- Một ngày sau khi giá xăng dầu tăng lần thứ 4 liên tiếp, không tính lợi nhuận, bù thêm từ Quỹ bình ổn, xăng dầu lại đang lỗ từ khoảng 500-800 đồng/lít. Kế hoạch tăng giá tiếp theo đã được các doanh nghiệp (DN) rục rịch tính toán ngay từ bây giờ.
Tăng giá xong, vẫn kêu lỗ
Liên bộ Tài chính- Công Thương tiếp tục quan điểm điều hành thị trường, cho phép tự chủ về giá xăng dầu. Dù vậy, đợt tăng giá thứ 4 này đã không thỏa mãn hầu hết các DN đầu mối.
“Lệnh chấp thuận cho tăng giá quá trễ so với đề xuất của DN. Trong khoảng thời gian chờ đợi này, lỗ lại tăng lên từng ngày. Cùng đó, mức tăng lại chỉ được bằng 50% mức đề xuất vốn đã lạc hậu và việc bù từ Quỹ bình ổn lại quá mỏng so với yêu cầu”, một đại diện của SaigonPetro nhận xét.
Chỉ trong 5 ngày sau khi đơn vị gửi đăng ký giá, các khoản lỗ mới đã cách xa lỗ cũ. Tính toán của đơn vị đầu mối lớn nhất phía Nam này cho thấy, trước giờ tăng giá, lỗ xăng là 1.500 đồng/lít thay vì 1.200 đồng/lít và lỗ dầu diezen đã lỗ 900 đồng/lít thay vì 700 đồng/lít. Hai mặt hàng dầu còn lại là dầu hỏa và dầu madut cũng tiếp tục lỗ 200 đồng/lít. Đây là kết quả tính theo đúng công thức của Nghị định 84 dựa trên giá bình quân 30 ngày.
Ông Lê Thanh Mân, Phó Tổng giám đốc Công ty Xăng dầu Đồng Tháp (Petimex) cho hay: “Lúc gửi đề xuất, giá lỗ là trên 1.000 đồng/lít. Nhưng giờ, nếu tính 10 ngày gần đây, xăng đã lỗ tới 2.000 đồng/lít và dầu diezen đã lỗ trên 1.500 đồng/lít”.
Vì lẽ đó, mức tăng 650 đồng/lít xăng tối qua 28/8 trên thực tế chỉ bằng 43% so với mức lỗ của DN. Mặt hàng dầu diezen được tăng 300 đồng/lít cũng chỉ tương ứng 33% mức lỗ.
Bù lại, Bộ Tài chính cho phép xả Quỹ bình ổn tới 500 đồng/lít đối với xăng và 300 đồng/lít đối với các mặt hàng dầu nhưng lại không cho ngừng trích Quỹ. Tác dụng thực sự của chế độ bù lỗ này không đáng là bao. Theo phân tích của các DN, vừa xả, vừa trích như vậy thì bản chất tất cả các mặt hàng xăng dầu không phải trính lập Quỹ nữa và riêng xăng, chỉ được bù thêm 200 đồng/lít.
Tính chung, các DN xăng dầu có thêm 850 đồng/lít vào giá bán lẻ xăng nhưng con số này vẫn thua xa so với con số lỗ 1.500-2.000 đồng/lít.
Nguồn lực Quỹ bình ổn xăng dầu rất hạn chế. Tại Petrolimex, Quỹ bình ổn có khoảng 250 tỷ đồng và tại SaigonPetro, số dư Quỹ đã tích được khoảng 80 tỷ đồng. So với con số 500 tỷ đồng Quỹ bình ổn của 13 DN đầu mối thì có thể thấy, hai đơn vị trên đã đóng góp tới 66%. Khoảng 34% quỹ còn lại nằm ở 11 DN đầu mối còn lại và thực tế, trong số này, một đơn vị đang bị “âm” quỹ.
Một đại diện DN đầu mối khác bày tỏ: “Bộ Tài chính lần này không cho DN tính lợi nhuận định mức trong giá cơ sở. Riêng về phụ phí như giá cước vận tải về Việt Nam… Hơn nữa, Bộ Tài chính quên mất một điều là các DN đã bị đối tác ép giá thế nào khi phải gấp rút nhập bù cho 7 ngày nhà máy lọc dầu Dung Quất ngừng cấp hàng”.
Theo thông tin từ đơn vị này, Bộ Tài chính chỉ tính phụ phí bảo hiểm, vận chuyển xăng dầu về cảng Việt Nam vào khoảng 2,5- 3 USD/thùng nhưng trên thực tế, phụ phí này ở các DN đã tăng lên 7-8 USD/thùng vào thời điểm nguồn Dung Quất đứt đoạn. Thêm vào đó, chi phí kinh doanh vẫn chỉ được phép tính 600 đồng/lít dù thực tế, chi phí này tại các DN đã vượt xa rất nhiều.
Cộng hưởng mọi yếu tố trên, giá vốn của DN và giá cơ sở theo cách tính của Bộ có một khoảng chênh rất lớn hay nói cách khác, mức lỗ thật của DN không dừng lại ở 1.500 đồng/lít.
Ngày 29/8, sau khi loại bỏ 300 đồng lợi nhuận định mức và cộng thêm khoản bù từ Quỹ bình ổn, chênh lệch giá cơ sở với giá bán lẻ của 4 mặt hàng xăng dầu vẫn “âm”.
Cụ thể, xăng tiếp tục lỗ 761 đồng/lít, dầu diezen lỗ 480 đồng/lít, dầu hỏa lỗ 490 đồng/lít và dầu madut lỗ tới 630 đồng/kg.
Vì thế, nhiều DN đầu mối tiết lộ, không thể đừng lại việc phải xin tăng giá trong 10 ngày tới nếu xăng thế giới vẫn giữ và tăng giá.
Vấn đề mới của cơ chế điều hành
Không như mọi đợt tăng giá trước, hiện tượng treo biển “hết hàng” vẫn chưa chấm dứt. Việc nhập xăng dầu về hệ thống bán lẻ vẫn rất khó khăn. Một chủ cửa hàng xăng dầu lớn nhất phía Đông Hà Nội (xin giấu tên) than thở: “Cứ tưởng việc nhập hàng chỉ khó khăn trong cuối tuần vừa qua nhưng ngay cả khi đã được tăng giá, đến hôm nay, 29/8, chúng tôi vẫn không thể nhập được xăng”.
Hiện, chủ cây xăng này vẫn đang trưng biển “hết hàng”. Kể từ thứ 6 tuần trước, 24/8, sau khi có thông tin tăng giá, cây xăng này đã không lấy thêm được giọt xăng nào. Cho đến ngày 27/8, bồn xăng đã cạn sạch. Tình huống này buộc các công ty nhỏ, chủ các cây xăng lẻ này phải nhờ nhau nhập hộ ở đầu mối khác nhưng vẫn không ăn thua.
“Nguyên nhân lại vẫn là chuyện lỗ. Trước đây, họ tìm mọi cách để găm hàng chờ tăng giá thì nay, họ cũng tìm mọi cách để hạn chế sản lượng bán ra. Vì càng bán nhiều, càng lỗ nhiều”, vị chủ cây xăng này bình luận.
Giá xăng tăng nhưng hoa hồng vẫn không tăng. SaigonPetro cho hay, chiết khấu hoa hồng vẫn giữ ở mức 300 đồng/lít sau 2 đợt tăng giá. Trong khi đó, chi phí vận tải của các chủ cây xăng đã chiếm khoảng 150 đồng/lít nên chắc chắn, cây xăng cũng lỗ. Hiện, DN này đang ký hợp đồng cung cấp cho 30 tổng đại lý và 100 cây xăng bán lẻ trực tiếp. Dù nguồn hàng vẫn đảm bảo theo hợp đồng nhưng sau đó, SaigonPetro cũng không thể kiểm soát được việc 130 đối tác này có bán hàng thông suốt đúng quy định không?
Theo phân tích của DN này, chiêu đối phó phổ biến là các cửa hàng lẻ giảm nhân viên trực bồn, đóng cửa sớm, mở bán muộn để giảm lỗ.
Hiện, hoa hồng của Petrolimex ở khu vực Hà Tây cũ, Hòa Bình đang xoay quanh mức 200 đồng/lít đối với xăng, 300 đồng/lít đối với dầu. Hoa hồng của PVOil ở mức 240 đồng/lít xăng, 300 đồng/lít dầu từ Hải Phòng nhưng về tới Hà Nội, trừ chi phí vận tải, cây xăng lẻ chỉ còn được hưởng khoảng 80 đồng/lít đối với dầu, riêng xăng là âm.
Sau 4 lần tăng giá xăng dầu theo cơ chế thị trường, thị trường xăng dầu đã lộ nhiều điểm bất ổn. Tăng giá, hoa hồng thấp, lỗ rồi lại tăng giá, lại lỗ, đó là một vòng luẩn quẩn mà điều hành xăng dầu đang vấp phải khi giao quyền định giá cho DN. Hướng tháo gỡ vòng luẩn quẩn này có lẻ chỉ còn trông mong vào thuế nhưng cho đến nay, Bộ Tài chính vẫn bảo lưu quan điểm giữ thuế.
Phạm Huyền