Vấn nạn buôn người - Dân Làm Báo

Vấn nạn buôn người

Tô Văn Trường (Blog Người Lót Gạch)Chừng nào còn việc phụ nữ phải đi tự “bán mình” như vậy thì hai chữ “độc lập” của đất nước cần phải xem lại, vì đó là một thể loại khác của thân phận nô lệ...

*

Theo Luật Nhân quyền trên thế giới có thể tạm định nghĩa buôn người là một dạng thương mại bất hợp pháp nhằm mục đích thu lợi bất chính. Nạn nhân của tội buôn người thường là phụ nữ và trẻ em bị lạm dụng tình dục hay lao động cưỡng bức, một dạng nô lệ thời hiện đại. Đây là "ngành công nghiệp" tội ác có mức độ phát triển nhanh nhất trên thế giới, cùng với buôn lậu vũ khí đứng hàng thứ hai về quy mô, chỉ sau buôn bán ma túy

Các đối tượng bị bắt giữ trong đường dây buôn người.

Chuyện buôn người (human trafficking) là vấn nạn của các nước nghèo, dân trí thấp, luật pháp kém, quyền con người không được đảm bảo. Nạn buôn phụ nữ, trẻ em ở đâu cũng có nhưng ở Việt Nam lại khá phổ biến. Cảm tưởng như bọn giang hồ đang hoạt động ở chốn không người. Những gia đình ở các vùng cao, là vùng có nhiều em xinh xắn, thường là những nơi các em ít được học hành, là nơi thuộc tầm ngắm của bọn buôn người, hay nói đúng hơn là bọn cướp người, các vụ mất tích xảy ra nhiều lắm. Điều vô lương tâm đó thậm chí còn xảy ra từ trong các gia đình khi cha mẹ sẵn sàng bán con mình. Cần hiểu rằng khi đứa trẻ sinh ra đã là một công dân của xã hội và xã hội phải có trách nhiệm với đứa trẻ chứ không phải chỉ phó thác riêng cho các gia đình. 

Có rất nhiều đường dây có tính cạm bẫy đang dăng ra chờ sẵn những con mồi không chỉ là trẻ em, mà còn là phụ nữ từ những gia đình yếu thế, dễ bị tổn thương do ( nghèo đói, nhận thức thấp). Đối tượng là phụ nữ trong đường dây môi giới hôn nhân bất hợp pháp. Tình trạng hôn nhân không tình yêu hoặc là một thứ tự bán mình, thể hiện sự tuyệt vọng của “một bộ phận không nhỏ” chị em ta, khá phổ biến như ở miền Tây Nam bộ. Chừng nào còn việc phụ nữ phải đi tự “bán mình” như vậy thì hai chữ “độc lập” của đất nước cần phải xem lại, vì đó là một thể loại khác của thân phận nô lệ. 

Một đối tượng buôn người qua biên giới bị đồn BP Cửa khẩu Tân Thanh, BĐBP Lạng Sơn bắt giữ tháng 7-2009. Ảnh: Báo Biên phòng 

Ở các nước tiên tiến, khi có những vụ việc gây tổn thất về con người là giới cầm quyền có ngay những biện pháp ứng phó. Nhiều lần đến Úc và các nước phương Tây, tôi đã được chứng kiến, nghe các câu chuyện có thực, các bé gái từ khi đi mẫu giáo đã được các cô bảo mẫu dạy dỗ những kỹ năng phòng tránh tình huống bị dụ dỗ như là không lên xe người lạ, không nhận kẹo, nhận quà của người lạ, không đi theo người lạ, đại loại như thế. Trẻ em được dạy các kỹ năng an toàn, kỹ năng sống từ khi mới khoảng ba tuổi. Đứa trẻ nào cũng phải thuộc bài học “dừng lại, nhìn, lắng nghe và suy nghĩ ” trước khi qua đường. Ba tuổi đã có cảnh sát đến trường mẫu giáo giảng dạy về an toàn, thuộc số điện thoại của cảnh sát (ở Úc là 000, ở Mỹ là 911). Trẻ em dưới sáu tuổi bao giờ cũng có người lớn ở bên cạnh dù ở bất cứ đâu. Trẻ em dưới 12 tuổi luôn phải trong tầm mắt của người lớn. Chỉ cần thấy trẻ em bị bỏ một mình, sẽ có người qua đường tự giác đến hỏi han, giúp đỡ. Bố mẹ để trẻ em ở nhà, hoặc để trẻ em nhỏ trên ô tô một mình có thể bị báo cảnh sát và bị phạt rất nặng. Chính vì vậy, tai nạn cho trẻ em rất hiếm khi xảy ra. Càng ít việc xâm hại tình dục đối với trẻ em. 

Lực lượng trinh sát Đồn BP Bắc Sơn, BĐBP Quảng Ninh 
bắt giữ đối tượng lừa bán phụ nữ qua biên giới. Ảnh: H.A 

Ở Thái Lan đã có luật mở cho vấn đề hành nghề gái mại dâm, điều đó cũng dẫn đến hậu quả là nạn buôn người. Để làm hạn chế điều xấu của một quyết sách về kinh tế, họ đã áp dụng "Luật tình dục" và vấn đề buôn người đã chuyển sang một hướng khác và trở thành một công việc thương mại thuần túy, đòi hỏi sự tự nguyện hơn là bắt buộc phải làm! 

Vấn nạn buôn người ở nước ta đã và đang xảy ra, nhưng chúng ta đã làm gì để giúp các em gái tuổi teen tránh nguy cơ là nạn nhân? Bản thân các em học sinh, gia đình và cộng đồng nên có nhận thức đầy đủ về vấn đề này để tạo ra môi trường sống và học tập lành mạnh, phòng chống sự tấn công tinh vi của các đường dây tội phạm. Cần có biện pháp xây dựng giải pháp lâu dài thông qua giáo dục phổ cập tại nhà trường và gia đình để con em tránh những hậu quả khôn lường của vấn nạn trên. Đối với những kẻ yếu thế, xã hội cũng không bỏ rơi nếu khi họ gặp vấn đề khốn khổ về mất cân bằng trong giáo dưỡng và thiếu thốn vật chất một cách trầm trọng. Vấn đề là giải quyết công ăn việc làm tại các miền quê nghèo đói ra sao để bọn lưu manh không có cơ hội lộng hành? 

Các nhà báo không nên dừng lại ở khía cạnh thương tâm, ly kỳ của nạn nhân mà phải phân tích sâu hơn, đánh thức xã hội về các hành vi gây ra trong hoạt động buôn người và hệ lụy của nó cũng như khởi nguồn của tội ác. Cần nói tới trách nhiệm của các cơ quan chức năng (như lao động thương binh & xã hội), và cơ quan chống tội phạm còn quá mờ nhạt trong việc phòng chống vấn nạn buôn người. 


bản gốc của tác giả 



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo