Ông Dương Văn Cừ sợ gì trong Hiến pháp 1946? - Dân Làm Báo

Ông Dương Văn Cừ sợ gì trong Hiến pháp 1946?

Bùi Văn BồngTrong bài “Xã hội dân sự” – một thủ đoạn của diễn biến hòa bình” đăng trên báo Nhân dân ngày 31-8 mới rối, tác giả Dương Văn Cừ viết: “Ðáng chú ý là một số đối tượng cơ hội chính trị có quan điểm chống đối cực đoan đã lợi dụng một số tổ chức quần chúng hợp pháp để tổ chức các hội thảo, tọa đàm, diễn đàn có nội dung đòi hỏi đưa Hiến pháp 1992 trở về Hiến pháp năm 1946, trưng cầu ý dân về Ðiều 4 cũng như toàn bộ Hiến pháp, lập Tòa án Hiến pháp, thúc đẩy XHDS và thực hiện các quyền tự do dân chủ, tự do ngôn luận, báo chí, lập hội theo tiêu chí phương Tây, tư hữu hóa đất đai… Nếu thực hiện các nội dung này theo ý đồ của họ thì chế độ XHCN thực tế sẽ không còn tồn tại ở Việt Nam. Ðây là phương thức đấu tranh công khai rất nguy hiểm, nếu không cảnh giác có thể sẽ giúp các thế lực thù địch lợi dụng các tổ chức XHDS để đưa ra những kiến nghị nhằm thay đổi thể chế, thay đổi hệ thống luật pháp XHCN bằng luật pháp dân chủ, tư sản”...

Trước hết, mang tên là báo Nhân dân, nhưng chính tờ báo này là nhật báo của Đảng, chủ yếu tuyên truyền quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, nêu gương thành tích, còn những nội dung nêu lên thực trạng, bức xúc của nhân dân về đời sống, xã hội, tiếng nói của nhân dân một cách tự do, thực sự dân chủ còn rất ít và thiếu mạnh dạn. Ngay trong bài này, tác giả Dương Văn Cừ đã công khai phản đối sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, phủ nhận đường lối thực thi dân chủ của Đảng. 

Lẽ nào Ban biên tập báo Nhân dân duyệt cho đăng bài này hầu như chưa hiểu cặn kẽ, sâu sắc về hệ thống chính trị suốt 82 năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng, một XHDS Việt Nam đã đống góp tích cực và hiệu quả cho nhiều phong trào cách mạng, nhất là những khi Tổ quốc bị xâm lăng và xã hội gặp nhiều khó khăn, ách tắc. Tác giả bài viết và Ban biên tập báo Nhân dân đã hiểu sai lệch về XHDS trong chế độ XHCN ở Việt Nam. Nhất là khi nước ta tiến hành công cuộc đổi mới, phát triển nền kinh tế thị trường nhiều thành phần, hội nhập WTO, mở rộng quan hệ quốc tế, “muốn làm bạn với tất cả các nước”, rất cần quan tâm phát huy thế mạnh và bản chất ưu việt của XHDS theo đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước.

Ông Cừ đã quên rằng, hệ thống các tổ chức quần chúng, các hội nghề nghiệp đều là Tổ chức quần chúng của Đảng, được Nhà nước cho phép hoạt động đùng pháp luật. Đúng như tác giả Đào Tiến Thi đã viết trong bài: “Tôi nghĩ Đảng CSVN không tẩy chay xã hội dân sự” là bài viết kịp thời, có lập luận chắc chắc, minh dẫn và phân tích rất có lý (Xem bài LINK này:http://webwarper.net/ww/~av/anhbasam.wordpress.com/2012/09/01/1232-toi-nghi-dang-ta-khong-chu-truong-tay-chay-xa-hoi-dan-su/ .

Thuật ngữ xã hội dân sự xuất hiện lần đầu tiên ở châu Âu vào thế kỷ 16 và trở nên phổ biến vào thế kỷ 18. Xã hội dân sự cấu thành từ tổng thể của các tổ chức xã hội và dân sự tự nguyện mà các tổ chức này tạo nên cơ sở của một xã hội tự vận hành, khác với các cấu trúc quyền lực của một nhà nước (bất kể hệ thống chính trị của nhà nước này thuộc kiểu gì) và các thể chế thương mại của thị trường. Xã hội dân sự là “Diễn đàn giữa gia đình, nhà nước và thị trường, nơi mà mọi con người bắt tay nhau để thúc đẩy quyền lợi chung". Trung tâm Xã hội dân sự của Trường đại học kinh tế London định nghĩa Xã hội dân sự như sau: “Xã hội dân sự đề cập tới một mảng các hoạt động tập thể tự nguyện xung quanh các giá trị, mục tiêu, ý thích chung. Xã hội dân sự thường bao gồm một sự đa dạng về phạm vi hoạt động, các thành viên tham gia và các hình thái tổ chức, khác nhau về mức độ nghi lễ, tự do và quyền lực. Xã hội dân sự thường được hình thành dưới dạng các tổ chức như các hội từ thiện, các hiệp hội, các công đoàn, các nhóm tương trợ, các phòng trào xã hội, các hiệp hội kinh doanh, các liên minh, và các đoàn luật sư…”.

Trở lại với trích đoạn đầu bài trên đây, không hiểu sao bỗng nhiên ông Cừ lại tỏ ra sợ, né tránh, thậm chí phủ nhận bản Hiến pháp gốc, căn bản của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Ông Cừ viết là có sự lợi dụng dân chủ này-nọ để “đòi hỏi đưa Hiến pháp 1992 trở về Hiến pháp năm 1946”. Theo tôi được biết, Đảng, Nhà nước, Quốc hội đang phát động toàn Đảng, toàn dân tham gia ý kiến sửa lại Hiến pháp. Có những ý kiến đề xuất là đừng bỏ đi những giá trị dân chủ rất nền tảng và căn bản khẳng định tính ưu việt của chế độ ta, tại sao lại phải né tránh? 

Hiến pháp 1946 là bản hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa được soạn thảo và được Quốc hội của Nhà nước công nông non trẻ thông qua vào ngày 9-11-1946 với 240 phiếu tán thành (trên 242 phiếu). Ủy ban dự thảo Hiến pháp được thành lập theo Sắc lệnh số 34-SL ngày 20-9-1945 gồm có 7 thành viên: Hồ Chí Minh, Vĩnh Thụy, Đặng Thai Mai, Vũ Trọng Khánh, Lê Văn Hiến, Nguyễn Lương Bằng, Đặng Xuân Khu ( Trường Chinh). Bản dự thảo Hiến pháp đã được soạn thảo và công bố vào tháng 11 năm 1945. Cũng phải kể đến Ban dự thảo Hiến pháp (Tiểu ban Hiến pháp) được Quốc hội bầu ra ngày 2-3-1946 gồm có 11 thành viên, trong đó có các thành viến như: Tôn Quang Phiệt, Cù Huy Cận, Nguyễn Đình Thi, Trần Duy Hứng, Đỗ Đức Dục, Huỳnh Bá Nhung, Trần Tấn Thọ, Nguyễn Cao Hách,… tiếp tục nghiên cứu và bổ sung để hoàn chính Hiến pháp trước khi trình ra Quốc hội. Trong phiên họp ngày 29-10-1946, Tiểu ban Hiến pháp được mở rộng thêm 10 đại biểu đại diện cho các nhóm, các vùng và đồng bào thiểu số để tu chỉnh dự thảo hiến pháp và trình ra Quốc hội ngày 2 tháng 11 năm 1946 để Quốc hội thảo luận, sửa chữa và thông qua.

Do được chuẩn bị soạn thảo rất kỹ và trưng cầu rộng rãi như vậy, Hiến pháp năm 1946 bao gồm lời nói đầu và 7 chương, 70 điều, được coi là bản Hiến pháp tuy ngắn gọn, nhưng đầy đủ, rất nhiều điều quy định trong Hiến pháp 1946 đã được nhân dân tán thưởng, đặt niềm tin, kỳ vọng vào chế độ chính trị tốt đẹp, thực sự dân chủ dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhà nước” của dân, do dân, vì dân”. Tại Hiến pháp này, quyền tự do của người dân trong chế độ độc lập, tự do, có điều kiện được hưởng nhân quyền, quyền mưu cầu hạnh phúc. Những điểm nhấn có giá trị dân chủ trong Hiến pháp 1946 là: “Đoàn kết toàn dân không phân biệt giống nòi, gái, trai, giai cấp, tôn giáo. Đảm bảo các quyền tự do dân chủ. Thực hiện chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của nhân dân. Với tinh thần đoàn kết, phấn đấu sẵn có của toàn dân, dưới một chính thể dân chủ rộng rãi, nước Việt Nam độc lập và thống nhất tiến bước trên đường vinh quang, hạnh phúc, cùng nhịp với trào lưu tiến bộ của thế giới và ý nguyện hoà bình của nhân loại… Tất cả công dân Việt Nam đều ngang quyền về mọi phương diện: chính trị, kinh tế, văn hoá. Tất cả công dân Việt Nam đều bình đẳng trước pháp luật, đều được tham gia chính quyền và công cuộc kiến quốc tuỳ theo tài năng và đức hạnh của mình. Ngoài sự bình đẳng về quyền lợi, những quốc dân thiểu số được giúp đỡ về mọi phương diện để chóng tiến kịp trình độ chung. Đàn bà ngang quyền với đàn ông về mọi phương diện. Công dân Việt Nam có quyền:

- Tự do ngôn luận
- Tự do xuất bản
- Tự do tổ chức và hội họp
- Tự do tín ngưỡng
- Tự do cư trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài...

Tư pháp chưa quyết định thì không được bắt bớ và giam cầm người công dân Việt Nam. Nhà ở và thư tín của công dân Việt Namkhông ai được xâm phạm một cách trái pháp luật. Quyền tư hữu tài sản của công dân ViệtNam được bảo đảm…”. Trong nhiều cái sợ về bản Hiến pháp 1946 mang đậm tư tưởng Hồ Chi Minh, ông Cừ sợ câu "tư hữu tài sản công dân" đã ghi trong Hiến pháp 1946 phải không?Trong đó có đất "đai là sở hữu toàn dân"? 

Ngày xưa chỉ có một nhóm địa chủ, bị cải cách ruộng đất dẹp bằng cách rất hà khắc và tang thương từ lâu rồi, dễ gì "ngóc đầu" nữa mà sợ? Nay "đất đai là sở hữu toàn dân, do Nhà nước quản lý", cá nhân người dân không có quyền "tư hữu đất đai", cho nên đã bị biết bao đại gia, chính quyền mượn cớ "đất Nhà nước" để cướp trắng tay, còn hơn địa chủ ngày xưa? Và làm như thế có coi là họ đã chiếm dành phần tư hữu những trang trại, đất đai, mặt bằng, dự án đó hay không? Có đúng pháp luật không? Công bằng xã hội ở đâu? Đất vàng đất bạc của họ, ai mà đụng đến được?

Ông nói rằng cho dân cái quyền "sở hữu đất đai"là chính quyền và đại gia không thể vin cớ gọi là "nhà nước" để chiếm đoạt được dễ dàng chứ gì? Thế, thử hỏi: "Chính quyền và đại gia móc nối với nhau cưỡng chế thu hồi đất của dân như cướp ngày đã "trích phần trăm" cho ông những gì rồi?".

Đánh giá về giá trị của Hiến pháp 1946, Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, một chuyên gia về luật đánh giá: "Hiến pháp 1946 là một bản hiến văn hết sức ngắn gọn, súc tích. Toàn bộ bản hiến văn chỉ gồm 70 điều. Trong đó có những điều chỉ vẻn vẹn một dòng. (Ví dụ Điều 12 được viết như sau: "Quyền tư hữu tài sản của công dân Việt Nam được bảo đảm"). Một trong những lý do giải thích sự ngắn gọn này là: Hiến pháp 1946 đã được thiết kế theo tư tưởng pháp quyền". PGS-TS Phạm Duy Nghĩa, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho rằng Hiến pháp 1946 vẫn còn nguyên giá trị, bởi mỗi câu chữ trong đó đều "vang vọng tiếng dân". Đây là bản Hiến pháp được soạn thảo theo tinh thần phân chia quyền lực theo hướng xã hội dân chủ (thường được biết đến với thuật ngữ "tam quyền phân lập": lập pháp (Quốc hội), hành pháp (Chính phủ) và tư pháp (Tòa án) giống như Hiến pháp Hoa Kỳ và Hiến pháp của các nước cộng hòa khác. Về tam quyền phân lập, TBT Nguyễn Phú Trọng gần đây đã xác nhận là Đảng CSVN không chấp nhận nguyên lý này, cho rằng "tam quyền" chỉ là một sự phân công dưới sự lãnh đạo của Đảng là thôi!

Mặt khác, điểm đáng chú ý là Điều 10 bản Hiến pháp 1946 qui định rõ ràng các quyền tự do cá nhân: "Công dân Việt Nam có quyền: Tự do ngôn luận, tự do xuất bản, tự do tổ chức và hội họp, tự do tín ngưỡng, tự do cư trú, tự do đi lại trong nước và ra nước ngoài". Đây là những quyền tự do bị hạn chế trong các bản hiến pháp sau này.

Trong bài viết, ông Dương Văn Cừ còn thẳng cánh phê phán sự đòi hỏi: “các quyền tự do dân chủ, tự do ngôn luận, báo chí, lập hội theo tiêu chí phương Tây”. Ô hay! Vậy ông quên rằng, ngay phần mở đầu Bản Tuyên ngôn độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc ngày 2-9, đã đưa những “lập luận theo tiêu chí phương Tây”:

Hỡi đồng bào cả nước!

"Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hoá cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc".

Lời bất hủ ấy ở trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do.Bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 17913 cũng nói:

"Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi".
Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được…”.

Với bài viết đăng trên báo Đảng, ông Cừ nói là "một số đối tượng ... đòi hỏi đưa Hiến pháp 1992 trở về Hiến pháp năm 1946 ...". Chắc chắn ông Cừ cũng biết rằng, những ý kiến "đòi hỏi" như vậy không ai đòi bê nguyên xi Hiến pháp 1946, mà người ta chỉ yêu cầu cho dù có sửa lại, bổ sung Hiến pháp mới cho phù hợp thời thế, nhiệm vụ mới thì cũng nên tôn trọng, giữ lại và nâng cao những nội dung rất cách mạng, khoa học và cơ bản, không nên xem nhẹ hoặc bỏ qua những nội dung thiết thực, có lợi cho nền dân chủ thực sự, cho quốc gia, dân tộc. Theo ông Cừ có nên coi Hiến pháp đạo luật cơ bản, hay chỉ là thứ văn bản trang trí, làm đẹp cho chế độ hay là chuẩn mực của mọi người, bảo đảm quyền và nghĩa vụ của nhân dân để ai cũng "sống và làm việc" theo hiến pháp, pháp luật? Có những điều hiến pháp qui định nhưng đến nay người cầm quyền vẫn né tránh không luật hóa như tự do ngôn luận, biểu thị thái độ, hội họp, tự do đi lại, cư trú, luật biểu biểu tình...? 

Ai có những hành động vi hiến khi ra nghị định, quyết định, thông tư, chỉ thị trái với hiến pháp? Tính "ưu việt" (hay sự hơn hẳn về dân chủ, nhân quyền) của chế độ XHCN là gì ? Phải chăng là hơn hẳn ở chỗ không thực hiện theo đúng Điều 1 của chương Chính thể trong Hiến pháp 1946: “Nước Việt Nam là một nước dân chủ cộng hoà. Tất cả quyền binh trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo”. Muốn là chế độ “hơn hẳn” tại sao lại tổ chức các mạng lưới ngăn chận tự do phát biểu chính kiến? Tại sao công an tùy tiện đánh chết phạm nhân mà vẫn không bị truy tố theo luật định? “Ưu việt" là vì xem đất đai là sở hữu toàn dân, sợ giao quyền sử dụng lâu dài cho dân sẽ "phục hồi địa chủ", "trỗi dậy tư hữu"? Tạo kẻ hở "do nhà nước quản lý" để rồi sinh ra "một bộ phận không nhỏ" trong Đảng cầm quyền trở thành cường hào ác bá, tham nhũng tràn lan? Rồi cả những hành động liên tục ngăn chặn, đàn áp, qui chụp những người yêu nước là phản động, bị các "lực lượng thù địch" xúi giục để lật đổ chế độ?...

Ông Cừ còn viết: "...nếu không cảnh giác có thể sẽ giúp các thế lực thù địch lợi dụng các tổ chức XHDS để đưa ra những kiến nghị nhằm thay đổi thể chế, thay đổi hệ thống luật pháp XHCN bằng luật pháp dân chủ tư sản”... Với cách lập luận này, vô tình (hay hữu ý) ông Cừ bắt xẹo cho rằng những câu trích dẫn vào bản Tuyên ngôn Độc lập của Hồ Chủ tịch cũng mang màu sắc "dân chủ tư sản" hay sao? Ông muốn ám chỉ Bác Hồ đã "mồi mớm" cho việc thực thi dân chủ đúng đạo, đúng đời, đúng bản chất chế độ, "gợi ý" cho XHDS ngay từ 2-9-1945 chứ gì? Những quy định đó trong Hiến pháp 1946 là thể hiện cao độ tính dân chủ, thực thi xây dựng một chế độ dân chủ, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng một“nước Việt Nam độc lập, tự do, toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” như các Nghị quyết của Đảng đề ghi. Tất cả các Hiến pháp ban hành và sửa đổi cả gần chục lần trong 66 năm qua cũng phải dựa trên cái nền cơ bản của Hiến pháp nước Việt Nam dân chủ cộng hòa năm 1946. Thiết nghĩ, những quan điểm, nhận thức, lý luận đã cũ mèm, khô cứng và "một chiều", một thời được coi như sắc bén, không nên áp dụng để phân tích, đánh giá thực trạng xã hội hiện nay, nếu cần phải biên soạn lại cả những giáo trình còn mang tính áp đặt, sáo mòn, nói lấy được trong các trường Đảng để hoàn chỉnh, sát thực tế hơn. Xin hỏi ông Dương Văn Cừ: "Hiến pháp 1946 sai đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam ở chỗ nào, nguy cơ hại dân, phản quốc ở chỗ nào?". Thế mà, ngay trong dịp kỷ niệm 67 năm Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2-9, báo Nhân dân lại cho xuất bản một quan điểm lệch lạc những vấn đề đưa ra cùng lập luận ấu trĩ, ngang phè đến phát lạ, không hiểu vì lý do gì, động cơ gì mà báo Nhân dân và tác giả Dương Văn Cừ lại sợ, thể hiện rõ sự né tránh Hiến pháp 1946 đến thế?

----------------------------.
> Đọc thêm: 

1 - “Ông Hoàng Ngọc Vui cho biết Công an xã Kim Nỗ được trang bị còng số 8, gậy titan (dùi cui điện), gậy cao su. Những vật dụng này chỉ được phép sử dụng trong trường hợp cần phải trấn áp ngay những đối tượng nguy hiểm hoặc có thể gây ra hành vi nguy hiểm cho những người xung quanh. Ông Vui khẳng định tại phòng làm việc của UBND xã không thể cho phép công an sử dụng các dụng cụ này vào việc lấy lời khai. Cung cấp cho chúng tôi những bức ảnh chụp tay, chân ông Thuận với rất nhiều vết thâm tím, ông Nguyễn Mậu Tình, em ông Thuận, khẳng định anh mình đã bị trói, khóa rồi đánh để lấy lời khai nên mới như thế”.http://nld.com.vn/20120831103013281p0c1042/chet-bat-thuong-o-tru-so-cong-an.htm

2- "Dân chủ đã từng được đưa vào quốc hiệu của nước ta sau Cách mạng tháng tám. Đó chính là Nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Dân chủ là quyền lực thuộc về nhân dân. Tuy nhiên, dễ cảm nhận hơn thì dân chủ là việc chính sách, pháp luật được hình thành theo ý chí của đa số; chính kiến xã hội được hình thành trên cơ sở tranh luận xã hội. Đặc biệt, dân chủ đòi hỏi việc ban hành chính sách, pháp luật phải trải qua một quá trình tranh luận công khai, bình đẳng. Các bên, trong đó có công chúng, có cơ hội bày tỏ chính kiến. Và ý kiến của các bên đều phải được lắng nghe. Tranh luận là yếu tố quan trọng hàng đầu của một nền dân chủ hiệu quả. Như vậy, cách thức, quá trình ban hành chính sách, pháp luật không kém phần quan trọng so với nội dung của chính sách và pháp luật...".

> Tham khảo:



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo