Đào Tuấn - Trong vô số những thông tin về luật thuế TNCN, rất hài hước, tờ PL TP dẫn lời “một lãnh đạo Ủy ban TC-NS” của Quốc hội “tiết lộ” trong 3 năm thực hiện luật thuế “đã đầu tư rất nhiều tiền để xây dựng phần mềm quản lý thuế. Nay nếu số lượng người nộp thuế giảm đi thì sẽ gây ra sự lãng phí lớn”.
Vị quan chức nọ không nói rõ “đầu tư rất nhiều tiền” là bao nhiêu. Cũng không giải thích “sự lãng phí lớn” là lãng phí so với cái gì.
Chiều qua, Chính phủ tiếp tục bảo lưu đề xuất nâng mức khởi điểm chịu thuế từ 4 lên 9 triệu đồng/tháng và mức giảm trừ cho người phụ thuộc từ 1,6 triệu lên mức 3,6 triệu đồng/tháng, dù theo tính toán, sự thay đổi khiến cho số người nộp thuế TNCN giảm từ 3,8 triệu người xuống chỉ còn khoảng 1 triệu, tương ứng là nguồn thu ngân sách giảm đi mỗi năm 14.000-15.000 tỷ đồng.
Sự giảm trừ nguồn thu ngân sách, và “sự lãng phí phần mềm quản lý” là hai trong những lý do khiến Ủy ban TC-NS cũng tiếp tục bảo lưu đề nghị giảm mức khởi điểm từ 9 triệu đồng xuống còn 7 triệu và giảm mức giảm trừ từ 3,6 triệu xuống còn 2,8 triệu.
Đề xuất này được đưa ra ngay trước và ngay trong phiên họp của Ủy ban thường vụ QH, chỉ 1 tuần sau khi một ủy ban khác, Ủy ban Kinh tế, cũng của Quốc hội- công bố báo cáo kinh tế vĩ mô 2012 với một hiện thực thuế, phí rành rành hai chữ: “Quá cao”, khi thuế, phí chiếm tới 21,3% GDP, cao gấp từ 1,4 đến 3 lần các nước trong khu vực. Trong thực tế, cần phải nói thêm rằng, người dân cứ “mở mắt” là đã phải đóng thuế (gián thu). Thuế từ bát phở sáng, cốc trà đá, cho đến lít xăng mỗi ngày. Chứ đâu phải chỉ bị thuế trực thu đánh lên khoản thu nhập vốn đã ngày càng bèo bọt vì lạm phát hai con số trong suốt 5-7 năm qua.
Có thể, ở giác độ giám sát tài chính, ngân sách, Ủy ban TC-NS lo lắng cho ngân khố bị giảm thu, chắc cũng sẽ giải thích là “vì dân”. Nhưng suy cho cùng, nếu việc giảm thu đó xuất phát từ việc nới bớt các khoản đóng góp trực tiếp từ túi người dân, thì người dân sẽ nhìn thấy rõ hơn sự vì dân trong cách chính sách thuế, mà nói cách nào thì bản chất vẫn là thu từ dân để nuôi nhà nước. Hơn nữa, khó có thể thông cảm cho việc một ủy ban, gồm toàn những người đại diện cho dân chúng, lại đề xuất một thứ thuế lo cho cái chung chung là ngân sách nhà nước, thay vì đại diện cho quyền lợi trực tiếp của người dân.
Chiều qua, Chủ nhiệm Ủy ban TC-NS Phùng Quốc Hiển tính toán rằng: Hiện 51 triệu người có thu nhập, trong đó hơn 12, 6 triệu phải kê khai, và số phải nộp chỉ là 3,8 triệu. “Nếu so với Trung Quốc với Mỹ thì chúng ta chẳng còn ai phải nộp thuế. Chúng tôi đã nhìn với mức rất rộng rồi”- ông nói.
Nghe phát biểu của ông Hiển, người ta không thể không liên tưởng lại câu chuyện “đĩa rau muống xào ở Thượng Hải tới 200 nghìn, nhưng ở Việt Nam chỉ mấy chục” của một nghị viên mà Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan gọi thẳng là “nghị sĩ rau muống”. Thực ra, chính xác phải là “Nghị sĩ phi rau muống”. Bởi nếu một nghị sĩ không nhìn thấy cuộc sống khó khăn của người dân, nhìn từ nước ngoài nhìn sang, hoặc tệ hơn, nhìn với lăng kính của một người đã lâu lâu “không ăn rau muống”, không làm dân, thì làm sao một chính sách có thể nói là vì dân được.
Cũng may là hôm qua, người dân còn được thấy những “nghị sĩ ăn rau muống”, hiểu được nỗi khốn khó của những người dân bị thuế phí “chất củi trên vai”. Bởi sự phản ứng của dư luận, cũng chính là những giọt nước cuối cùng rơi xuống chiếc cốc đã đầy sự kiên nhẫn và chịu đựng.
Một phần mềm quản lý không được sử dụng hết công xuất có thể là một sự lãng phí, nhưng liệu có sự lãng phí nào lớn hơn sự kiên nhẫn và sức chịu đựng người dân với những chính sách, những ý kiến vừa khiếm nhã, vừa thiếu thực tế, vừa đè đầu cưỡi cổ dân chúng.