Xin cám ơn ông Nguyễn Tấn Dũng - Dân Làm Báo

Xin cám ơn ông Nguyễn Tấn Dũng

Nguyễn Hưng Quốc (VOA) - Ngày 12 tháng 9 vừa rồi, đích thân Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đóng vai trò xung kích trong mặt trận chống lại một số blog độc lập bằng tiếng Việt bằng cách ra lệnh cho các Bộ dưới quyền, từ Bộ Công an đến Bộ Thông tin và Truyền thông cũng như nhiều “cơ quan chức năng” khác, “chỉ đạo điều tra, xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm theo đúng quy định của pháp luật”. Ngoài ra, ông cũng ra lệnh cho Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Tuyên giáo Trung ương, báo Nhân Dân, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ và các cơ quan thông tin đại chúng “tăng cường cung cấp thông tin kịp thời, chính xác và chủ động phản bác các thông tin không đúng sự thật, xuyên tạc, chống Đảng và Nhà nước”. Chưa hết. Nguyễn Tấn Dũng còn hạ lệnh: “Các Bộ, ngành, các địa phương lãnh đạo cán bộ, công chức, viên chức không xem, không sử dụng, loan truyền và phổ biến các thông tin đăng tải trên các mạng phản động.”

Chuyện lên án và cấm đoán các blog độc lập là chuyện thường ngày ở Việt Nam. Chả có gì lạ cả. Không phải chỉ lên án hay cấm đoán, từ trước đến nay, chính quyền đã từng bắt giam nhiều nhà báo độc lập dám lên tiếng phê phán chính quyền Việt Nam, thậm chí, phê phán…Trung Quốc.

Tuy vậy, chỉ thị ngày 12/9 của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vẫn gây ấn tượng rất mạnh ở một số điểm chính:

Thứ nhất, lần đầu tiên, trong một văn bản chính thức, Thủ tướng nêu đích danh một số blog ra để lên án: Dân Làm Báo, Quan Làm Báo và Biển Đông.

Thứ hai, chưa bao giờ Thủ tướng công khai huy động một lực lượng hùng hậu và đông đảo, từ Ban Tuyên giáo Trung ương đến Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Thông tấn xã cũng như tất cả các báo lớn của chính phủ ra quân đồng loạt như vậy.

Hai đặc điểm vừa nêu cho thấy ít nhất hai vấn đề: Một, Thủ tướng, và sau lưng ông, chính phủ, thấy các blog ấy là đáng sợ; và hai, họ muốn giải quyết vấn đề một cách mạnh mẽ và nhanh chóng.

Bỏ qua vấn đề thứ nhất, ở đây, chúng ta chỉ tập trung vào vấn đề thứ hai: Liệu chính phủ Việt Nam có thể thành công trong mục tiêu triệt hạ các blog độc lập và thay thế chúng bằng các phương tiện truyền thống đại chúng có sẵn vốn nằm trong tay nhà nước?

Không cần thời gian, câu trả lời cũng đã rõ: Không.

Một mặt, báo chí nhà nước, dù có cố gắng đến mấy thì cũng không thể thu hút được sự chú ý của quần chúng Việt Nam. Thì chính phủ cũng đã cố gắng làm điều đó, trong phạm vi cả nước, từ cả gần 40 năm nay rồi. Nhưng tình hình chỉ càng ngày càng tệ. Báo Nhân Dân chả ai mua. Dù có phát không cũng chả mấy người thèm đọc. Thật ra, muốn thay đổi tình trạng ấy cũng không phải là không có cách. Thứ nhất là các bài viết phải đáp ứng được thị hiếu và những điều dân chúng thực sự quan tâm. Thứ hai là thật thà và thuyết phục. Thứ ba là…. Thứ tư là…. Mà thôi. Dừng lại ở hai điều ấy cũng đã đủ. Đó là hai điều căn bản nhất.

Nhưng với chính sách hiện nay, cả hai đều bất khả. Tất cả những vấn đề dân chúng quan tâm đều bị xem là “nhạy cảm” và không được đề cập. Nếu đề cập thì người ta lại không thể thật thà. Thật thà là ở tù ngay tức khắc. Tấm gương của nhà báo Nguyễn Việt Chiến, người bị kết án tù hai năm vì “tội” vạch trần vụ án tham nhũng PMU18 cũng như tấm gương của nhà báo Hoàng Khương bị kết án bốn năm tù giam mới đây cũng vì một “tôi danh” tương tự cho thấy điều đó.

Mặt khác, như nhiều người đã từng chứng minh, ở Việt Nam, những lệnh cấm như trên chỉ có tác dụng ngược. Sách, được phát hành bình thường, người ta thờ ơ; khi có lệnh thu hồi, người ta bỗng ùn ùn kéo nhau đi tìm mua, kể cả với giá đắt hơn hẳn giá in trên bìa. Sống trong một xã hội bị kiểm soát ngặt nghèo và phi lý như Việt Nam, quần chúng tự dưng có tâm lý xem “hàng cấm là hàng quý”. Chính vì thế, sau chỉ thị của Thủ tướng, số lượng người truy cập vào ba blog kia hẳn là sẽ tăng vọt.

Chính ở đây, tôi nghĩ, chúng ta cần phải cám ơn ông Nguyễn Tấn Dũng.

Trước hết, ba blog được Nguyễn Tấn Dũng nêu tên nên cám ơn ông: Tự dưng họ nhận được một màn quảng cáo thật hiệu quả. Ví dụ, trước, có lẽ không mấy người biết đến blog có tên là “Biển Đông”. Bản thân tôi, thú thật, tôi không biết. Blog Quan Làm Báo có thể có nhiều người đọc nhưng chưa chắc đã có nhiều người tin do cách viết khá rẻ tiền cũng như cách trình bày nhếch nhác của họ. Vậy mà, nhờ Nguyễn Tấn Dũng, cả ba đều nổi danh như cồn và đều thu hút sự chú ý của vô số người đọc, ngay cả những người, tôi biết, trước đây vốn khá thờ ơ đối với chính trị.

Xin lưu ý là không phải Nguyễn Tấn Dũng chỉ làm ba blog trên trở thành nổi tiếng ở Việt Nam hay trong cộng đồng người Việt ở hải ngoại. Ông còn làm cho chúng nổi tiếng trên cả thế giới. Suốt mấy tuần qua, đọc báo tiếng Anh khắp nơi, ở đâu tôi cũng thấy người ta nhắc đến chỉ thị của Nguyễn Tấn Dũng và ba cái blog được ông nêu tên.

Có bài viết rất kỹ như các bài trên ABC, Asia Times, International Business Times , Eurosia Review, đặc biệt trên Committee to Protect Journalists.

Làm được như vậy, ông Nguyễn Tấn Dũng bỗng dưng trở thành người có…công trong việc thuyết phục thế giới là Việt Nam…độc tài thật. Trước, thật ra, không phải người nào cũng biết là Việt Nam độc tài. Thứ nhất, người ta không quan tâm mấy đến tình hình Việt Nam. Thứ hai, nếu đọc đâu đó về một số cuộc bắt bớ các nhà báo hay blogger ở Việt Nam, người ta cũng có thể bị lung lạc bởi các luận điệu tuyên truyền của chính phủ: lý do bị bắt là một điều gì khác (ví dụ trốn thuế) chứ không phải vì vấn đề ngôn luận. Bây giờ thì khác. Riêng việc Thủ tướng ra chỉ thị và huy động hầu như toàn bộ bộ máy cầm quyền để tấn công một số blog như vậy, dưới mắt người Tây phương, là một điều cực kỳ bất thường. Họ không hiểu được.

Tôi cảm nhận điều ấy bằng chính kinh nghiệm trực tiếp của mình. Một hai tuần qua, gặp bạn bè Úc, một trong những đề tài họ hỏi tôi nhiều nhất là cuộc tấn công nhắm vào các blog do ông Nguyễn Tấn Dũng phát động. Tôi thấy rõ là họ quan tâm đến chuyện ấy hơn hẳn chuyện chính quyền mang người này người kia ra xét xử. Họ không biết vụ án Cù Huy Hà Vũ. Họ cũng không biết vụ xét xử Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, Phan Thanh Hải và Tạ Phong Tần. Nhưng họ lại chú ý đến cái chỉ thị quái đản của ông Nguyễn Tấn Dũng. Nó gọn. Nó rõ. Và nó rất tiêu biểu cho một chế độ độc tài. Tự thân bản chỉ thị hiện hữu như một lời tố cáo.

Nguyễn Hưng Quốc


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo