Phương Bích - Từ ngày đầu rụt rè đứng trên sân vườn hoa Lê Nin, tôi còn cảm thấy ngượng ngùng khi thể hiện tình cảm của mình dù chỉ là một tiếng hô to, khiến người khác có thể chú ý tới. Thực sự tôi không thích thể hiện bản thân. Trong suốt bao nhiêu năm đi làm, tôi chẳng tham gia vào bất cứ tổ chức nào. Đi làm thì cứ nghiễm nhiên trở thành đoàn viên công đoàn thôi. Ngoài việc không thích thể hiện thì cơ bản là tôi thấy cứ phải nói và làm những điều giả dối là tôi rất không thích.
Khi đứng trên sân vườn hoa Lê Nin hôm ấy, thấy những người xung quanh bắt đầu hô : đả đảo Trung Quốc xâm lược! Hoàng Sa- Trường Sa – Việt Nam, tôi định hô theo mà chả hiểu sao cổ họng lại nghẹn lại. Phút ban đầu tôi không thể hô ngay mà chỉ đứng khóc, nước mắt giàn giụa. Tiếng hô vang rền xung quanh khiến tôi bình tâm lại. Quệt nước mắt lia lịa cho mau khô, lần đầu tiên tôi giơ nắm đấm lên trời. Hòa mình vào những tiếng hô xung quanh, tôi hô váng lên to hết sức có thể. Từ giây phút đó, tôi đã thực sự bước qua sự ngại ngùng vốn có của mình.
Khi đi trong đoàn người, tôi thấy các cháu thanh niên hô bắt nhịp khản cả cổ. Tôi thương chúng lắm. Rồi thấy bác gái Trâm người “bé bằng cái nắm tay” cũng hộ bắt nhịp cho mọi người hô theo. Vậy là trong khoảng khắc người hô trước dừng lại để lấy hơi, tôi lập tức hô tiếp sức cho họ, thế là thành quen.
Trong thâm tâm tôi vẫn nghĩ, đối tượng bị gây khó dễ chắc hẳn sẽ là các cháu thanh niên, khi mà người ta có thể tấn công vào những yếu điểm như công ăn việc làm hay nơi ăn chốn ở. Còn mình là phụ nữ, có tuổi nữa, công ăn việc làm ổn định, có nhà cửa đàng hoàng, chắc sẽ chẳng ai có thể làm gì được mình. Chính bởi thế tôi muốn chia sẻ và gánh đỡ cho chúng phần nào những khó khăn ấy.
Không chỉ riêng tôi, hẳn nhiều người vẫn nghĩ rằng, phụ nữ là đối tượng ít có khả năng bị “tấn công” nhất. Không chỉ vì họ chân yếu tay mềm, ít có khả năng đối kháng, mà về bản chất là họ không mấy khi xông xáo, tham gia gánh vác chuyện ngoài xã hội. Phần lớn họ chỉ tần tảo lo toan việc gia đình. Trong khi các ông chồng chiều chiều tụ tập uống bia nhậu nhẹt ở quán xá thì họ nháo nhào trở về từ công sở, lo trăm thứ bà rằn cho một gia đình dù lớn dù bé đến đâu.
Hồi nhà còn ở cạnh chợ, có lần tôi thấy bố đứng trầm ngâm bên ban công nhìn xuống đường. Tôi ra đứng cạnh, nhìn theo ánh mắt bố. Trong bóng tối nhập nhoạng, ánh đèn đường vàng vọt soi xuống dăm ba cái bóng đàn bà, đứng bên những chiếc xe thồ bày những nải chuối ế, hay đống rau dưa chưa bán hết. Người quét chợ đã khua những nhát chổi cuối ngày, khiến mấy người phụ nữ loay hoay tìm chỗ tránh. Chưa bán hết hàng, họ sẽ làm gì với đống chuối quá chín hay đám rau dưa héo đây?
Bố ngậm ngùi bảo, nhiều lần quan sát, thấy có đến 80% số người mưu sinh bằng nghề đi chợ là phụ nữ, trông họ lam lũ thật tội!
Cứ bảo thời phong kiến phụ nữ mới khổ. Rồi thời chiến đàn ông trai tráng ra trận, mọi gánh nặng dồn lên vai người phụ nữ. Đến tận bây giờ, người phụ nữ vẫn chưa hề thoát khỏi cảnh khổ. Bây giờ thời bình, đâu cần đánh đấm mà bảo đàn ông phải ra trận? Thế nhưng trên những cánh đồng, hay ngoài đường ngoài chợ vẫn chỉ thấy phụ nữ chiếm số đông. Ngay cả trong những cuộc tranh chấp miệng hay bằng vũ lực, người ta vẫn có xu hướng để phụ nữ lên hàng đầu như một cái khiên đỡ, vì mấy ai cãi nhau với đàn bà, hay mấy ai đánh đập đàn bà. Mà chả cần ai đẩy họ, theo bản năng là phụ nữ lại thường xông lên, che trở cho những người đàn ông dễ bị quy kết là bạo lực, chống đối....
Rốt cuộc tôi nhầm! Mọi người cũng đều nhầm hết. Bây giờ họ chả chừa ai cả. Phụ nữ họ cũng đánh, cũng đá thẳng vào ngực, đấm sưng cả mặt hay đánh gãy cả tay, vỡ cả sọ....
Thế nên tôi bắt đầu bỏ cái lối suy nghĩ cho rằng phụ nữ yếu ớt thì họ sẽ tha không vu khống, không bắt bớ, không đánh đập. Thay đổi cách suy nghĩ để mình không bị sốc và không ảo tưởng về sự tử tế của họ nữa. Thay đổi để mình sẵn sàng chấp nhận cái giá phải trả cho cách sống mình đã lựa chọn, là sống làm người chân thật như cố nhà thơ Phùng Quán đã viết trong bài thơ “Lời mẹ dặn”.
Có lẽ đó là do cách nói thôi, rằng phụ nữ xưa nay là những người chỉ biết cam chịu. Thực ra họ đã “vùng lên” nhiều mà xã hội chẳng qua chưa quen với cách nhìn nhận ấy. Không chỉ đóng một vai trò quan trọng trong cuộc sống đời thường, trong mỗi gia đình mà một số trong đó đã thành đạt nhiều trong kinh tế. Họ bắt đầu lộ diện trong cả lĩnh vực mà người ta gọi là “chính trị”, bằng những sự quan tâm đến các vấn đề xã hội như Huỳnh Thục Vy, Phan Thanh Nghiên, ĐỗThị Minh Hạnh. Có thể thể chế chính trị hiện nay chưa thừa nhận họ, nhưng tôi tin rồi có ngày họ sẽ được thừa nhận như một sự phát triển tất yếu của xã hội. Việt Nam mình cũng là một xã hội thu nhỏ của cả thế giới này, biết đâu có một ngày nước mình lại có một phụ nữ lên nắm quyền như Philipine, Srilanka, Pakistan, Thái Lan...