơn cả sự an toàn, hiệu quả kinh tế, an toàn môi trường và xã hội: đó là yếu tố con người - lực lượng chuyên gia, chuyên viên, kỹ thuật viên hạt nhân có kinh nghiệm. Việt Nam hiện nay, và một thời gian dài tính từ hôm nay, không có. Tình trạng bất cập này đã được GS Phạm Duy Hiển trình bày tường tận khi trả lời phóng viên Hoàng Hạnh của báo Phụ nữ Today, ngày 06/06/2012. Báo Tuổi trẻ, ngày 06/08/2012, đưa tin rất đen tối về tình trạng bất cập trong công tác đào tạo nhân sự như sau: “Về chương trình đào tạo nhân lực phục vụ hoạt động của các nhà máy điện hạt nhân, theo UBND tỉnh Ninh Thuận, hiện nay chủ yếu là đào tạo tại Nga nhưng còn gặp bất lợi về ngôn ngữ, do đó không thu hút du học sinh. Trong khi đó, phân viện đào tạo nguồn nhân lực tại địa phương hiện vẫn chưa mở”.
Qua đây, tương tự như dự án Bauxite Tây Nguyên, dự án đường xe lửa cao tốc Bắc Nam, dự án điện hạt nhân tại Ninh Thuận lại bước vào vết chân sai lầm của tư duy “đi trước đón đầu, IQ” với nhiều hứa hẹn mỹ miều “tuyệt đối an toàn”, công nghệ tiên tiến nhất. Kinh khủng hơn, theo sau điện hạt nhân sẽ là thần chết phóng xạ hạt nhân chờ sẵn cho hàng trăm ngàn người dân vô tội, di hại cho nhiều thế hệ con cháu dân Việt, biến cả một vùng rộng hàng trăm cây số vuông thành một vùng đất chết muôn đời.
“Lò phản ứng hạt nhân của Rosatom là an toàn nhất, là an toàn tuyệt đối” chỉ là những lời nói đầu môi của bọn “sơn lâm mãi võ” mà chúng ta thường thấy tại các khu chợ búa. Tập đoàn Rosatom cũng chỉ tương tự nhưng được gọi với hai tiếng kiêu sang: “khuyến mãi”.
Tại sao chúng ta không dùng nguồn dầu mỏ khí đốt của chúng ta khai thác để sản xuất điện cho chính chúng ta mà bán cho các nước để rồi họ lại dùng nó sản xuất điện, tránh dùng nguyên liệu hạch tâm để bảo vệ dân chúng và đất nước họ?
Giảm khí thải CO2 chỉ là trò đánh tráo, hù doạ của các tập đoàn sản xuất máy móc điện hạt nhân và các nhóm lợi ích.
Việt Nam phải dứt khoát nói không với điện hạt nhân để bảo vệ nhân dân chúng ta, bảo vệ con cháu chúng ta, bảo vệ giang sơn gấm vóc Việt Nam khỏi thảm họa hạt nhân!
08/08/2012
Nguyễn Thế Hùng, Nguyển Xuân Diện, Nguyễn Hùng
Phụ lục tham khảo:
––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––
Lợi và hại khi phát triển điện hạt nhân
03/08/2012 06:34:16
Ngày 2/7, Bộ KH&CN đã tổ chức hội thảo về thông tin truyền thông phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam. Theo các chuyên gia, Việc phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam là phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh, công nghệ. Năm 2020 khi nhà máy điện hạt nhân đi vào hoạt động, tình trạng thiếu điện sẽ được cải thiện đáng kể.
PGS.TS Trần Thanh Minh, Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam cho biết, nhà máy điện hạt nhân hoạt động tương tự nhà máy nhiệt điện. Từ khâu làm sôi nước, chuyển thành hơi nước và dùng hơi nước làm quay tuốc bin. Điểm khác nhau là nhà máy nhiệt điện dùng nhiên liệu hóa thạch thì nhà máy điện hạt nhân dùng Uranium và nước được đun sôi bên trong lò phản ứng. Chỉ với một lượng nhỏ nhiên liệu vẫn thu được năng lượng lớn. Nhiên liệu cần thiết cho một nhà máy công suất 1000MW vận hành trong suốt 1 năm là 30 tấn uranium, hoặc 2.200.000 tấn than đá hoặc 1.400.000 tấn dầu.
Mô hình nhà máy điện hạt nhân tại xã Phước Dinh, Ninh Phước, Ninh Thuận Ảnh: Chinhphu.vn
Mặc dù đã được cải tiến bằng cách đơn giản và tiêu chuẩn hoá các thiết kế để giảm chi phí xây dựng và vận hành và sửa chữa, xây dựng nhà máy điện hạt nhân vẫn đòi hỏi một nguồn vốn rất lớn, khoảng 2 tỷ USD/lò phản ứng và thời gian xây dựng kéo dài với các công nghệ tiên tiến và phức tạp. Một nhà máy điện thông thường được trang bị từ 2 đến 4 lò.
Vận hành và bảo dưỡng nhà máy điện hạt nhân an toàn trong một thời gian dài từ 40 - 60 năm cũng là mối quan tâm lớn. Một sai lầm nhỏ cũng có thể dẫn đến những hậu quả và thiệt hại to lớn. Ngoài ra, tác động môi trường cũng là một yếu tố hàng đầu khi xem xét xây dựng một nhà máy điện hạt nhân. Trong dây chuyền sản xuất nhiên liệu hạt nhân, hai khâu khai thác và chế biến quặng urani có tác động xấu nhất đối với con người và môi trường. Trong quá trình khai quặng urani, hàng triệu lít nước ô nhiễm bơm từ mỏ vào sông rạch, khiến lớp trầm tích ngày càng chứa nhiều chất phóng xạ hơn. Những điều này phải được tính toán kỹ.
Hiện thế giới có 31 quốc gia và vùng lãnh thể có nhà máy điện hạt nhân với tổng số 433 lò. Lò phản ứng hạt nhân được phân loại theo nhiên liệu hạt nhân, chất làm chậm và chất tải nhiệt. Các loại lò đang được sử dụng trên thế giới là lò khí, lò nước nặng và lò nước nhẹ. Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận được lựa chọn sử dụng công nghệ lò nước nhẹ cải tiến, thế hệ lò điện đại nhất, đã được kiểm chứng, bảo đảm tuyệt đối an toàn và hiệu quả kinh tế tại thời điểm lập dự án đầu tư. Thời gian khởi công xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 vào năm 2014, đưa tổ máy đầu tiên vận hành vào năm 2020. Khi đó, sản lượng điện cung cấp sẽ cơ bản đáp ứng yêu cầu tại thời điểm đó.
Tô Hội