Vô sản cổ ngẳng và vô sản cổ rụt! - Dân Làm Báo

Vô sản cổ ngẳng và vô sản cổ rụt!

Teo cơ vì thiếu ăn

Hà Sỹ Phu (BoxitVN) - Trước đây, có phải sự bóc lột sức lao động của công nhân đã là động cơ chủ đạo làm nảy sinh cuộc Cách mạng Vô sản? Có phải giai cấp Công nhân đã được chủ nghĩa Mác coi là giai cấp tiên tiến, giai cấp lãnh đạo của Cách mạng? Có phải giai cấp công nhân đã được Mác phong cho cái sứ mệnh vinh quang là “đào mồ chôn” chủ nghĩa Tư bản?

Mà nay kết quả bị lộn nhào. Kẻ “tư bản bóc lột” đáng lẽ phải nằm dưới mồ thì chúng nhảy vọt lên cao, mặt mũi phương phi, trực tiếp hay gián tiếp nắm lấy cờ Búa Liềm, đạp giới công nhân ốm yếu gầy còm sắp lăn xuống hố! Thế là chủ nghĩa Mác bị đảo ngược, bị lật đổ không thương tiếc. Kẻ thù nào, bên ngoài hay bên trong, dám cả gan lật đổ chủ nghĩa Mác thế? Các Công đoàn ở đâu, các Chi bộ Đảng Cộng sản trong các xí nghiệp đang ở đâu, đang đứng ở phe nào trong cuộc chiến kéo dài giữa hai phe bóc lột và bị bóc lột ấy? 

Ngày trước người ta chia công nhân thành hai loại “cổ xanh”“cổ trắng”. Nay nhìn hai giới Vô sản ở nước ta, tôi cũng thấy họ khác nhau rõ nhất ở cái cổ. Vô sản thật có thể gọi là "Vô sản cổ ngẳng” vì bị mấy tầng bóc lột chẹn cổ, còn Vô sản đại diện hay Vô sản nhân danh tôi gọi là “Vô sản cổ rụt”, cổ ngắn lại vì bị mấy tầng chất mỡ phình ra, kéo xuống. 

Trở lại những vấn đề thiết thực mà phải coi là những báo động đỏ. Phải coi những kẻ cầm dùi cui phang vào mặt nông dân để cướp đất, kẻ bao che cho hành động lái xe húc vào công nhân đình công là những kẻ đã phang, đã húc vào chính lá cờ Búa Liềm, lá cờ đỏ như lời hứa, như lời thề bằng máu trước hàng chục triệu dân cày và thợ thuyền. Lời thề ấy cần phải được trả lời bằng những quyết sách dứt khoát, cụ thể và hữu hiệu trước vấn nạn về đất đai của nông dân và vấn nạn về lương, về mức sống và điều kiện sinh tồn của những công nhân! 

Không đi thẳng vào và giải quyết những vấn nạn lớn lao và nhức nhối của Nông dân và Công nhân này, ai có thể tin những lời khoa trương của anh về chủ nghĩa Mác? 

Hà Sĩ Phu 


Teo cơ vì thiếu ăn

Lê Thanh Phong (Lao Động) - Công nhân trong các khu chế xuất, khu công nghiệp thiếu ăn đến nỗi cơ bắp bị bào mòn, teo tóp, năng lượng dự trữ bị khai thác hết để làm việc. Sự suy kiệt của họ sẽ ảnh hưởng đến thế hệ con cái.

Những thông tin nhức nhối này được đưa ra tại hội thảo “Phòng, chống ngộ độc thực phẩm ở bếp ăn tập thể tại KCN, KCX” tổ chức tại Bình Dương ngày 13.8.

Công nhân – những người trực tiếp sản xuất, làm ra của cải vật chất cho xã hội – lại là những người thiếu ăn, hay nói đúng hơn là ăn uống thiếu dinh dưỡng! Đây là một thực tế phải đối diện và có biện pháp giải quyết cấp thiết.

Công bằng xã hội ở đâu khi một lực lượng lao động lớn, đổ mồ hôi lẫn nước mắt cho các nhà đầu tư, góp phần phát triển kinh tế và tăng nguồn thu cho ngân sách, lại là những người thiếu ăn thiếu mặc. Đó là vấn đề cần đặt ra, không thể che đậy một sự thật lồ lộ trước mắt, liên quan đến hàng vạn người.

Một điều rất rõ, xây dựng các khu công nghiệp, thu hút nhiều nhà đầu tư cũng là vì mục đích làm giàu cho đất nước gắn liền với nâng cao chất lượng sống cho người dân. Nhưng nếu như chính những người tham gia trực tiếp vào hệ thống sản xuất đó mà đói khổ thì hàng trăm khu công nghiệp mọc lên cũng chẳng có ý nghĩa gì ngoài sự bóc lột sức lao động. Bên trong cái vẻ bên ngoài hào nhoáng của các nhà máy to lớn mà chúng ta nhìn thấy lại là những tấm thân gầy gò, xanh xao, nhỏ nhoi và suy kiệt đến mức đe dọa thể chất của giống nòi trong tương lai.

Một cán bộ của Bộ Y tế phát biểu bên hành lang hội thảo: “Bây giờ sao tôi thấy công nhân nào cũng nhỏ nhỏ, gầy gầy, phờ phạc. Đa phần công nhân cưới công nhân nên dễ sinh ra một thế hệ suy dinh dưỡng”.

Vậy thì sự hào nhoáng mang tên phát triển công nghiệp, hóa ra chỉ làm giàu cho một nhóm người, còn đa số công nhân lao động là công cụ phục vụ cho mục tiêu làm giàu của họ. 

Hãy cứ thực tâm mà rằng, đồng lương hiện nay của công nhân không phải là chết đói, mà là đồng lương đói nhưng chưa chết. Bữa ăn công nghiệp thiếu dinh dưỡng, về nhà vì tiết kiệm nên phải mua thức ăn không đảm bảo an toàn vệ sinh. Ăn uống như vậy sẽ không chết liền mà chết từ từ vì bệnh tật, vì cạn kiệt sinh lực. Rồi đây, cứ hằng năm, từ các khu chế xuất, khu công nghiệp sẽ thải ra hàng ngàn người còn tuổi lao động nhưng sức khỏe không đảm bảo.

Không chỉ không có cái tối thiểu là sức khỏe, họ còn không có vốn liếng, không có kiến thức, không có nghề nghiệp, nhiều phụ nữ không chồng con vì họ nhốt cả tuổi thanh xuân trong nhà máy và những căn nhà trọ tồi tàn rách nát. Bi kịch này không chỉ của từng cá nhân mà là bi kịch của cả xã hội. 

Để bi kịch đó không là thảm kịch, trước hết hãy có biện pháp bắt buộc các doanh nghiệp lo cho công nhân bữa ăn công nghiệp đảm bảo dinh dưỡng tối thiểu. Hãy trả cho công nhân đồng lương đủ để sống tử tế, đừng trả lương với mức đói mà chưa chết.

Lê Thanh Phong


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo