Bảo Cầm - Anh Vương - Thanh Xuân (Thanh Niên) - Thay vì giữ nguyên mức khởi điểm chịu thuế thu nhập cá nhân 9 triệu đồng/tháng và mức giảm trừ gia cảnh 3,6 triệu đồng/người/tháng như Tờ trình của Chính phủ, Ủy ban Tài chính Ngân sách QH vừa họp và đề xuất mức khởi điểm chịu thuế là 7 triệu đồng, mức giảm trừ gia cảnh là 2,8 triệu đồng/tháng và mỗi người nộp thuế chỉ được giảm trừ cho 2 trường hợp.
Những mức trên được đưa ra tại phiên Ủy ban Tài chính Ngân sách (UBTCNS) QH họp thẩm tra sơ bộ về dự luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) sửa đổi ngày 7.9, với quan điểm mức khởi điểm chịu thuế 9 triệu đồng/tháng và mức giảm trừ gia cảnh 3,6 triệu đồng/tháng là cao. Quan điểm này đã khiến các chuyên gia tài chính bất ngờ.
Tôi thật sự không hiểu vì sao UBTCNS QH muốn giảm xuống, vì thường từ trước tới nay Chính phủ trình thấp, UB thẩm tra nâng lên mức cao hơn. Cơ quan nhà nước muốn bảo vệ nguồn thu NSNN nhưng cũng phải nhìn vào đại bộ phận người dân còn đang khó khăn hiện nay chứ
TS Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế
Lo ảnh hưởng nguồn thu ngân sách
Dù khẳng định việc sửa đổi luật lần này không tạo gánh nặng về nghĩa vụ tài chính đối với người dân, nhưng theo Tiểu ban Chính sách và thu ngân sách của UBTCNS QH, dự luật phải đảm bảo nguồn thu cho ngân sách nhà nước (NSNN). Tiểu ban này cho biết dù có ý kiến tán thành với đề xuất nâng mức khởi điểm chịu thuế lên 9 triệu đồng và nâng mức giảm trừ gia cảnh lên 3,6 triệu đồng/tháng, nhưng một số ý kiến lại cho rằng, việc nâng mức khởi điểm chịu thuế và giảm trừ gia cảnh như vậy là cao. Bên cạnh đó, đề xuất này “sẽ thu hẹp số lượng người nộp thuế, làm sai lệch bản chất thuế TNCN; ảnh hưởng đến nguồn thu NSNN”.
Cũng theo tiểu ban này, hiện trong bộ máy nhà nước có một bộ phận cán bộ, công chức đang hưởng mức lương thấp hơn mức giảm trừ gia cảnh 3,6 triệu đồng/người/tháng, do đó nếu quy định mức giảm trừ gia cảnh 3,6 triệu là chưa bảo đảm công bằng; không khuyến khích người dân tham gia lao động.
“QH phải nâng lên, chứ sao lại hạ xuống ?”
Chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Minh Phong cho biết ông bất ngờ và không hiểu tại sao UBTCNS QH lại muốn giảm mức đề xuất xuống. “Chúng tôi đã kiến nghị rất nhiều lần khi Bộ Tài chính lấy ý kiến sửa đổi dự thảo luật là cần phải tính khởi điểm chịu thuế theo mức lương tối thiểu, ít nhất là gấp 10 lần. Căn cứ cho đề xuất này để đảm bảo đời sống của người dân không gặp khó khăn khi kinh tế biến động, lạm phát cao. Bộ Tài chính đề xuất mức khởi điểm chịu thuế tăng từ 4 triệu đồng lên 9 triệu đồng và mức giảm trừ gia cảnh từ 1,6 triệu đồng/người lên 3,6 triệu đồng/người/tháng, theo tôi cũng là mức chấp nhận được nếu đặt trong điều kiện của năm 2014 có GDP tăng 6,5-7% và lạm phát dưới 2 con số theo như chỉ tiêu QH đề ra. Nhưng ai dám đảm bảo con số này sẽ không bị lạc hậu những năm sau đó khi mà thu nhập bình quân đầu người và chi tiêu của người dân tăng lên”, TS Phong nói. Ông nhấn mạnh: “Tôi thật sự không hiểu vì sao UBTCNS QH muốn giảm xuống, vì thường từ trước tới nay Chính phủ trình thấp, UB thẩm tra nâng lên mức cao hơn. Cơ quan nhà nước muốn bảo vệ nguồn thu NSNN nhưng cũng phải nhìn vào đại bộ phận người dân còn đang khó khăn hiện nay chứ”.
Đồng tình với ý kiến này, TS Lê Đăng Doanh cho rằng: “Khởi điểm chịu thuế 9 triệu đồng/người ở vào thời điểm 2014 và mức giảm trừ gia cảnh 3,6 triệu đồng là những con số mà Bộ Tài chính đã nghiên cứu chán chê rồi. Nếu UBTCNS QH sợ giảm thu ngân sách thì hoàn toàn không hợp lý vì hiện nay số người nộp thuế bậc 1 chiếm đại đa số nhưng nộp thuế lại ít nhất. Thực tế, nguồn thu theo Bộ Tài chính tính toán cũng chỉ bị ảnh hưởng khoảng 5.000 tỉ đồng trong năm 2013 nếu áp dụng từ giữa năm 2013”. TS Lê Đăng Doanh nhấn mạnh: “Lý thuyết kinh tế (quy luật của đường cong Lapffer) cho thấy chỉ khi có những mức thuế suất thấp nhất thì nền kinh tế mới thu được nhiều thuế nhất, khuyến khích được mọi người hăng hái đầu tư. Đó là chính sách nuôi dưỡng nguồn thu và khoan sức dân. QH hay Bộ Tài chính phải có tầm nhìn dài hạn và đặt trong bối cảnh người lao động, người làm công ăn lương còn đang gặp nhiều khó khăn hiện nay. Mọi thứ thuế từ VAT, thu nhập doanh nghiệp, phí, lệ phí chồng chất và quá cao, nay lại thêm thuế TNCN mới đề xuất lên 9 triệu kể từ 2009 đến 2014 mà đã bảo là cao thì cần phải xem xét lại”.
Đề xuất của UBTCNS QH về việc giảm mức thu nhập khởi điểm chịu thuế và mức chiết trừ gia cảnh đã đi ngược lại nguyện vọng của người dân - Ảnh: Diệp Đức Minh
Trái đạo lý
TS Nguyễn Minh Phong góp ý thêm: “Về lạm phát và trượt giá, dự thảo luật quy định nếu vượt 20% thì UBTVQH quyết định mức chịu thuế. Đây là tín hiệu tốt, tuy nhiên con số này liệu có phù hợp hay không khi mà những năm tới, chỉ tiêu lạm phát chỉ là dưới 10%, thậm chí thấp hơn. Nếu lạm phát 15% hay 19% thì có phải là cao hay không, đời sống người dân có bị khó khăn về trượt giá hay không? Về bậc thuế, chúng tôi cũng kiến nghị nếu để 7 bậc như hiện nay là quá dày. Quan điểm của luật thuế là thu trên diện rộng, người thu nhập ít nộp ít, thu nhập cao nộp nhiều. Thế nhưng, rõ ràng trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, việc điều tiết này cũng nên thận trọng đối với những người làm công ăn lương. Nên chăng bỏ bậc 1 có thuế suất 5%, lấy bậc khởi đầu là 10%, đồng thời giãn cách giữa các bậc thay vì để dày như hiện nay”.
Luật gia Nguyễn Thái Sơn, Giám đốc Công ty tư vấn thuế Sài Gòn, nguyên Trưởng phòng Thuế TNCN, Cục Thuế TP.HCM, cho biết ông bất ngờ khi nghe đề xuất của UB TCNS QH. Ông nhấn mạnh thêm rằng việc UBTCNS QH đề xuất khống chế “mỗi người nộp thuế chỉ được giảm trừ cho 2 trường hợp” là hoàn toàn không hợp với đạo lý. Vì thực tế rất nhiều trường hợp có 3 con trở lên, phải phụng dưỡng cha mẹ… Việc không cho các trường hợp này được giảm trừ gia cảnh là không thể chấp nhận được.
Nhiều chuyên gia khác cho rằng dù tình hình thu ngân sách khó khăn nhưng không thể không thấy thực tế là luật Thuế TNCN được xây dựng và thông qua vào năm 2007. Mức lương tối thiểu lúc đó là 450.000 đồng đã được điều chỉnh lên 1,05 triệu đồng (từ ngày 1.5.2012) trong khi mức giảm trừ gia cảnh không được nâng lên đồng nghĩa với việc người dân phải đóng thuế TNCN nhiều hơn trước rất nhiều. Chưa kể tình hình lạm phát những năm qua tăng nhanh đã xói mòn thu nhập của người dân. Không tính đến những vấn đề này tức những người đưa ra đề xuất giảm mức thu nhập tính thuế và giảm trừ gia cảnh chưa đặt mình vào hoàn cảnh của người dân.
Tăng giảm trừ gia cảnh để chia sẻ khó khăn với dân
Trong Tờ trình về dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Thuế TNCN, Chính phủ dẫn kết quả điều tra của Tổng cục Thống kê năm 2010 cho biết, thu nhập bình quân đầu người năm 2010 là 1,387 triệu đồng/tháng, tốc độ tăng giai đoạn 2008 - 2010 là 18,1%, chi tiêu bình quân đầu người năm 2010 là 1,211 triệu đồng/tháng, tốc độ tăng giai đoạn 2008 - 2010 là 23,6%. Dự kiến từ 2011 - 2015, tốc độ tăng thu nhập và chi tiêu mỗi năm khoảng 20% thì đến năm 2014, mức thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 2,8 triệu đồng/tháng, mức chi tiêu bình quân đầu người đạt khoảng 2,75 triệu đồng/tháng.
Lý giải cho việc đề xuất nâng mức khởi điểm chịu thuế từ 4 triệu đồng lên 9 triệu đồng và mức giảm trừ phụ thuộc từ 1,6 triệu đồng lên 3,6 triệu đồng/tháng, Chính phủ cho rằng mức giảm trừ này bảo đảm cao hơn mức thu nhập bình quân đầu người vào thời điểm năm 2014 và các năm sau theo tính toán ở trên. “Trong bối cảnh lạm phát ở mức cao, đời sống còn khó khăn, thu nhập của người dân còn thấp như hiện nay (so sánh với các nước trong khu vực, GDP bình quân đầu người của nước ta chỉ bằng 0,262 lần Trung Quốc, bằng 0,257 lần Thái Lan, bằng 0,158 lần Malaysia, bằng 0,392 lần Indonesia và 0,604 lần Philippines) thì việc nâng mức giảm trừ gia cảnh lên 3,6 triệu đồng vừa đạt mục tiêu giảm động viên vừa hướng được vào đối tượng có khó khăn, vừa có ý nghĩa xã hội, thể hiện sự chia sẻ của nhà nước với nhân dân”, Chính phủ nhận định.
Bảo Cầm
Bảo Cầm - Anh Vương - Thanh Xuân
http://www.thanhnien.com.vn/pages/20120911/ngo-ngang-thue-thu-nhap-ca-nhan.aspx
http://www.thanhnien.com.vn/pages/20120911/ngo-ngang-thue-thu-nhap-ca-nhan.aspx