Chuyện lạ về cảnh sát giao thông Việt Nam biết lịch sự với người dân! - Dân Làm Báo

Chuyện lạ về cảnh sát giao thông Việt Nam biết lịch sự với người dân!

Huy Cương (Danlambao) -  Sáng hôm nay khi đi tập thể dục ở công viên, tôi tình cờ nghe lỏm được câu chuyện của mấy ông bạn già như sau: 

- Này, ông có xem báo mình đưa tin là cảnh sát giao thông ở Đà nẵng khi thấy người dân ở tỉnh khác vì không biết đường đi nhầm vào đường cấm đã không bắt phạt mà còn tận tình chỉ dẫn cho lái xe đi đúng đường trong thành phố không? - Một ông khơi chuyện. 

- Làm đ... gì có chuyện ấy ở Việt nam - Mấy ông bạn khác nhao nhao lên phản đối.

Câu chuyện trên của mấy ông già đi tập thể dục sáng đã kích thích tính tò mò trong tôi. Khi tập thể dục về đến nhà tôi liền tra mạng internet để tìm hiểu sự việc trên. Tôi liền sử dụng công cụ tìm kiếm google thì thấy một hiện tượng là nếu tra những từ khóa như "công an đánh dân, công an đánh chết dân, công an đánh gãy cổ dân, công an bắn chết dân, bắn bị thương dân, cảnh sát giao thông ăn tiền hối lộ của dân..." thì được vô vàn kết quả. Còn tra từ khóa:"công an lịch sự với dân" thì chả thấy kết quả nào cả. Chả nhẽ câu chuyện trên của mấy ông bạn già là bịa đặt chăng? Tôi cố công tìm kiếm, cuối cùng cũng thấy được bài báo nói về công an giao thông Đà nẵng đã biết lịch sự với dân. 

Ngay cái đầu đề: "Chuyện lạ về cảnh sát giao thông lịch sự với dân!" đã phản ánh rất rõ một nghịch lý đang diễn ra hàng ngày ở xã hội Việt nam là nạn ăn hối lộ, nhũng nhiễu dân của công an Việt nam đã trở thành bản chất của ngành công an VN. Việc chỉ đường cho người lạ khi đến thành phố của mình tôi nghĩ chỉ là hành động rất bình thường của những người có văn hóa với nhau, chứ đừng nói nói đó là một trong những nhiệm vụ của cảnh sát trong xã hội "văn minh". Thế mà việc làm đó đã được nêu lên thành "chuyện lạ" ở xã hội Việt nam thì đủ thấy xã hội Việt nam đã mục ruồng đến thế nào? (Mà đây là báo lề phải đăng hẳn hoi nhé, chứ không phải là những trang mạng "phản động" đưa tin nhằm bôi đen chế độ đâu!). Hành động "lịch sự với dân" của anh công an đó được coi là chuyện lạ vì cái tử tế rất tình người ấy vô cùng ít ỏi, hiếm hoi trong muôn vàn cái đểu giả, lưu manh mà người ta thường thấy hàng ngày ở bộ máy công quyền chuyên sách nhiễu dân để đến nỗi người dân không tin đó là chuyện thật. Kiếm được một anh cảnh sát hiền từ, có văn hóa biết cư xử lễ độ với dân thật là khó, có khác nào như bây giờ kiếm được một ông cán bộ không biết tham nhũng, kiếm được một ông bác sỹ tận tình giúp đỡ bệnh nhân mà không đòi tiền hối lộ - thật là một việc "mò kim dưới đáy bể". Hiện tượng anh cảnh sát ở Đà nẵng biết lịch sự với dân chắc chắn là chuyện thật, nhưng hành động đó của anh chỉ như một tia sáng nhỏ nhoi lóe lên rồi lại tắt lịm trong bầu trời tăm tối khi mà nạn tham nhũng đã trở thành quốc nạn, trở thành " thương hiệu" của chế độ cộng sản. Tôi thử hỏi nếu như có một người nước ngoài hoặc những người Việt nào đã từng sống ở nước ngoài sẽ nghĩ sao khi đọc được bài báo trên? Họ sẽ nghĩ gì về ngành công an Việt nam? Thật là đáng xấu hổ! 

Từ xa xưa, dân gian đã có câu thơ: 

"Công an, phòng thuế, kiểm lâm 
Trong ba thằng ấy biết đâm thằng nào" 

Tôi, cũng như bao người dân Việt Nam khác vốn không có ác ý gì với ngành công an cả. Đây chỉ là một ngành cần thiết như bao ngành khác trong bất kỳ một xã hội nào. Nhưng điều đáng nói là công an dưới chế độ cộng sản đã trở thành những hung thần trong con mắt người dân, lực lượng công an chỉ còn biết trở thành công cụ chuyên chính trong tay Đảng để làm nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi cho Đảng và tất nhiên phải tranh thủ vơ vét, làm giàu cho bản thân. Từ chỗ xuất phát ban đầu là những thanh niên hiền lành, chất phác, dần dần lực lượng công an đã không còn giữ được cảm tình trong con mắt nhân dân nữa. 

Ai đã từng đọc "Số đỏ" của nhà văn Vũ Trọng Phụng thì hẳn còn nhớ là dưới thời Pháp thuộc, cả thành phố Hà nội chỉ có khoảng 60 cảnh sát (police) làm nhiệm vụ giữ gìn trật tự trong thành phố. Nhiều hôm những ông cảnh sát này đi tuần cả ngày mà chả bắt được một mống tội phạm nào đành phải đi phạt mấy con chó ỉa rông ngoài phố. Tất nhiên Hà nội lúc đó ít dân hơn bây giờ. Không hiểu sao bây giờ tội phạm ở đâu mà sinh ra lắm thế? Đất nước đã hòa bình được bao nhiêu năm, nhân dân một lòng tin yêu Đảng, tin yêu Chính phủ mà sao lại sinh ra lắm "thế lực thù địch" thế?. Giờ đây lực lượng công an đã phình to ra tỷ lệ thuận với đủ loại tệ nạn xã hội. Tôi cũng không rõ số thống kê là hiện nay lực lượng công an (cả chìm và nổi) ở cái thành phố Hà nội này là bao nhiêu? Chỉ khổ cho người dân lao động quanh năm vất vả làm ăn, còng lưng đóng thuế để cõng trên lưng mình những con ký sinh trùng ngày càng bám chặt vào những tấm thân gầy rộc. 

Tôi có thằng cháu gọi bằng chú làm cảnh sát. Có một lần cháu đến chơi, trong lúc trò chuyện tâm tình, cháu khoe với tôi: 

- Tháng này đồn chúng cháu vượt chỉ tiêu Quận giao chú ạ! 

Tôi không hiểu chỉ tiêu trên giao cho các cháu là gì? Hỏi lại thì nó giải thích là chỉ tiêu phạt! Chao ơi! Thật không tưởng tưởng nổi là ở trên đời này lại có chỉ tiêu phạt giao cho cảnh sát? Các bạn đã bao giờ để ý quan sát cảnh cảnh sát giao thông và dân phòng hàng ngày đứng núp ở những góc phố bỗng nhiên lao vút ra như con Diều hâu vồ đàn gà con khi thấy một người dân nào đã trót không đội mũ bảo hiểm hoặc đội mũ không cài quai. Chắc là cố phạt cho được để có tiền nộp cho đủ cái chỉ tiêu quái đản kia giống như cái chế độ đã sinh ra nó! 

Tôi bảo với cháu: Việc phạt tội phạm hàng ngày bao nhiêu là phụ thuộc vào thực tế mức độ phạm tội diễn ra hàng ngày, làm sao mà định mức khoán như khoán sản phẩm cho công nhân sản xuất được. Việc khoán phạt là hoàn toàn vô lý và rất bất lương. Thế hàng ngày không có người phạm tội thì các cháu lấy đâu ra tiền mà nộp cho cấp trên. Khoán phạt cho công an có khác gì trong bệnh viện khoán cho ông bác sĩ mổ tim, mổ thận hàng ngày phải đè ra đủ số bệnh nhân để mổ cho đủ chỉ tiêu? 

Tôi kể cho cháu nghe một chuyện có thật thời xưa là ở một số vùng quê hồi kháng chiến chống Mỹ có phong trào đặt vòng tránh thai. Hội Phụ nữ giao cho một xã, một huyện nào đó phải đặt vòng cho đủ chỉ tiêu. Thế cho nên mới có chuyện là có xã, lực lượng thanh niên trong độ tuổi sinh đẻ đi ra tiền tuyền nhiều nên để đủ chỉ tiêu trên giao hội Phụ nữ vận động cả những bà cụ già không còn sinh nở được nữa cũng tham gia đặt vòng tránh thai để cho đủ chỉ tiêu. 

Có thể ở Đà nẵng không có chính sách khoán phạt cho cảnh sát nên anh cảnh sát trong "Chuyện lạ......" trên mới hành động đầy tình người như vậy! Dù sao chăng nữa đây cũng là một hành động đẹp đáng được ông Bộ trưởng bộ công an nhân lên thành điển hình học tập trong ngành vốn đang bị mất điểm trong con mắt người dân. 



*

Chuyện “lạ” về cảnh sát giao thông rất... lịch sự ở Đà Nẵng 

(Dân Việt) - “Hôm từ Đà Nẵng đi Hội An, tôi đi nhầm trên cầu cấm ô tô còn được anh CSGT nhắc nhở, dẫn đường đi ngược lại. Nhiều tỉnh, thành phố khác mà thế chắc chắn sẽ bị phạt”. 

Trong khi liên tục xuất hiện những chuyện không hay về lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) trên toàn quốc trong thời gian qua, thì câu chuyện về CSGT - Công an TP.Đà Nẵng lại là một động thái tích cực để người dân tin tưởng vào lực lượng này. 

*

Một buổi sáng cuối tháng 8, nhóm chúng tôi từ ngoại tỉnh vào Đà Nẵng bằng xe ô tô của cơ quan. Khi vào TP.Đà Nẵng, người lái xe do không thuộc đường nên đi vào đường cấm ô tô và đã bị CSGT yêu cầu dừng xe. Tuy nhiên, khác với lối hành xử “bình thường” của CSGT ở Việt Nam, CSGT Đà Nẵng không những không xử phạt mà còn tận tình chỉ dẫn cho lái xe đi đúng đường trong thành phố. 

Câu chuyện “lạ lùng” này đã nhanh chóng tạo nên những cuộc thảo luận sôi nổi của chúng tôi trong chuyến đi này. Đặc biệt, nhiều người đã từng tiếp xúc với CSGT Đà Nẵng đều xác nhận rằng lực lượng CSGT thành phố này rất “lịch sự” với người tham gia giao thông. 

Chuyện không lạ của CSGT Đà Nẵng đang là chuyện lạ ở nhiều địa phương trong cả nước. Một anh bạn đi cùng kể: “Hôm từ Đà Nẵng đi Hội An, tôi đi nhầm trên cầu cấm ô tô còn được anh CSGT nhắc nhở, dẫn đường đi ngược lại. Nhiều tỉnh, thành phố khác mà thế chắc chắn sẽ bị phạt”. 

Với nhiều lỗi của xe máy, xe ô tô ngoại tỉnh đến với Đà Nẵng, CSGT tại thành phố này chỉ nhắc nhở và hướng dẫn như đi ngược chiều hoặc đi vào đường cấm, nhưng với các đối tượng xay xỉn, đánh võng, lạng lách... thì xử lý rất nghiêm. Câu chuyện về cách hành xử của CSGT Đà Nẵng khiến rất nhiều người ngạc nhiên và mong muốn sẽ được CSGT ở các địa phương khác học tập. Một anh bạn nói vui: “Mong sao những việc tốt này được nhân rộng ra cả nước”. 

Nhiều người cho rằng, một việc đáng ra là rất bình thường so với chức trách, nhiệm vụ của CSGT thì bây giờ lại thành một chuyện lạ, một điển hình để người dân mong muốn CSGT nơi mình sinh sống noi theo. 



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo